Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

‘Quốc tang, lăng mộ’: Bình luận trên Facebook

‘Quốc tang, lăng mộ’: Bình luận trên Facebook

Ảnh chụp ở Hà Nội ngày 22/9Bản quyền hình ảnhAFP
Image captionẢnh chụp ở Hà Nội ngày 22/9
Bài viết về 'Quốc tang' của cây bút Huy Đức được hàng trăm người chia sẻ qua Facebook hôm 24/9.
Theo cây bút Huy Đức, Quốc tang ở Việt Nam, thay vì quy định cứng cho 'Tứ trụ', thì chỉ nên "tổ chức với người thực sự có công trạng lớn với đất nước; với một người hoặc nhiều người chết vì những hành động quả cảm hoặc chết trong những tình huống bi thảm...; với những người mà cuộc sống của họ thực sự là một tấm gương và cái chết của họ có khả năng lay động."
...Tác giả phân tích: "Đành rằng, nghĩa tử nghĩa tận. Đành rằng kỷ luật Đảng cũng như tố tụng cần một quy trình. Nhưng cái chết luôn là cơ hội để thiên hạ định luận. Sơn son thếp vàng cho những cái ngai đã mục ruỗng; ca tụng mà bất chấp dân chúng đang bàn tán... là cách tốt nhất để gửi đi những thông điệp tiêu cực. Nhất là khi các nỗ lực tu sửa đang được nhân dân chờ đợi."
Bài viết đưa ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tổ chức Quốc tang ngày 26-27 tháng Chín cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Hãng tin nhà nước Thông Tấn Xã Việt Nam đăng ảnh trên Facebook về các phản ứng của lãnh đạo quốc tế chia buồn khi Chủ tịch Việt Nam từ trần.
Trang Chùa Bái Đính đăng nhiều hình ảnh ngày 22/9 về Lễ dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cầu siêu cho hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Trang này cho biết buổi lễ ở chùa Yên Vệ (huyện Yên Khánh) và chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn) diễn ra theo chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình.
Một bài khác được chia sẻ nhiều trên Facebook của ông Lê Dũng Vova, bình luận về khu vực an táng Chủ tịch nước ở quê nhà Ninh Bình.
Bài trên báo chí Việt Nam về khu án táng Chủ tịch Trần Đại Quang ở Ninh Bình sau đó bị xóa.
Ông Lê Dũng Vova bình luận:
"Dự án khu an táng ông Quang có diện tích như vậy thì còn lớn hơn cả diện tích nghĩa trang Mai Dịch hiện nay. Không rõ số đất nông nghiệp này được gia đình ông Quang mua khi nào hay nhà nước cấp theo tiêu chuẩn nào, qui định nào của pháp luật?"
Cũng bình về việc xây mộ của lãnh đạo, cây bút Tâm Chánh viết:
"Mộ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đang gấp rút xây dựng trên một khu ruộng quê ông. Rộng đâu cỡ 3ha, bằng cỡ lăng Minh Mạng, cũng hào, cũng kè, cũng uy nghi bề thế.
Nghe đâu ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu cũng về với đất trên những mảnh ruộng nhiều hơn bình quân ruộng đất đầu người quê họ."
Thông cáo chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam nói Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời ngày 21/9 sau "một thời gian lâm bệnh".
Đảng Cộng sản nói tang lễ của ông có nghi thức Quốc tang để "tỏ lòng tưởng nhớ" người đã có "nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc".
PhiliipinesBản quyền hình ảnhAFP
Image captionỞ Philippines, nạn nhân của tai nạn phi cơ lớn cũng được cử hành quốc tang hoặc tang lễ có mặt đại diện cao nhất của chính quyền
Quốc tang các nước thế nào?
Nhiều nước châu Âu có quy định lễ quốc tang được dành cho các lãnh đạo quốc gia và cả các công dân có công trạng, danh nhân, nạn nhân khủng bố, thiên tai.
Ở một số nước châu Á như Philippines, nạn nhân của tai nạn phi cơ lớn cũng được cử hành quốc tang hoặc tang lễ có mặt đại diện cao nhất của chính quyền.
Tại Trung Quốc, người sáng lập nhà nước cộng sản Mao Trạch Đông khuyến khích việc hỏa thiêu các lãnh đạo từ năm 1956.
Tuy vậy, trước khi qua đời, ông Mao không đề nghị hỏa thiêu, và thi hài của ông được ướp và đưa vào lăng ở quảng trường Thiên An Môn sau khi ông qua đời tháng Chín năm 1976.
Trung Quốc khi đó tuyên bố 10 ngày quốc tang cho Mao Trạch Đông.
Trước đó, nhân vật số hai, Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời ngày 8/1/1976 - cờ rủ sáu ngày.
Trên giường bệnh, Chu Ân Lai yêu cầu hỏa táng, và rải tro ông trên "sông núi Trung Hoa".
Năm 1997, khi Đặng Tiểu Bình qua đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sáu ngày quốc tang.
Thi hài ông Đặng được hỏa táng, và tro rải xuống biển.
Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư Trung Quốc từ 1987-1989, đã bày tỏ cảm tình với sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, và bị Đảng xem là phạm sai lầm nghiêm trọng.
Khi qua đời, lễ tang ông Triệu chỉ được ở mức ngang cấp bộ trưởng cho dù ông từng là Thủ tướng và Tổng Bí thư.
Chỉ có một ủy viên thường vụ bộ chính trị và một ủy viên bộ chính trị dự lễ tang ông Triệu.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45574594?ocid=socialflow_facebook