Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019


Từ Mỹ Tửu “Rượu Làng Chuồn” đến “Hoàng Triều Ngự Tửu” – Sản vật từ cố đô Huế


Bất ngờ trên trang FB của Võ Đức Phúc, một phóng viên và là FBker nổi tiếng có bài post lên khá lạ vào ngày 29/10/2019: “Công nhận xứ Huế có rượu làng Chuồn quá ngon, đã uống say bét nhè mà trời còn mưa như ai hắt nước vào người nữa, tỉnh rồi vẫn còn cảm giác phiêu linh…”
Những người con xứ Huế chắc không lạ với Rượu làng Chuồn, nhưng Hà Nội hay Sài Gòn cũng đã biết đến thương hiệu rượu nổi tiếng này khi được các đại lý phân phối bán ra, sau khi các nghệ nhân được phục hồi công thức nấu và ngâm thuốc…
Rượu Làng Chuồn – Hồi sinh một làng nghề nấu rượu Tiến Vua 

Rượu Làng Chuồn – Hoàng Triều Ngự Tửu rất vinh dự là quà tặng dành cho ngài đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius

Nhà báo Võ Đức Phúc viết : “Đời người đôi khi chỉ cần một giây phút lắng đọng để cảm xúc lòng được thăng hoa, uống một bình rượu ngon, bên những người bạn hiền, nghe một bản nhạc hay mà cảm giác như đang uống cạn nước mắt rồi hòa mình vào dòng chảy êm đêm mà đau xót. Cảm xúc sẽ làm con người trở nên mạnh mẽ hơn trước thật giả của cuộc sống.
Tỉnh rượu rồi mà nghe lại lời bài hát “Người đàn bà đi nhặt mặt trời” – (tác giả Đức Tiến), lòng chỉ muốn khóc. Người đàn bà đi nhặt cuộc tình/ không nhớ người quen bỏ mặc mình/ Tuổi xanh khát nắng giữa đời cháy da/ Đưa mặt lên khóc, thương tình xót xa…
Nghe nhạc mà thương “người đàn bà của Đức Tiến” quá. Con người muốn tìm một điều gì đó, đôi khi tìm thấy trong tầm với nhưng với mãi vẫn còn xa, thôi cứ mặc đời vậy. Cám ơn rượu làng Chuồn”.
Tạp chí Đồ uống Việt Nam tò mò tìm hiểu vì xứ Huế – đất cố đô, có thứ rượu này ắt hẳn không phải tầm thường. Và những thông tin có được khá lý thú, đây là loại rượu truyền thống của một làng, chuyên cung cấp cho vua chúa thời xưa, rất ngon.
Theo thông tin thì vào tối ngày 22/9/2012, tại nhà hàng Nón lá – Trung tâm Du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế nay”, cơ sở sản xuất rượu truyền thống làng Chuồn tổ chức lễ ra mắt sản phẩm “Rượu Làng Chuồn”. Sự kiện này đã thu hút đông đảo sự chú ý và quan tâm của người dân xứ Huế cũng như du khách.
Tại đây, thứ rượu quý hiếm này đang được hồi sinh bởi chính những người con Làng Chuồn đã thành danh ở đất khách quê người, nay quay trở lại quê hương Huế thành lập Công ty Cổ Phần Rượu Làng Chuồn để khôi phục lại ngành nghề nấu rượu truyền thống, khôi phục lại thanh danh cho Rượu Làng Chuồn từng một thời tiến vua.
Thông báo từ công ty này cho biết, Rượu Làng Chuồn được chưng cất từ nguồn nước và gạo của làng Chuồn, men đặc chế riêng và được nấu từng mẻ trong các chum đồng cổ truyền thống. Những nghệ nhân nấu rượu đã kết hợp công nghệ tinh lọc hiện đại để loại bỏ các độc tố gây hại như Andehit… để cho ra dòng rượu thơm ngon đặc trưng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được biết, hiện nay làng An Truyền có chừng 300 người làm nghề nấu rượu với hơn 100 lò rượu gia đình suốt ngày đêm đỏ lửa. Không khí xóm nấu rượu gần đình làng không hề yên tĩnh, mùi rượu cứ thoang thoảng ra tận đầu ngõ. Đến thăm các lò rượu mới thấy, để có một mẻ rượu ngon, người làng An Truyền đã dồn bao công khó nhọc, cần mẫn làm lụng và nhất là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ nay. Nhờ đó mới có thể giữ cái thương hiệu sản xuất một sản phẩm mỹ tửu đến từ đất đế đô của làng nghề này.
Vì sao rượu nấu ở làng An Truyền lại mang tên Rượu làng Chuốn? Làng Chuồn chính là tên Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi nằm ven phá Tam Giang, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang. Có phá Tam Giang bao quanh, nguồn nước và thổ nhưỡng của An Truyền rất đặc biệt cho sản sinh ra nhiều sản vật đặc trưng, trong đó có rượu gạo làng Chuồn nổi danh.
Theo các nghệ nhân, rượu làng Chuồn là sản vật được người làng chắt chiu chưng cất bao đời rất đặc biệt vì gạo dùng để nấu là loại gạo lứt đỏ đầy cám được trồng trên cánh đồng nước lợ của làng. Từng mẻ rượu được cất trong các chum đồng cổ truyền thống và phải được nấu bằng củi hoặc vỏ trấu. Đến nước dùng cho việc chưng cất cũng phải được lấy từ mạch nguồn của làng.
Rượu làng Chuồn cũng được những người sành điệu cho là nên uống thưởng thức vừa đủ và chiêm nghiệm độ cay nồng thấm vào từng đường gân thớ thịt, chứ không phải uống cho say mèm.
Hoàng Triều Ngự Từu – Rượu ngon cần vinh danh
Theo những người am tường, trước đây có một loại rượu đặc biệt chuyên để dâng lên cung đình, gọi là “Hoàng triều Ngự tửu”. Đây chính là tên của một dược tửu ở Cố đô Huế. Giá trị độc đáo của loại rượu thuốc này là sự nồng đượm từ rượu gạo lứt đỏ làng Chuồn, ngâm với Minh Mạng thang, toa thuốc duy nhất được sưu tầm tới nay có đóng mộc đỏ của Thái Y viện triều Nguyễn, phân biệt với các dị bản của Minh Mạng thang đang lưu truyền trong dân gian.
Người nấu rượu làng Chuồn nổi tiếng nhất được nói đến là ông Đặng Văn Thạnh. Ông Thạnh thật ra không sinh ra và lớn tại làng An Truyền mà là người gốc Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, nhưng lại dành trọn niềm đam mê, thời gian và cả tiền bạc để phát triển thương hiệu rượu gạo làng Chuồn và Hoàng triều Ngự tửu.
Chuyện kể rằng, khi rời ghế nhà trường thì ông Đặng Văn Thạnh cũng rời Huế để tìm nhiều cơ hội phát triển làm ăn. Đi nhiều nên Thạnh thấy được mạch nguồn văn hóa Huế vô cùng lớn, nhưng nhiều di sản chưa được khai thác hết tiềm năng. Rượu gạo làng Chuồn là sản phẩm thủ công truyền thống đầu tiên anh chọn phát triển thương hiệu khi quay trở lại đầu tư ở Huế. Bởi vì, ông được biết dưới thời nhà Nguyễn, rượu gạo làng Chuồn là một trong những danh tửu được tiến vua, do vậy ông Đặng Văn Thạnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm rượu cung đình, trong đó có Hoàng triều Ngự tửu.
Có thể hiểu rằng, dưới triều Nguyễn thì việc nấu và sử dụng rượu trong triều đình được nhà nước quản lý rất chặt chẽ và phân định nhiều loại khác nhau. Trong những loại này, rượu làng Chuồn là loại rượu do triều đình nhà Nguyễn tuyển chọn giống lúa tốt, giao cho dân làng trồng tỉa, thu hoạch, nấu thành rượu để tiến vào cung, phục vụ các dịp tế hưởng của triều đình. Năm 2012 loại rượu này được phục hồi thì năm 2013 ông Đặng Văn Thạnh thành lập Công ty CP Rượu Làng Chuồn để tập trung sản xuất loại rượu này.
Sau này, khi Công ty CP Rượu Làng Chuồn phát triển thêm dòng sản phẩm rượu cung đình, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm cùng chủng loại được bán khá nhiều. Nhiều người dân làng Chuồn đã nấu theo kỹ thuật thủ công truyền thống lâu đời, rượu được ngâm với toa thuốc Minh Mạng thang theo công thức của Thái Y viện triều Nguyễn. Đó không chỉ là loại rượu quý về chất lượng, mà còn mang cả những giá trị di sản văn hóa vô hình của một vùng đất, khiến nhiều người phải mê đắm. Người làng nấu rượu bán cho công ty của ông Đặng Văn Thành song song với việc xây dựng thương hiệu vùng cho các sản phẩm ở đây – Rượu Làng Chuồn.
Riêng với Hoàng triều Ngự Tửu thì phía ông Đặng Văn Thạnh cho rằng, trên thị trường hiện có khoảng hơn 20 dị bản của toa thuốc Minh Mạng thang nhưng công ty ông may mắn được sự hỗ trợ của Nhà giáo ưu tú, lương y Phan Tấn Tô (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh) đã tiếp cận được đơn thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm do Thái Y viện triều Nguyễn kê đơn cho vua Minh Mạng dùng, đề ngày 26 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có dấu mộc đỏ chứng nhận. Đối chiếu với các bài thuốc Minh Mạng thang lưu truyền trong dân gian, Hội Đông y tỉnh đã xác định tờ châu bản có đơn thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm nói trên chính là toa thuốc Minh Mạng thang được truyền tụng lâu nay.
Hiện nay, Hoàng triều Ngự tửu đã vươn đến được Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và như ông chủ thương hiệu này phát biểu, mong nhận được sự ủng hộ để có cơ hội phát triển những dòng sản phẩm của đất cố đô.

Nhà văn Mường Mán

Còn ở TP. Hồ Chí Minh, những người con xứ Huế thường đến quán Ruốc của nhà văn Mường Mán uống rượu làng Chuồn nguyên chất, cảm nhận độ dày của men rượu và lâng lâng cảm nhận cuộc đời…

Không có nhận xét nào: