Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Đường Vô Xứ Huế Quanh Quanh


Đường Vô Xứ Huế Quanh Quanh









ĐƯỜNG VÔ XỨ HUẾ QUANH QUANH.
Ca dao viết: "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/Ai vô xứ Nghệ thì vô." Lại có ca dao mô tả xứ Huế:“Đường vô xứ Huế quanh quanh/
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/
Yêu em anh cũng muốn vô/
Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang/ Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/
Truông Nhà Hồ Nội Tán phá tan/
Đường vô muôn dặm quan san/
Anh vô anh được bình an em mừng”
Ca dao thì nói lên cái gì rất phổ thông nên người dân không ai là không biết chuyện nó mô tả nhưng cảm nhận, và hình dung được rõ ràng hệ giao thông vùng này trong lịch sử thì không dễ dàng nếu không tiếp cận sách Hồng Đức Bản Đồ. Tôi từng nghiên cứu hành trình đánh Chiêm Thành của Lý Thánh Tông và Lê Thánh Tông ngang qua địa phận Nghệ An, việc đào kinh đắp đường của Lê Đại Hành qua khu vực, việc nạo vét kinh Sen, lấp cữa Eo, sách sử nói về Đại Trường Sa-Tiểu Trường Sa mà chẳng hiểu mô tê gì hết phải đợi đến khi đọc Hồng Đức Bàn Đồ mới hiểu hết đường vô Xứ Huế quanh quanh là sao, sợ truông Nhà Hồ là sao, sợ phá Tam Giang là sao, vô được bình an em mừng là sao. Lật trang lịch sử đọc thì thấy xứ này là vùng chiến lược hiểm yếu.
 1- Lịch sử về xứ Huế. Xứ Huế phải hiểu rộng ra là Bình Trị Thiên mà ngày xưa gọi là châu Ô châu Ri và Lâm Bình, là Thuận Hóa. Cả 2 đều do vua Chiêm dâng đất chứ ta không có ý đánh chiếm. Xứ này không những để ấn tượng trong lịch sử của ta mà còn trong lịch sử nước Lâm Ấp, Hoàng Vương, Chiêm Thành, nói chung là lịch sử của người Phương Nam.
Thời nước Lâm Ấp và Hoàng Vương. ĐVSKTT dẫn Đào Hoàng(ĐH) truyện nói “Tướng Di là Phạm Hùng(Nước Lâm Ấp) đời đời trốn tránh làm giặc, tự xưng vương, nhiều lần đánh phá trăm họ. Vả lại nước ấy liền với nước Phù Nam, rất nhiều chủng người, bè đảng dựa nhau, cậy thế đất hiểm không phục. Trước còn nước Ngô nhiều lần đánh phá. Đào Hoàng từng đóng giữ hơn 10 năm đã trừ được những tên đầu sỏ. Nhưng ở chốn hang cùng núi sâu vẫn còn có kẻ trốn tránh.” Người ở huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam(Xứ Huế) nổi lên chống lại Phương Bắc từ đầu Thiên Niên Kỷ thứ nhất của Công Nguyên(năm 100) rồi lập quốc đương đầu xâm lược Bắc Phương trải qua các triều Hán, Ngô(Tam Quốc), Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường là nhờ địa hình như đoạn ĐH mô tả nói trên.
Tướng Lưu Phương(LP) nhà Tùy sang đánh Lâm Ấp thì binh sĩ thủng chân 10 phần chết 4 năm phần. LP ốm chết dọc đường. Do đó khi nhà Đường lên thay nhà Tùy cử Lư Tổ Thượng(LTT) sang cai trị Giao Châu, LTT không dám sang. ĐVSKTT viết “Thượng dùng dằng không chịu đi. Vua dụ nói 3 năm thì về. Tổ Thượng nói “Đất Lĩnh Nam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ ra đi không trở về”. Vua sai chém Thượng”. Sai đi khó khăn như thế nên nhà Đường dẹp Giao Châu rút lại lập ra An Nam Đô Hộ Phủ chỉ ở phía Bắc Đèo Ngang mà thôi. Quận Nhật Nam do nhà Hán lập ra trải qua Hán, Ngô Tấn Tống Tề Lương Tùy không còn nữa. Khi Trung Quốc(TQ) lập quốc thì chỉ có 9 châu. Về sau chinh phục vùng ngoại vi đặt thêm các châu mới. Giao Châu của người Việt là 1 trong số đó. Vì vậy Giao Châu mới gọi bị ngàn năm Bắc Thuộc.
Thời người Việt lập quốc. Mãi cuối Thiên Niên Kỷ, năm 939 Ngô Quyền phá quân Nam Hán, người Bắc Đèo Ngang của ta mới lập quốc được. Bên kia là nước Chiêm Thành. Năm 1069 Chế Củ nước Chiêm dâng cho nhà Lý 3 châu Bố Chánh Địa Lý Ma Linh rồi Chế Mân năm 1306 dâng đất thiêng Ô Lý để lấy được công chúa vua Trần. Tức thì năm sau 1307 người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên và cũng 1 năm sau(1307) Chế Mân chết. Đại Việt vất vả mới giữ được xứ này(Thuận Hóa).
Lịch sử Chiêm Thành đòi đất. Nhà Trần suy yếu Chiêm Thành(CT) uy hiếp thành Hóa Châu. Năm 1353 tháng 9 CT vào cướp Hóa Châu vua Trần sai mưu sĩ Trương Hán Siêu đem quân Thần Sách đến trấn Hóa Châu và lập kế sách chống giữ nhưng chẳng bao lâu bịnh chết. Năm 1362 tháng 3 CT lại vào cướp Hóa Châu. Tháng 5 sai Đỗ Tử Bình điểm duyệt quân đội ở Lâm Bình và Thuận Hóa, sửa đắp thành Hoá Châu. Thời Chế Bồng Nga(Po Binasor, Che Bonguar hay Po Bhinethuor trị vì 1360-1390) gây mưa gây gió chống Đại Việt, uy hiếp kinh đô Thăng Long, ra vào vùng từ Thanh Hóa trở vô như chỗ không người. Tân Bình(Lâm Bình) và Thuận Hóa nhiều người ngả theo Chiêm. Nhờ tên bay đạn lạc mà Chế Bồng Nga mới tình cờ trúng tên đành tử trận. Cục diện xoay chiều bất lợi cho dân Chiêm.
Nhà Hồ lên thay nhà Trần ra uy, Hồ Hán Thương đánh Chiêm năm 1402. Hồ Qúi Ly ép Chiêm Thành dâng Đại Chiêm Cổ Lũy để tha mạng cho Ba Địch Lai. Năm 1403 dân Chiêm dời hết dân đi nơi khác, bỏ đất không(ĐVSKTT). Quý Ly chia đất ấy làm lộ Thăng Hoa, đem người nào không có ruộng mà có của đến đấy để ở. Người mới đến cùng với người cũ đều biên tên vào quân ngũ, nhưng thích hai chữ tên châu hiện ở vào cánh tay. Năm sau, lại cho vợ con những người đã di đến khi trước đi theo. Những người này, lúc đi đường biển gặp gió bão, bị chết đuối nhiều. Lòng dân rất là náo động. Thật là một sự cưỡng bức di dân để xâm lăng. Nhà Minh sang diệt nhà Hồ. Cơ hội đến cho dân Chiêm lấy lại đất đuổi người Việt về Hóa Châu. Đế Ngỗi và Đế Qúi Khoáng lập ra nhà Hậu Trần chống quân Minh và hùng cứ ở Hóa Châu. Hóa Châu nổi tiếng như thế nên tướng Trương Phụ nhà Minh khi truy bức tàn quân  Trần Qúi Khoáng nói "Tôi có sống được là ở Hóa Châu, tôi có chết cũng là ở Hóa Châu, Hóa Châu mà chưa bình định xong, thì tôi còn mặt mắt nào trông thấy chúa thượng nữa?"(ĐVSKTT).
Lê Lợi khởi nghĩa năm 1418 đánh đuổi quân Minh cũng thấy hóa châu là vùng chiến lược. Năm 1425 Lê Lợi vây thành Nghệ An. Hóa Châu đứt liên lạc với Tây Đô(Thanh Hóa) và Đông Đô(Thăng Long).  Trần Hãn và Lê Nỗ đi tuần các xứ Tân Bình và Thuận Hóa để có thêm lực lượng và chia cắt quân Minh rồi kéo ra Bắc chận viện từ TQ sang để vây thành Đông Đô buộc Vương Thông đầu hàng năm 1427. Năm 1428 Lê Lợi lập ra triều Lê. Lê Thánh Tông chiếm thành Đồ Bàn lập ra thừa tuyên thứ 13 là Quảng Nam, đẩy biên giới xa xuống phía Nam. Ngừng nói chuyện lịch sử để chuyễn sang nói chuyện đất thiêng của xứ Huế. Chế Mân dâng đất này cho ngoại bang thì bị chết tức thì. Đại Việt được đất thì to lớn ra. Người Chiêm đi đòi đất.
2- Đất Thiêng của xứ Huế. Đất này từng giúp Lâm Ấp lập quốc rồi phát triển đến cực thịnh là thời nước Hoàng Vương và nước Bắc Chiêm Thành với kinh đô Đồng Dương và trung tâm tín ngưỡng văn hóa Trà Kiệu. Khi mất đất thiêng kinh đô Đồng Dương-Trà Kiệu rồi tới lược mất thành Đồ Bàn nước Chiêm Thành trở nên suy yếu nhường chỗ cho Đại Việt vươn lên, to lớn ra. Sau đó nước Nam Chiêm Thành mất hẳn.
Khi nhà Lê suy, có nội chiến. Đáng lẽ nước Nam Chiêm Thành lợi dụng ĐV suy yếu đánh sang đòi lại đất đai nhưng hồn thiêng xui khiến đất Hóa Châu lại dung thân cho lực lượng thứ 3(nhà Nguyễn) có cơ hội giữ được nước 42 năm(1558-1600) và sau đó mở rộng nước(1600-1835 là năm Minh Mạng lập trấn Tây Thành ở Nam Vang). Rủi là có nội chiến Nguyễn Kim-Mạc Đăng Dung đánh nhau. Nhưng may là xoay trục thành nội chiến Trịnh-Mạc tạo duyên đẻ ra thế lực thứ 3 Nguyễn Hoàng(NH) “rảnh tay.
Năm 1558 NH vào lập nghiệp ở cữa Việt huyện Vũ Xương của phủ Triệu Phong(Vũ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà và  Phú Vinh) là đất Ô Lý của Chế Mân tiếp giáp phủ Tân Bình(Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu Bố Chánh và Minh Linh theo Hồng Đức Bản Đồ) của Chế Củ. Cho trấn thủ là nói để giử biên giới phía Nam chống Chiêm Thành và ngừa nhà Mạc vượt biển đánh bọc hậu. Nhưng sự thực chiến tranh gây đói khổ dân phía Bắc bỏ chạy vào Nam có cả người của nhà Mạc về sau như Mạc Cảnh Huống là em của danh tướng Mạc Kính Điển và nhà Tống Phước Trị, nhà Nguyễn Ứng Dị(Tỵ). Sau này trong triều chúa Nguyễn có nhiều nhân vật quan trọng họ Tống, họ Nguyễn hữu(Mạc Cảnh Vinh đổi họ sang Nguyễn Hữu Vinh). Họ Mạc gây dây mơ rễ má với nhà chúa Nguyễn: Con gái Kính Điển lấy chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên; con trai Mạc Cảnh Huống là Mạc Cảnh Vinh lấy con gái của chúa Sãi được đổi họ là Nguyễn Hữu Vinh(có tác giả ghi Nguyễn Phúc Vinh cho gần hoàng tộc hơn) làm Trấn Biên ở đất Phú Yên. Có phải những người đồng hội cùng thuyền Mạc-Nguyễn này ở trong tầm ngắm dè chừng của họ Trịnh gặp nhau rồi hình thành lực lượng thứ 3 sau này chống thù chung là Trịnh? Đầu tiên NH lo vỗ yên được dân thành 1 xứ thanh bình thịnh trị. KĐVS viết việc năm 1572 nói: “Thái Tổ Gia Dụ ta cai trị trong trấn mười năm,chính sự thì khoan hòa, quân lệnh thì nghiêm túc. Dân vùng Thuận Hóa và Quảng Nam đều được nhuần thấm ân đức và tắm gội giáo hóa. Dân buôn thì lạc nghiệp, chợ búa không bán hai giá, trong xứ không có trộm cướp. Nhiều người các nước đều xum vầy làm ăn. Trong trấn ngày một đông đúc thịnh vượng.”Lý tưởng này 1 lần nữa cũng được thấy ở người khai mở triều chúa Nguyễn sau này, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sứ giả Văn Khuông trong sứ mạng ra Bắc trả lại sắc của vua Lê để Đàng Trong ly khai khỏi xứ Bắc trả lời Trịnh Tráng vặn hỏi: “Người ta nói Nam chúa là bậc anh hùng hào kiệt, sao không nghĩ đến đánh giặc lập công?”Sứ giả trả lời: “Chúa tôi không mê tửu sắc, không thích đàn hát, chỉ muốn đem ân huệ vỗ về dân chúng, uy tín cảm phục người xa…Nếu có những bọn Vương Mãng, Tào Tháo tiếm lạm danh nghĩa, giết hại dân sinh thì chúa tôi vì nghĩa mà đi đánh, xây dựng công nghiệp, không việc gì lớn hơn thế nữa. ”Sau năm 1945 đánh nhau với Pháp nên người đương thời ghét vua Nguyễn(phong kiến) nói là cõng rắn cắn gà nhà và có tội là đã tiêu diệt nhà Tây Sơn(cách mạng) làm cuộc nhân dân vùng lên nên quên công lao của vua và chúa Nguyễn.
Chiến tranh gây xứ Bắc đói khổ là chuyện có thật. Ngay đầu cuộc nội chiến trung ương đã đói khổ rồi. Năm 1517 nhà nước định lệnh thưởng công vận tải thóc công ở Thuận Hoá. Ai  vận tải thóc công ở Thuận Hoá hai lần, đều siêng năng cả được thưởng vào các thứ bậc quan quân phẩm trật(ĐVSKTT). Dương Văn An mô tả một thành Hóa Châu phồn vinh an lạc thời Mạc Phúc Nguyên(ngụy Mạc). Vùng biên thoát khỏi nội chiến, tranh ngôi thì bình yên làm ăn nên no đủ hơn.
Khi Trịnh Kiểm chết, năm 1570 Mạc Kính Điển ra quân lớn, các đạo cùng tiến. Khói lửa mù trời, cờ xí rợp đất. Nhân dân Thanh Hoa dắt già cõng trẻ, chạy nhớn nhác ngoài đường, không biết nương tựa vào đâu, tiếng kêu khóc vang trời, bao nhiêu tiền của, đàn bà con gái đều bị quân Mạc lấy cả. Bấy giờ, họ Mạc cậy có tướng nhiều quân mạnh định thôn tính cả đất Ái Hoan(ĐVSKTT). Lê Cập Đệ dùng kế giúp Trịnh Tùng lật ngược thế cờ. Trịnh phản công đánh đuổi Mạc rơi vào tình thế nguy khốn. Dân Sơn Nam Hải Dương vượt biển vào Nam ở Thuận Quảng hay chạy ra biên giới phía Bắc vùng Trường Bình Bạch Long thành nhóm người Việt Ly Hương nay gọi là dân tộc Kinh(Jing) sống ở Kinh Đảo thuộc thị xã Đông Hưng Trung Quốc. Khi Mạc Kính Điển(MKĐ) bại vong thì em là Mạc Cảnh Huống dẫn cháu gái là con của KĐ vào Nam ẩn ở chùa Lam Sơn, sau được lấy tên là Nguyễn Thị Băng(NTB) và được tiến gả cho chúa Sãi làm nguyên phi. Năm 1630, tháng 11 NTB mất được an táng ở xã Chiêm Sơn(ĐNTL-CB).
Xứ Huế là đất Địa Linh là chuyện cũng có thật. Trong PBTL, Lê Qúi Đôn viết “Bấy giờ (sau năm 1600)Nguyễn Hoàng thấy địa hình núi Hải Vân lấy làm lạ lại bèn qua núi vào phủ Thăng Hoa xứ Quảng trải xem tình thế rồi sai dựng hành dinh và kho tàng để chứa lương tiền(năm 1602).” NH cải tổ cai trị. Năm 1604 cắt huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong nâng lên 1 phủ mới là phủ Điện Bàn. Phủ Thăng Hoa đổi tên thành phủ Thăng Bình, phủ Tư Ngãi thành phủ Quảng Ngãi. Quảng Nam có tới 4 phủ thay vì 3 phủ 9 huyện như thời Lê Thánh Tông. Năm 1611 lấy đất Nam Cù Mông đặt thêm 1 phủ mới nữa là phủ Phú Yên. Rõ ràng mãi sau năm 1600 NH mới để ý đến đất ở 2 bên đèo Hải Vân và bắt đầu cải tổ sự cai trị xứ này. Trước năm 1600 NH vẫn chỉ là 1 Tổng Trấn Thuận Quảng thái phó Đoanquận công(trước năm 1593) và là Trung Quân Đô Đốc thái úy Đoanquốc công(ở Bắc sau khi trịnh Tùng lấy lại được Đông Đô cho nhà Lê năm 1592) trung thành với Lê triều, xem Mạc là ngụy.  Năm 1613 NH mất để lại lời trối trăn cho Nguyễn Phúc Nguyên là rể của nhà Mạc, rể của danh tướng Mạc Kính Điển, bây giờ Mạc-Nguyễn như Loan Phụng hòa minh. Lời căn dặn nói là: “Đất Thuận, Quảng này bên Bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời”(Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim). Linh giang trong nhiều sách chỉ cả 2 sông Hương và sông Gianh. Theo như văn cảnh các đoạn ghi trên đây ta tin NH nói Linh Giang là sông Hương, địa linh xứ Huế. Dương Văn An(DVA) trong Ô Châu Cận Lục cũng mô tả Linh Giang là sông Hương. DVA đã ca ngợi thành Hóa Châu với nguồn Kim Trà,  Đan Điền và Linh Giang.
Linh thiêng thật. Chuyện NH trở về Nam năm 1600 như trời xui đất khiến. Năm 1592 Trịnh Tùng lấy được Đông Đô. Năm 1593 NH theo về vua Lê và cháu ngoại Trịnh Tùng tiếp tục sự nghiệp của ông, cha là đi đánh dẹp tàn dư loạn thần họ Mạc(ngụy Mạc), giúp phục hồi ngôi vị vua Lê. Từ TháiPhó Đoan Quận Công được Trịnh Tùng tâu vua Lê thăng NH lên TháiÚy Đoan Quốc Công và được làm Trung Quân Đô Đốc ngang bằng tướng Hoàng Đình Ái vào sinh ra tử, chỉ thua tiết chế Trịnh Tùng mà thôi. Cứ như NH mãn nguyện hoài bảo của cha, ông là phục hồi được ngôi vị của vua Lê, lấy lại kinh thành Thăng Long từ tay ngụy Mạc cho Lê triều. Hoài bảo nay cháu ngoại của họ thực hiện được. Chỉ có chuyện sau đây xui khiến NH bỏ đất bắc.
Tham gia đánh dẹp tàn quân Mạc cùng với hàng tướng nhà Mạc theo về vua Lê(như Bùi Văn Khuê), NH thấy lòng người còn theo Mạc không thôi(ĐVSKTT). Người đời không xem Mạc là loạn thần, là ngụy nữa. Nội chiến chỉ là cuộc tranh hùng Trịnh-Mạc. Ai chính ai tà đây? Vua Lê chỉ là cái bình phong cho Trịnh. Tham gia việc nhà Minh tổ chức hội khám danh phận vua Lê ở cữa Trấn Nam Giao vì bị nhà Mạc tố cáo họ Trịnh tiếm danh vua Lê. Nhà Minh hẹn tới hẹn lui hành hạ vua tôi nhà Lê và còn dung túng con cháu nhà Mạc ở Cao bằng nữa. Nhà Minh chỉ ban cho vua Lê chức Đô Thống và chiếc ấn nói là bằng bạc ngang bằng nhà Mạc thay vì phongvương như tiên triều nhà Lê. Sứ Phùng Khắc Khoan phản đối. Hoàng đế nhà Minh chỉ dỗ dành và hứa hẹn. Về tới kinh đô mở ra xem thấy ấn bạc bị tráo thành ấn đồng(ĐVSKTT)! Năm 1599 Trịnh Tùng xui vua Lê phongvương cho, Bình An Vương(vua Lê chỉ là Đô Thống Sứ!). Có lẽ người theo về vua Lê có sự xét lại thân phận vua Lê và thân phận làm tôi vua Lê của mình(có thể nghĩ là hàng thần lơ láo phận mình ra đâu chăng?) Năm 1600 có sự cố nói là bọn thủy binh hàng thần nhà Mạc Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê làm phản ở cữa Đại An. Nguyễn hoàng bỏ đất Bắc chạy về Nam.
Nói hồn thiêng xui khiến là chuyện tâm linh. Logic mà nói là duyên run rủi. Tất cả thứ gì tôi mô tả trên đây là nghiệp duyên run rủi đưa đến Xứ Đàng Trong ra đời trong bối cảnh một thứ thế chân vạc “Tam Quốc Mạc-Trịnh-Nguyễn ở Đại Việt”. Xứ Đàng Trong hoàn thành được thành quả thứ 2(thành quả thứ nhất là giữ nước khỏi bị Chiêm đòi lại đất) là mở rộng đất nước. Giữ vững và mở rộng được đất là nhờ những người nối nghiệp xử dụng được thiên thời(thế Tam Quốc) và địa lợi(địa hình xứ Thuận Quảng). Nếu xứ Thuận Hóa dùng làm kinh đô và phòng thủ thì xứ Quảng là xứ làm giàu và Trấn Biên ở Phú Yên là tiền đồn dùng làm bàn đạp để tiến xuống phía Nam.
3- Xứ Huế là đất chiến lược dùng để giữ vững được biên cương ở phía Bắc giúp phía trong Nam mở mang được bờ cõi. Mở mang bờ cõi. Năm 1658 Nặc Ông Chân bị Yến Vũ hầu ở dinh Trấn Biên(Phú Yên) đánh bắt thì được giải về hành dinh ở Quảng Bình(Gia Định Thành Thông Chí(GĐTTC)) lúc chúa đang đánh nhau với Trịnh để giữ vững biên cương ở phía Bắc. Sự việc xảy ra 5 năm sau năm 1653 Hùng Lộc hầu đem quân từ Phú Yên vượt đèo Hổ Dương qua khỏi rặng Đại Lãnh đánh Chiêm lấy đất lập ra dinh Thái Khang và 38 năm sau(năm 1620) gả công nương Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II để bảo vệ di dân đến Mô Xoài. Phú Yên có cái hãnh diện là nơi xuất phát 2 cuộc Nam Tiến song song và đồng thời.
Địa lợi xứ Thuận Hóa. Mưu sĩ Đào Duy Từ biết dùng địa lợi. Trước nhất nói về các cữa sông. Trong trận đánh Chiêm năm 1069 bắt Chế Củ Hoàng Xuân Hãn mô tả rõ ràng hành trình. Vào lãnh thổ Chiêm Thành bắt đầu qua 3 cữa biển. Cữa Di Luân và cữa Gianh thì cạn khó phòng thủ. Đến cữaNhật Lệ thì mới có đụng độ với thủy binh Chiêm Thành đóng giữ ở đấy. Lý Thường Kiệt phá tan. Quân tiến an bình đến nghỉ chân ở cữa Tư Dung hay Tư Khách(cữa Thuận An ở Huế). Bây giời Đào Duy Từ lại chọn cữa Nhật Lệ để xây trường lũy.
Trường lũy chiến lược. Họ Trịnh năm 1626 mới bắt đầu gây sự. Trước kia Trịnh để yên Phương Nam vì sợ Mạc ở Cao Bằng. Bây giờ Trịnh cho sứ đem sắc vua Lê vào đòi thuế và triệu chúa Sãi về kinh. Năm 1627Trịnh lại sai sứ đem sắc vua Lê đòi cho con về chầu, nộp voi, thuyền để dùng vào lệ cống cho nhà Minh. Bị từ chối họ Trịnh phát binh đánh lần thứ nhất(năm 1627) bị thua và rút về. Mưu sĩ Đào Duy Từ từ năm 1625 bỏ Thanh Hóa vào Vũ Xương tìm chúa Nguyễn không ai hay biết rồi vào Hoài Nhân trọ lại ở nhà Trần Đức Hòa nay được họ Trần tiến cử ra giúp chúa. Năm1629 Trịnh lại sai sứ đem sắc vua đòi chúa về Bắc đánh Mạc. Đào Duy Từ thưa không nhận sắc thì Trịnh có cớ để đánh. Nhận đi là bị lừa chi bằng tạm nhận để họ không ngờ mà lo phòng thủ rồi có kế trả sắc sau. Đào Duy Từ cho đắp lũy chiến lược rồi năm 1630 sai Văn Khuông(VK) thi hành kế xử dụng mâm đồng 2 đáy dấu sắc vua Lê bên trong để trả sắc cho triều đình. Bị vặn hỏi những yêu sách trước kia phía Nam không chịu thi hành, VK trả lời thông suốt nói voi và thuyền không phải lệ cống cho nhà Minh; không cho con sang chầu là vì nghĩa 1 nhà cho con làm con tin làm chi; không đi đánh Mạc vì là giặc bị khốn cùng Đông Đô dư sức dẹp, việc quan trọng là giữ biên cương phòng Chiêm Thành và giặc Mạc nên chúa không dám đi xa; giữ đất đắp lũy phòng bị sao gọi là chống mệnh; hỏi về tướng tá thì nói Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật chẳng kém vài chục người; chúa không muốn lập công vì muốn đem ân huệ vỗ về dân chúng, uy tín cảm phục người xa. Trịnh Tráng lặng người cho phía Nam có người tài giỏi rồi nhận mâm đồng. Khi sứ cao bay xa chạy rồi thì đáy mâm được khui ra. Người ta thấy sắc của vua và tờ thiếp mà Phùng Khắc Khoan nói ẩn nghĩa là “ta chẳng nhận sắc.”
Cũng trong năm 1630 lũy Trường Dục(lũy Thầy) được đắp từ chân núiTrường Dục đến bãi cát Hạc Hải hơn 1 tháng thì xong. Trên bản đồ Jim Henthorn( bản đồ quân sự chiến tranh Việt Nam thập niên 1960) thấy sông Kiên Giang(Nhật Lệ) có nhánh sông gọi là Rào Lệ Ky chạy từ núi Cao Khế(482m) đến cữa Đồng Hới. nếu núi Cao Khế là núi Trường Dục thì lũy thứ nhất này chạy theo tuyến Rào Lệ Ky . Tháng 9 lấy châu Nam Bố Chính lập ra dinh Bố Chính(Dinh Ngói), lấy sông Gianh làm giới hạn để mà giữ vững bờ Nam. Năm 1631 đắp lũy Nhật Lệ. Sau khi quan sát, Đào Duy Từ thưa: “Từ cữa Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe bùn lầy sâu đọng, nhân đó làm hào rãnh, trong thì đắp lũy mới, hình thể hiểm yếu gấp mười lũy Trường Dục.”Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất làm 5 bậc, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 3000 trượng; mỗi trượng đặt 1 súng quá sơn; cách 3 hay 5 trượng lập 1 pháo đài đặt 1 khẩu súng nòng lớn; thuốc đạn chứa như núi; mấy tháng mới đắp xong…lại đặt xích sắt chắn ngang cữa Nhật Lệ và Minh Linh(Đại Nam Thực Lục Chính Biên(ĐNTLCB). Trên bản đồ Jim Henthorn cũng thấy có 1 nhánh sông từ núi Đa Mao(734m) chạy tới địa điểm ở phía Bắc chỗ hợp lưu sông Đại Giang và sông Kiên Giang. Có phải Đa Mao là Đâu Mâu? Nếu đúng thì lũy thứ 2 Nhật Lệ này theo nhánh sông ấy rồi theo đoạn còn lại của họp lưu mà chạy tới cữa Nhật Lệ. Lũy nằm phía sau lũy Trường Dục. Năm 1633 Nguyễn Hữu Dật đắp lũy thứ 3 là lũy Trường Sa để bảo vệ lũy chính. Trên Hồng Đức Bản Đồ trang 90 ta thấy lũy bắt đầu ở hữu ngạn cữa Nhật Lệ(Mũi Chùy lũy) chạy dọc theo giải cát ven biển(Trường Sa). Trong bản đồ trang 141 ta thấy giữa lũy Trường Sa và cữa Minh Linh là dãy núi. Một dãy hỏa hiệu dùng để báo động giặc tấn công từ mặt biển. Cữa Nhật Lệ và cữa Minh Linh bị xích sắt và cọc chắn ngang. Nhìn vào đó ta thấy rõ ràng là 1 hệ thống phòng thủ kiên cố. Năm sau, năm 1634,      Đào Duy Từ chết. 
Đường nội thủy. Ít ai biết cái quan trọng giữ được thành lũy là nhờ hệ thống hậu cần để hỗ trợ bảo vệ thành lũy đã lập ra. Đọc Hồng Đức Bản Đồ ta mới thấy một hệ thống giao thông đường thủy thông suốt từ kinh đô Phú Xuân đến chiến lũy ở địa đầu nằm trong nội địa mà dọc theo có kho tàng chiến cụ và lương thực nhằm cung ứng đầy đủ, tức thì và an toàn cho binh sĩ giữ lũy. Đó là đường nội thủy ở Hóa Châu, truông Nhà Hồ-phá Tam Giang. Nội thủy là đường thủy ở trong đất liền. Di chuyển theo đường nội thủy thì an ninh, không sợ thuyền lương và vũ khí bị giặc chặn đánh cướp trên biển và giữ được bí mật. Ngay từ các tiên triều đã xử dụng nội thủy rồi.
Lê Đại Hành năm 982 đi đánh Chiêm di quân ở địa phận Thanh Hóa phải qua núi Đồng Cổ để đến sông Bà Hòa đường núi khó đi. Đường biển thì sóng to gió lớn. Vua bèn đào kinh Mới đến nay(năm 983) thì xong(ĐVKTTT). Năm 1003 vua Lê đi Hoan Châu vét kinh Đa Cái cho thông tới Tư Củng trường ở Ám Châu. Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt nói Lý Thánh Tông và Lê Thánh tông đi đánh Chiêm đều xử dụng nội thủy từ cữa Hội Thống vào sông Lam, vòng qua phía Tây núi Hồng Lĩnh(sông Nghèn)rồi ra cữa Sót(cữa Nam Giới) rồi vào đất Chiêm. Khi ta xuất quân thì Chiêm thành mới hay bị tấn công, trở tay không kịp. Tiếp theo ở phía Nam, ta lại thấy có đường nội thủy nối cữa Nhật Lệ tới thành Phú Xuân. Suốt dòng lịch sử đều thấy các triều về sau đều lo khai thông các lộ trình này.
Năm 1382 triều Trần đào các kênh ở Hải Tây(ĐVSKTT). Đạo Hải Tây là vùng Thanh Hóa Nghệ An(sử gia đời Lê dùng tên này. Lê Lợi gọi 4 đạo Đông, Tây, Nam, Bắc và đặt thêm đạo thứ 5 là Hải Tây Đạo chỉ vùng Thanh Nghệ). Chuẩn bị đánh Chiêm năm 1402 nhà Hồ đắp đường từ Tây Đô đến Hoan Châu, dọc đường đặc phố xá trạm truyền thư gọi là đường Thiên Lý; khai Liên Cảng từ Tân Bình đến địa giới Thuận Hóa vì bùn cát đùn lên không khai thông được. Cữa Eo ở Hóa Châu bị vỡ, sai đắp lại. Năm 1438 đời nhà Lê đào kênh ở Thanh Hóa Nghệ An( có thể là hệ thống kinh đào như nói ở trên). Năm 1445 đào kênh ở lộ Thanh Hóa. Năm 1446 vận lương đến chứa ở Hà Hoa để đánh vua Chiêm Bí Cai. Năm 1467 Đặng Thiệp ở châu Hóa tâu lên vua Lê Thánh Tông dựng đồn lũy ở cữa Tư Dung, lấp cữa Eo, đào kênh Sen. Vua cho mở rộng Kênh Sen và các kênh ở Thanh Hóa Nghệ An. Năm 1471 Đánh Trà Toàn vua xuất quân từ núi Thiết Sơn ở nghệ An. Dọc theo bờ biển Hóa Châu là giải cát dài gọi Trường Sa. Cữa Eo chia Trường Sa thành Đại Trường Sa(phía Bắc) và Tiểu Trường Sa. Phía trong giải cát có nhiều đầm lầy mà HĐBĐ ghi chú là nê điền.
Nội thủy phía Nam trường lũy(NTPNTL) Theo dõi lộ đồ trong sách Hồng Đức Bản Đồ(HĐBĐ) và đối chiếu với bản đồ Jim Henthorn thì hình dung được “đường vô xứ Huế quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”
Trang 88 HĐBĐ mô tả: Đường chính từ An Bài tới doanh Niểu(Bảng Đồ(BĐ) trang(tr) 89-3E, thấy ở phía Bắc lũy) thì đi 1 ngày, đến doanh Mười (Đồn doanh: BĐ tr 90-14C, ở phía Nam lũy) thì đi 1 ngày, đến doanh Tạm thì đi 1 ngày; từ doanh Mười đi thuyền(đường thủy trên sông Kiên Giang trên bản đồ Jim Henthorn?) đến doanh Tạm thì đi 1 con nước. Hai bên sông ở cữa Yêu(BĐ tr 93-12E thấy ở phía Bắc Tư Khách hải môn. Tài liệu khác nói cữa  ở Hóa Châu mở ra ở làng Hòa Dân có tên là Cữa Eo còn có tên là Yêu hải môn, Noãn hải môn, Nhuyễn hải môn. Cữa Eo di dịch đóng mở nhiều lần)đều có 10 chiếc thuyền. Ở bên đường thủy chánh có 1 kho gọi là kho Quần Mông chứa toàn khí giới đạn dược. Ở địa phận xã Vũ Xá có thuyền, ở sông Tạm Độ(trung lưu sông Kiên Giang?)cũng có thuyền. Ở sông Cuộc có 1 kho chứa thóc. Ở địa phận xã Nguyệt Áng(Nguyệt Án: BĐ tr90-13B) cùng với phía Nam sông Tạm Độ cũng có kho thóc đều có để nhân dân làm đề lãnh trông giữ. Sông Tạm Độ khá rộng, ước 30 dặm. Ở trong có chỗ đất cạn, nếu không hiểu đường nước chảy đi thuyền sẽ mắc cạn…” Mô tả như thế thì ta thấy 2 cữa quan trọng còn lại là cữa Việt và cữa Yêu. Cữa Nhật Lệ và Minh Linh thì bị khóa lại rồi. Trang 91 viết tiếp “…không thông. Đường thủy thì đi thuyền từ doanh Lại ra đến kinh nhà Hồ(kinh Sen hay Liên Cảng, Liên Cừ như các đoạn sử ở trên đề cập. Đây là đoạn nội thủy chuyển tiếp từ sông Kiên Giang ra kinh Sen) thì để thuyền lại rồi tự gánh vác lấy đi, không dùng đến quân lính. Dân chúng và lái buôn chỉ mướn xe trong ruộng mà chở đi. Đến Tạm Độ xuống thuyền trở về đến kinh Sen. Kinh ấy đang đào nhiều chỗ nên cạn mà không có nước thuyền không xuôi được. Từ ngoài mà vào đến Tạm Độ thì để thuyền lại, mướn xe trong ruộng mà chở đi như thế, đến kinh Nhà Hồ mới xuống thuyền. Thuyền đến bến Khu Voi thì dừng. Lệ mướn xe trong ruộng mà chở mỗi gánh là 1 tiền”.
Và sau đây là đoạn mô tả đường bộ: “đi bộ thì trọ lại ở quán nhà Hồ(Hồ Xá thị, tức Nhà Hồ: BĐ tr 142-8C và Quán: -BĐ tr90-5C), ăn thì ở chợ Sài, trọ thì ở quán Mỗi Thụy, ăn thì ở Đồng Giám, trọ thì ở quán Quy Thuận, ăn thì ở cầu Ngói, trọ thì ở quán Cám, làng Lao, ăn thì ở Sa Đôi, trọ thì ở Thu Bài, ăn thì ở Mối Nông, trọ thì ở quán Cao Đôi”(BĐ tr 93-3D thuộc huyện Phú Vinh, phía Nam Huế). Hết hành trình trên bộ đi qua Thuận Hóa.
Trang 143 HĐBĐ mô tả tiếp theo đường nội thủy từ cữa Việt đến phá Tam Giang.“Từ Cữa Việt đến trại Toàn Thắng (BĐ tr 142-2D, ở gần doanh Cát) đi 2 canh; từ Toàn Thắng đến chợ Cam Lộ (BĐ tr 142-2C) đi 2 canh rưỡi; từ chợ Cam Lộ đến tuần Ba Lăng đi 1 ngày; đến lũy Ba Ngư (BĐ tr 142-1B) đi 2 ngày, đến Phường Sĩ (BĐ tr 142-1A) đi 5 ngày”. Bản đồ tr 142 của HĐBĐ có ghi chú: Ba Lăng thượng hành (BĐ tr 142-2B), Ba Lăng hạ hành(BĐ tr 142-1B).  Ghi chú 1D bản đồ 142 ghi: “Miếu mộ-Đò-Đoan Công phủ-Cát Doanh-Tự nhà Hồ chí doanh nhất nhật-Đò.” Có nghĩa là từ Nhà Hồ(Kinh Sen) đến Cát Doanh ở cữa Việt đi 1 ngày. Đố là mô tả đường nội thủy đi từ kinh Sen qua cữa Minh Linh tới cữa Việt rồi đi trên sông Thạch Hãn ngày nay. Bản đồ tr 93 tiếp theo bản đồ tr 90 mô tả nội thủy phía Nam trường lũy(NTPNTL) có ghi chú Yêu hải môn(12E). Phía trên cữa biển này có ghi chú “…phủ”(13B), “Sĩ Doanh-Cát Doanh” (13D), “Thủy tụ phả khoát”(8D). Suy ra giả thiết Yêuhải môn là cữa của sông Ô Lâu ngày nay và đây là đoạn NTPNTL thông với phá Tam Giang. Cũng như bản đồ tr 145 tiếp theo bản đồ tr 142 mô tả NTPNTL có ghi chú “kho Đá Bàn”(12C) bên cạnh có ghi chú “Tự Phù Nhậm chí Đá Bàn nhị canh-Phá Tam Giang”(10D) cũng cho thấy NTPNTL xuôi Nam cũng thông vào phá Tam Giang. Có phải từ Phù Nhậm đến Đá Bàn là Ba Lăng hạ hành còn đoạn từ cữa Việt đến Cam lộ là Ba Lăng thượng hành? Trên bản đồ Jim Henthorn cho thấy giữa sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu-sông Ô Giang có nhiều kinh rạch(sông Vĩnh Định).
Thế là ta hình dung được “đường vô xứ Huế quanh quanh.”
Hai bản đồ Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư(TNTCLĐT) trang 90, 93 và 3 bản đồ Giáp Ngọ Bình Nam Đồ(GNBNĐ) trang 141, 142, 145 minh họa con đường  đi vô xứ Huế quanh quanh. Bản đồ quân sự Jim Henthorn cho thấy  địa hình1 bên là đồi cát trùng điệp nối dài, 1 bên là đầm lầy(HĐBĐ gọi là nê điền) và kinh rạch. Qanh quanh là như thế đó. Ô Lý, Ô Châu là như thế đó.
Tết Dương Lịch 2013
Huynh Ba Cung

Không có nhận xét nào: