Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Hiện tượng ca sĩ Thúy Hằng và Cô Lái Đò Bến Hạ

 0
Vào thập niên 1980-1990, có một nỗi băn khoăn, lo ngại trong làng nhạc Việt ở hải ngoại là sự thiếu vắng các gương mặt trẻ, là những tiếng hát và tài năng cần thiết cho sự sinh động, mới mẻ của nhạc hải ngoại ở xứ người.
Vào lúc đó thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt ở hải ngoại hầu như không biết gì về quê hương nguồn gốc, không rành tiếng Việt, do hoàn cảnh thực tế, môi trường sống khó khăn làm cho cha mẹ Việt không có nhiều thời gian cho việc truyền lại những kiến thức về văn hóa nguồn gốc cho con cái. Khi mà tiếng Việt của thế hệ trẻ hải ngoại còn nghèo nàn, không thông thạo thì khó lòng mà tìm ra được những giọng hát trẻ của cộng đồng Việt hải ngoại, vì họ không thể diễn tả được những tình cảm, tâm tư sâu sắc, thâm trầm trong các tác phẩm âm nhạc luôn đòi hỏi sự diễn đạt cảm xúc mạnh mẽ như là dòng nhạc miền Nam Việt Nam.
Chính vì thế mà các nhà sản xuất băng nhạc ở hải ngoại lúc đó đã phải trông chờ vào những tài năng trẻ từ ở trong nước sang định cư ở hải ngoại để thỏa mãn nhu cầu cần có những khuôn mặt mới, luồng sinh khí tươi trẻ cho sinh hoạt trình diễn âm nhạc ở quê người. Làn sóng các ca sĩ nổi tiếng từ trong nước sang hải ngoại lập nghiệp ở thập niên 1980-1990 điển hình nhất là Thế Sơn, Nguyễn Hưng, sau này là Như Quỳnh, Mạnh Đình, Thủy Tiên, Ngọc Ánh… là những ca sĩ “trẻ” đã nổi tiếng trước từ trong nước.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là không có sự xuất hiện nào của thế hệ ca sĩ gốc Việt được sinh ra tại hải ngoại, hấp thụ nền văn hóa xứ người nhưng vẫn mang trong mình dòng máu và nền văn hóa Việt, đó là ca sĩ Thúy Hằng, một hiện tượng ở hải ngoại vào giữa thập niên 1990, nổi tiếng khi mới 14 tuổi.
Thúy Hằng sinh năm 1981, có cha là người Việt tên là Vũ Đức Tuấn, mẹ là người Mỹ. Năm 1987, cha mẹ cô ly dị, để lại một bầy 6 người con nhỏ ở chung với cha bà bà nội. Theo bà Vũ Thị Giữ, là bà nội của Thúy Hằng, kể rằng sau năm 75, khi bà mang các con sang Mỹ, bà không bao giờ ngờ rằng chỉ ít năm sau bà có một người con dâu ngoại quốc và có đứa cháu nội đầu tiên là bé gái lai Mỹ, trông vẻ bề ngoài thì Mỹ nhiều hơn Việt, từ màu da đến ngôn ngữ, đó chính là ca sĩ Thúy Hằng.
Từ lúc được sinh ra cho đến khi lên 6, Thúy Hằng gần gũi với mẹ và sống hoàn toàn trong môi trường Mỹ. Sau này khi cô được ở với bà nội, bà Vũ Thị Giữ gặp rất nhiều khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng, nhưng vì thương cháu nên bà đã vượt qua. Bà kể lại:
“Tôi đâu ngờ cuối cùng Chúa đã cho lại tôi đứa cháu không những đúng là cháu tôi, nói tiếng Việt, ngoan ngoãn, hiếu thảo, mà cháu còn làm cho gia đình chúng tôi hãnh diện. Tôi nhớ lần đầu tiên khi cháu tham dự cuộc thi hát do Cộng đồng Công Giáo New Marrero tổ chức ở New Orleans nhân hội chợ Tết năm 1993, khi nghe cháu hát bài Lòng Mẹ, chúng tôi là người khóc trước nhất. Phần tôi thương cháu, phần tôi trộm nghĩ nếu mẹ cháu ở đâu đó nghe được hoặc hiểu được con bé nó nói cái gì, hát cái gì, thì không biết cô ta sẽ nghĩ sao về sự bỏ bầy con đành đoạn mà đi như vậy”.
Có thể là Thúy Hằng cảm nhận được tấm lòng tận tụy và yêu thương của bà nội, nên chỉ một thời gian ngắn, đang từ một đứa trẻ không biết nói tiếng Việt, Thúy Hằng đã không chỉ thủ thỉ với bà mà còn có thể diễn tả được những tình cảm sâu sắc trong các bài hát tiếng Việt.
Cụ bà Vũ Thị Giữ kể thêm, chính bà là người cặm cụi tự tay cắt, may, khâu từng mũi chỉ của chiếc áo dài màu tím để cho cháu bà xuất hiện trong video Hollywood Night số 15 với bài Mười Năm Áo Tím.
“Khi cháu nó mặc thử chiếc áo dài màu tím này trước mặt tôi, tôi thấy nó rớm nước mắt, tôi phải quay đi chỗ khác” – Bà xúc động nhớ lại.
Thúy Hằng có chất giọng thiên phú mà theo những người trong nghề cho biết là chỉ những ai mang hai dòng máu mới sở hữu được. Đó là sự khỏe mạnh, mức vạm vỡ trong tiếng hát để thích hợp với những nhạc phẩm ngoại quốc, và sự mềm mại, ngọt ngào để thích hợp với những nhạc phẩm tình cảm, dịu dàng của Việt Nam.
Năm 1995, khi mới 14 tuổi, Thúy Hằng được trung tâm Mây Productions mời thu hình cho cuốn Video Hollywood Night số 14, ngay lập tức cô gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Rất nhiều thư yêu cầu đã được gửi đến cho Mây Productions nên Thúy Hằng lại xuất hiện trong Hollywood Night số 15 với nhạc phẩm Mười Năm Áo Tím, cũng là tên gọi chủ đề cho cuốn Video số 15 của Hollywood Night.

Thúy Hằng thực hiện được 7 CD ở trung tâm Mây Productions, trong đó cô được biết đến nhiều nhất qua bài hát Cô Lái Đò Bến Hạ với chất giọng trong trẻo đầy cảm xúc. Tuy nhiên, đáng tiếc là chỉ một thời gian sau, Thúy Hằng dừng đi hát khi ở tuổi còn rất trẻ để tiếp tục con đường học hành, sau đó trở thành một nha sĩ và lập gia đình.
Vào khoảng năm 2008, có một đoạn video trên youtube quay lại hình ảnh một người tên Thúy Hằng bị bạo bệnh qua đời, sẵn dịp lâu rồi không thấy Thúy Hằng xuất hiện ca hát, người ta đã đồn ầm ĩ chuyện ca sĩ Thúy Hằng qua đời. Thậm chí trên một tờ báo khá nổi tiếng ở trong nước còn loan tin là “ca sĩ hải ngoại Thúy Hằng ra đi sau cơn bạo bệnh”. Tờ báo này còn khẳng định là “tang lê~ Thúy Hằng được cử hành theo nghi lễ Phật giáo”. Sau đó, ông Trần Thăng, cựu giám đốc trung tâm Mây Productions đã lên tiếng đính chính về “tin vịt” này và cho biết Thúy Hằng vẫn khỏe mạnh, ít xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ, chỉ thỉnh thoảng lưu diễn trong cộng đồng.
Trang báo trong nước tung tin đồn thất thiệt về ca sĩ Thúy Hằng
Hình ảnh hiện nay của “nha sĩ Thúy Hằng” cùng với chồng
Vợ chồng ca sĩ Thúy Hằng
Thúy Hằng là trường hợp hiếm hoi, hoặc có thể xem là duy nhất trong các ca sĩ hải ngoại, là ca sĩ mang hai dòng máu Việt – Mỹ, nổi tiếng từ rất sớm, nhưng cũng giã từ hào quang sân khấu rất sớm khi mới ngoài 20 tuổi.
Đông Kha
(tham khảo tin tức từ nhà báo Khuê Văn hải ngoại)

Nhạc sĩ Anh Việt Thanh và sự nhầm lẫn về tác giả bài hát Vùng Lá Me Bay


Nhạc sĩ Anh Việt Thanh tên thật là Đặng Văn Quang, sinh năm 1936 tại làng An Hữu, tổng Phong Phú, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).
Ông là tác giả của bài hát nổi tiếng Vùng Lá Me Bay được ca sĩ Giao Linh hát trước năm 75. Năm 2011, trung tâm Thuý Nga thực hiện lại bài hát này với tiếng hát Như Quỳnh, ngay lập tức bài hát đã trở thành 1 hit được rất nhiều khán giả yêu mến cho đến ngày nay. Tuy nhiên có một sự nhầm lẫn đáng tiếc là lúc đó MC Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu tác giả bài Vùng Lá Me Bay là nhạc sĩ Trần Quang Lộc, sự tắc trách này đã làm cho nhiều khán giả nhầm lẫn về nhạc sĩ sáng tác bài Vùng Lá Me Bay trong gần 10 năm qua.
CD Như Quỳnh được Thuý Nga phát hành năm 2011, ghi tác giả bài Vùng Lá Me Bay là Trần Quang Lộc

Như Quỳnh làm “hồi sinh” bài hát Vùng Lá Me Bay khi hát trên Paris by night năm 2011
Nói đúng ra, Như Quỳnh không phải là ca sĩ đầu tiên hát Vùng Lá Me Bay sau năm 1975. Hồi đầu thập niên 1990, trung tâm Thuý Anh đã thực hiện 1 CD nhạc Tuấn Vũ – Phương Dung với chủ đề Vùng Lá Me Bay. Bài hát này được Tuấn Vũ hát trong thời kỳ đỉnh cao phong độ nhất của anh, nhưng Vùng Lá Me Bay của Tuấn Vũ không tạo được hiệu ứng tốt và bài hát này lại đi vào quên lãng cho đến khi được Như Quỳnh hát vào năm 2011 trên Paris By Night.

Nghe Tuấn Vũ hát Vùng Lá Me Bay
Tác giả của bài Vùng Lá Me Bay là nhạc sĩ Anh Việt Thanh, vốn xuất thân từ gia đình nhạc sĩ có chú và anh trong nhóm nhạc Đức Quỳnh, Mạnh Phát, Châu Kỳ và Hoàng Bửu. Nhờ sự hấp thụ một nền nhạc lý vững vàng của gia đình, ông học hòa âm sáng tác của nhạc sĩ Lê Văn Tài và ngón đàn độc đáo do những nhạc sĩ Nam Huyền, Văn Khánh, Hoàng Bửu truyền dạy. Anh Việt Thanh bắt đầu sáng tác năm 1958 sau đó dạy đàn và dạy nhạc lý. Từ năm 1960 đến 1975, ông đi dạy nhạc ở nhiều nơi như Đà Lạt, Định Tường, Đà Nẵng, Sài Gòn. Ông là thành viên của nhóm sáng tác thuộc Cục Chính huấn. Ông còn là phụ tá giám đốc cho hãng băng nhạc Nhã Ca.
Năm 1980, Anh Việt Thanh cùng gia đình sang định cư tại Troyes, Pháp và ông qua đời ngày 12/3/2015 tại đây.
Về bút danh Anh Việt Thanh, thường gây nhầm lẫn với tên nhạc sĩ Anh Việt Thu, là một tác giả chói sáng trong nền âm nhạc miền Nam. Khi được hỏi vì sao lấy bút danh này, ông giải thích như sau: “Sở dĩ tôi lấy tên Anh Việt Thanh là vì tôi và Anh Việt Thu ở cùng làng, có bà con xa bên mẹ, hơn nữa tôi rất phục tài của Anh Việt Thu, nên ước muốn nơi chúng tôi sinh ra có nhiều nhạc sĩ”.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu ra đi rất sớm, vào ngày 15/3/1975. Như một định mệnh, tròm trèm 40 năm sau, vào ngày 12/3/2015, nhạc sĩ Anh Việt Thanh đã qua đời.
Nhạc của Anh Việt Thanh chủ yếu sử dụng điệu Blues nức nở với cung la thứ. Thỉnh thoảng có một số bài viết theo điệu Bolero như: Hẹn em ngày về, Phố cũ người xưa… Nhìn chung nhạc của ông là viết theo chiều hướng phục vụ cho giới mộ điệu trẻ như sinh viên, học sinh Sài Gòn và người lính. Một số bài hát của ông được Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội chọn trình bày trong các kỳ đại nhạc hội với các giọng ca thể hiện như Hùng Cường, Chế Linh, Thanh Phong, Phương Hoài Tâm …
“Vùng lá me bay” là tác phẩm cuối cùng được Anh Việt Thanh viết trong khoảng mùa hè đỏ lửa 1972. (Sau khi sang định cư ở Pháp, ông nghiêng về phổ nhạc từ thơ của một số thi sĩ hải ngoại).

Giao Linh hát Vùng Lá Me Bay trong băng Kim Đằng 5, ghi tên bài hát là Nhìn Lá Me Bay
Anh Việt Thanh đã cống hiến cho đời những nhạc phẩm trữ tình đầy nét thơ; có những nhạc phẩm từng vang bóng một thời trước năm 1975: Vùng Lá Me Bay (Giao Linh trình bày), Lính Thích 33 (Hùng Cường trình bày) Tình Khúc Cho Người Cô Đơn, Yêu Thầm (Mai Lệ Huyền trình bày), Bụi Đời (Hùng Cường trình bày), Cho Nhau Chiều Thứ Bảy (Thanh Hùng trình bày), Đời Con Gái (Trang Mỹ Dung, Khánh Ly trình bày) Một Thuở Xa Người (Khánh Ly, Phương Dung trình bày), Hẹn Em Ngày Về (trình bày Thanh Tuyền), Ngày Xưa Em Nói (Trình bày Phương Dung), Ngày Tháng Cho Người…
Những sáng tác chung với các nhạc sĩ khác:
Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ (viết chung với Hà Phương), Bụi Đời 2, 3 (Anh Việt Phương), Phố Cũ Người Xưa (Anh Việt Phương), Tình Mùa Ly Biệt (Trúc Minh), Ngày Xưa Em Nói (Anh Việt Linh), Chuyện Tình Thiên Nga (Huy Thanh), Chuyện Mưa Mây (Phạm Chinh Đông), Tình Mùa Ly Biệt (Trúc Minh)…
Đông Kha