Vượt biên không chỉ đơn giản như đi nhờ máy bay của chủ tịch Quốc hội mà nhiều khi phải có trí thông minh, lòng dũng cảm và cái giá phải trả không hề rẻ.
Tho NguyenTheo dõi
Theo gió về miền Tây
Ngày 3.10 cách đây 29 năm, nước Đức đã thống nhất trong hòa bình. Khởi đầu là cuộc đấu tranh bất bạo động đòi cải cách xã hội của nhân dân CHDC Đức. Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về thời trai trẻ học nghề ở đây. Đầu tháng 9 vừa qua, vợ chồng tôi lại về trường cũ ở Königs Wusterhausen để thăm lại các thầy cô.
Tôi có rủ cả Michael Verleih, người bạn thời trẻ của tôi, người tù chính trị năm xưa, về thăm trường cũ để gặp lại bạn bè của bà Verleih, mẹ anh ta. Nhiều cuộc gặp gỡ cảm động đã diễn ra mà tôi không thể kể hết.
(Câu chuyện về Michael ở đây https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1884709961547068)
Trong một quán ăn Việt Nam ở Königs Wusterhausen, thầy trò chúng tôi ôn lại các kỷ niệm xưa. Cười bò vì những trò ấu trĩ XHCN bao nhiêu, chúng tôi lại tự hào bấy nhiêu về những gì mà người Đông Đức đạt được trong hoàn cảnh thua kém về kỹ thuật thời đó. Mặc dù lạc hậu hàng chục năm so với Tây Đức, nhưng nền giáo dục CHDC Đức vẫn đào tạo ra những người thợ, những kỹ sư, bác sỹ ngang tầm. Tôi luôn biết ơn ngôi trường cũ là vì vậy.
Nhân Michael nói chuyện về vụ án của anh ta, bạn tôi nhắc đến việc hai người thợ Đông Đức đã chế tạo khinh khí cầu để vượt biên bằng những phương tiện tại chỗ và trí thông minh.
Ngày đó người Đông Đức chạy sang Tây Đức không phải vì thiếu thốn hay đói ăn. Nền kinh tế XHCN đảm bảo cuộc sống cơ bản, nhà ở và các dịch vụ y tế, giáo dục cho toàn dân. Đông Đức chỉ thiếu ngoại tệ mạnh để nhập các thứ hàng cao cấp như cà phê, rượu ngon, hoa quả nhiệt đới v.v. Nhưng đó không phải là các nhu cầu sống còn.
Người ta bỏ đi vì không được nói, được viết những điều họ nghĩ. Tự do là khí thở! Ai không chịu nổi sự ngột ngạt thì tìm cách ra đi. Nhưng sống sót qua được đường biên giới đầy mìn và thép gai, dày đặc lính biên phòng, không phải là dễ dàng.
Nhiều người dân Đông Đức đã đào các loại hầm ngầm, thiết kế các loại thuyền vượt biển, cải tạo các lớp vỏ xe ô tô để chui vào trong đó v.v. Ở Đức có nhà „Bảo tàng biên giới“[1], trưng bày hàng trăm cách vượt biên đầy sáng tạo của dân chúng. Nhưng có lẽ chế tạo khinh khí cầu để hai gia đình 8 người cùng bay qua biên giới là câu chuyện có một không hai.
Peter Strelzyk, (sinh 1942), thợ điện, từng đi lính không quân và Günter Wetzel, (sinh1955), thợ nề, là đồng nghiệp tại một nhà máy sản xuất nhựa địa phương. Cả hai đều mong muốn chạy trốn khỏi Đông Đức và từ đầu năm 1978, họ đã lập kế hoạch vượt biên. Lúc đầu họ tính thiết kế một chiếc trực thăng, nhưng kiếm đâu ra được một động cơ thích hợp? Thế là họ quyết định nghiên cứu làm một khinh khí cầu, sau khi đọc các tài liệu kỹ thuật.
Để có thể trốn thoát cùng 2 bà vợ và bốn đứa con (từ 2 đến 15 tuổi), tổng số cả người và khí cầu là khoảng 750 kilôgam, cần phải có 2.000 mét khối khí được làm nóng đến 100 °C. Tức là họ cần khoảng 800 mét vuông vải thích hợp. Vì ở một thị trấn nhỏ gần biên giới nên họ không thể mua khối lượng vải như vậy mà không bị để ý. Thế là họ phải đánh xe đi khắp các thành phố khác để mua. Họ nói dối là để cắm trại cho cả câu lạc bộ.
Vợ chồng Wetzel may bóng khinh khí trên một máy may thủ công 40 năm tuổi. Strelzyk thiết kế phần giỏ treo và phần đầu đốt.
Vào tháng 4 năm 1978. Sau nhiều ngày tìm kiếm, họ đã tìm thấy một khu rừng cách biên giới 10 kilômét để thử nghiệm. Thử nghiệm thất bại vì loại vải đó dò rỉ nhiều quá nên đốt mãi mà bóng không phồng. Mất toi 2500 Mark Đông Đức! Riêng việc bí mật thiêu hủy đống vải đó trong lò sưởi cũng mất 5 tuần.
Lần thử tiếp theo với các loại vải không thấm nước dùng để làm ô che mưa hoặc lều cắm trại cũng thất bại. Lần này thì tại đầu đốt khí Propan vẫn còn yếu, túi khí không căng được lên hết. Mất toi 4800 Mark Đông Đức. Wetzel thối chí, chuyển sang nghiên cứu máy bay nhỏ. Tan đàn xẻ nghé.
Strelzyk tiếp tục cố gắng cải thiện đầu đốt. Vào tháng 6 năm 1979, ông phát hiện ra rằng nếu lắp bình propan đảo ngược, áp lực bổ sung gây ra chất lỏng propan sẽ tạo ra một ngọn lửa lớn hơn. Ông sửa đổi giỏ treo để gắn các bể chứa propan lộn ngược. Cấu trúc mới tạo ra ngọn lửa dài 12m.
Vào ngày 3 tháng 7 năm 1979, thời tiết và gió thuận lợi. Toàn bộ gia đình Strelzyk bay lên lúc 1:30h sáng và đạt đến độ cao 2.000 m. Gió đang thổi bóng về phía Tây Đức thì khí cầu bay vào một đám mây. Hơi nước trong khí quyển ngưng tụ trên khí cầu và trọng lượng thêm của nước khiến nó chìm xuống. Họ đáp xuống một cách an toàn, nhưng vẫn ở Đông Đức. Vợ chồng Strelzyk xóa hết mọi dấu vết và tìm mọi cách bí mật về nhà cách đó 14km. Nhưng họ không hủy được khí cầu.
STASI phát hiện ra xác khí cầu và phát động một cuộc truy nã gắt gao. Họ đã tìm thấy dấu vết thuốc của Doris Strelzyk để lại trên khí cầu và truy tìm các loại séc mua vải. Nếu STASI tìm được Strelzyk, Wetzel cũng sẽ bị lộ. Thế là hai gia đình lại thống nhất. Thời gian sống sót của họ không còn lâu nữa Họ phải lắp ngay một khí cầu khác để nhanh chóng chạy thoát.
Với kinh nghiệm đã có, họ tăng gấp đôi kích thước quả bóng lên 4.000 mét khối. Họ phải đi xa hàng trăm cây số để mua 1.250 mét vuông vải các loại trong khi STASI đã thông báo cho tất cả các cửa hàng không được bán vải khối lượng lớn.
Cái thòng lọng của STASI sắp thít lại đúng vào lúc họ kịp may xong khí cầu và quyết định hành động. Nửa đêm hôm 16.9.1979, khinh khí cầu bay lên cùng cả hai gia đình 8 người. Không may là gió to đẩy ngọn lửa về phía vải gây bốc cháy. May Günter Wetzel có mang theo bình cứu hỏa nên kịp dập tắt đám cháy. Khí cầu bay cao 2.500 mét, trôi về phía Tây Đức với tốc độ 30 km/giờ. Vì khí cầu bị cháy một chỗ, mất hơi nên Wetzel phải tăng ngọn lửa lên mức tối đa . Ánh lửa đã làm một lính biên phòng Đông Đức để ý và anh ta báo động về một vật thể bay không xác định hướng về phía biên giới. Nhưng Radar không thể phát hiện bóng bay bằng vải còn đèn pha thám không thì không chiếu tới 2500 m.
Khi bình propan hết, họ rơi từ từ xuống một cánh đồng. Không ai bị thương, ngoại trừ Wetzel bị gãy chân khi hạ cánh. Họ nghĩ rằng đã thoát vì thấy những ánh đèn màu đỏ và vàng không phổ biến ở Đông Đức. Họ cũng thấy các các máy cày mà miền Đông không có. Hai cảnh sát Tây Đức đã nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy của quả bóng đang hạ cánh nên phóng xe đến nơi đó. Viên cảnh sát nói với họ:
-Đây là Naila, bang Bavaria Tây Đức, chỉ cách biên giới 10km. Ngọn gió nào đã đưa các vị tới đây thế?
Cả hai gia đình định cư tại Naila, nơi họ đã hạ cánh. Wetzel làm thợ sửa ô tô và Strelzyk mở một cửa hàng sửa chữa truyền hình. Để tránh các điệp viên Stasi luôn xuất hiện ở đó, Strelzyk chuyển sang Thụy Sĩ năm 1985. Sau thống nhất đất nước 1990, họ đều trở về quê ở Đông Đức.
Ngay sau đêm 16.9.1979, Đông Đức lập tức tăng cường an ninh biên giới, đóng cửa tất cả các sân bay nhỏ gần biên giới và ra lệnh cho các máy bay phải đỗ xa hơn trong nội địa. Bình chứa khí Propan đã trở thành sản phẩm phải đăng ký. Vải không thấm nước cũng trở thành hàng quốc cấm.
Người em của Peter Strelzyk là Erich ở lại Đông Đức biết tin trốn thoát của anh trai mình qua đài truyền hình Tây Đức ZDF. STASI ập đến bắt ông tại nhà riêng 3 giờ sau đó, dù ông không dính dáng gì đến vụ đào thoát của anh. Erich cùng chị gái Maria và ông anh rể bị buộc tội "giúp đỡ và đồng mưu trốn thoát" và kết án hai năm rưỡi tù. Ba người cuối cùng đã được phóng thích nhờ sự can thiệp của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Quả bóng khí cầu dài 28 m, rộng 20m hiện được trưng bày tại bảo tàng lịch sử Bavaria ở Regensburg.
Năm 1982 hãng phim Disney đã mua bản quyền chuyện kể của Strelzyk và dựng bộ phim truyện “Night Crossing”. Người Đức đặt tên phim là „With the Wind to the West” (Theo gió về miền Tây). Trong phim có nêu nhiều chi tiết về tình bạn của hai gia đình cũng như bi kịch giữa những con người cùng cảnh ngộ [3].
Köln 3.10.2019
---------------
[1] https://www.grenzmuseum.de
[2]https://vi.wikipedia.org/…/%C4%90%C3%A0o_t%E1%BB%B5_kh%E1%B…
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Night_Crossing
---------------
[1] https://www.grenzmuseum.de
[2]https://vi.wikipedia.org/…/%C4%90%C3%A0o_t%E1%BB%B5_kh%E1%B…
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Night_Crossing