Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Khi Vũng Áng trở thành vũng lầy

Khi Vũng Áng trở thành vũng lầy

Cánh Cò, viết từ Việt Nam
2016-04-25
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_9Y4WE
Nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 4/12/2015.
 AFP photo
Vũng Áng là cái tên từng đâm thẳng vào tim người dân Hà Tĩnh từ lâu chứ không phải mới đây, khi vụ cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 tại xã Kỳ Lợi sau đó lan sang các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh gây phẫn nộ cho người dân khắp nước. Vũng Áng hiền lành nay chợt bùng lên như một ngọn lửa, không phải thứ lửa được tô vẽ bằng chiếc áo cách mạng, mà ngọn lửa âm ỉ bấy lâu nay gặp chất dẫn cháy đã rực lên thứ ánh sáng lương tâm, thức tỉnh người dân cả nước vốn âm thầm trước mọi nguy biến của dân tộc. Ngọn lửa Vũng Áng không bao lâu nữa sẽ đốt rụi mọi u mê mà đảng Cộng sản Việt Nam đang cố lấp liếm che giấu những gì mà họ đã và đang làm cho người dân.
Hơn 250 cây số chiều dài dọc bờ biển 4 tỉnh duyên hải Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã chứng kiến hàng chục ngàn tấn cá chết tấp vào bờ. Trong khi báo chí, người dân hớt hải đi tìm nguyên nhân cũng như loan tải những thông tin cần thiết về nhà máy Formosa, nơi bị cho là xả chất thải kịch độc làm môi sinh bị hủy diệt thì đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy bất cần sinh mạng cũng như cuộc sống người dân lên tới đỉnh cao nhất của mọi đỉnh cao.
Cá chết hôm nay thì mai đây có thể sẽ được phục hồi bằng hàng tỷ con cá khác theo quy luật sinh tồn của tạo hóa, nhưng cái quan trọng trong biến cố này là hàng loạt các vấn đề như cây kim lâu ngày trong bọc lòi ra cắm sâu vào tay người dân, nhức nhối âm ỉ trước một chính quyền vô trách nhiệm, táng tận lương tâm từ lời nói tới việc làm của bọn tự xưng là đày tớ.
Ngày 22 tháng 4, người đày tớ số má nhất là Nguyễn Phú Trọng vẫn lầm lì như mọi lần, dắt một đoàn đày tớ cộm cán tới thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, Vũng Áng nơi đang xảy ra vụ cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 tức là 16 ngày trước. Ông Trọng tới không phải để tìm hiểu vụ cá chết mà để kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ dự án Formosa.
Báo chí tường trình vụ này mà không có lấy một lời quan tâm của ông Trọng về diễn biến cá đang chết đầy các bờ biển được xem do nhà máy Vũng Áng xả chất thải vào biển gây ra sự cố. Ông Trọng cùng với phái đoàn đảng của ông ngày hôm sau tiếp tục quan tâm tới một ông tổ cộng sản khác là Hà Huy Tập để ăn mừng ngày sinh thứ 110 của ông cố Tổng này.
Một lần nữa, các ông Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng ngồi ngây dại trong hội trường, mắt mở to nhìn băng rôn đỏ thắm khắp phòng mà không một lời nhắc nhở cái màu đỏ phủ khắp mọi nơi tại Hà Tĩnh, Vũng Áng cùng các tỉnh miền trung khác. Màu đỏ ấy không phải là màu cờ cộng sản mà là máu cùng nước mắt nhân dân.
Người tại chỗ không thể sinh sống bằng nghề cá còn kẻ ở nơi khác thì nhìn vào đó để thấy rằng tương lai u ám của một Việt Nam bị lệ thuộc quá sâu nặng vào đồng tiền, vào yếu tố nước ngoài do Đảng đang áp đặt lên đất nước mà hệ lụy đầu tiên là mất chủ quyền không cần che giấu.
Những ai bi quan cho rằng nước đã mất vào tay ngoại bang nay có dịp chứng minh lập luận của họ một cách thuyết phục. Chủ quyền quốc gia đã rơi khỏi bàn tay chính phủ, nơi dại diện cho dân chúng, và điều này được báo chí công khai tường thuật không cần lạng lách. Cụ thể nhất là ông Phạm Khánh Ly, vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nói với báo chí rằng phái đoàn của ông không được phép vào Vũng Án để điều tra vì Khu công nghiệp Vũng Áng có yếu tố nước ngoài nên muốn vào phải có giấy phép của trung ương.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã công khai bảo kê cho tập đoàn Formosa bằng các rào cản hành chánh núp dưới hình thức bảo vệ đầu tư nước ngoài thay vì bảo vệ quyền lợi và an ninh quốc gia.
Bên trong dãy hàng rào kiên cố ấy Formosa còn được bảo vệ bởi một thứ quyền lực kiên cố hơn đó là đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã cho phép Formosa làm nhiều điều vượt khỏi mọi quy tắc thông thường của một đất nước có chủ quyền bởi vì đảng tự cho mình là đất nước. Cầm tay Formosa chỉ cho tập đoàn này cách vượt thoát mọi con mắt người dân bằng hàng rào sắt chưa đủ, Đảng đã trói tay luôn những cán bộ ăn lương nhà nước thực hành nhiệm vụ của mình vì một lý do rất đơn giản: Formosa trả lương cho Đảng để bảo vệ nó.
Với 97 tỷ cho phép khai thác trong vòng 70 năm, Formosa bấm chặt cặp môi của đảng bằng đồng tiền rẻ mạt nhưng đảng vẫn cúc cung tận tụy bảo vệ nó thì người dân có quyền nghĩ đến một đáp án khác: Phải chăng ông Trọng đã lĩnh cả gói lương hưu do Formosa cấp để đích thân tới Vũng Áng chỉ đạo cho người dân tại đây không nên lo lắng về cái họa Formosa?
Vũng Áng, sau gần một tháng tang thương, sáng hôm nay màu trởi trở nên trong veo đến kỳ lạ. Trong veo vì tấm màn bí ẩn xả chất độc vào biển nay đã được vén lên bởi chính người trong cuộc. Nhân vật trong cuộc ấy có lẽ không hiểu lắm cung cách của đảng Cộng sản Việt Nam làm từ gần trăm năm qua đó là không nói tới, không bình luận và không xác nhận hay phủ nhận việc của nó làm.
Ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã phạm sai lầm nghiêm trọng vì qua mặt “đối tác” của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trả lời kênh truyền hình VTC News rằng Hà Tĩnh “không thể được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm”.
Chỉ bằng ấy chữ, ông Chu Xuân Phàm đã làm rơi chiếc mặt nạ dày cộm của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó người dân thấy rằng Formosa là nơi xả chất thải hủy diệt môi sinh biển là có thật, và cái có thật thứ hai là Đảng đang âm thầm ra sức bao biện cho sự thật này bằng các công bố lững lờ sai trái.
Chỉ một ngày trước khi Chu Xuân Phàm lỡ miệng, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp thông tin liên quan đến đường ống xả thải nhằm đánh tan nghi vấn là tập đoàn này lắp đặt đường ống xả bất hợp pháp. Ông Tuấn xác nhận “Đường ống xả thải của phía Formosa đi ra biển là được các Bộ ngành cấp phép, chứ không phải là đường ống được lắp đặt lén lút. Trước khi xả thải ra biển, phía Formosa đều phải tuân thủ các quy trình xử lý chất thải một cách chặt chẽ”
Cùng lúc, dàn đồng ca của các tỉnh có cá chết được đảng cầm cây gậy chỉ huy lên tiếng với lập luận rằng: đã bước đầu xác định cá chết không phải là do dịch bệnh, cũng không phải do nguồn nước bị ô nhiễm. Đến nay tình trạng cá chết đã giảm. Các thông số về môi trường phân tích như nhiệt độ, pH, độ mặn… đều nằm trong giới hạn cho phép.
Ông Phàm đã làm bể bí mật của đảng vì tức tối cá nhân: tại sao cho Formosa khai thác trên vùng biển Vũng Áng mà lại cấm xả thải? Vừa muốn lấy tiền cho thuê biển lại vừa muốn có cá là…sao?
Tội nghiệp ông Phàm, tập đoàn của ông làm việc có trả tiền thuê Vũng Áng cho dân đâu mà lại bảo là họ muốn cả hai? Cái phần tiền thuê đã chạy thẳng vào túi của đảng còn phần cá của nhân dân thì các ông không được phép đụng vào là đúng rồi còn ca cẩm gì nữa.
Đóng bài viết này lại, lần đầu tiên không còn buồn như hàng trăm bài viết trước đây. Ít ra dân tôi cũng he hé được đôi mắt của họ một chút để thấy rằng đất nước hôm nay không còn của họ nữa, vậy thì việc gì lại nghe theo cái đảng đã dâng hiến chủ quyền quốc gia cho ngoại bang, nhất là trong cái cảnh mà Vũng Áng đang trở thành vũng lầy của đảng?
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.