Chữ Việt Nam song song: dư luận đòi ‘cách ly vĩnh viễn’, tác giả nói sẽ viết sách
14:20 GMT+7
TTO - Không ít những lời nặng nề dành cho tác giả 'Chữ Việt Nam song song 4.0' như ‘ngáo’, ‘điên’, ‘nhốt vào bệnh viện tâm thần, cách ly vĩnh viễn khỏi cộng đồng'. Nhưng tác giả Kiều Trường Lâm nói anh vẫn nhẫn nại và sẽ viết sách về công trình này.
"Để yên cho cả nước chống dịch"
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài về bộ chữ mới "Chữ Việt Nam song song 4.0" của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả, rất nhiều ý kiến khen, chê tiếp tục rộ lên.
Một số ý kiến bình tĩnh thì cho rằng quyền sáng tạo và đăng ký bản quyền tác giả cho sáng tạo của mình là quyền của tất cả mọi người, xã hội cần tôn trọng; còn việc bộ chữ có hữu ích trong đời sống hay không lại là chuyện khác, mọi người không nên tấn công cá nhân hay có những lời lẽ xúc phạm các tác giả.
Nhưng ở chiều ngược lại, không ít ý kiến tỏ ra giận dữ với công trình bộ chữ mới cũng như sự "ảo tưởng" của tác giả.
Ở mức nhẹ nhàng, bạn Trần Vinh chỉ góp ý lịch sự trên trang Facebook cá nhân của tác giả Kiều Trường Lâm: "Bạn trẻ hãy dành năng lượng vào công việc khác có ích. Phát minh lại cái bánh xe làm gì khi nó chẳng tốt hơn cái đã có?".
Bạn Lê Phú Tấn nói: "Bổ ích thì ai cũng đồng lòng... nhưng vô ích thì chỉ để cho cá nhân sử dụng thôi… Dùng để viết mật thư (kiểu điện báo quân sự) thì OK. Chứ đem ra phổ cập cho học sinh thì vô tác dụng…".
Nhiều người cũng góp ý cho tác giả Kiều Trường Lâm trên trang Facebook cá nhân của anh là "đừng lãng phí trí tuệ" vào những thứ… tào lao.
Bạn Chương Thanh "mắng": "Đường quang không đi lại đâm đầu vào bụi rậm. Một tháng nữa hết dịch thì câu chuyện của bạn cũng chìm vào quên lãng vì nó không hợp lý. Mà không hợp lý thì khó tồn tại".
Và rất nhiều những lời phán xét nặng nề được gửi tới tác giả, với những từ như "ngáo", "điên", "tâm thần", "nhốt vào bệnh viện tâm thần, cách ly vĩnh viễn khỏi cộng đồng"… Cũng có rất nhiều lời khẩn cầu các "nhà cải cách" để cho tiếng Việt được yên, để yên cho dân chống dịch COVID-19.
Bạn Minh Hương viết: "Làm ơn để cho tiếng Việt của chúng tôi được yên, để yên cho cả nước chống dịch". Một nghệ sĩ nổi tiếng còn "giận" các tác giả sáng tạo ra thứ "chữ viết ngược ngạo" tới mức gọi họ là "thuộc phân loại cấp thấp".
"Lòng dân đang không yên, dịch bệnh đang hoành hành. Các người tại sao lại thêm vào một việc chữ viết ngược ngạo như vậy?", nữ nghệ sĩ này ngao ngán trách móc. Nhiều người bực tức với sự "ảo tưởng" của tác giả tới mức giận lây sang cả Cục Bản quyền, đặt câu hỏi tại sao cục này có thể cấp bản quyền cho một thứ "không có trí tuệ" như vậy.
Bạn Huong Pytlewski viết: "Nghe cái đoạn nghiên cứu ngôn ngữ từ năm học lớp 2 đã thấy vớ vẩn. Các ông xin được cái bản quyền này cứ treo giữa nhà cho oai còn để yên cho tiếng Việt của người Việt được yên. Cái Cục Bản quyền thiếu doanh thu à?".
Sẽ viết sách về "Chữ Việt Nam song song 4.0"
Trước những phản ứng gay gắt từ số đông công chúng, tác giả trẻ Kiều Trường Lâm vẫn rất "bản lĩnh".
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online: "Trước những lời xúc phạm nặng nề, anh có cảm thấy bị tổn thương không?", tác giả Kiều Trường Lâm nói: "Tôi thấy bình thường. Tôi chấp nhận. Con đường phía trước chông gai hơn nhiều mà. Tôi sẽ tiếp tục nhẫn nại, chấp nhận ý kiến dư luận".
Anh cũng tiết lộ về "con đường phía trước chông gai" của mình. Đó là anh và đồng tác giả Trần Tư Bình sẽ thí điểm cho một nhóm nhỏ học sinh học và sử dụng bộ chữ mới này, rồi lấy ý kiến đánh giá của học sinh tham gia thử nghiệm.
Nếu đạt tỉ lệ ủng hộ trên 90% thì anh sẽ nghĩ tới việc xin ý kiến của Bộ Giáo dục - đào tạo cấp phép cho thử nghiệm phổ biến rộng rãi cho học sinh.
"Đó là chiến lược tương lai", anh Kiều Trường Lâm nói. Anh cũng tiết lộ anh sẽ viết một cuốn sách về Chữ Việt Nam song song 4.0.
Không có khả năng ứng dụng trong thực tế nhưng không nên bực mình với tác giả
Trải lời Tuổi Trẻ Online về tác phẩm "Chữ Việt Nam song song 4.0", PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - nhận định về cơ bản nó cũng giống như nhiều bộ chữ đã được các tác giả khác đề xuất trước đây, nghĩa là nó được đề xuất một cách chủ quan, không tính đến cơ sở khoa học của chữ viết, thói quen và tâm lý người sử dụng, vì vậy không có khả năng áp dụng trong thực tế.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không nên vì vậy mà "bực mình" với các tác giả vì pháp luật không cấm họ "sáng tạo" và đăng ký bản quyền cho một bộ chữ như vậy.
Trước nhận định của tác giả Kiều Trường Lâm rằng bộ chữ mới là một bước tiến mới cho ngành ngôn ngữ học nước nhà, một bước ngoặt đưa tiếng Việt ra khắp thế giới, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn nói:
"Họ tuyên bố như thế nào là quyền của họ, còn thực tế bộ chữ của họ có được sử dụng như thế không lại là chuyện khác. Việc nhiều người dân thể hiện sự bức xúc trước các tuyên bố đó cũng đã cho thấy thái độ của cộng đồng đối với bộ chữ này là thế nào rồi.
Còn với giới ngôn ngữ học, tôi nghĩ là hầu hết, nếu không nói là tất cả, tôn trọng nhưng không đánh giá cao tính khoa học của bộ chữ này cũng như không ủng hộ việc áp dụng nó vào thực tế".