Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Duy nhất đồng chí Nguyễn Phú Trọng ứng cử cho chức danh Tổng Bí thư

Duy nhất đồng chí Nguyễn Phú Trọng ứng cử cho chức danh Tổng Bí thư

LĐO XUÂN QUANG - THANH HẢI  
Thượng tướng Võ Tiến Trung - Ủy viên BCHTƯ khóa XI, Giám đốc Học viện Quốc phòng trả lời báo chí tại Đại hội XII chiều 23.1. Ảnh Thanh Hải
Nếu trường hợp có đại biểu ngoài Trung ương tiếp tục giới thiệu 1 trong 4 đồng chí đã xin rút vào lại, thì Đại hội sẽ quyết định bỏ phiếu. Nếu số phiếu quá bán thì sẽ không được rút.
    Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội XII của Đảng, chiều 23.1, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết một số thông tin:
    BCH Trung ương giới thiệu 5 đồng chí quá tuổi ở lại, trong đó đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại để mang tính chất kế thừa, tập hợp giữ vững chính trị, giữ vững khối đoàn kết toàn dân, và đặc biệt là giữ đoàn kết thống nhất trong Đảng. 4 đồng chí quá tuổi thuộc Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Quốc hội ở lại giữ các vị trí mà chưa có người thay thế, nhưng các đồng chí này đều xung phong rút khỏi Bộ chính trị để nhường cho lớp trẻ. Có nhiều ý kiến đề nghị có 3 đồng chí ở Bộ Chính trị lớn tuổi nên ở lại, nhưng các đồng chí thống nhất rất cao rút ra chỉ để lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Chính vì thế khi có những ý kiến cho rằng có sự tham quyền cố vị, có phái này, phái kia là hoàn toàn không đúng. Thực tế, các đồng chí có sự thống nhất rất cao, chỉ đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lại.
    Tiêu chí Ủy viên Trung ương đề ra trong Đại hội này là rất rõ ràng, chặt chẽ. Không để lọt những người cơ hội, thiếu phẩm chất đạo đức, những người đứng đầu đơn vị mà để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, trù dập cán bộ, làm mất đoàn kết nội bộ... lọt vào Trung ương.
    Thượng tướng Võ Tiến Trung khẳng định: Quy chế bầu cử rất thuận lợi. Các Đoàn thảo luận, các ĐB có quyền ứng cử và có quyền đề cử. Khi đề cử vào thì Đại hội biếu quyết cho rút ra hay không cho rút. Như vậy vừa rất tập trung và rất dân chủ. Hồ sơ ứng cử rất đơn giản, bất cứ đảng viên nào cũng có thể nộp hồ sơ, chỉ cần thêm lý lịch trích ngang, có nhận xét của Chi bộ nơi cư trú. Người giới thiệu phải nắm vững hồ sơ người mình đề cử. Việc đề cử, tự ứng cử đã hướng dẫn kỹ từ trước đại hội, từ kỳ họp BCH Trung ương 13.
    Tại Đại hội, nếu tự ứng cử, BCH Trung ương sẽ có Ban tổ chức bổ sung hồ sơ cho ĐB đó. BCH Trung ương và Bộ Chính trị đã giới thiệu tại các hội nghị BCH Trung ương 13, 14 rồi. Danh sách đã chốt, vì vậy người ứng cử tại Đại hội chỉ là Đảng viên ngoài BCH Trung ương.
    Trả lời câu hỏi về việc một số thông tin liên quan đến tên tuổi 2 người sẽ ở lại để đảm nhiệm chức vụ cao nhất là Tổng Bí thư, đó là đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết:
    Trong Đại hội có nhiều ĐB giới thiệu phương án của Trung ương là để lại một đồng chí ủy viên Bộ chính trị khóa XI ở lại làm Tổng bí thư. Trong phương án đó, Bộ Chính trị giới thiệu 1 người là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương giới thiệu thêm 4 người ở lại. Nhưng cả 4 đồng chí do BCH Trung ương giới thiệu đều làm đơn, báo cáo xin rút khỏi danh sách.
    Việc làm nhân sự là hết sức dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho ai rút. Vì vậy, Bộ Chính trị đã đưa cả 4 đồng chí đó ra trước Trung ương để bỏ phiếu kín cho rút hay không. Cả 4 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đều làm đơn xin rút.
    Ban kiểm phiếu với 22 người làm việc khách quan, dân chủ, cho kết quả rõ là cả 4 đồng chí đó đều rút. Cho nên chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng ứng cử cho chức danh Tổng Bí thư.
    Tuy nhiên, nếu trường hợp tại Đại hội, có đại biểu ngoài Trung ương tiếp tục giới thiệu 1 trong 4 đồng chí đã xin rút vào lại thì Đại hội sẽ quyết định bỏ phiếu. Nếu quá bán thì sẽ không được rút.
    Thượng tướng Võ Tiến Trung cũng cho biết, sở dĩ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không xin rút khỏi danh sách như 4 đồng chí là vì đã được Bộ chính trị thống nhất giới thiệu trước đó. Khi Bộ chính trị đưa ra Trung ương, thì Trung ương mới giới thiệu thêm 4 đồng chí nữa. Như đã nói, cả 4 đồng chí đã xin rút.

    Thủ tướng xin rút tại hội nghị TƯ 14, giới thiệu Tổng bí thư tái cử

    Thủ tướng xin rút tại hội nghị TƯ 14, giới thiệu Tổng bí thư tái cử

    - Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, xác nhận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xin rút và được rút khỏi danh sách giới thiệu bầu Ban chấp hành TƯ khóa mới.
    Ông Võ Tiến Trung trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng chiều nay.
    Đảm bảo tính kế thừa, giữ đoàn kết trong Đảng
    - Chiều nay Đại hội đã bắt đầu nội dung về nhân sự, ông có thể cho biết về nội dung này?
    Việc này Ban chấp hành TƯ 11 đã thảo luận rất kỹ. Có nhiều ý kiến cho rằng nên nâng Ban chấp hành TƯ lên, vì hiện nay có nhiều nhiệm vụ phát triển, trong Đảng cũng có những bộ phận thành lập thêm, như Ban Kinh tế TƯ, Ban Nội chính TƯ, do đó cần ủy viên TƯ.
    đại hội đảng 12, nhân sự, Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Võ Tiến Trung
    Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ảnh: Phạm Hải
    Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không cần tăng lên nhiều, 200 ủy viên là được. Do đó so với khóa trước, tăng ủy viên TƯ chính thức từ 175 lên 180, ủy viên dự khuyết từ 25 xuống 20, như vậy vẫn giữ nguyên như cũ là 200, chỉ thay đổi giữa dự khuyết và chính thức.
    Điều đáng nói là đây là lần đầu tiên TƯ có quy hoạch cán bộ chiến lược, nghĩa là quy hoạch các đồng chí TƯ, từ đó luân chuyển, đào tạo, ta đã mở 6 lớp đào tạo cán bộ chiến lược, học ở Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Do đó công tác chuẩn bị nhân sự lần này chặt chẽ hơn, thấu đáo hơn, từ cơ sở lên.
    Các đồng chí vào TƯ lần này mà được Ban chấp hành TƯ 11 giới thiệu đều qua rất nhiều vòng, giới thiệu từ cơ sở, giới thiệu tại Ban chấp hành, Bộ Chính trị bỏ phiếu, được rồi mới ra TƯ chính thức giới thiệu.
    Trong đó, lần này, Ban chấp hành TƯ giới thiệu thêm 5 đồng chí quá tuổi, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở lại để mang tính chất kế thừa, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là giữ đoàn kết thống nhất trong Đảng.
    Đồng thời có 4 đồng chí đặc biệt ở quốc phòng, Thanh tra CP, QH, mà vị trí đó chưa có người thay thế, thì ở lại. Còn lại tất cả các đồng chí TƯ quá tuổi, mà tôi rất khâm phục là có đồng chí ủy viên Bộ Chính trị lớn tuổi, đều xung phong rút ra khỏi Bộ Chính trị để tạo điều kiện cho lớp trẻ.
    Trung ương có nhiều ý kiến nên để thêm 4 đồng chí ở lại nhưng các đồng chí thống nhất với nhau rất cao là rút ra khỏi Bộ Chính trị, để một mình đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lại để đảm bảo tính kế thừa. Tôi đánh giá rất cao các đồng chí đó.
    Với những người tự nguyện xin rút, hội nghị TƯ 14 cũng làm rất dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút mà đưa ra trước TƯ bỏ phiếu kín. Cả 4 đồng chí, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được Ban chấp hành TƯ 11 cho rút.
    Những điều mạng bên ngoài nói các đồng chí Bộ Chính trị ta tham quyền cố vị, phái này phái kia đều bị gạt bỏ. Chứng tỏ các đồng chí thống nhất rất cao giới thiệu một đồng chí ở lại, TƯ ca ngợi điều này.
    - Vậy tiêu chuẩn cụ thể như thế nào cho các ủy viên TƯ để có thể gánh vác trách nhiệm sắp tới?
    Tiêu chuẩn đã nêu rõ trong phương án nhân sự của Ban chấp hành TƯ. Đó là những người có năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, và đặc biệt có trách nhiệm với đất nước, có tư duy chiến lược…
    Đặc biệt lần này, Bộ Chính trị và TƯ 11 đã đưa ra chỉ tiêu không để lọt những người cơ hội, thiếu phẩm chất đạo đức, người chủ trì đơn vị để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, mất đoàn kết, trù dập cán bộ… vào TƯ.
    Tôi rất tin là TƯ khóa 12 sẽ lãnh đạo đất nước chúng ta phát triển vững mạnh.
    Có số dư
    - Với quy chế bầu cử này, các ĐB có gặp khó khăn gì không?
    Không có gì khó khăn cả, quy chế này rất thuận lợi. Các đoàn sẽ thảo luận và các ĐB hoàn toàn có quyền ứng cử, đề cử Ban chấp hành TƯ. Khi người được đề cử muốn rút thì do ĐH quyết định cho rút hay không. Vừa tập trung, vừa dân chủ.
    Đồng chí nào muốn ứng cử thì chuẩn bị hồ sơ, theo hướng dẫn đã có trước Đại hội. Trong đó có lý lịch trích ngang, nhận xét của địa phương… Không có gì phức tạp cả vì đảng viên nào cuối năm cũng có bản kiểm điểm và nhận xét của địa phương nơi mình cư trú.
    ĐB nào giới thiệu người mới cũng phải có trích ngang để báo cáo trước Trung ương và Đại hội về người đó, và người đó phải cung cấp hồ sơ để các ĐB đọc, xem xét có xứng đáng không trước khi bỏ phiếu.
    Bên cạnh đó, tất các đảng viên đều có hồ sơ lưu tại đơn vị, trong trường hợp cần, Ban tổ chức Đại hội vẫn có thể lấy hồ sơ một cách khẩn cấp.
    - Số dư của danh sách giới thiệu tại Đại hội lần này là bao nhiêu, thưa ông?
    Ban chấp hành TƯ khóa 11 đã giới thiệu số dư là hơn 10%, số dư 21 trên 200 người được bầu. Số dư còn lại, gần 20%, Đại hội sẽ bỏ phiếu những người mới ứng cử, những người đề cử thêm, để lấy từ cao xuống thấp đến đủ số dư 30%.
    Một số tỉ lệ trong Ban chấp hành mới như trên 10% nữ, trên 10% dưới 40 tuổi… Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có một ủy viên TƯ, riêng Hà Nội và TP.HCM được thêm mỗi nơi 2 người.
    Chung Hoàng (ghi)

    Bài phát biểu "gây tiếng vang" của bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại đại hội 12

    LÃNH ĐẠO MỚI NHƯNG VIỆT NAM VẪN CŨ, TỒNG BÍ THƯ VÀ 3 CHỨC DANH CHỦ CHỐT ĐÃ THÀNH HÌNH

    LÃNH ĐẠO MỚI NHƯNG VIỆT NAM VẪN CŨ, TỒNG BÍ THƯ VÀ 3 CHỨC DANH CHỦ CHỐT ĐÃ THÀNH HÌNH

    Nhà nước và Đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam có lãnh đạo mới sau Đại hội đảng XII (từ ngày 20 đến 28/01/2016), nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục nằm gọn trong gọng kìm Trung Quốc và nhân dân chưa có cơ may được sống dân chủ tự do.
    Lý do chính vì Tổng Bí thư khóa XI Nguyễn Phú Trọng, người thân Bắc Kinh, dự kiến sẽ tiềp tục nắm chức vụ này ở khoá XII để yên lòng Trung Quốc theo chủ trương “đảm bảo tính kế thừa, ổn định và tạo điều kiện trẻ hóa cán bộ”.
    Theo tiết lộ của Ủy viên Trung ương đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hòang thì việc bầu Bộ Chính trị và phân công các chức danh chủ chốt do Ban chấp hành T.Ư khóa mới quyết định, nhưng ông nói: “Bộ Chính trị (BCT) khóa XI có 16 người, đến khi T.Ư xác định độ tuổi để xem xét các trường hợp tái cử thì chỉ còn lại 6 người, còn 10 người đã quá tuổi. Khi xem xét các chức danh chủ chốt (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đề nghị xem xét trước tiên những nhân sự còn trong độ tuổi, tất cả trường hợp quá tuổi tạm thời chưa xem xét.
    Tuy nhiên, quá trình T.Ư xem xét bằng hình thức phiếu kín với chức danh Tổng Bí thư cho khóa XII, các đồng chí trong độ tuổi đạt số phiếu giới thiệu quá thấp, dẫn tới chưa chọn được nhân sự dự kiến Tổng Bí thư từ các đồng chí còn trong độ tuổi.
    Từ thực tế này, T.Ư quyết định phải có trường hợp đặc biệt, tức là trong số các nhân sự quá tuổi đang là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI phải có ít nhất một người ở lại để bảo đảm tính kế thừa, ổn định và tạo điều kiện trẻ hóa cán bộ.” (theo báo Lao Động, ngày 20/01/2016)
    TRONG ĐỘ TUỔI – QÚA TUỔI – NGUYỄN PHÚ TRỌNG
    Như vậy, 6 Ủy viên Bộ Chính trị khoá XI còn trong độ tuổi gồm:
    1.-Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trường Công an, sinh năm 1956 ở Ninh Bình (60 tuổi).
    2.-Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tồ Quốc, sinh năm 1953 ở tỉnh Trà Vinh (63 tuổi).
    3.-Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, sinh năm 1954 ở Quảng Nam (62 tuổi).
    4.-Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1954 ở tỉnh Sơn La (Dân tộc Thái) (62 tuổi).
    5.-Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1954 ở Bến Tre (62 tuổi).
    6.-Ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, sinh năm 1953 ở Nam Định (63 tuổi).
    Và 10 Ủy viên BCT khoá XI đã qúa tuổi gồm:
    1.-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944 ở Hà Nội (72 tuổi).
    2.-Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sinh năm 1949 ở Long An (67 tuổi).
    3.-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sinh năm 1949 ở Cà Mau (65 tuồi).
    4.-Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sinh năm 1946 ở Nghệ An (70 tuổi).
    5.-Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trường Quốc phòng, sinh năm 1949 ở Hà Nội (67 tuổi).
    6.-Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, sinh năm 1949 ở Kiên Giáng (67 tuổi).
    7.-Bí thư Thành Ủy Tp, Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, sinh năm 1950 ở tỉnh Tiền Giang 66 tuổi.
    8.-Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, sinh năm 1949 ở Thanh Hóa (67 tuổi).
    9.-Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, sinh năm 1947 ở Thanh Hóa, 69 tuổi.
    10.-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ, sinh năm 1947 ở tỉnh Vĩnh Phúc, 69 tuổi.
    Vậy ai là người “trúng số đỏ” để được để cử vào chức danh Tổng Bí thư khoá XII trong số 10 Ủy viên BCT/XI đã qúa tuổi ?
    Ông Vũ Ngọc Hòang, tuy úp mở nhưng theo cách miêu tả khá rõ thì Nguyễn Phú Trọng đã vượt lên cao nhất, sau khi 9 Ủy viên còn lại, kể cả đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng rút lui.
    Ông Hòang nói với báo Lao Động: “T.Ư đã thảo luận qua hai kỳ và quyết định chọn phương án giữ lại một trường hợp đặc biệt để giới thiệu Tổng Bí thư. Tập thể Bộ Chính trị đã họp, thảo luận và thống nhất rất cao, giới thiệu một đồng chí ở lại tham gia khóa XII, còn 9 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị còn lại đều xin rút để tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Có lẽ đây là nhiệm kỳ có số Ủy viên Bộ Chính trị không tái cử nhiều nhất.”
    Mặc dù ông Hòang không nói tên Ủy viên BCT đặc biệt này, nhưng ai cũng biết người hội đủ tiêu chuẩn nhất là ông Nguyễn Phú Trọng.
    Ông Hòang cũng tiết lộ thêm về việc Ban Chấp hành Trung ương XI đã chọn 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt còn lại để đề nghị ra Đại hội XII quyết định.
    Ông nói: “Các chức danh chủ chốt còn lại được chọn trong số Ủy viên Bộ Chính trị còn trong độ tuổi tái cử, T.Ư giới thiệu mỗi chức danh từ 3- 4 phương án, sau đó xem xét lập danh sách và bỏ phiếu kín để chọn phương án giới thiệu. Kết quả thống nhất rất cao, có trường hợp đạt gần 96%.
    Vậy ai trong số 6 Ủy viên BCT/XI “còn trong độ tuổi tái cử” được may mắn đề cử làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng ?
    Các tin rò rỉ từ Trung ương đã nói đến trường hợp ông Trần Đại Quang thay ông Trương Tấn Sang giữ chức Chủ tịch nước; Bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Sinh Hùng và ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ giữ chức Thủ tướng thay thế Nguyễn Tấn Dũng.
    Nếu sự phân công này được hợp thức hóa tại Đại hội XII thì tính đại diện cho 3 miền đất nước Bắc, Nam, Trung đã được giải quyết, kể cả chức Tổng Bí thư đảng XII sẽ nằm trong tay người Bắc như dự kiến ban đầu ở sau hội trường của ông Nguyễn Phú Trọng và phe cánh.
    Trước đây từng có tin lan truyền ở Việt Nam về trường hợp ông Nguyễn Thiện Nhân, người từng du học Mỹ và rất quen thuộc với chính giới Mỹ có thể được đề cử làm Thủ tướng vì ông là người hiền hòa, chưa làm mất lòng ai và thân Tây phương. Nhưng cũng có người phê bình ông Nhân thiếu cương quyết và thân Trung Quốc trong vai trò đại diện của Việt Nam trong Hội hữu nghị Việt-Trung.
    Tương lai chính trị của ông Đinh Thế Huynh, một người thân Trung Quốc khác vẫn chưa sáng tỏ sau Hội nghị Trung ương 14/XI. Riêng vai trò của bà Tòng Thị Phóng, Dân tộc Thái, tại Đại hội đảng XII vẫn còn mờ mịt.
    Tuy nhiên, dù bất kể ai được bầu vào 4 chức danh chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng thì Việt Nam cũng vẫn như cũ vì:
    Thứ nhất, đảng đã quy định Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải tiên quyết “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích dân tộc.”
    Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin tuy còn nhưng Nhà nước Nga và các nước Xã hội Chủ nghĩa theo Chủ nghĩa này đã nguyển rủa và từ bỏ nó từ 1989 để cứu dân và xây dựng đất nước. Đảng Cộng sản chỉ còn là thiểu số không đáng kể ở Nga hay các phần tử Cộng sản trá hình “Xã hội Chủ nghĩa” ở các nước cựu Cộng sản Đông Âu.
    Sau khi nhà nước Cộng sản của Liên bang Sô viết tan rã năm 1991, thế giới chỉ còn lại 4 nước theo Chủ nghĩa Cộng sản là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên). Nhưng Cuba đang chuyển hướng cởi mở sau khi bình thường quan hệ ngoại giao với Mỹ sau 50 năm bị Hoa Thịnh Đốn cô lập. Bắc Hàn tiếp tục là nước đóng kín với bên ngoài, nghèo nàn và lạc hậu.
    Riêng Việt Nam vì mang ơn và mang nợ với láng giềng khổng lồ Trung Quốc và từng bị Trung Quốc cai trị cả ngàn năm nên không dám tự ý tách ra khỏi quỹ đạo Cộng sản với Trung Quốc. Hai nước Việt-Trung đã nối lại bang giao năm 1991, tiếp theo sau Hội nghị lịch sử ở Thành Đô (Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) năm 1990.
    Nhưng 26 năm sau (1990-2016) ngày ký thỏa hiệp Thành Đô, hai nước Việt-Trung vẫn giữ kín những điều cam kết. Tuy vậy tin đảng CSVN đã nhượng bộ lãnh thổ và quyển lợi kinh tế cho Trung Quốc để được bảo vệ tiếp tục cầm quyền đã lan rộng ở Việt Nam.
    Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc Kinh tiết lộ phía Trung Hoa đã buộc Việt Nam cam kết “không nhắc đến cuộc chiến biên giới đẫm máu giữa 2 nước năm 1979” làm thiệt mạng trên 40 ngàn quân và dân Việt Nam và “phải rút quân khỏi Kampuchia” để có bang giao.
    Hai bên cũng cam kết giữ vững lý tưởng Cộng sản và kiên định phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt do phiá Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam thi hành. Đó là: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”
    Thời gian trôi qua đã chứng minh Việt Nam làm đúng đòi hỏi của Trung Quốc, mặc dù ngoài miệng vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đảng cũng luôn miệng hứa tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và sự toàm vẹn lãnh thổ, nhưng không dám đụng đến chân lông Trung Quốc khi nước này công khai và tự do tân tạo thành đảo lớn để xây phi trường và bến cảng cho quân đội và dân sự sử dụng trên 7 đảo và đá ngầm chiếm của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988.
    CƯƠNG LĨNH THOÁI TRÀO
    Thứ hai, Đảng XII cũng sẽ tiếp tục làm theo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa” do khóa đảng XI phát triển và bổ sung năm 2011. Điều này có nghĩa khoá đảng XII sẽ tiếp tục chũi đấu xuống cát để đi vào thế giới hoang tưởng, giáo điều và phiêu lưu như các khoá đảng trước đây.
    Bởi vì Tổng Bí thư khóa đảng XI, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng: “ Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng xã hội chủ nghĩa còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có Xã Hội Chủ Nghĩa hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” (Tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 3/20/2013)
    Một người đứng đầu đảng, Tiến sỹ, chuyên viên Xây dựng Đảng, cực kỳ bảo thủ, giáo điều và trung thành với Trung Quốc như ông Nguyễn Phú Trọng mà còn mơ hồ, viển vông như thế thì nếu chẳng may ông lại giữ nguyên chức Tổng Bí thư trong khóa đảng XII thì Việt Nam có mở mắt ra được không ?
    Tất nhiên là không vì ông Trọng và đảng CSVN chưa bao giờ dám tách khỏi Trung Quốc để “đổi mới chính trị”cho dân tham gia gánh vác việc nước. Đảng CSVN chỉ muốn độc quyền, độc đảng để bảo vệ quyền lợi cá nhân và phe nhóm. Do đó, dù ông Trọng hay bất cứ người nào lên cầm thì chủ trương đặc quyền để đặc lợi vẫn mãi mãi được bảo vệ cho đảng để có sức và có lực duy trì độc tài quyền lực.
    Hơn nữa, đối với 3 người được phao đồn đã được cơ cấu làm Chủ tịch nước là Đại tướng Bộ trưởng Công an Trần Đạ Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó Chủ tịch Quốc Hội khóa 13), và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ( Phó Thủ tướng khóa đảng XI), là những lãnh đạo chưa hế có lời nói hay hành động nào làm phiến lòng Trung Quốc.
    Riêng ông Quang đã sang Trung Quốc nhiều lấn và đã đóng góp nhiều cho hợp tác giữa Công an hai nước.
    Vì vậy, nếu họ trúng cử thì Trung Quốc sẽ rất hài lòng cũng như Bắc Kinh đã yên tâm khi có đa số, nếu không phải là tuyệt đối trong số 16 Ủy viên Bộ Chính trị khóa đảng XI, đã thồng nhầt không muốn đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
    KINH TẾ ĂN ĐONG
    Lý do đảng XII sẽ không thay đổi vì văn kiện đảng đã quy định Kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo để tiếp tục làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” do Nhà nước điều chế như đã quy định trong Cương lĩnh đảng và Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
    Trong khóa đảng XI, nhà nước đã “tái cơ cấu kinh tế” đến 3 lần, nhưng càng cơ cấu lại nhà nước càng đẻ ra thêm nhiều thủ tục hành chính chỉ để hành dân và các doanh nghiệp là chính.
    Tại một Hội nghị về nền kinh tế đầu năm 2015 của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các chuyên viên đã kết luận “ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn.”
    Tin của tờ Việt Báo (Việt Nam) viết: ”Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, mặc dù có kết quả tích cực về cải thiện hiệu quả đầu tư công, nhưng sau 4 năm tái cơ cấu, nợ công lại tăng mạnh, theo hướng gia tăng rủi ro khủng hoảng nợ công. Về trung hạn, rủi ro lớn nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô là nợ công tăng lên trên 65% GDP và ở mức không bền vững.
    “Trong phân tích bền vững nợ công cho Việt Nam – năm 2014, IMF (International Money Fund) đã phân tích rằng việc Chính phủ duy trì mức thâm hụt ngân sách trong giai đoạn tới ở mức như hiện nay thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng tới mức không bền vững”.
    Vậy nợ công của Việt Nam là bao nhiều? Theo Wolrd Bank (Ngân hàng Thế giới) thì nợ công của Việt Nam là 110 tỷ US Dollars và mỗi đầu người Việt Nam, trong tổng số dân trên 90 triệu người, phải gánh 1,200 dollars. (ViệtnamExpress, 21/07/2015).
    Trong khi đó, khối Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là trung tâm gây ra nợ nần và gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Nhiều chuyên viên kinh tế, kể cả Qũy tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo Việt Nam giải tán các Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần không trả nổi nhưng vì doanh nghiệp nào cũng có giây mơ rễ má chằng chịt của các nhóm lợi ích trong đảng nên giái thề hay đóng cửa không phài là việc dễ làm.
    Tại hội nghị của CIEM, các chuyên viên Việt Nam đã nói: “ Nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế (tổng nợ phải trả của 781 DNNN tính đến cuối 2014 là 1,87 triệu tỷ đồng).”
    Chuyên gia kinh tế Đặng Đức Thành cảnh giác tại một cuộc họp giữa năm 2015 rằng: “Cả nước làm trong cả năm cũng không đủ để doanh nghiệp nhà nước trả nợ trong suốt từ năm 2006 đến nay.”
    Bên cạnh những “thành tích” của 5 năm khoá đảng XI, không ai có thế làm ngơ trước báo cáo đã có gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ở Việt Nam.
    Theo thống kê, số người thất nghiệp theo trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng khoảng 16.000 so với cùng kỳ năm 2014.
    Ngày 20/7, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015. Bản tin ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều gia tăng.
    Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000. (báo ViệtNam Express, ngày 20/7/2015)
    Lý do vì nền giáo dục của đảng CSVN vẫn còn lạc hậu, nhiều lý thuyết hơn thực hành. Ngoài thiếu các trường dạy nghề, thực dụng, học sinh Việt Nam còn mang nặng tư duy bẳng cấp trong các ngành ngồi văn phòng và ngồi mát ăn bát vàng nhờ vào lý lịch con ông cháu cha.
    Do vậy mà Việt Nam vẫn chưa làm nổi con ốc vít và phải nhập càng nguyên nliệu và máy móc của Trung Quốc để sản xuất gần như trong tất cả mọi lĩnh vực của doanh nghiệp.
    Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 26/12/2015 thì khi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đạt 17 tỷ USD thì giá trị nhập khẩu lên đến 49.3 tỷ USD, như vậy mức nhập siêu là 32.3 tỷ USD tăng 12,5% so với năm 2014.
    Tiến Sỹ Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) nói với báo Thanh Niên ngày 29/05/2015: “Thông tin tại hội nghị ASEAN vừa rồi, đại diện Trung Quốc cho biết, thâm hụt của VN với TQ năm 2015 lên tới 44 tỉ, chứ không phải 29 tỉ dollars như thống kê của VN. Sở dĩ có sự khác biệt nói trên do TQ đã thống kê giao dịch qua biên giới hai nước rất chi tiết, kể cả tiểu ngạch, buôn lậu. Trong khi đó, VN chỉ thống kê các con số chính ngạch. Nhập siêu từ TQ tăng chóng mặt và quá phụ thuộc vào thị trường này là do các nhà sản xuất VN chỉ có thể nhập khẩu nguyên liệu rẻ tiền, sản xuất ra sản phẩm rẻ tiền và xuất khẩu vào các thị trường dễ tính.”
    CHỐNG ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ
    Thứ ba, các tài liệu của đảng cũng ấn định tiếp tục mở rộng dân chủ trong đảng nhưng kiên quyết không để thành hình đảng chính trị đối lập với đảng cầm quyền CSVN.
    Do đó, đảng XII cũng sẽ kiên quyết đấu tranh chống điều được gọi là “diễn biến hòa bình”, “các thế lực thù địch” và “các phần tử cơ hội” trong nước để “bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
    Mục tiêu của kế họach là phối hợp Công an và Quân đội để kiểm soát “an toàn thông tin mạng”, “các nhóm Xã hội Dân sự, “Blogger” và “Facebook” để nắm vững mặt trận tư tưởng trong dân và trong đảng.
    Song song với công tác này, các cơ sở đảng phải theo dõi tư tưởng đảng viên, trong Quân đội, Lực lượng Công an và trong dân để kịp thời giải thích, giáo dục, phản bác, không để tiết lột bí mật, mất đoàn kết nội bộ và không để bị lối kéo bởi những phần tử xấu.
    LẠI XÂY DỰNG ĐẢNG
    Tại Đại hội XII, số 1,510 Đại biểu của 4.5 triệu đảng viên sẽ thảo luận cống tác xây dựng đảng dựa trên tiêu chuẩn trong sạch và đòan kết như đã đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhưng vẫn chưa làm được.
    Những căn bệnh như quan liêu, cửa quyền, xa dân, không tôn trọng dân, vô cảm trước những hành động vi phạm đến quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, cá nhân chủ nghĩa, nạn tham nhũng, tham quyền, nhóm lợi ích đã được thảo luận trong suốt 5 năm, từ 2011 đến ngày khai mạc Đại hội XII nhưng xem ra vẫn như nước đổ đầu vịt.
    Đảng thừa nhận quốc nạn tham nhũng vẫn tinh vi và phức tạp, dù ông Nguyễn Phú Trọng đã đích thân chi huy công tác này trong cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
    Đảng XII cũng sẽ phải đương đấu với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Từ 4 nguy cơ đảng nhận ra từ năm 1994 gồm: tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nay đảng phải đương đầu thêm 2 nguy cơ “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hoá” trong nội bộ.
    Vì vậy mà công tác được gọi là “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phát động trên cả nước từ năm 2007 vẫn như nước đổ lá khoai vì tổ chức chỉ có hình thức.
    Trước ngày khai mạc Đại hội XII các viên chức Tuyên giáo và Tổ chức đảng đã thay phiên nhau phản bác các tin đồn chia rẽ và chống đối nhau trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, đích danh giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng.
    “Do đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh mới cho biết: “ Chủ đề chính của Đại hội XII là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
    Ngay trong nội dung này đã thấy có sự thay đổi trong công tác làm kinh tế. Trong các khóa đảng trước, Ban Chấp hành Trung ương đã lấy năm 2020 làm cái đích để Việt Nam trở thành “nước công nghiệp”. Nhưng từ cuối khóa đảng XI, đảng thừa nhận không đạt được mục tiêu này nên đã đổi thành “phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”
    Bằng chứng Việt Nam chỉ biết đi làm thuê, không sản xuất được nguyên liệu mà phải nhập càng gần như mọi thứ từ Trung Quốc nên đã lệ thuộc kinh tế sâu rộng hơn vào nước này.
    Nhưng “sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là bao nhiêu năm hay sẽ chẳng bao giờ đạt được ? Chủ trương mơ hồ này chỉ kéo dài suy thoái và chậm phát triển nếu Việt Nam tiếp tục đổi mới nửa vời; tiếp tục nuôi dưỡng khối doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vì lợi ích phe nhóm và cứ kế thừa chủ trương làm kinh tế thị trường theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” không hề có trong thực tế.
    Tính hoang đường và lý luận cùn của đảng CSVN về nền kinh tế do nhà nước chủ đạo đã được viết trong định nghĩa mới “không ra khoai ngô” rõ rệt rằng: “ Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
    Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.”
    Lối giải thích rối như tơ vò này đã bị chỉ trích là lung tung xòe vừa đánh vừa run không dám bỏ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của nhà nước CSVN.
    Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đã cảnh giác “cái đuôi” này chỉ kéo dài thêm thời gian chậm phát triển, và không bao giờ đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như đảng đã đề ra từ ngày Đổi mới năm 1986.
    Và như vậy, dù có thành công hay đại thành công thì Đại hội đảng XII cũng chỉ đẻ ra được một Tổng Bí thư và 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt giáo điều và lệ thuộc vào Trung Quốc như cũ.-/-
    Phạm Trần
    (01/016)

    Ông Nguyễn Phú Trọng có thể thực hiện cải cách về thể chế chính trị?

    Ông Nguyễn Phú Trọng có thể thực hiện cải cách về thể chế chính trị?

    Posted by adminbasam on 23/01/2016
    Đôi lời: Một bài phân tích rất hay, nêu ra những điểm mới và có lý. Từ chuyện thất bại của ông Dũng, tới bản chất con người của ông Trọng. Bài phân tích này “thinking outside the box”, tức “tư duy ngoài cái hộp”, với những ý nghĩ mới, không tư duy theo lối mòn, hoàn toàn khác với những ý nghĩ định kiến lâu nay của nhiều người về hai nhân vật Trọng – Dũng và tương lai đất nước.
    ____
    Quốc Việt
    23-1-2016
    TBT Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: báo PetroTimes
    TBT Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: báo PetroTimes
    Qua một thời gian theo dõi các diễn biến về chính trị tại Việt Nam và nhân sự kiện đại hội đảng đang diễn ra tại Việt Nam để bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tôi muốn gửi một bài viết cá nhân về xu hướng chính trị Việt Nam trong thời gian tới.
    Tôi thường hay có những dự đoán ngược với số đông và thông thường những dự đoán đó lại khá chính xác. Tất nhiên những dự đoán đều phải dựa vào những logic nhất đinh. Lần này tôi có cảm nhận người có thể thực hiện cải cách về thể chế chính trị lại chính là ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi muốn viết trước dự đoán này để xem lần này có tiếp tục chính xác hay không.
    Trước đây khi phần lớn mọi người nói rằng thủ tướng đang rất mạnh và có khả năng trở thành Tổng thống đầu tiên. Tôi đã nói với một số bạn bè rằng chắc ông ấy sẽ thất bại và hầu hết mọi người đều không tin điều này. Logic của tôi lúc đó đơn giản là thủ tướng đã đi sai nước cờ chính trị sau khi trang web “Chân dung quyền lực” xuất hiện. Với sự hiện diện của trang web này đã ngầm định ông tuyên chiến với hầu hết các thành viên bộ chính trị còn lại. Trong khi đó phía bộ công an thì ông cũng không nắm được bộ trưởng công an vì ông Trần Đại Quang trước khi lên bộ trưởng cũng đã có thời kỳ không được thủ tướng tin dùng và ông Quang cũng khá hiểu con người thủ tướng. Các “đệ tử” khác của thủ tướng phần lớn đều chỉ có thể chi phối về lợi ích chứ không có ai tuyệt đối trung thành với ông. Trong khi đó ông thủ tướng lại có quá nhiều yếu điểm để các đối thủ khác dễ bề tấn công, từ quản lý điều hành kinh tế, xã hội, đến các vấn đề gia đình. Nên khi thủ tướng chọn phương án đối đầu với hầu hết các đối thủ chính trị còn lại thì khả năng thất bại rất cao.
    Về ông Nguyễn Phú Trọng, thời gian đầu ông lên nắm quyền tổng bí thư, tôi cảm thấy hơi khó hiểu về ông ta. Vì thông thường một con người sẽ hành động theo hai xu hướng. Một là cho bản thân mình, hai là công hiến cho xã hội để mang lại tiếng thơm sau này. Nhưng ông ta đã không thực hiện cả hai điều này. Nếu ông ta chỉ mong muốn vun vén cho mình thì tốt nhất khi lên chức tổng bí thư không nên tìm cách đấu đá làm gì cả, để cho thủ tướng tự tung tự tác và chắc chắn ông Tổng sẽ được chia sẻ những bổng lộc không nhỏ cho cá nhân và gia đình để hưởng cuộc sống an nhàn sau này và nếu kinh tế xã hội không tốt thì người đời chỉ có trách thủ tướng là người điều hành đất nước. Nhưng đằng này ông Tổng lại ra sức tìm mọi cách để chống tham nhũng, loại bỏ những thành phần “lợi ích” gây tổn hại cho đất nước. Nếu ông ta muốn hành động để lại tiếng thơm sau này thì ông ta phải tích cực ủng hộ dân chủ, ủng hộ cải cách. Nếu chỉ nhìn các hành động của ông Trọng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua thì chúng ta khó nhìn thấy tư tưởng cải cách của ông.
    Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát tôi nhận thấy có lẽ ông Trọng sẽ là người đầu tiên thực hiện việc cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhận định của tôi dựa trên các dữ kiện sau đây.
    – Ông Trọng là người cẩn trọng và có tính toán bước đi khá chặt chẽ. Ông ta là người quyết tâm thực hiện ý tưởng tới cùng. Bước đi của ông ta theo tôi đầu tiên là loại bỏ những nguy cơ mà ông cho rằng sẽ cản đường cho sự phát triển đất nước đó là tham nhũng và “nhóm lợi ích”. Sau khi hoàn thành bước một này thì sẽ chuyển sang thực hiện việc cải cách đổi mới toàn diện. Tôi cảm nhận điều này qua nhiều diễn biến nhưng có lẽ rõ ràng nhất vẫn là bài báo trên tạp chí công sản đăng về cảnh báo nguy cơ về “lợi ích nhóm”. Trong đó có phân tích khá rõ ràng và lo sợ Việt nam sẽ rơi vào tay của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Trong khi đó bài bài lại khen chủ nghĩa tư bản hiện đại là có nhiều mặt tiến bộ mà Việt Nam cần học tập.
    – Ông Trọng là người khôn ngoan chứ không hề “Lú”. Nếu nhìn những phát biểu của ông thì có nhiều người sẽ nói ông ta vẫn chưa thoát khỏi lý thuyết cộng sản. Tuy nhiên, phân tích một cách kỹ càng thì có thể nhận thấy. Một người không phải là hoàng tử đỏ, cũng không phải là công thần của chế độ từ thời chiến tranh mà leo lên tới chức chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư thì cũng phải là người có nhận thức khá tốt. Với bất cứ đảng viên cộng sản bình thường nào cũng đều có thể biết là chủ nghĩa cộng sản “vứt vào sọt rác” thì đương nhiên ông Trọng không thể nào không biết điều này. Chẳng qua ông giữ chức vụ Tổng bí thư nên chưa thể nói khác được, khi mà chế độ cộng sản vẫn đang là bình phong cho nhiều người để giữ quyền lợi và bổng lộc. Ông có một số phát biểu mà qua đó chúng ta có thể thấy ngụ ý của ông trong đó ví như “chủ nghĩa xã hội không biết xây đến bao giờ mới được”. Trong chính trị ông Trong là người khôn ngoan, ông đã từng bước lôi kéo các thành viên khác của bộ chính trị theo phe của mình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đảng viên kỳ cựu lão thành và đưa ra các nghị quyết, nghị định từng bước trói chân đối thủ chính trị của mình. Tôi có cảm tưởng như các thế trận mà ông giăng ra khá chặt chẽ mà đối thủ của ông khó thể nào chống lại được.
    – Tôi không cho rằng ông Trọng là người thân Trung Quốc. Bởi nếu thân Trung Quốc ông phải được lợi lộc gì đó. Ông ta lại không phải loại người hám lợi nên việc thân Trung Quốc đâu có lợi gì cho ông mà chỉ để lại tiếng xấu. Tuy nhiên ông không phải là người muốn dùng ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc nên hay bị chỉ trích là thân Trung Quốc. Ngoại giao Việt Nam luôn là ngoại giao theo hướng cân bằng. Ông cũng là tổng bí thư Việt Nam đầu tiên tới thăm Mỹ và có những trao đổi khá cới mở, thẳng thắn với tổng thống Mỹ.
    – Điểm cải cách và đột phá của ông Trọng trong nhiệm kỳ vừa rồi là đang cố gắng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Chúng ta dễ nhận thấy nhiều lãnh đạo tỉnh thành, các bộ và sở có những cán bộ khá trẻ. Những người trẻ thường được đào tạo bản bản và có kiến thức hơn thế hệ lãnh đạo trước, dễ tiếp thu cái mới và dám thử thách. Đây là điểm khởi đầu cho một bước chuyển tiếp cho cải cách đổi mới toàn diện đất nước.
    – Điểm cuối cùng là tại sao ông Trọng vẫn mong muốn tiếp tục nắm chức Tổng bí thư thêm một vài năm. Rõ ràng ông ta không phải là người muốn duy trì tiếp quyền lực để hám lợi, vì nếu muốn như vậy thì nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi ông ấy đã phải vun vén cho mình rồi. Nếu ông Trọng về hưu tại thời điểm này thì rõ ràng tiếng xấu thuộc về ông khá nhiều và ông chưa thực hiện được tâm nguyện của mình. Do vậy, ông chỉ có thể về hưu khi ông đã thực hiện xong ý nguyện của ông và chí ít cũng phải để lại một điều gì đó ấn tượng đối với nhân dân Việt Nam.
    Dựa trên những cơ sở nêu trên thì tôi nhận định ông Trọng có thể là người tổng bí thư Việt Nam đầu tiên thực hiện cải cách về thể chế chính trị. Lãnh đạo Miến Điện từng được cho là quân phiệt và bảo thủ nhưng họ đã bất ngờ có những cải cách mà không ai có thể ngờ tới. Lãnh đạo Việt Nam dẫu sao cũng vẫn ôn hòa và Việt Nam thực hiện hội nhập sớm hơn Miến Điện rất lâu nên việc một lãnh đạo tưởng chừng như bảo thủ có thể thực hiện cải cách chính trị là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

    Trọng ”lú” đang chi phối Đại hội để thao túng vận mệnh đất nước như thế nào?

    Trọng ”lú” đang chi phối Đại hội để thao túng vận mệnh đất nước như thế nào?

  • Bởi Admin
    22/01/2016
    0 phản hồi
         
    Người Cấp Tiến
    Dân Luận: Chúng tôi gõ lại bức thư của Người Cấp Tiến gửi tới Anh Ba Sàm, cùng với những lời bình luận cho từng đoạn của bức thư để độc giả tiện bề tham khảo, không rơi vào bẫy hỏa mù của cả hai bên.
    Một đất nước muốn thay đổi phải trải qua những giai đoạn phù hợp. Không thể một sáng mai thức dậy Việt Nam đã trở thành một quốc gia dân chủ. Tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo vì thế cực kỳ quan trọng. Nó sẽ quyết định hướng đi của đất nước trong tương lai. Chưa có Đại hội Đảng nào hai xu hướng mâu thuẫn được thể hiện rõ ràng như Đại hội này. Một bên Trọng đại diện cho đường lối bảo thủ lệ thuộc Trung Quốc. Chiêu bài chính là chống tham nhũng và kế sách hành động là đả hổ diệt ruồi [DL: Nói như vậy phe ông Dũng thừa nhận mình là phe tham nhũng, phe nhóm lợi ích mà nhiều người cho là ”quốc nạn” trong thời gian qua?]. Một bên là Dũng đại diện cho đường lối hội nhập sâu rộng với quốc tế. Đường lối chính là phát triển kinh tế để bù đắp những yếu điểm tích tụ bấy lâu nay của thể chế.
    Bằng việc lựa chọn đại diện, mỗi người Việt Nam lựa chọn xu hướng phát triển đất nước trong tương lai dài [DL: Người Việt Nam đâu có quyền tham gia quá trình lựa chọn đại diện này đâu?]. Trong đó có các Ủy viên Trung ương Đảng và các đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc là những người quyết định.
    May mắn trong những giờ phút vận mệnh đất nước lâm nguy, tình yêu nước đã thức tỉnh trong trái tim của nhiều người, kể cả các quan chức. Tác hại của chủ trương lệ thuộc đã ăn sẵn vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Chính vì thế, nếu thực hiện đúng các quy định bầu cử theo Điều lệ Đảng, phe Trọng chắc chắn thua. Trọng dưới sự tư vấn của ”mẫu quốc” đã bằng mọi cách chi phối Đại hội để thực thi cơ chế độc tài cai trị đất nước [DL: Lá bài bài Trung lại được xòe ra. Ông Trọng đâu cần tư vấn của ”mẫu quốc” mới đẻ ra cơ chế ”Bộ chính trị cử, đại biểu bầu” này? Trò chơi độc tài này Đảng vẫn chơi thường xuyên với người dân mà?].
    Thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng máy bay Trung Quốc đã bay rợp trời Việt Nam. Không chỉ tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa mà kể cả vùng trời Hà Nội cũng bị xâm phạm. Quả cầu rơi xuống địa phận tỉnh Yên Bái cũng chính là một bộ phận của tên lửa đã bị rút hết chất nổ. Sau khi Trọng có sự ”nhở và bảo vệ an ninh” thì ”mẫu quốc” đã thực thi các biện pháp khủng bố tinh thần cụ thể nhất. [DL: Quả cầu có thể là một bộ phận của tên lửa thật, nhưng liệu nó có phải là tên lửa của Trung Quốc không, hay của Nga? Và liệu nó là tên lửa đẩy vũ trụ hay tên lửa quân sự? Gắn vụ việc này với Trọng và ”mẫu quốc” là có mục đích đe dọa đại biểu.]
    Nhưng người dân Việt Nam không sợ. Trong Bộ chính trị, Nguyễn Thiện Nhân đã đứng lên chỉ rõ việc Trọng đã phản bội lại Điều lệ Đảng bằng những quy định để ”độc quyền” chức danh Tổng bí thư. Những Ủy viên Trung ương Đảng như Lương Ngọc Quyến, Ksor Phước… đã nêu đích danh những yếu kém và sai lầm của Trọng và đề nghị Trọng về hưu. [DL: Những yêu cầu này có vẻ hợp lý hợp tình. Có những người trẻ và có năng lực như ông bộ trưởng Bùi Quang Vinh thì lại về hưu đợt này, trong khi những người lú và già như ông Trọng lại ở lại là điều bất hợp lý.]
    Sự phản đối rõ ràng và mãnh liệt đó đã khiến Trọng và Rứa phải nhờ ”mẫu quốc” tìm cách chi phối Đại hội để đàn áp tinh thần tiến bộ của tất cả các đại biểu. [DL: Không có bằng chứng cụ thể về sự can thiệp của ”mẫu quốc”.]
    Hiện nay trong danh sách bầu Ban Chấp Hành Trung Ương tứ trụ cũ chỉ còn mỗi Trọng. Rất nhiều đại biểu đã thắc mắc Trọng chỉ nhắc đi nhắc lại đại ý Tôi đã giải thích vấn đề này nhiều lần mà các anh cứ thắc mắc làm gì. Trọng né tránh câu hỏi bằng những câu trả lời không có bất kỳ thông tin hay ”lý luận” gì. Đó là một cách đàn áp.
    Trong số các đại biểu, Ksor Phước là người có ý kiến quyết liệt nhất về việc Ban Chấp hành tước quyền của Đại hội, sự phản bội nguyên tắc Tập trung dân chủ và tinh thần của Điều lệ Đảng. Điều này làm Rứa nổi điên. Nhưng Rứa theo chỉ đạo của ”mẫu quốc” cũng đã rào dậu kỹ càng bằng những tính toán lưu manh.
    Một chi tiết đặc biệt của Đại hội là mỗi đại biểu được phát một thước nhựa trong để gạch tên các ứng cử viên trong danh sách, Rứa nhấn mạnh ”để các đồng chí nhìn kỹ tên người sẽ gạch”.
    Các đại biểu không phải trẻ con. Một quan chức cao cấp trong một cuộc bầu cử trọng đại còn gạch nhầm tên người mình muốn gạch thì đất nước này đi về đâu? Chỉ là một chiêu bài của ”mẫu quốc” để bầu cử chỉ diễn ra về mặt hình thức mà không có bất kỳ sự tự do nào? Với một thước kẻ trong và có thể có vài tính năng đặc biệt, ai bầu ai sẽ trở thành một chuyện có thể điều tra và làm rõ. Phải chăng nếu phe Trọng thắng thế, những ai bầu ”sai” sẽ được ghi lại và ”làm thịt” do trái lệnh thiên triều? [DL: Từ một chiếc thước kẻ trong mà suy ra âm mưu của ”mẫu quốc”, đi như vậy có xa quá không vậy?]
    Trong mọi trường hợp, Trọng đã được thiết kế một con đường gần như chắc chắn để lên chức Tổng bí thư.
    Theo quy định 244 do Hội nghị Trung ương lần thứ 14 đề ra, đại biểu là ủy viên ban chấp hành trung ương khi ra Đại hội nếu không có tên tái cử thì không được tự đề cử. Nếu được đại biểu thường đề cử phải đứng lên xin rút. Sau đó Đại hội sẽ bỏ phiếu cho rút hay không.
    Đây là cửa ải thứ nhất vì ứng viên phải được hơn 50% số phiếu của các Đại biểu mới được vào danh sách bầu. [DL: À, vậy đấy, với cơ chế tương tự, Đảng đã loại bỏ những người Đảng thấy không hợp cạ ra khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu quốc hội. Giờ chính ông Dũng lại dính chiêu này, đau thật!]
    Khi đã vào danh sách bầu mọi việc vẫn tiếp tục cực kỳ phức tạp.
    Trọng đã đưa ra một mẫu phiếu bầu và quy chế bầu lằng nhằng hết mức có thể. Với mẫu phiếu và quy chế bầu đó những ai không được ”phím” trước khả năng rất cao là bỏ phiếu không hợp lệ. Do đó nếu không phải phe Trọng việc bỏ phiếu cho đúng cũng là một bài toán nan giải.
    Đồng thời nếu Trọng không trượt từ vòng bầu Ban Chấp Hành, Trọng vẫn đương nhiên là Tổng bí thư. Trọng sẽ vẫn đủ quyền để ép ứng viên nghỉ tuân theo quy chế của Hội nghị Trung ương 14.
    Cho đến thời điểm này diễn biến của Đại hội có thể tóm tắt như sau: Ngày đầu Đại hội đã thông qua quy chế bầu cử. Ngày thứ hai và thứ ba chỉ thảo luận nhóm. Các đoàn cấm được giao lưu trao đổi. Điện thoại của các đại biểu bị tịch thu. Nhà mạng chặn tin nhắn có tên Trọng Sang Sinh Hùng nhưng để mở tên Dũng để tiện chỉ đạo gạch tên. Không khí khủng bố trên tạo tâm lý chán nản để các đại biểu không quan tâm Đại hội. Đội Trương Đình Huệ và Trần Quốc Vượng trở thành ”chó săn” đi rình mò thông tin các đoàn.
    Đại hội thực chất chỉ được tổ chức để diễn nốt hoạt cảnh mà ”mẫu quốc” đã chỉ đạo. Các đại biểu đã bị tước bỏ toàn bộ quyền bầu cử bằng một vài thủ thuật theo các mưu kế sách Tàu.
    Dũng đã chiến đấu như một người đàn ông. Vụ Vinashin đạo diễn toàn bộ là Hùng. Nhưng Dũng cũng không một lần lên tiếng. Vì thế việc đánh DŨng thông qua Vinashin hoàn toàn thất bại.
    Trung ương lần này Dũng đặt niềm tin ở sự hiểu biết của các Đại biểu và hoàn toàn im lặng trước những âm mưu của Trọng [DL: Có thật là ông im lặng không? Ông im lặng nhưng xúi âm binh đi tung tin ầm ỹ trên mạng thì không được tính đâu]. Trọng đã bịt mọi đường để các Đại biểu thực thi quyền bầu cử của mình.
    Vấn đề không nằm trong sự tốt xấu cá nhân của Trọng hay của Dũng. Lần đầu trong lịch sử hình thành và phát triển của Đảng có hai xu hướng đối lập. Một bên đi về ”mẫu quốc”, một bên đi về dân chủ ”phương Tây”. Và lần đầu tiên, một cách cực kỳ hạn chế, những người dân Việt Nam có quyền hy vọng mong manh ở lựa chọn của các Đại biểu Đại hội Đảng.
    Trọng lên, một kịch bản gần như rõ ràng sẽ xảy ra. Chiến dịch đả hổ diệt ruồi sẽ được tiến hành để thanh trừng phe phái dưới chiêu bài chống tham nhũng [DL: À, đây là điều ông Dũng lo ngại nhất chăng? Ông sợ thua cuộc lần này thì ông và gia đình sẽ khó mà giữ được tính mạng và của cải?]. Để đàn áp lực lượng đối lập rất có thể quân đội và sự hỗ trợ của ”người anh em phương Bắc” sẽ được huy động. Liệu máu có tiếp tục đổ trên đất nước Việt Nam?
    Không những không đòi được Hoàng Sa và Trường Sa mà thậm chí những tín điều thiêng liêng của đất nước sẽ rơi vào tay giặc.
    Dân tộc Việt Nam sau bao nhiêu hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh lại tiếp tục làm nô lệ cho một quốc gia khát máu.
    Chính những người dân của quốc gia đó còn rên xiết dưới ách thống trị của bộ máy cầm quyền, huống hồ những quốc gia chư hầu.
    Vẫn còn một hy vọng rất mong manh của các Đại biểu Đại hội. Và vận nước hơn bao giờ hết đang được quyết định bởi lòng dũng cảm của những người đàn ông. Và mọi người dân Việt Nam có quyền được biết thực tế đang diễn ra bên trong Đảng để có lựa chọn phù hợp cho tương lai.
  • - See more at: http://www.danluan.org/tin-tuc/20160122/trong-lu-dang-chi-phoi-dai-hoi-de-thao-tung-van-menh-dat-nuoc-nhu-the-nao#sthash.A4w7IEXr.dpuf