Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979

Bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979

Quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt năm 1968 khi Việt Nam đồng thời giao hảo với cả Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ 2 nước này xuất hiện nhiều xung đột căng thẳng. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới thăm Bắc Kinh và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ba năm sau đó, Việt Nam từ chối tham gia liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã xem đó như mối đe dọa. Tháng 5/1975, Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu, thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng nghìn dân thường. Đứng sau viện trợ cho Khmer Đỏ về vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự là Trung Quốc. Tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sacũng nổi lên rõ hơn khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo.
Ngày 3/11/1978, Việt - Xô ký hiệp ước hữu nghị 25 năm - chính thức xác nhận Việt Nam đứng về phía Liên Xô. Gần 2 tháng sau, quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy đã tuyên bố "phải dạy cho Việt Nam một bài học".
Cuộc chiến 30 ngày
Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.
Dù từng tuyên bố về ý định trừng phạt trước đó, cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.
Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân.
Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Trên mặt trận Lạng Sơn, các cánh quân lớn của Trung Quốc chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chất (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Dù bị bất ngờ song chỉ với lực lượng dân quân địa phương, Việt Nam đã quả cảm chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày.
Ngày 20/2, Trung Quốc tăng cường lực lượng chi viện, mở các đường tấn công mới vào điểm cao nhằm tiến xuống phía nam Đồng Đăng. Quân và dân Lạng Sơn bám trụ trận địa, đánh trả mạnh mẽ các mũi tấn công phía trước, phía sau của địch, buộc quân xâm lược phải co về đối phó và bị đẩy lùi ở nhiều mặt trận.
Sau 10 ngày chiến đấu không đạt được mục tiêu, ngày 27/2, Trung Quốc tung thêm một quân đoàn nhằm vào thị xã Lạng Sơn dùng chiến thuật biển người hòng xâm chiếm các mục tiêu quan trọng. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt giữa 2 quân đoàn tăng cường của Trung Quốc và lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam. Ở điểm cao 417, đoàn An Lão đã đánh bật hàng chục đợt tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu trung đoàn 850 của Trung Quốc. Đặc biệt, ở khu vực cầu Khánh Khê trên đường 18, chiến sĩ đoàn Tây Sơn kiên cường đã chặn đứng một sư đoàn quân và một tiểu đoàn xe tăng Trung Quốc.
Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.
Cả hai cánh quân đều bị bộ đội địa phương và dân quân Cao Bằng đánh chặn. Cánh quân tây bắc dựa vào sức đột phá của xe tăng bị chặn tại Hòa An. Cánh quân đông bắc cũng bị đánh quyết liệt ở Thạch An và Quy Thuận, bị chặn đứng trên đường số 4. Mũi đánh vào Trà Lĩnh, Phục Hòa gồm 2 sư đoàn nhằm chiếm đèo Mã Phục, Khâu Chia cũng bị lực lượng vũ trang địa phương phản kích xé tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới.
3 ngày đầu, quân Trung Quốc tại Cao Bằng đã bị thiệt hại 4 tiểu đoàn, bị phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và buộc phải đưa lực lượng dự bị vào vòng chiến. Trên trận địa phòng ngự tại đồi Khâu Chia, các lực lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư đoàn Trung Quốc trong 12 ngày, diệt hơn 4.000 lính. Ngày 12/3, quân Trung Quốc tháo chạy.
Trên tuyến Hoàng Liên Sơn, mờ sáng 17/2, các sư đoàn tuyến 1 của hai quân đoàn Trung Quốc ồ ạt tấn công toàn biên giới Hoàng Liên Sơn từ phía tây bắc đến đông bắc thị xã Lào Cai. Cùng với việc đánh nhiều mũi vào các huyện Bát Xát, Mường Khương, bắn pháo dữ dội vào thị xã, quân Trung Quốc đồng thời bắc cầu qua sông Nậm Thi, cho xe tăng và bộ binh tiến vào thị xã Lao Cai và khu vực Bản Phiệt. Dân quân, tự vệ thị xã cùng các lực lượng vũ trang ở đây đánh trả quyết liệt. Sau 7 ngày, hai quân đoàn Trung Quốc không qua nổi trận địa đánh chặn, phục kích của quân và dân Hoàng Liên Sơn.
Trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, cùng một lúc quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm. Hai sư đoàn Trung Quốc tiến công theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu) và đụng độ với lực lượng vũ trang địa phương. Qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở Phong Thổ.
Ở Hà Tuyên, một sư đoàn Trung Quốc tấn công vào các đồn chốt biên phòng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của công an vũ trang, dân quân, bộ đội các huyện Đồng Văn, Thanh Thủy, Mèo Vạc và đồng bào các dân tộc. Hơn 1.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Tại Quảng Ninh, Trung Quốc dùng hai sư đoàn bộ binh tiến công vào Pò Hèn, Móng Cái, Cao Ba Lanh, huyện Bình Liêu. Trong hai ngày 19 và 20/2, hai trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui, tháo chạy sát về biên giới.
Trung Quốc rút quân
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân. Các nhà quan sát lúc đó cho rằng rút lui là hành động rất khó, có thể gây cho Trung Quốc nhiều tổn thất nếu bị quân tinh nhuệ Việt Nam phản công.
 

Xem thêm:

>> Sự bạo tàn của Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979













Ngày 7/3, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân.
Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc.
Theo số liệu công bố, trong hành động quân sự mưu toan phá hoại, 62.500 lính Trung Quốc (hơn 1/10 tổng số được huy động) bị thiệt mạng, 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn bị tiêu diệt, thiệt hại; 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học quân sự đắt giá của chính mình.
Tuy nhiên, cuộc xâm chiếm của Trung Quốc cũng gây ra những tổn thất nặng nề cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, hàng chục nghìn người thiệt mạng trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. Hiện vẫn chưa có số liệu thống nhất về số thương vong từ phía Việt Nam (thông tin này Tòa soạn bổ sung sau khi có thắc mắc của độc giả về số liệu những người dân, chiến sĩ Việt Nam bị thiệt mạng);400.000 gia súc bị giết và bị cướp; hàng chục nghìn ha hoa màu bị tàn phá. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản.
Từ 18/3/1979 đến cuối năm 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Suốt gần 10 năm đó, chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến Việt Nam thành thao trường.
Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới. Tình trạng chiến tranh khiến kinh tế Việt Nam thiệt hại nặng nề.
Năm 1992, Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Cuộc chiến biên giới phía bắc, vì nhiều lý do, trong suốt một thời gian dài đã ít được công bố.
Theo VNEXPRESS

Chiến tranh biên giới

 - những dấu mốc không thể lãng quên

Trận chiến 30 ngày

Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh bất ngờ ồ ạt xua quân xâm lược biên giới mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Tiếng súng vang trên bầu trời biên giới

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. (Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân...).
Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng - Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng Lào Cai.
Chiến thắng mùa xuân 1975 theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Bắc Kinh và Washington đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon năm 1972.
Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, bảo vệ nhân dân Campuchia, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".
Đạn pháo quân Trung Quốc nã dồn dập vào biên cương

Cuộc chiến tự vệ

Cuộc động binh quy mô lớn của Trung Quốc khiến nhân dân Việt Nam và cả thế giới bất ngờ.
Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc.
Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng.
Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng quân thù ở đây 20 ngày.
Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.

Cuộc thảm sát phụ nữ, trẻ em của quân Trung Quốc ở Cao Bằng.

Người lính đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc

Trước khi phát động chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc đã dựng nên sự kiện "nạn kiều" khiến tình hình biên giới hai nước căng thẳng. Ngày 12/7/1978, nước này bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới khiến hàng nghìn người Hoa bị dồn ứ ở cửa khẩu, gây náo loạn vùng biên.
Ngày 27/8/1978, Lê Đình Chinh (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân, nay là Bộ đội Biên phòng) bị công an biên phòng Trung Quốc vượt biên sát hại khi đang bảo vệ cán bộ làm nhiệm vụ động viên người Hoa trở về làm ăn sinh sống. Anh hy sinh trên đồi Pù Tèo Hào, sát km số 0, là chiến sĩ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc khi tròn 18 tuổi.

Tổng động viên toàn quốc ngày 5/3/1979

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, quyết định tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh Tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Lời kêu gọi Tổng động viên sáng 5/3/1979

Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân

Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, thì chiều cùng ngày phía Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân.
Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.
Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.
Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…
Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá.
Cuộc chiến đẩy quan hệ Việt - Trung rơi vào thời kỳ đen tối, tạo hố sâu ngăn cách suốt thời gian dài.

Cuộc chiến kéo dài 10 năm

Trên thực tế, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989) khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra.Hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến này.

Chiến trường Vị Xuyên 1984-1989

Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân của 8 trong 10 đại quân khu đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 Sư đoàn chủ lực tham chiến, chưa kể nhiều trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ Quốc phòng và tỉnh thành khác.
"Trung Quốc chọn Vị Xuyên để đánh vì có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn, chiếm được thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta. Những nơi khác như Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn) là khu vực quốc tế quan sát rõ, nhưng nếu đưa lực lượng lớn vào Vị Xuyên thì ít bị chú ý. Đến giờ, có lẽ nhiều người không biết Vị Xuyên nằm ở đâu", thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985-1989 nói.

Chiến dịch MB 84 giành lại cao điểm

Từ ngày 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509… thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch MB84, phản công giành lại các điểm cao.
Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch giành lại cao điểm 772 diễn ra ác liệt. Do địa hình bất lợi, quân Trung Quốc được hỏa lực yểm trợ mạnh, hàng nghìn bộ đội Việt Nam hy sinh, riêng Sư đoàn 356 mất khoảng 600 người.
Sau trận đánh, Việt Nam không lấy lại được các cao điểm đã mất, nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.

Cuộc chiến giữ chốt biên cương

Từ tháng 7/1984 trở đi, mặt trận Vị Xuyên không lúc nào ngơi tiếng súng, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các cao điểm. Đỉnh điểm đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng 5 km, chiều sâu 3 km, biến cao điểm 685 thành "lò vôi thế kỷ", có điểm bị bạt 3 m.
Bộ đội Việt Nam 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn để giữ chốt, tổ chức bao vây, đánh lấn dũi để giành và giữ các vị trí cao điểm. Bình quân mỗi đợt đóng quân của các đơn vị kéo dài 6-9 tháng. (Trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng Trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày).

Việt - Trung bình thường hóa quan hệ

Cho đến nay chưa có tài liệu chính thức công bố tổng số thương vong của hai phía trong cuộc chiến kéo dài 10 năm này. Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989 hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
Năm 1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các "ngòi nổ" căng thẳng được tháo ra ở cả phía Bắc lẫn phía Nam.
Năm 1991, Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ.

38 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

Vì nhiều lý do, cuộc chiến biên giới phía Bắc trong suốt thời gian dài ít được nhắc đến. Nhiều người không biết hoặc không tin từng có một cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt 10 năm.
Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ vỏn vẹn 11 dòng đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc. GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách cho biết, vì nhiều lý do nên nội dung này bị sửa đi sửa lại rồi rút từ 4 trang xuống còn 11 dòng. Các tác giả không thỏa mãn và cho rằng lịch sử phải khách quan nhưng cuối cùng đành chấp nhận.
"Đây là cuộc chiến tranh quy mô lớn, cuộc động binh xâm lược mà không dùng từ nào khác để diễn tả đúng bản chất của nó. Nếu không đề cập đến thì mười lăm, hai mươi năm nữa con cháu lớn lên không hiểu gì về mối quan hệ Việt - Trung giai đoạn này. Để cho thế hệ sau không biết gì hoặc hiểu sai về cuộc chiến là có tội với lịch sử", PGS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng nói.
Vài năm nay vào dịp tháng 7, những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vẫn "hành quân" về biên giới phía Bắc, cùng nhau hát "Về đây đồng đội ơi", đọc bài văn tế Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực rửa/ Xung phong giữ đất biên thùy.

Hoàng Phương

Bài có sử dụng tư liệu đồng nghiệp.

Chiến tranh biên giới 1979

Không sợ kẻ thù, chỉ sợ lãng quên

Chiến tranh biên giới 1979

Không sợ kẻ thù, chỉ sợ lãng quên

Một ngày cuối hè năm 1979, Long về nhà. U anh đang sàng gạo ngoài sân. Long dừng chân cạnh u: “U đang sàng gạo ạ?”. Người mẹ chẳng ngước mắt lên, chỉ nói “Ừ”. Rồi lại cặm cụi làm.
Long bước vào nhà. Lúc này u mới nhìn theo: bà tưởng cái bóng áo xanh lúc nãy là một anh bộ đội ở doanh trại gần nhà đi ngang qua hỏi thăm. Sao lại bước vào nhà? “Ô thằng Long đấy à?” - bà thốt lên. Rồi u chạy vào, ôm chặt Long khóc nức nở.
U đã đòi lập bàn thờ anh được mấy tháng - nhưng thầy anh cản không cho. Thằng Long chưa chết, thầy anh quả quyết, không biết vì sao. Đã mấy lần thầy lên biên giới, cố tìm xác con, nhưng không thấy.
Hôm ấy, cả làng kéo đến nhà Long, bỏ cả buổi xem vô tuyến ở doanh trại bộ đội. Mừng tủi. Đã nửa năm trôi qua, chẳng ai nghĩ Long còn sống.
Làng Trường Lâm ở ngoại ô Hà Nội này, 7 đứa đi chiến trường biên giới, thì đã có bốn người vĩnh viễn không trở về.
Âu Xuân Long nhập ngũ tháng 5/1978. Sau một đợt huấn luyện ngắn, Long được điều lên Văn Lãng, Lạng Sơn. Chàng trai vừa tròn 18 vẫn hồn nhiên như trẻ con. “Trên cột mốc hồi ấy có cây bưởi sai lắm, vẫn ở tuổi tranh nhau cái gậy để chọc bưởi mà, có biết gì đâu” - anh nhớ rất chi tiết những ngày tháng bình yên ấy. Từ quả đồi nơi đóng quân nhìn xuống là biên giới, bà con trong bản vẫn lại qua bình thường buôn bán.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi từ tháng 8. Buổi sáng 25/8/1978, cách chỗ Long đóng quân chỉ vài cây số, một người bạn đồng niên hy sinh.
Trên đồi Pù Tèo Hào hôm ấy, chiến sĩ Lê Đình Chinh ngã xuống sau một nhát dao của những kẻ thù mặc thường phục tràn từ bên kia biên giới sang. Anh vừa 18 tuổi. Sau này, người ta tìm thấy một lá thư anh Chinh viết ba ngày trước hôm đó.
"Em xác định rằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc sẽ có mất mát, cái đó khó mà tránh khỏi. Nhưng em đã sẵn sàng".Lê Đình Chinh



Liệt sĩ Lê Đình Chinh

Người ta gọi Lê Đình Chinh là chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ngày 25/8, trong trí nhớ Âu Xuân Long, trở thành dấu mốc của sự căng thẳng leo thang. Phía Trung Quốc bắt đầu tăng tuần suất bắc loa qua biên giới tuyên truyền kích động bằng tiếng Việt. Long không nhớ nội dung chúng nói: “Nói vớ vẩn, nghe làm gì”.
Giai đoạn đó, hai bên đều chưa có động thái quân sự chính thức. Nhưng phía Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng việc chống lại một cuộc tấn công: dân quân được huy động để cắm chông dọc biên giới. “Mình cứ cắm nó lại nhổ” - Âu Xuân Thành, một trong 3 người lính của làng Trường Lâm may mắn trở về, nhớ lại.
Căng thẳng cứ thế tiếp diễn trong hơn nửa năm tiếp theo, cho đến khi kẻ thù đi bước đầu tiên của mình.
5 giờ sáng 17/2/1979, bầu trời biên giới bỗng sáng rực.
Âu Đức Thành đóng quân cách biên giới hơn 10km. Đêm ấy, nhìn về phía chân trời, anh thấy những luồng sáng như chớp trước cơn giông lớn. “Trung Quốc đánh mình rồi” - anh nói với đồng đội. Một cơn mưa đạn pháo trút sang từ phía Bắc. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 chính thức bắt đầu.
Long và Thành là lính của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 - những người trấn giữ Đồng Đăng, trận địa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh biên giới.
Nhiều đồng đội của các anh, những người cùng tuổi mười tám đôi mươi, đã nằm lại trong cuộc giành giật từng tấc đất biên cương.
“Người chết trên đất thì không sao, nhưng chết dưới ruộng thì ám ảnh lắm” - Thành kể về những ngày đi khâm liệm cho đồng đội. Người chết dưới ruộng, xác sẽ trương lên. Anh không nhớ mình đã chôn bao nhiêu đồng đội. Không có gì để liệm, chỉ có chính võng và tăng (tấm che trên võng) của người chết, cuốn lại, rồi chôn. “Mùi tử khí ám vào người, có những ngày không ăn nổi cơm”.
Hai người bạn chăn trâu cùng làng của Long và Thành hy sinh ở Pháo Đài Đồng Đăng ngày 22/2. Pháo đài ấy đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công cấp sư đoàn của Trung Quốc trong 5 ngày liên tục. Họ cương quyết không nghe những lời kêu gọi đầu hàng cho đến tận phút cuối. Quân Trung Quốc phá cửa, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, hóa chất vào các lỗ thông hơi, giết cả những người dân vùng xung quanh đang lánh nạn tại nơi này.



Trẻ em biên giới tháng 2/1979

Âu Xuân Long bị địch bắt vào cuối tháng 2. Đời tù binh khởi đầu bằng những trận đòn thù. “Chúng nó bắt được mình thì phải đánh thôi. Anh em bạn bè nó vừa chết mà” - người đàn ông tóc đã bạc gần hết, kể bình thản. Ông bị địch đưa đi mấy ngày mấy đêm, rồi nhốt ở một ngôi trường bỏ hoang, cùng với vài chục bộ đội và hơn hai trăm người dân thường.
Cuộc tấn công dã man không chỉ hướng vào quân đội Việt Nam. Hơn 10.000 dân thường đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Mục tiêu của Trung Quốc là một cuộc tấn công phá hoại.
Hàng nghìn công trình công cộng, từ ủy ban, trường học, bệnh viện và xí nghiệp; hàng vạn ngôi nhà và héc-ta hoa màu bị phá.
Long được thả trong đợt trao đổi tù binh ngày 20/6/1979. Anh đi bộ từ cửa khẩu xuống chợ Đồng Đăng, và nhận ra rằng thị xã đã biến mất. “Vắng lạnh lắm. Chúng nó phá từ cái cột điện đến cầu cống”.
Một nửa trong số 3,5 triệu đồng bào sống dọc biên giới phía Bắc, đã mất nhà cửa sau cuộc chiến ấy.
"Chỉ còn nhà sàn của đồng bào dân tộc là nó tha. Còn lại bất kỳ một cái gì bằng xi măng là chúng phá".Âu Xuân Long
Năm 1975, khi nghe tin miền Nam đã được giải phóng, cậu bé Âu Xuân Thành khi ấy đã vô cùng háo hức. Cậu nghe kể rằng miền Nam rất giàu có, và nghĩ: thống nhất được miền Nam thì sướng rồi. “Thấy người ta bảo vùng Đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay, ruộng lúa chẳng cần cầy cấy gì, cứ gieo hạt xuống là rung đùi chờ có gạo ăn thôi. Nghĩ thế là sắp sướng rồi” - ông nhớ lại - “Hồi ấy vẫn còn nghĩ ấu trĩ như thế”.
Sự háo hức qua đi rất nhanh. Năm 1977, căng thẳng Việt-Trung bắt đầu được đẩy lên cao. Năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Năm 1979, Âu Đức Thành cầm súng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Ra quân, đi học lái xe rồi trở thành quân nhân chuyên nghiệp, hơn 40 năm sau, cậu bé Thành ngày nào - bây giờ đã nghỉ hưu với hàm trung tá - nhận ra một thực tế.
"Bây giờ nghĩ lại, đất nước mình chưa có lúc nào bình an".
Âu Đức Thành
Sau chiến tranh biên giới 1979, căng thẳng biên giới vẫn tiếp diễn. Năm 1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Hà Giang. Lại một lớp thanh niên nữa của ngôi làng nhỏ bé này ra đi, lại có người không trở về.
Và ngay cả những người trở về cũng chưa lành vết thương chiến tranh, dù hơn 30 năm đã trôi qua.



Thương binh Lương Văn Hường đã mất bàn chân trái ở chiến trường biên giới.

Ông Lương Văn Hường (cùng làng Trường Lâm, Long Biên, Hà Nội) không còn bàn chân trái. Ông đã để lại nó ở Vị Xuyên, Hà Giang, và mang về rất nhiều mảnh đạn trong người - đến bây giờ vẫn chưa lấy hết ra. Nhưng trong trí nhớ của ông, ký ức về cuộc chiến bây giờ đã mờ: cái người cựu chiến binh đối mặt, là cơm áo.
Chiếc xe thương binh để ngoài cửa, chờ có ai vô tình biết số điện thoại gọi đến thì đi. “Người ta giả thương binh, nhưng có sức khỏe, chạy như trâu. Mình què quặt, chỉ ngồi chờ người ta gọi, không kiếm ra tiền”.
Cuộc nói chuyện với ông Hường, không phải là về ký ức huy hoàng của những ngày bảo vệ biên giới. Ông phàn nàn về chế độ với con cái, thỉnh thoảng bị chính quyền “quên”, về những ngày kỷ niệm qua loa, về chính sách.
Ông cũng chẳng hào hứng lắm khi kể về chiến tranh. “Nhà báo có viết thì viết về bọn giả danh thương binh ấy” - ông nhắc đi nhắc lại lời đề nghị. Đấy là nỗi ám ảnh lớn nhất của người đàn ông sắp bước sang tuổi lục tuần.
Sự vinh danh đáng kể nhất mà những cựu binh biên giới - như trong mắt ông Hường - nhận được đến hôm nay, lại là việc người ta giả danh họ, khoác những chiếc áo xanh lá mạ, để kiếm ăn.
“Có một cuộc kỷ niệm cấp tỉnh, cấp nhà nước nào về chiến tranh biên giới không nhỉ?” - ông Thành hỏi người viết. Ông không nhớ rằng có. “Con cái bây giờ, kể cho chúng nó nghe, như kể chuyện cổ tích. Trên TV đài báo có nhắc đến mấy đâu mà chúng nó biết” - người lính già than thở.
Ông không muốn những gì đã diễn ra bị lãng quên. “Phải nhớ chứ. Bây giờ hàn gắn rồi, thì mình không kích động, không hằn thù, nhưng không thể quên được. Phải nhớ là đất nước mình không một ngày bình yên”.
Không chỉ có những cựu binh sợ rằng cuộc chiến tranh ấy sẽ bị lãng quên.
Đó là ngày 17/2/2016, thầy Vũ Văn Khánh quyết định rằng mình sẽ tự tổ chức một cuộc tưởng niệm Chiến tranh biên giới.

Học sinh trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) tưởng niệm chiến tranh biên giới.
Khánh là một thầy giáo dạy văn ở trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Anh thú nhận rằng tới tận năm ngoài 30 tuổi, anh mới lần đầu tiên hiểu kỹ về Chiến tranh biên giới 1979. “Ở ngoài đảo, mình không có điều kiện tiếp cận thông tin, vào Internet, sách giáo khoa thời mình thì không nhắc đến mấy” - anh kể. Khi biết đến, Khánh đã phải nhờ rất nhiều bạn bè ở các trường đại học gửi tài liệu cho đọc, để biết thêm về cuộc chiến ấy. Anh quyết định rằng mình sẽ không để các em học sinh phải chịu điều ấy - dù anh là một thầy giáo dạy văn, không phải dạy sử.
Tiết học Khánh chọn, là sau khi anh giảng xong cho học sinh về “Bình Ngô đại cáo” - tác phẩm tuyên bố chủ quyền dân tộc trước giặc xâm lăng phương Bắc.
Anh dành một tiết học ngồi kể cho học sinh về cuộc chiến, về diễn biến, và những đau thương mà nó mang lại. Rồi người thầy giáo khóc. Gia đình anh cũng có nhiều liệt sĩ. Anh nhớ bà ngoại, mất chồng từ năm 26 tuổi, nhớ người cậu ruột hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam. Học sinh trong lớp cũng đồng loạt khóc theo. Rồi cả lớp đứng dậy, dành một phút tưởng niệm cho những người đã ngã xuống trong ngày 17/2/1979.
Tiết học ấy sau này trở nên nổi tiếng trên báo chí. Bởi vì nó đặc biệt: những cuộc tưởng niệm như thế không được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt với những người ngoài quân ngũ.
Nhưng năm nay, gọi điện lại, thầy giáo Khánh tâm sự rằng có lẽ mình sẽ vẫn chỉ tổ chức kỷ niệm cho những lớp anh đứng - với tư cách cá nhân. Sách giáo khoa lịch sử, vẫn chỉ có 11 dòng về chiến tranh biên giới, và nhiều nơi thậm chí 11 dòng này còn được đưa vào chương trình giảm tải, nghĩa là học sinh tự đọc.
Ở trên khắp đất nước, còn có bao nhiêu thanh niên như Khánh, sinh ra ngay sau khi tiếng súng vừa im, đã ngoài 30 nhưng chưa một lần được nghe về “Chiến tranh biên giới”?
Thậm chí là chính những lính năm ấy cũng đang quên. Họ đều đã già. Bây giờ mỗi năm, đến ngày 15/5, ngày thanh niên trong làng nhập ngũ năm 1978 ấy, ông Thành lại đứng ra gọi anh em đồng ngũ gặp mặt. “Không phải để nhậu đâu, mà để nhắc nhau nhớ lại”. Những người lính già, sau bao nhiêu năm chiến đấu với cơm áo, có khi cũng chẳng còn nhớ được chính mình đã làm gì.
“Phải ngồi lại với nhau, để người này nhắc người kia, ngày ấy mày làm gì, làm gì. Không thì chẳng nhớ được đâu” - ông Thành kể.
Những người lính già ấy, nói về chiến tranh với một vẻ đầy bình thản. Nhưng họ chua chát khi nói về sự lãng quên. Chính bản thân họ, sau bao nhiêu năm, cũng không cưỡng lại được sự phai mờ của ký ức. Họ sợ sự quên ấy, chứ không sợ kẻ thù.
http://vnexpress.net/interactive/2017/cuoc-chien-khong-the-quen
Đức Hoàng / Ảnh: Trần Mạnh Thường