Đề xuất viết 'giáo dục' là 'záo zụk’: Nên ủng hộ nghiên cứu nghiêm túc
Một số chuyên gia ngôn ngữ học cho rằng đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền không phải mới và cần ủng hộ những nghiên cứu nghiêm túc về ngôn ngữ.
PGS.TS Bùi Hiền (nguyên hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".
Một số chuyên gia về ngôn ngữ khẳng định PGS.TS Bùi Hiền không phải người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Nhiều đề xuất tương tự đã được nêu ra trong hàng chục năm qua.
Không phải đề xuất mới
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết ông đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền từ tháng 9 tại hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức.
PSG.TS Phạm Văn Tình còn là người biên tập chính cho cuốn kỷ yếu và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS Bùi Hiền, vì tôn trọng ý kiến cá nhân.
Trong số hơn 260 báo cáo hướng về chủ đề "Hội nhập và Phát triển", báo cáo của PGS Bùi Hiền được cho là "lạ", vì vấn đề này đưa ra bàn bây giờ vừa cũ, vừa khó thực thi.
Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định ở một hội thảo khoa học, càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú. Ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng từng có. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.
Đề xuất thay đổi một số chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền. Ảnh: Q.Q. |
PGS.TS Phạm Văn Tình cho hay ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ có từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX. Cụ thể, ngay từ Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông, có người đề xuất phương án thay một số con chữ ( K thay cho C, Q; D thay cho Đ; Z thay cho D; J thay cho GI...).
Năm 1919, trên tờ Trung Bắc Tân Văn, nhiều tác giả (Phó Đức Thành, Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh...) cũng có những đề xuất gây phản ứng, vì nếu sử dụng sẽ là "kỳ quặc": Viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê, OO thay cho Ô; HỮU viết thành HUUUZZ, NHƯỠNG viết thành NHUUOONGZZ...
Sau cách mạng Tháng Tám, có người đề nghị viết theo kiểu đánh Telex (dùng con chữ biểu thị một số âm vị, trong có có thanh điệu, HUYỀN = F, SẮC = S, HỎI = R, NGÃ = X, NẶNG = J...).
Những năm sau này, nhiều nhà Việt ngữ học cũng đưa ra một số đề xuất mà nếu công bố thì cũng gây "sốc" chẳng kém phương án của PGS TS Bùi Hiền, vì nếu đem ra sử dụng thì sẽ phá vỡ hệ thống ký hiệu đã dùng hàng trăm năm trước đó.
Mấy năm trước, một tiến sĩ đề xuất đưa thêm 4 chữ cái (F, J, F, W) vào bảng chữ cái tiếng Việt cũng nhận được phản ứng rất gay gắt từ phía dư luận.
“Chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của PGS Bùi Hiền vì ông đã có luận cứ riêng”, PGS Phạm Văn Tình thông tin.
Cần có hàng nghìn đề xuất cải tiến
Ông Phạm Hiệp - nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) - cho rằng trong khoa học, có hai nguyên tắc quan trọng mà người nghiên cứu cần thực hiện.
Thứ nhất, làm nghiên cứu có phương pháp. Trước khi làm, anh phải đề ra quy trình, các bước kiểm soát, đối tượng thực hiện, điều kiện kèm theo, kỹ thuật sẽ sử dụng trong quá trình nghiên cứu.
Thứ hai, người khoa học làm thử, nếu sai quay lại để điều chỉnh để tiếp tục làm tiếp.
Việc PGS Bùi Hiền đưa ra đề xuất về bộ chữ giản lược cho tiếng Việt đều đáp ứng cả 2 nguyên tắc trên. PGS đã đề ra nguyên tắc của bộ chữ mới (phương pháp) và test thử với một vài văn bản.
Việc thử này đúng, sai thế nào chưa thể đánh giá ngay được. GS Hiền có lẽ cũng chưa biết hết nên mới viết thử và trình bày ở hội nghị khoa học. Đó là một hành động chuẩn mực và bình thường của thế giới nghiên cứu.
"Rất tiếc, sau khi thông tin được đưa ra, nhiều người chửi bới, thóa mạ PGS Bùi Hiền vô lối như thể ông vừa gây tội ác gì ghê gớm, trong khi không chỉ ra được tính bất hợp lý trong phương pháp; sự thiếu hiệu quả so với những mục tiêu mà GS đề ra", ông Hiệp cho hay.
Cũng theo ông Hiệp, kể cả đề xuất của GS Hiển có "sai", ông cũng không đáng bị lên án đến vậy, bởi vì cái "sai" của ông là kết quả của một quá trình thực hiện có phương pháp. Sai và chấp nhận được sai là quyền của GS Hiển với tư cách một nhà khoa học nói riêng và con người nói chung.
TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, lý giải giá trị thẩm mỹ của một đối tượng nhiều khi chịu sự chi phối của tâm thế, thói quen của người sử dụng. Đề xuất mới cùng đoạn văn bản minh họa gây phản ứng tiêu cực cho dư luận chính là chạm phải thói quen viết, đọc tiếng Việt hàng trăm năm nay.
Vấn đề đặt ra là phải tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, phương án ấy vừa khoa học, hợp lý, vừa không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng.
Trước phản ứng của dư luận về ý kiến của PGS Bùi Hiền, TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí -Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết ông không đồng ý với ý kiến đề xuất của ông Hiền.
Tuy nhiên, đây là một ý kiến, nghiên cứu được trình bày trong hội thảo nghiên cứu khoa học. Ý kiến thì không bắt buộc phải đúng, nếu vậy thì chắc sẽ không ai dám nêu quan điểm cá nhân của mình.
TS Huỳnh Văn Thông đề xuất chúng ta không nên chê bai, khích bác ý kiến của người khác. Mọi người nên có cái nhìn tôn trọng đối với những người làm nghiên cứu. Họ không phải nhà quản lý, ý kiến đưa ra không phải chủ trương hay quyết sách bắt buộc phải làm theo.
Ông Thông đánh giá có thể đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền chưa hợp lý ở góc độ này nhưng lại tốt ở góc độ khác. Tóm lại, đây là nghiên cứu rất tâm huyết của PGS Hiền nhưng phải nói rằng ông chưa bao quát hết vấn đề và thiếu thực tế. Không riêng gì tiếng Việt, ngôn ngữ các nước trên thế giới cũng gặp phải nhiều vấn đề, họ cũng tìm cách thay đổi nhưng rồi cũng chưa được gì.
"Suy cho cùng, bản chất của ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu, quy ước của xã hội. Nó là tập quán, thói quen bao đời nay của người dân. Chúng ta không thể ngồi nghiên cứu rồi đưa ra quy định, bắt người dân phải làm theo. Ngôn ngữ có thể thay đổi và cải tiến nhưng quá trình đó diễn ra hết sức tự nhiên và chúng ta nên tôn trọng điều đó", ông Thông nói.
PGS.TS Bùi Hiền là tác giả của đề xuất cải tiến chữ viết, thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: Q.Q. |
Chia sẻ quan điểm trên, TS Lương Hoài Nam cho rằng biểu hiện không cho đề xuất cải tiến chữ viết thể hiện “văn hóa rất chi thuần Việt”. Phải có hàng trăm, hàng nghìn đề xuất cải tiến may ra mới có một đề xuất dùng được. Vì vậy, nên hoan nghênh mọi sáng kiến không dùng tiền thuế của dân, chứ sao lại vùi dập ngay từ trứng nước?
“Nếu người Nhật làm thế, họ đâu có được chữ viết tượng thanh Kana ngoài chữ viết tượng hình Kanji mượn của người Hán? Nếu người Hàn cũng làm thế, họ đâu có được chữ viết tượng thanh Hangul ngoài chữ viết tượng hình Hanja mượn của người Hán?
Đành rằng biết ơn cụ Alexandre de Rhodes đã cho chúng ta chữ viết, nhưng tự chúng ta cũng nên lao động tý chút để hoàn thiện, phát triển chữ viết của mình chứ nhỉ?”, TS Lương Hoài Nam nhận định.
Ông Nam không tin mọi kiến nghị của ông Bùi Hiền là hợp lý và khả thi, cần phải nghiên cứu thêm rất nhiều và có thêm sáng kiến của nhiều người khác nữa.
"Nhưng nếu nghĩ chữ viết tiếng Việt muôn đời sẽ vẫn như cụ Alexandre de Rhodes để lại thì thấy rùng mình với sự ù lì của chúng ta", ông Nam nêu quan điểm.
PGS.TS Bùi Hiền đề xuất thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Ông đưa ra ví dụ:
LUẬT GIÁO DỤC
Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ.
1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Thủ tướng chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
2. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Viết theo kiểu cải tiến sẽ thành:
LUẬT ZÁO ZỤK
Diều 7. Qôn qữ zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák; zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số; zạy qoại qữ.
1. Tiếq Việt là qôn qữ cín’ wứk zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Kăn kứ vào mụk tiêu záo zụk và yêu kầu kụ wể về nội zuq záo zụk, Wủ tướq cín’ fủ kuy dịn’ việk zạy và họk bằq tiếq nướk qoài coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák.
2. N’à nướk tạo diều kiện dể qười zân tộk wiểu số dượk họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk mìn’ n’ằm zữ zìn và fát huy bản sắk văn hoá zân tộk, zúp co họk sin’ qười zân tộk wiểu số zễ zàq tiếp wu kiến wứk xi họk tập coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Việk zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số dượk wựk hiện weo kuy dịn’ kủa Cín’ fủ.