Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Obama đưa ra lạc quan và cảnh báo trong diễn văn cuối cùng

Obama đưa ra lạc quan và cảnh báo trong diễn văn cuối cùng

Tổng Thống Barack Obama, Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle, và con gái Malia, vẫy chào mọi người sau khi kết thúc bài diễn văn. (Hình: AP Photo/Pablo Martinez Monsivais)
CHICAGO, Illinois (NV) – Trong bài diễn văn cuối cùng trong vai trò lãnh đạo cao nhất Hoa Kỳ gởi tới dân chúng Mỹ, được đọc tại Chicago, Illinois, hôm Thứ Ba, Tổng Thống Barack Obama đưa ra suy nghĩ lạc quan đối với nước Mỹ, đồng thời đề cập một số cảnh báo, và ông vẫn chưa từ bỏ đường hướng thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, với tình hình chính trị tại Washington, DC trong những ngày tới, ông cũng thừa nhận rằng “cứ có hai bước tiến thì có vẻ như có một bước lùi.”
“Ðây là điều tôi học được, đó là, thay đổi chỉ có thể xảy ra nếu dân chúng tham gia, hành động, và cùng với nhau đưa ra đòi hỏi của mình,” ông Obama nói, trong một hội trường đầy kín người.
“Sau tám năm làm tổng thống, tôi vẫn tin vào điều này,” ông nói tiếp. “Và đây không chỉ là niềm tin của riêng tôi. Nó là nhịp đập trái tim của ý tưởng nước Mỹ chúng ta – một thử thách mạnh mẽ trong việc tự điều hành chính quyền.”
Trong lúc ông nói chuyện, nhiều lần cử tọa la lớn “Tôi thích ông Obama” làm ông phải ngừng lại.
Khi có một người phản đối, đưa tấm bảng “Hãy giảm án cho tất cả chúng tôi,” ý nói ông Obama giảm án cho nhiều tù nhân nhất trong số các tổng thống từ trước tới nay, đám đông la lớn “bốn năm nữa,” ý nói muốn ông tiếp tục làm tổng thống.
Trong bài diễn văn tìm cách thu hút đám đông, ông Obama nói về những thành tựu đạt được trong tám năm qua, từ bảo hiểm y tế cho tới công bằng trong hôn nhân, trong khi thừa nhận rằng ông chưa hoàn tất hết tất cả mục tiêu muốn làm.
Obama đưa ra lạc quan và cảnh báo trong diễn văn cuối cùng
Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama ôm tổng thống sau khi ông kết thúc bài diễn văn. (Hình: AP Photo/Pablo Martinez Monsivais)
Hồi năm 2008, ông Obama cũng đọc bài diễn văn tại Chicago, chấp nhận kết quả thắng cử.
Tám năm sau, ông trở lại thành phố này, đọc bài diễn văn kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống.
Ông cũng nhắc đến người kế nhiệm ông, Tổng Thống Ðắc Cử Donald Trump, nói rằng ông sẽ giúp chuyển giao quyền hành một cách êm thấm.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, những người theo đảng Dân Chủ không bắt buộc phải có quan điểm giống với tổng tư lệnh quân đội của họ.
“Dân chủ không có nghĩa là phải giống nhau,” ông Obama nói. “Các nhà lập quốc Hoa Kỳ từng cãi nhau, rồi tương nhượng nhau, và họ mong chúng ta cũng làm như vậy. Nhưng họ biết, dân chủ đòi hỏi một sự đoàn kết căn bản, một khái niệm mà trong đó, chúng ta có thể khác nhau, nhưng phải cùng nhau, đi lên, hoặc đi xuống.”
Bài diễn văn này là một phần của cuộc giã từ của ông Obama, kéo dài trong mấy tháng, qua các cuộc phỏng vấn, nói chuyện trên truyền hình, trong lúc chuẩn bị dọn ra khỏi Tòa Bạch Ốc.
Qua tất cả công việc này, ông Obama tìm cách nhấn mạnh các thành quả đạt được, dựa trên các thống kê, cho thấy Hoa Kỳ tốt hơn tám năm về trước.
Ông cũng cảnh báo rằng “luật không vẫn chưa đủ” để giải quyết các khác biệt giữa người Mỹ với nhau.
“Chúng phải thay đổi tấm lòng,” ông nói.
Ông cũng yêu cầu người Mỹ da trắng hãy coi các cuộc biểu tình của người thiểu số chỉ là một cuộc đấu tranh “không phải để được đối xử đặc biệt, mà được đối xử công bằng, như các nhà lập quốc đã hứa.”
Kết thúc bài diễn văn, ông nói câu nói nổi tiếng: “Vâng, chúng ta có thể (làm được).”
“Và chúng ta đã (làm được),” ông nói tiếp.
Bài diễn văn của ông Obama dài đúng 55 phút, được đọc tại McCormick Place Convention Center, có sự hiện diện của Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama, con gái Malia, và ông bà Phó Tổng Thống Joe Biden. (Ð.D.)

Cuộc gặp mặt đầu tiên của cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma

Cuộc gặp mặt đầu tiên của cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma

10/01/2017 - 13:45 PM
Những người lính tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988 và thân nhân những người đã ngã xuống trong hai trận chiến ấy vừa có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên tại di tích lịch sử đặc biệt Dinh Độc Lập, Sài Gòn, ngày 9.1.2017. Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa tổ chức sự kiện này nhân kỉ niệm 3 năm ngày Chương trình khởi xướng và đi vào hoạt động.
Cuộc gặp mặt còn có sự tham dự của cô giáo Vân Chi và cháu Bảo Nam, vợ và con của liệt sỹ đại úyTrần Văn Duẩn, đồn Biên phòng A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai, người hy sinh rạng sáng 17.2.2011, trong một cuộc chống trả nỗ lực xâm nhập Biên giới trái phép từ Trung Quốc.    
 Hoàng Sa Gạc Ma
Cựu binh Lữ Công Bảy Giám lộ trên HQ-4 trong hải chiến Hoàng Sa 1974 và cựu binh Lê Hữu Thảo, tiểu đội trưởng phòng tham mưu Lữ 146 trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 tại buổi lễ gặp mặt.Ảnh: Lê Quỳnh
Tại buổi gặp mặt, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, đại diện Nhịp cầu Hoàng Sa chia sẻ: Mục tiêu của Chương trình không dừng lại ở những hoạt động tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống hành động xâm lược của Trung Quốc, đặc biệt là tại hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988, mà còn là một nỗ lực hòa giải.       
Hoàng Sa là một địa danh nhắc nhở mỗi khi người Việt kề vai sát cánh bên nhau sẽ nhận rõ ai mới thực sự là kẻ thù chung, ai mới là kẻ có dã tâm xâm lược. Vì thế, Hoàng Sa còn là một NHỊP CẦU cần "bắc" để nối những tấm lòng và để người Việt hòa giải cùng người Việt.
Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa các cựu binh Việt Nam Cộng Hòa - những người đã tham gia trận hải chiến bảo vệ bất thành Hoàng Sa ngày 19.1.1974 và thân nhân các tử sỹ Hoàng Sa - với các cựu binh Quân Đội Nhân dân Việt Nam, những người tham gia bảo vệ bất thành Gạc Ma ngày 14.3.1988 và thân nhân các gia đình liệt sỹ Gạc Ma là một minh chứng rõ nét cho điều đó.    
 Hoàng Sa Gạc Ma
Các cựu binh Hoàng Sa và Gạc Ma kể lại trận các trận đánh lịch sử mà họ là nhân chứng.Ảnh: Quý Hòa
Chia sẻ tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Những đóng góp của Nhịp cầu Hoàng Sa thật nhỏ bé nhưng rất đáng tự hào vì đã vượt qua được những rào cản trong trí óc, tâm tưởng; dù chỉ làm chuyển dịch được "một xăng-ti-mét" hàng rào ngăn cách tiến trình hòa giải cũng rất có ý nghĩa.
Ông Quốc nói, lịch sử Việt Nam từng có những thời kì Nam Bắc phân tranh, nhưng suốt 300 năm đó là 300 năm phương Bắc không thể đụng chạm đến Việt Nam. Trong lịch sử có thể có những xung đột về mặt chính trị, lợi ích nhưng cũng lịch sử đã cho thấy không người Việt Nam nào không nghĩ đến gốc gác Việt Nam và trách nhiệm chung của mình với Tổ quốc.
“Những gì đã diễn ra trong thập kỉ vừa qua cho thấy tất cả những khắc nghiệt của nó, nhưng cũng đồng thời cho thấy rằng trải qua tất cả những biến cố ấy, chúng ta có đủ sức vóc trải nghiệm để trưởng thành. Bài học mà chúng ta học được trong câu chuyện đang diễn ra ngày hôm nay rất giản dị. Những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên chiến trường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc đã chứng minh rằng sức mạnh lớn nhất để họ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược chính là ý chí. Những chương trình nhằm nỗ lực hòa giải dân tộc như Nhịp cầu Hoàng Sa cần được nhân rộng trong xã hội.”, ông Quốc nói.
Vắng mặt do sức khỏe không tốt, Thiếu tướng Chuẩn đô đốc Hải quân Nhân dân Việt Nam Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc gửi lời đến cuộc gặp mặt: “Tôi tin rằng cuộc gặp mặt này là một biểu tượng tốt đẹp cho sự hòa hợp, hòa giải, nó nói lên mong muốn và nỗ lực của chúng ta là đoàn kết nhất trí để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo.”        
Hoàng Sa Gạc Ma
Cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma viếng bà quả phụ hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí ngày 8.1.2017.Ảnh: Quý Hòa
Trước đó, ngày 8.1, đoàn các cựu binh và thân nhân đã tới viếng bà quả phụ hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí, nhũ danh là Ngô Thị Kim Thanh vừa qua đời ngày 7.1. Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí, Hạm phó Hộ tống hạm Nhựt Tảo, đã tử trận tại Hoàng Sa ngày 19.1.1974. Nhịp cầu Hoàng Sa đã góp phần để mẹ con bà Thanh được ổn định cuộc sống trong ngôi nhà mới khang trang trong năm 2016.
Các cựu binh tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, Gạc Ma năm 1988 và thân nhân những người đã ngã xuống trong hai trận chiến này cũng đã có hai ngày trước đó tham quan Sài Gòn và Chợ Lớn, Dinh Độc Lập, giao lưu, thăm hỏi thân tình...
Hoàng Sa Gạc Ma
Đoàn cựu binh Hoàng Sa - Gạc Ma Tham quan Dinh Độc Lập ngày 9.1.2017. Ảnh: Quý Hòa
Nhịp Cầu Hoàng Sa là chương trình do nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu và các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức cùng khởi xướng từ tháng 1.2014 với sự tham gia tích cực của nhiều người trong và ngoài nước: kỹ sư Nguyễn Đức Huy, Đỗ Thanh Triều, doanh nhân Lê Hải, doanh nhân Đặng Cao Thắng, Tạ Hinh, Trần Thu Nga,...; các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nghệ sĩ: Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Trọng Khôi, Phương Bình, ca sĩ Ánh Tuyết, diễn viên điện ảnh Hồng Ánh... 
Ngay trong hai tuần đầu tiên sau khi công bố và chính thức vận động, số tiền gửi về ủng hộ chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã lên đến 900 triệu đồng. Đến nay, sau 3 năm, chương trình đã nhận được hơn 1.200 lượt đóng góp của người Việt Nam ở mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới với số tiền lên đến gần 7 tỷ đồng, trong đó gần 6 tỷ đồng đã được chi ra cho các hoạt động tri ân.
Trong 3 năm qua, Nhịp cầu Hoàng Sa đã mua, xây và tài trợ "dựng lại" 10 căn nhà với khoản đầu tư từ 400 triệu đồng  mỗi căn; mở sổ tiết kiệm; trao học bổng dài hạn cho con em, hỗ trợ tiền chữa trị bệnh, mua sắm các phương tiện làm ăn sinh sống mà đối tượng thụ hưởng là các gia đình của những người lính đã tham gia, đã ngã xuống ở chiến trường Hoàng Sa, Gạc Ma.
Hoàng Sa Gạc Ma
Nhịp cầu Hoàng Sa tặng quà tết Đinh Dậu 2017 cho các cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma. Ảnh: Quý Hòa  
Các trận hải chiến Hoàng Sa và Gạc Ma được đề cập như thế nào trong tài liệu phổ biến chính thức của Việt Nam ?
Năm 1974, lợi dụng lúc quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam vào năm 1973, CHND Trung Hoa đã huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của CHND Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-ve năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.
Hoàng Sa Gạc Ma
Vợ những người lính đã hi sinh trong các trận hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma trong ngày gặp mặt lần đầu tiên ngày 9.1.2017. Ảnh: Quý Hòa
Tại Trường Sa, năm 1988, CHND Trung Hoa huy động lực lượng vũ trang đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển.
Năm 1995, CHND Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam quần đảo Trường Sa.
Hiện nay Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng 76 bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, tổng số đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 7 vị trí. 
(Trích tài liệu "100 câu hỏi đáp về Biển Đảo Việt Nam" do Ban Tuyên Giáo Trung ương phối hợp với các chuyên gia soạn thảo, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông 2013).
Lê Quỳnh

Xôn xao đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở Huế được sơn vàng

In bài viết
Hình ảnh Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở TP.Huế được sơn vàng mới lan truyền trên mạng
  Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (hay còn gọi là Bia Quốc học) nằm trên đường Lê Lợi, phía trước cổng trường THPT chuyên Quốc học Huế (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đang được trùng tu sơn vàng gây xôn xao dư luận.
Hạng mục trùng tu và cải tạo Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm trong chương trình chỉnh trang công viên dọc bờ Nam sông Hương do UBND TP.Huế làm chủ đầu tư.
Một góc đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong trước trường chuyên Quốc học Huế
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong lúc chưa tôn tạo
Phần nền móng ở khu vực đài sẽ được tháo dỡ gạch bị nứt gãy, lớp gạch lát bị hư hỏng, lớp vữa láng bậc cấp, đào đất nền móng bị sút lún để gia cường móng. Ngoài ra, sẽ gia cường móng, xây bù gạch chỉ, bơm vữa vào các khe nứt và phần tiếp giáp móng gạch với bê tông.
Riêng bia sẽ được bóc lớp vữa, tháo dỡ ngói lợp bị hư hỏng, tháo gạch men trang trí, đục phần gạch mủn mục, nứt gãy; tô trát lớp vữa bị bong tróc bằng vữa tam hợp; lợp lại ngói ống men trong đó có tận dụng ngói cũ 30%; tu bổ các họa tiết trang trí, bổ sung hoa văn trang trí bị hư hỏng.
Phần lan can, trụ biểu, bến thuyền, trụ lan can cổng vào  cũng được bóc lớp vữa bong rộp, đục phần gạch bị mủn mục, nứt gãy để xây tu bổ và gia cường, gắn lại ngói dương men, trang trí họa tiết, sành sứ… Ngoài ra, dự án còn làm lại hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật ở mái, tường bia, trụ biểu với 67 bóng. Toàn bộ công trình được đầu tư với kinh phí khoảng 700 triệu đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 1.2017.
Hiện, toàn bộ công trình đang được sơn màu vàng mới. Dư luận đang bàn tán xôn xao về việc này trên các mạng xã hội.
Công trình đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong thời gian đầu sửa chữa
Trao đổi với Một Thế Giới cách đây ít phút, Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết công trình này do thành phố Huế làm chủ đầu tư, không liên quan đến Trung tâm.
“Cái này không thuộc di tích Cố đô Huế, nhiều người nhầm lẫn lắm. Đây là Đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong, do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1920, sau thế chiến 1. Người Pháp xây lên với mục đích mị dân, sau đó đề tên một số lính Việt Nam bị đưa sang chiến trường châu Âu và chết bên đó. Khi khánh thành thì vua Khải Định tới dự”, TS. Phan Thanh Hải cho biết về lai lịch đài tưởng niệm.
Cận cảnh công trình dở dang
“Nó chưa bao giờ được công nhận là di tích cả bởi vì có lai lịch như vậy, thành ra ứng xử với nó là một vấn đề. Tuy nhiên người ta vẫn đánh giá đó là một công trình đẹp, có giá trị về nghệ thuật nên cần phải tu bổ tôn tạo. Do đó, vừa rồi TP.Huế đã làm việc đó, nhưng người ta đưa vào công trình chỉnh trang chung trong công viên bờ nam sông Hương. Tôi cho cách làm đó là phù hợp và họ làm thận trọng, nghiên cứu ảnh tư liệu kỹ”, ông Hải cho biết thêm.
Cận cảnh công trình dở dang
Bình luận về việc trên mạng xã hội đang bàn tán về việc sơn màu vàng mới cho đài tưởng niệm theo kiểu ‘thà là một đống đổ nát hoang tàn nhuộm màu thời gian còn hơn là vàng son kiểu tuồng chèo, cải lương’, ông Hải cho rằng: “Đa số phản đối là dân không phải trong nghề nên họ không hiểu việc đó. Tất nhiên sau khi trùng tu và quét vôi lên thì có màu mới thôi, nhưng chỉ cần vài năm sau thì nó lại cũ vậy. Bản thân công trình này ngày xưa khi khánh thành thì nó cũng y chang như thế thôi, qua thời gian thì nó cũ như vậy”.
Cận cảnh công trình dở dang
“Tôi cho cách làm đó là được, và người ta cũng tiếp thu nhiều ý kiến các bên của các chuyên gia; và đơn vị thi công có kinh nghiệm, tôi đánh giá họ làm tốt” TS. Hải nhận định.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế cho biết đang tổ chức thông tin về công trình này sau khi báo giới và dư luận quan tâm.
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong được xây dựng vào năm 1920, tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã chết trong cuộc chiến giúp Pháp chống lại Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Công trình mang dấu ấn của thời kỳ Pháp thuộc nhưng có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo và được xây dựng thông qua cuộc thi lựa chọn kiến trúc với một hội đồng gồm 12 người, do viên Khâm sứ Trung kỳ thời bấy giờ làm chủ tịch. Trong bốn đồ án dự thi, hội đồng đã chọn đồ án của tác giả Tôn Thất Sa, giáo viên trường Bá công Huế, với giải thưởng thời đó là 80 đồng.
Đài được khánh thành 18.9.1920. Ngày nay, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong là nơi thường xuyên được tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật có tầm cỡ lớn, trong đó có các chương trình nằm trong lễ hội Festival Huế.


http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/xon-xao-dai-tuong-niem-chien-si-tran-vong-o-hue-duoc-son-vang-53895.html
Lê Đình Dũng