Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Thị Lộ cải hóa vua Lê Thái Tông

Thị Lộ cải hóa vua Lê Thái Tông

Võ Thu Tịnh
Thị Lộ cải hóa vua Lê Thái Tông từ một đứa bé bất trị thành một minh quân
Ngày 1/ 9/ 1442, vua Lê Thái Tông, đi duyệt võ ở Chí Linh, trên đường về ghé vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi có một người vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ vừa đẹp vừa hay chữ, từng được Thái Tông vời vào triều phong chức Lễ Nghi học sĩ giữ công việc dạy cung nữ và giảng sách cho vua. Trước khi Thái Tông đến Côn Sơn, Thị Lộ đã về đấy thăm Nguyễn Trãi. Lúc vua rời Côn Sơn, Thị Lộ được lệnh theo nhà vua về triều.
Ngày 7/ 9, xa giá Thái Tông đến Lệ Chi viên (tục gọi là Trại Vải) ở làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đêm ấy, vua bị cảm, đến sáng thì mất. Các quan hộ giá giữ kín, đến ngày 9/ 9/ 1442 mới rước linh cữu vua về Thăng Long, rồi báo tin cho nhân dân cả nước biết. Ngay sau đó, Thị Lộ bị bắt. Nguyễn Trãi đang đi kiểm tra ở Đông Bắc, được tin Thái Tông mất, vội trở về Triều cũng bị bắt và bị buộc tội đồng mưu với Thị Lộ để giết vua.
  
 Ngày 19/ 9/ 1442, Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc (a). Sử thần Ngô Sĩ Liên ghi rằng: “Vì yêu Thị Lộ mà Thái Tông bị thiệt thân”.
Chú thích – (a) Tru di tam tộc:  giết ba họ (họ cha, họ mẹ, họ vợ).
    Vậy, tông tích Thị Lộ – Nguyễn Trãi thế nào? Có phải Thị Lộ thật sự  đã giết Thái Tông, và đã có ảnh hưởng gì đến cuộc trị vì của nhà vua không?

Tông tích Nguyễn Thị Lộ (1390-1442)

     Nguyễn Thị Lộ vốn là con nhà có học thức, quê làng Hải Triều, một làng làm chiếu có tiếng, nay thuộc xã Phạm Lễ xưa thuộc huyện Ngự Thiên, (Thái Bình).
   
  Tương truyền, năm 1406, khi Nguyễn Trãi (26 tuổi) đang làm quan nhà Hồ, gặp Thị Lộ (16 tuổi) ở Vũ Lăng, thấy xin đẹp, liền ứng khẩu:
     Ả ở đâu mà bán chiếu gon,
    Chẳng hay chiếu bán hết hay còn?
    Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
    Đã có chồng chưa được mấy con?
 Thị Lộ cũng ứng khẩu đáp lại:
     Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon,
     Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
     Xuân xanh tuồi độ vừa đôi tám,
    Chồng còn chưa có, có chi con!
    Nguyễn Trãi  yêu vì tài nên lấy làm thiếp. Thị Lộ không có con với Nguyễn Trãi, xin cháu của Ngô Từ là Ngô Chi Lan làm con nuôi. Ngô Chi Lan đổi tên là Nguyễn Hà Huệ, sau làm Lễ Nghi học sĩ trong cung Lê Thánh Tông, chồng là Phù Thúc Hoành, làm Bác sĩ giảng kinh sử Quốc Tử Giám. (1)
  Lai lịch Nguyễn Trãi (1380-1442)
  Nguyễn Trãi gốc làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông, sinh năm 1380 ở Thăng Long, tại nhà ông ngoại là quan Tư-đồ Trần Nguyên Đán. Nguyên Đán có hai gái là Thái và Thai, nuôi hai nho sinh là Nguyễn Ứng Long dạy Thái, và Nguyễn Hán Anh dạy Thai. Hai thầy gian  díu với hai học trò. Thái có chửa, Ứng Long sợ bỏ trốn. Nguyên Đán gọi về, tha tội, và gả con cho. (2)
    Sau hai người đều thi đỗ. Ứng Long, cha Nguyễn Trãi, đỗ  bảng nhãn (1374)(3) mà Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không cho làm quan, vì tội “thường dân mà thông dâm lấy con gái tông thất”, nên phải về Nhị Khê sống nghề dạy học
   
Thời ấy, Lê Quí Ly, được Thượng-hoàng Nghệ Tông sủng ái, sàm tấu giết hại nhiều người, cả vua chúa vương thân cũng không trừ. Duy có Trần Nguyên Đán toàn gia được yên ổn, nhờ biết lo xa, kết thân gia với Lê Quí Ly.
    Năm 1400, Quí Ly truất phế vua Trần Thiếu đế, chiếm ngôi, mở khoa thi Thái học sinh, Nguyễn Trãi thi đỗ ra làm quan, bổ làm Chánh chưởng đài Ngự sử. Năm 1402, Ứng Long đổi tên là Phi Khanh, cũng quan với nhà Hồ, với chức Hàn Lâm học sĩ.
    Năm 1407, quân Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ để xâm chiếm nước ta. Hồ Quí Ly bị thua. Cuối tháng sáu năm 1407, giặc Minh  bắt  được cha con Hồ Quí Ly và một số quan, tướng trong đó có Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi, giải về Kim Lăng. Nguyễn Trãi theo cha đến điếm Vạn Sơn (tỉnh Hồ Bắc), rồi tuân lời cha trở về nước lo “trả thù nhà, rửa nhục nước”, để em là Phi Hùng ở lại nuôi cha.
    Theo Nhân Vật Chí  của Phan Huy Chú, Trương Phụ ép Phi Khanh viết thư gọi con, Nguyễn Trãi bắt đắc dĩ phải ra trình diện. Trương Phụ dụ Nguyễn Trãi ra làm quan  không được, muốn giết, Hoàng Phúc  can và tha song buộc Nguyễn Trãi phải ở Đông Quan, là nơi có đại bản doanh của chúng. Sau khi thoát ra khỏi Đông Quan, sau đó, Nguyễn Trãi làm gì? ở nơi nào? 
     Mãi đến khoảng 1416/1417, có tin Lê Lợi ở Thanh Hóa chuẩn bị mộ quân đánh giặc Minh, Nguyễn Trãi và em họ, Trần Nguyên Hãn, đến ra mắt. Nhưng Hãn thấy Lê Lợi “có tướng như Việt vương Câu Tiễn, chỉ có thể giúp trong lúc hoạn nạn, không thể ở với nhau khi sung sướng”, nên cả hai bỏ ra về. Trong chuyến nầy có Thị Lộ cùng đi, phong cách lúc nào cũng tươi cười, nhẫn nại, hoạt bát, đoan chính, được  mọi người kính nể. (4)
    Thời gian sau, có tin Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa, Nguyễn Trãi và Nguyên Hãn vào Lỗi Giang tìm Lê Lợi lần nữa (1420). Lần nầy, Hãn “lén thấy Lê Lợi uy nghiêm, khí tượng thay đổi “, bấy giờ Hãn mới dâng kiếm báu của nội tổ là Trần Quang Khải, còn Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô sách, chủ trương “đánh vào lòng người” cuối cùng sẽ thắng. Lê Lợi  khen hay, dùng Nguyễn Trãi làm Hàn Lâm Thừa Chỉ, coi việc thảo văn thư, chiếu hịch, tham dự bộ tham mưu, và dùng Hãn làm  quan võ.
    Trong thời  kháng chiến, Lê Lợi và các quan tướng thường đem vợ con theo, nên khi Nguyễn Trãi thảo thư từ, chiếu hịch đều có Thị Lộ bên cạnh giúp việc sửa chép. (5)
    Năm 1428, kháng chiến toàn thắng, Nguyễn Trãi được tước hầu, làm Thượng thư bộ Lại (coi về nhân viên, quan lại). Nhưng năm sau vì  liên can với Trần Nguyên Hãn, (bị vua nghi, sai người bắt giết, Hãn nhảy sông tự tử), nên Nguyễn Trãi bị tù. Nhờ các đại thần can thiệp, Trãi được tha ra, làm quan lại một thời gian, rồi xin nghỉ việc về Côn Sơn.
 Năm 1433, Lê Lợi mất, Nguyên Long  10 tuổi, kế ngôi (Lê Thái Tông). Lê Sát làm đại tư đồ. Nguyễn Trãi được Thái Tông, theo di mệnh của Thái Tổ, gọi ra phụ chính, chức Gián nghị đại phu. (6)
    Theo Toàn Thư tục biên, Lê Sát thấy Thái Tông còn nhỏ, thích chơi bời, lười biếng học tập, liền lập một ban văn thần, trong số đó có Nguyễn Trãi, để thay phiên vào tòa Kinh Diên  dạy vua. Cả bọn đều bị Thái Tông  đuổi về. Sau đó, Lê Sát bị khép vào tội lộng quyền, vua cho được tự tử tại nhà.
    Trước tình trạng ấy, năm 1438, Thái-bảo Ngô Từ đưa ra ý kiến có lẽ Thị Lộ dịu dàng khéo léo, học giỏi, văn hay, may ra có thể giúp nhà vua chăm chỉ học hành. Sau khi hội ý với Nguyễn Trãi, Thị Lộ, Ngô Từ đưa Thị Lộ vào chầu Thái Tông, được vua nhận, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm kề cận tin dùng. (7)

Nguyên nhân sâu xa vụ án Lệ Chi viên

Trong số năm bà vợ của Thái Tông, có bà phi Nguyễn Thị Anh sinh ra Băng Cơ được phong làm thái tử. Bà phi Ngô Thị Ngọc Dao (con gái của Ngô Từ) đang có mang, chiêm bao thấy Ngọc Hoàng sai một vị tiên xuống đầu thai vào mình. Thị Anh sợ rằng một khi bà Ngọc Dao sinh quí tử, sẽ chiếm ngai thái tử của Băng Cơ, nên vu cho Ngọc Dao dính líu đến một việc bùa ngãi, xui vua Thái Tông khép Ngọc Dao vào tội “bị voi dày”.
    Nguyễn Trãi bảo Thị Lộ khuyên Thái Tông đừng nghe lời xúc xiểm mà làm việc thất đức. Vua đồng ý, cho phép Thị Lộ đem Ngọc Dao giấu ở chùa Huy Văn. Vài tháng sau, bà Ngọc Dao sinh ra một người con trai, vua đặt tên là Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau nầy). Để tránh khỏi Nguyễn Thị Anh mưu hại, Nguyễn Trãi đưa hai mẹ con bà Ngọc Dao ra An-bang (Quảng-ninh ngày nay).
    Từ đấy bà Nguyễn Thị Anh thâm thù Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Vừa xảy ra vụ Thái Tông đột ngột mất ở Lệ Chi viên, Băng Cơ mới 2 tuổi, nối ngôi (tức là Lê Nhân Tông), Thị Anh được ngồi sau rèm nhiếp chính, liền hùa với bọn gian thần ra lệnh tra tấn Thị Lộ cực kỳ dã man. Thị Lộ phải nhìn nhận đã cùng Nguyễn Trãi âm mưu giết vua. Cả hai cùng thân thuộc bị trảm quyết.
    Sau có tin đồn trước đây Nguyễn Trãi  dọn vườn  có giết một bầy rắn con, nay rắn mẹ hiện hình thành Thị Lộ để báo oán, cũng như xưa, bên Tàu, sau khi giết Dương Quí Phi người ta cũng bảo Dương thị là một hồ ly tinh hiện hình lên báo hại vua Đường.
Ai đã giết Lê Thái Tông ?
Năm 1459, Nhân Tông (Băng Cơ) và Từ Tuyên Thái hậu (Nguyễn Thị Anh) bị hoàng tử Nghi Dân giết để tiếm ngôi. Trong một bài chiếu, Nghi Dân có nói: “Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn hoàng Đế, trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông Cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần về miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Băng Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả để diệt hết người nói ra.”  (8)
    (Tạ Thanh là một thái giám hộ giá Thái Tông trên đường về Thăng Long, tối hôm 9/ 9/ 1442. Thái Tông bị cảm, phải nghỉ lại Lệ Chi viên. Ngự y chưa tới kịp. Thị Lộ túc trực săn sóc vua. Bọn thái giám Tạ Thanh, Lương Dật chạy biến đi mất, nói là đi tìm thầy thuốc địa phương, sáng mới về, vua đã tắt thở. Sau đó, Tạ Thanh tố cáo Thị Lộ giết vua, và bắt giam. Rồi hai tướng Đinh Liệt và Trịnh Khả đứng lên tuyên bố Thái Tông đã lập Băng Cơ làm thái tử và ủy thác Trịnh Khả phụ chính.)
    Đến năm 1464, đời Lê Thánh Tông, (1460-1497) vua xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, truy phong chức Đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu, tước Tán trù bá và cho người con duy nhất trốn thoát nạn là Nguyễn Anh Vũ làm tri huyện, và cấp cho họ Nguyễn một trăm mẫu ruộng để lo việc thờ cúng.
    Nhưng không thấy vua ra lệnh truy lại xem ai đã giết Thái Tông. Có lẽ vì  Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao khi thuật lại chuyện cũ, có dặn vua Thánh Tông rằng: “Chính Nguyễn Thị Anh đã ngầm sai Tạ Thanh bỏ thuốc độc cho Thái Tông chết, nhưng con  nên giữ  kín việc ấy”. (9)
     Ngày nay, Bùi Văn Nguyên trong “Con người Nguyễn Trãi“, cũng cho rằng: “Bọn gian thần phía bà phi Nguyễn Thị Anh âm mưu giết hại Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ để giành ngôi vua cho Băng Cơ (Lê Nhân Tông) khỏi rơi vào tay của Tư Thành (tức sau là Lê Thánh Tông), người được Nguyễn Trãi và Thị Lộ ủng hộ. Đó chính là nguyên nhân sâu xa của vụ án Lệ Chi viên.” (10)
Nguyễn thị Lộ cảm hoá Thái Tông
   Trong 4 năm (1438-1442), nhờ có sự hướng dẫn của Thị Lộ, mà Thái Tông đã trị vì một cách khoan từ sáng suốt. Sử thần Vũ Quỳnh khen: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một “minh quân” khác hẳn trước. […] Ngài lại thể theo lòng trời đất nuôi sống muôn loài, ban hành “chính sách xót thương bất nhẫn” của bậc đế vương, xử kiện xét tù phần nhiều khoan thứ. Đức “hiếu sinh” của ngài là đức của vua Thuấn xưa.” (11)
    Được như thế, phải chăng là nhờ Thị Lộ thường xuyên nhắc nhủ Thái Tông về nhân nghĩa, mà Nguyễn Trãi đã có dịp trình bày với vua trong vụ xử bảy tên vị thành niên  ăn trộm tái phạm, năm 1435, hình quan chiếu luật đáng tội chém. Thái Tông đem việc ấy hỏi Nguyễn Trãi. Trãi trả lời:
    “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa, cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải là hành vi của bậc đại đức. Kinh Thư có câu: “An nhữ chỉ ” (hãy yên với chỗ đứng của mình), sách Truyện có câu: “Tri chỉ nhi hậu hữu định” (biết dừng thì rồi mới vững). Thần xin thuật lại nghĩa của chữ “chỉ” để bệ hạ nghe: “Chỉ ” có nghĩa là yên với chỗ đứng của mình, như trong cung là chỗ đứng của bệ hạ, thỉnh thoảng bệ hạ có ngự ra chỗ khác, cũng không thể ở đó mãi, phải trở về trong cung, thì mới yên chỗ đứng của mình được. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng vậy, phải để lòng nơi nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng không phải như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần.”  (12)
  Vấn đề thân tình giữa Thái Tông và Thị Lộ
  Vì Thái Tông tỏ ra thân mật, khăng khít ngày đêm trò chuyện với Thị Lộ, nên có nhiều dị nghị cho rằng: “Lê Thái Tông hồi 17, 18 tuổi đã thông dâm với vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ.” Có biết đâu tình cảm mà Thái Tông giành cho Thị Lộ đã bắt nguồn từ một cội rễ thiêng liêng hơn.
    Nguyên năm 1425, trong thời gian đang đánh nhau với quân Minh, Lê Lợi nằm mộng thấy thần “Cá Quả” đến nói “Xin tướng quân cho một người thiếp thì nguyện giúp tướng quân đánh được giặc Ngô mà thành nghiệp đế”. Ngày hôm sau, Lê Lợi gọi các thiếp đến hỏi ai bằng lòng làm vợ của thần “Cá Quả”, ta được thiên hạ sẽ truyền cho con của người ấy làm vua. Bà Phạm thị Ngọc Trần (mẹ của hoàng tử Nguyên Long, nay là Thái tông, lúc đó mới 2 tuổi) thưa: “Nếu ngài giữ lời ước thì thiếp xin nhận. Ngày sau xin đừng phụ mẹ con thiếp” (13). Lê Lợi giao ước với các quan văn võ y như lời ấy. Ngày 24 tháng 3 âm lịch 1425, sai lập đàn tế thần, dâng bà phi họ Phạm làm tế vật. Bà phi mặc áo quần lộng lẫy, bịt mắt lại, lên ngồi trên chiếc thuyền nan bằng giấy. Thuyền được thả theo dòng sông Lam và chìm dần dần, trong tiếng nhị, tiếng sáo điệu Nam Ai sầu não, cùng trong tiếng khóc nức nở của các phi tần và của Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi. Về sau, giữ lời ước ấy, Lê Lợi truyền ngôi cho Nguyên Long, (tức là vua Lê Thái Tông).
    Nguyên Long mồ côi mẹ từ lúc 2 tuổi, phải nhờ một bà phi chăm sóc, tất nhiên đã cảm thấy thiếu thốn, thèm khát tình “mẫu tử” từ lâu. Nay gặp được Thị Lộ cùng một lứa tuổi với mẹ mình (năm 1438, Thị Lộ 48, Thái Tông 15 tuổi), lại là một người đã quen biết, đã chung sống với mẹ mình, đã chứng kiến thảm cảnh mẹ mình hy sinh mạng sống để mình được lên ngôi vua ngày nay, tự nhiên cậu bé mồ côi mẹ kia không khỏi vô cùng xúc động. Thường tình, ở vào địa vị ấy, ai cũng phải tò mò muốn hỏi cho rành rọt về mọi việc liên quan đến mẹ mình. Tất cả tình thương đối với người quá cố, có lẽ nhà vua đã dồn hết vào Thị Lộ, coi như một bà dì ruột, vớt vát lại những gì đã mất mát từ thuở bé thơ. Còn về sau, khi Thái Tông đến tuổi 17, 18, sáng chiều nam nữ cận kề, thật cũng khó mà tránh khỏi bị tiếng đời dị nghị. Đó là điều mà Ngô Từ, cũng như Nguyễn Trãi, Thị Lộ cũng đã thấy trước rồi.
  Nhận xét
Nhưng “ngộ biến phải tòng quyền”. Theo Mạnh-tử, “quyền” là cân nhắc cho rõ nặng nhẹ, để lựa bên nào nặng, bên nào nhẹ mà xử trí cho đúng cân trung bình. Trong đạo quân tử, “tùy thời” thì cũng phải “tòng quyền”: Một bên để vua ăn chơi thất học, trị vì vô đạo, cả nước sẽ bị nguy khốn, một bên tạo ra hoàn cảnh giúp vua học hỏi nhưng không khỏi khiến  vua có thể  bị mang tiếng có tư tình với vợ lẽ của bầy tôi. Nếu chỉ “chấp nhất” giữ cho đúng cái ta gọi là “đạo lý tầm thường” mà làm hư đại sự, thì Mạnh-Tử cho rằng “cách chấp nhất  như thế là đáng ghét”, vì nó làm cho hại mất chân đạo lý, chỉ là làm nổi một việc nhỏ mà bỏ hết trăm việc lớn.” (14)
    Cha con Nguyễn Trãi đã làm quan với nhà Hồ ngụy triều. Ông ngoại Nguyễn Trãi, tông thất nhà Trần mà phản lại nhà Trần, theo nhà Hồ, bị dư luận đương thời chê trách. Lê Lợi hẳn phải biết rõ lai lịch của Nguyễn Trãi, nhưng vẫn dùng. Nhà vua chủ trương thu nạp tất cả nhân tài, kể cả những người đã “làm phản”. (15) Nguyễn Trãi dâng Bình Minh sách, Lê Lợi khen hay, dùng Nguyễn Trãi trong việc soạn thảo văn từ chiếu chỉ, nhưng trong bảy năm đầu (1418-1424) chiến lược “đánh vào lòng người” theo Bình Minh sách của Nguyễn Trãi, vẫn chưa hề giúp quân Lam Sơn đánh tiến xa ra khỏi vùng núi Chí Linh được lần nào. Phải đợi đến cuối năm 1424, tại hội nghị Lam Sơn, có tướng Nguyễn Chích trình bày “chiến lược hai hồi” (là vào đánh Nghệ An trước, rồi đánh ra Đông Quan sau), thì chừng đó Lê Lợi mới chuyển từ đại bại thành ra đại thắng. (16)
    Nhờ bắt được một mật thư của Vương Thông gửi về vua Minh, ta biết được quân Minh ở thế phải cầu hòa. Các tướng sĩ xin Lê Lợi tấn công tận diệt địch để trả thù rửa hận. Nguyễn Trãi  can không nên kết thù với nhà Minh quá sâu, thế nào chúng cũng sang đánh nữa, chiến tranh biết bao giờ cho dứt được. Tốt hơn là nên tìm cách dụ hàng để tiết kiệm sinh mạng của quân sĩ đôi bên. Ta sẽ mở đường cho Vương Thông rút quân mà y vẫn giữ được sĩ diện. Ta tuyên bố đã tìm được Trần Cảo con cháu nhà Trần  làm vua. Vua Trần nầy sẽ sai sứ cầu phong, và xin thực hiện đúng theo lời hứa của vua Minh trước đây là: “phù Trần, diệt Hồ xong sẽ rút quân về Tàu”. Trên lập luận ấy Nguyễn Trãi đã viết thơ chiêu dụ địch, cuối cùng Vương Thông  mở cửa thành ra hàng dưới danh nghĩa giảng hòa, cùng quân ta uống máu ăn thề, rồi rút quân về nước.
    Về sau, Trần Cảo sợ, bỏ trốn, bị bắt nên tự tử. Vua Minh đòi cho được con cháu nhà Trần làm vua, Lê Lợi trả lời tìm không còn ai. Mãi đến cuối năm 1431, nhà Minh mới nhận phong Lê Lợi làm vua.
    Nguyễn Trãi sống trong hoàn cảnh nước nhà tam phân ngũ liệt, mà chính nghĩa, chính thống thay đổi tùy theo thế “được làm vua” hay “thua làm giặc”. Vừa lớn lên thì nhà Trần bị mất, Nguyễn Trãi  thi đậu ra làm quan với nhà Hồ. Quí Ly có một số sáng kiến cải thiện xã hội nhưng chưa kịp thực hiện, thì nước bị ngoại xâm. Trong thời gian quân Minh chiếm nước ta, Nguyễn Trãi không tham gia (đúng hơn là “không thể” tham gia) với nhóm khởi nghĩa nào, vì tất cả các nhóm ấy đều nêu danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” mà cả nhà Nguyễn Trãi đã làm quan và được hậu đãi dưới triều nhà Hồ, nên bị cho là thành phần “ngụy”. Đến khi  Lê Lợi khởi nghĩa xưng Bình Định vương ở miền Trung, không dính líu gì đến những biến cố xảy ra trong cung triều nhà Trần ngày trước ở miền Bắc, thì Nguyễn Trãi và em họ là Trần Nguyên Hãn, mới đến xin gia nhập vào nhóm khởi nghĩa Lam Sơn. Mặc dầu biết trước Lê Lợi là người  “chỉ có thể giúp trong lúc hoạn  nạn, không thể ở với nhau khi sung sướng”, nhưng trước nạn ngoại xâm, cả hai thấy cần phải tham gia để kháng chiến giải phóng đất nước.
    Bàn về các cách xuất xử của kẻ sĩ, Mạnh-tử nhận xét: Ông Bá Di, vua chẳng đáng thờ thì chẳng thờ, dân chẳng đáng trị thì chẳng trị. Ông Y Doãn cho rằng vua nào chẳng phải là vua mình phục sự? dân nào chẳng phải là dân mình sai khiến? Cái trách nhiệm mình đứng ra gánh vác thiên hạ nặng nề như thế! Ông Huệ xứ Liễu Hạ chẳng lấy làm xấu hổ mà phục sự một vua ô trược. Dẫu làm một chức quan nhỏ thấp, ông cũng chẳng chê. Ba ông tuy đi khác đường với nhau, nhưng mục đích vẫn là một. Đó là nói về lòng nhân vậy. Người quân tử chỉ chú mục điều nhân mà thôi. Còn về hành động cần chi phải giống nhau. (17)
    Vì chú mục đến điều “nhân” nên Nguyễn Trãi “phá chấp tòng quyền”, đưa Thị Lộ vào cung giảng sách cho Thái Tông, cảm hoá một thiếu quân hung hăng thành một minh quân khoan từ, để mình phải chịu tai tiếng với đời. Vì chú mục đến đức “hiếu sinh”, nên khi quân ta đã nắm chắc phần thắng lợi,  Nguyễn Trãi đề nghị với Lê Lợi chấm dứt chiến tranh bằng ngoại giao, tiết kiệm sinh mạng cho quân sĩ đôi bên. Và vì chú mục đến đức “hiếu sinh”, Nguyễn Trãi và Thị Lộ đứng lên cứu mạng mẹ con hoàng tử Tư Thành (sau là Lê Thánh Tông), gây thù oán với bà phi Nguyễn thi Anh, sinh ra vụ án Lệ Chi Viên, để rồi ba họ mình phải bị trảm quyết.
    Nếu Nguyễn Công Trứ hết lòng giúp vua, Cao Bá Quát đòi giết bạo chúa để tôn minh quân, Nguyễn Khuyến rút lui không thờ vua nô lệ ngoại bang, thì Nguyễn Trãi tùy thời phá chấp, gặp vua đa nghi thì nhẫn nại đưa vua vào đường nhân nghĩa, gặp vua hung hăng thì phá chấp (dùng Thị Lộ) cảm hóa thành một  vua khoan từ, hiếu sinh.
    Bốn danh Nho trên đây, tuy cùng chú mục đến đức nhân của Khổng-tử, nhưng trong hành động, lại xuất xử và thực hành khác nhau, vì lẽ thời thế, địa vị, chính kiến của các vị có phần không giống nhau.
Nhưng với giá nào?
Từ thời Trung cổ, Nho giáo đã giúp cho  dân Hoa, Việt sớm tiến lên trình độ một xã hội có văn hiến, nhưng vì bị bọn hủ Nho xuyên tạc các lời dạy của Khổng Mạnh để phục vụ  quyền lợi vua chúa, nên về sau Nho giáo đã hóa thành một trở ngại cho bước tiến chung của xã hội. Thời quân chủ xưa, (cũng như ở các chế độ phát xít), vận mệnh của đất nước, nhân dân tùy thuộc vào ý muốn của một cá nhân. Khiến cho cuối cùng Nguyễn Trãi, Thị Lộ là những người có công với đất nước, nhân dân, lại phải hóa thành  nạn nhân thê thảm trong lịch sử ta. Thảm nạn, mà chỉ có cách thay đổi cơ cấu chính trị,  bắt buộc nhà cầm quyền phải làm theo đúng hiến pháp, luật lệ, mới mong tránh khỏi được mà thôi.
    Tóm lại, Nguyễn Trãi là kẻ sĩ phóng khoáng tùy thời phá chấp, đã hy sinh thực hành cho đúng với tôn chỉ của đạo Nho. Trong bức thư chiêu hàng gửi cho Thái Phúc, tướng của nhà Minh, Nguyễn Trãi đã xác nhận: “Kể ra kẻ sĩ cốt ở chổ gặp thời hay không, đạo xử thế cốt ở thực hành được hay không.” Nhưng thực hiện được với giá nào?
    Ngày xưa, trước hiện tượng bế tắc ấy, có lẽ Nguyễn Trãi  đã từng ký gửi tâm sự mình vào bài “Tự thán” (tương truyền chính  ông là tác giả) sau đây:
          Chiếc thuyền lơ lửng bên sông,
          Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay.
          Chắc chi thiên hạ đời nay,
          Mà đem non nước làm rầy chiêm bao !


                            CHÚ THÍCH
(1)- Bùi Văn Nguyên, Con người Nguyễn Trãi, Khánh-hòa 1991, tr.19.
(2)- Đại Việt Sử Ký toàn thư, q.VIII, nhà Trần, tr.[18b].
(3)- Bảng nhãn: Tiến sĩ đệ nhất giáp, đệ nhị danh.
(4)- Theo Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn, chép lại trong Việt Sử đại cương  của Phạm Ngọc Huyến, trang 75.
(5)- Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương loại khí.
(6)- Lê Quí Đôn, Toàn Việt  Thi lục.
(7)- Theo Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo luận, Paris 1988, Tập 4, Đoạn 6 9- D.
(8)- Đại Việt  Sử Ký toàn thư, quyển XI, kỷ nhà Lê,  trang [97b, 68a].
(9)- Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử khảo luận, s.đ.d., T4, đ. 6 9-D.
(10)- Bùi Văn Nguyên, Con người Nguyễn Trãi,  1984, tr. 20.
(11)- Đại Việt Sử Ký toàn thư, quyển XI, trang [57b].
(12)- Đại Việt Sử Ký toàn thư, quyển XI, kỷ nhà Lê, tr. [25b, 26a].
(13)-  Lam Sơn thực Lục, Nguyễn Trãi, quyển hai, đoạn đầu.
(14)-  Phan Bội Châu, Khổng học đăng, Huế 1929, trang 643,
(15)- Đại Việt Sử Ký toàn thư, quyển VIII, nhà Trần, trang [20a].
(16)- Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử khảo luận, s.đ.d., tập 3, tr. 486
(17)-  Mạnh-tử, Vạn chương, chg hạ, t. 1, Cáo Tử, chg sau, t. 6.

Vài nét về Ca Nhạc Saigon trước 1975

Lời người viết: Lâu rồi các bạn bè thân hữu mỗi khi gặp tôi cứ hỏi “Liệu ông có viết lại các mẫu chuyện về Ca Sĩ Sài Gòn trước năm 75 được không?”. Bởi dù gì ngày trước ở Sài Gòn tôi viết chuyên mục về điện ảnh tân nhạc cho nhiều báo và tạp chí, mà nhật báo Trắng Đen với số bán chạy nhất thời đó là chủ chốt; đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên “Nhóm thân hữu ký giả Điện ảnh Tân nhạc Việt Nam” (như Huy Vân TTK báo Tiền Tuyến, tức Binh Cà Gật trong tạp chí Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nguyễn Toàn, Tương Giang, Phạm Hồng Vân, Phi Sơn….) thuộc “thiên lý nhãn”…. trăm tai ngàn mắt thời đó.
Viết về giới ca nhạc sĩ Sài Gòn thời trước 1975, là viết những chuyện đằng sau hậu trường, những chuyện dính dáng vào đời tư nhưng không đến nỗi phải bồi thường “một đồng danh dự”; có thể có những vụ việc đã từng được đăng hoặc chưa được đăng trên báo, viết về người còn ở lại và người đã xa quê hương, quả thật hết sức phức tạp!
Lý do “sự thật hay mích lòng”, nhưng đã hơn 30 năm xin cứ coi đây là kỷ niệm, thật hư thế nào chính người trong cuộc sẽ hiểu!…. Nhưng vì một lẽ giản đơn “không muốn vạch áo cho người xem lưng” đó thôi! ?
Cuối cùng, những phần hồi ký này chỉ trích đăng từng phần, nếu có dịp xin sẽ viết tiếp… và viết ra để những người về sau tham khảo và biết về các Nhạc Sĩ & Ca Sĩ trước 1975, đang ở VN, Hải ngoại đã thành danh như thế nào. 
Tr cau hoi 1CA SĨ SAIGON – XUẤT HIỆN TỪ ĐÂU?
Nói đến ca sĩ từ đâu đến hay nôm na từ đâu mà thành danh. Tôi chợt nhớ đến Chế Linh đầu tiên, nhớ ngay cái ngày một thanh niên gốc Chàm khúm núm đến gặp Tùng Lâm ở hậu trường rạp Olympic, một sân khấu đại nhạc hội do quái kiệt Tùng Lâm tổ chức song song với Duy Ngọc ở bên rạp Hưng Đạo vào mỗi sáng chủ nhật.
Tôi nhớ buổi sáng chủ nhật hôm đó khi anh chàng da ngâm đen tóc quăn, ăn mặc nguyên bộ đồ jean. Đến Tùng Lâm cũng không hiểu tại sao anh ta, một người lạ mặt vào được tận bên trong hậu trường. Còn đang ngạc nhiên thì anh chàng người Chàm đã tới gặp ngay Tùng Lâm xin cho được hát vào những lúc ca sĩ còn chạy show chưa kịp đến.
Tùng Lâm quyết liệt từ chối, dù lúc đó phải đóng màn chờ ca sĩ cũng không dám cho anh chàng người Chàm này lên hát, một phần do anh ta là người dân tộc thiểu số và cũng chưa từng nghe anh ta hát bao giờ.
Nhưng kế tiếp những tuần sau, anh chàng người Chàm lì lợm vẫn đều đặn xuất hiện xin Tùng Lâm cho được hát, và rồi Tùng Lâm cũng đành chào thua sự lì lợm quá mức này, đành chấp nhận cho anh ta hát một bài để thử, với lời dặn chỉ hát một bài và không có tiền “cát sê”.
Tôi chứng kiến các buổi anh chàng người Chàm đến và cả buổi đầu tiên được , cho lên hát một nhạc phẩm của Duy Khánh, che+linhvới tên được giới thiệu là Chế Linh. (nghệ danh này sau mới rõ nó có hai nghĩa, nghĩa thứ thứ nhất là họ Chế để khẳng định là”con cháu” của Chế Mân, Chế Bồng Nga. Nghĩa thứ hai có nghĩa là “lính chê” bởi người thiểu số được miễn hoãn quân dịch).
Không rõ Chế Linh có được học hát hay có thiên bẫm hát theo đĩa hay băng nhạc mà nhiều nam nữ mầm non ca sĩ thường hát nhái đến thuộc lòng, đến khi bài hát chấm dứt thì hàng loạt tiếng vỗ tay nổi lên tán thưởng kèm theo những tiếng gào “bis, bis” nổi lên ầm ỉ nơi hàng ghế khán giả.
Nhưng nhìn những người ái mộ vỗ tay gào thét kia lại chính là đồng hương của Chế Linh, do chính Chế Linh bỏ tiền ra mua vé cho họ vào xem và chờ đợi cái ngày hôm đó, để chỉ làm một động tác vỗ tay hoan hô và gào lên những tiếng bis, bis.
Do không được ai lăng xê, không được ai kèm cặp, Chế Linh thường hát nhái theo giọng ca Duy Khánh và cả những bài hát tủ của Duy Khánh từng thành đạt. Và nhờ những đồng hương hàng tuần đến vỗ tay, sau này Chế Linh được Tùng Lâm nhận làm “đệ tử” trong lò đào tạo ca sĩ của mình (?).
hoang+thi+thoTừ lúc đó Chế Linh mới được uốn nắn rèn giũa lại chính giọng ca của mình.
Khi nói đến những lò “đào tạo ca sĩ” thường là những nơi có môi trường “lăng xê”, như nhạc sĩ Nguyễn Đức có hai chương trình trên Đài truyền hình số 9 là Ban Thiếu nhi Sao Băng và chương trình Nguyễn Đức, cùng hai chương trình trên Đài phát thanh là Ban Việt Nhi, ban ABC. Còn quái kiệt Tùng Lâm có Đại nhạc Hội, và chương trình Tạp Lục trên truyền hình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của TCCTCT mà Song Ngọc đứng đầu tàu.
Đây là những lò nhạc giới thiệu nhiều ca sĩ nhất trong thời gian đó. Như lò Nguyễn Đức có một lô ca sĩ họ Phương gồm Phương Hồng Loan, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc (Cẩm Hồng) hay trước đó là Hoàng Oanh có cả nghệ sĩ hài như Thanh Hoài, Trần Tỷ.
Lò Tùng Tâm giới thiệu Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến rồi Chế Linh, Giang Tử. Lớp nhạc Bảo Thu có Thanh Mai, Thanh Tâm sau này Kim Loan; Hoàng Thi Thơ có Sơn Ca, Bùi Thiện, Họa Mi v.v…
Trở lại với Chế Linh, tuy quái kiệt Tùng Lâm có môi trường “lăng xê” nhưng về chuyên môn dạy thanh âm cho ca sĩ lại “mù tịt”; qua đó đã liên kết với nhạc sĩ Bảo Thu và Duy Khánh đào tạo hay lăng xê Chế Linh trở thành một danh ca như từng đào tạo lăng xê ra những Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến… Vì từ lò Bảo Thu (còn là ảo thuật gia Nguyễn Khuyến) cùng Duy Khánh (khi đó ở chung cư Trần Hưng Đạo) nguyen+van+dongđã cho “ra lò” nhiều ca nhạc sĩ như Quốc Dũng, Thanh Mai, Thanh Tâm, Kim Loan
Việc liên kết giữa Tùng Lâm – Bảo Thu – Duy Khánh làm cho nhiều lò đào tạo ca sĩ bấy giờ lên cơn sốt, bởi ở đây có đủ môi trường để các tài năng trẻ thi thố tài năng, Tùng Lâm có sân khấu đại nhạc hội, Bảo Thu có chương trình truyền hình; dạy thanh âm và cung cách biểu diễn. Chế Linh nhờ vào “lò” Tùng Lâm mà thành danh cho đến ngày nay.
Tuy nhiên ngoài những lò “đào tạo ca sĩ” nói trên cũng có những ca sĩ thành danh từ những phòng trà khiêu vũ trường, trong phong trào văn nghệ học đường, đại hội nhạc trẻ, những đoàn văn nghệ do chính quyền thành lập. Như Vi Vân, Julie Quang, Carol Kim, Đức Huy, Ngọc Bích, Thúy Hà Tú (Khánh Hà – Anh Tú), Thanh Tuyền, hài có Khả Năng, Thanh Việt, Phi Thoàn, Xuân Phát…
Elvis Phương nổi danh từ l1972 thời gian vào lúc do Thanh Thúy đang khai thác phòng trà Queen Bee cùng với ông Tuất (sau thời kỳ Khánh Ly), nhưng Elvis Phương đã tạo cho mình một chỗ đứng lúc còn là học sinh cùng với ban nhạc trẻ học đường. Sau đó Elvis Phương đi hát cho nhiều phòng trà nhưng do không ai dìu dắt lăng xê đến nơi đến chốn nên vẫn chỉ là cái bóng của những đàn anh đàn chị.
mai
Khi Thanh Thúy khai thác Queen Bee, có nhạc sĩ Ngọc Chánh làm trưởng ban nhạc Shotguns cùng Cao Phi Long, Hoàng Liêm, Đan Hà; và hội nhập vào làng sản xuât băng nhạc 1972. Elvis Phương mới được biết đến từ đó (1969). Tuy vậy Ngọc Chánh không cho mình đã tạo ra tên tuổi Elvis Phương, anh chỉ có công “lăng xê” còn giọng hát của Elvis Phương là do thiên phú hay từ môi trường văn nghệ học đường mà thành công
Các lò đào tạo ca sĩ ngoài những môi trường để dễ dàng “lăng xê” gà nhà, nhưng muốn lăng xê một ca sĩ còn phải qua nhiều cửa ải khác, như tìm một nhạc phẩm thích hợp với giọng ca để ca sĩ chọn làm bài hát tủ như người ta thường ví đo ni đóng giày.
Bài hát tủ như khi nghe Phương Dung hát chỉ có bài Nổi Buồn Gác Trọ là nổi bật, nghe Túy Hồng biết đang hát nhạc của Lam Phương (cũng là chồng của Túy Hồng), julienghe Thanh Thúy lúc nào cũng có bản Ngăn Cách của Y Vân, Thanh Lan với các ca khúc Bài không tên cuối cùng của Vũ Thành An hay Tình khúc… của Từ Công Phụng, Lệ Thu với Nữa hồn thương đau của Phạm Đình Chương, Thái Thanh thì chỉ có Dòng Sông Xanh nhạc Việt hóa của Phạm Duy, Khánh Ly ngoài những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, thường tìm cho mình con đường mới là hát nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao. Phương Hồng Quế với Phố Đêm, Những chuyện tình không suy tư của Tâm Anh v.v…
Sau khi ca sĩ có những bài hát tủ, các lò còn phải nhờ báo chí viết bài ca tụng tán dương, bỏ tiền cho các tạp chí lên ảnh bìa hay nhờ báo chí cho đứng tên một mục thường xuyên nào đó như phụ trách trang nhi đồng, giải đáp tâm tình, trả lời thư tín, nhưng các ông bầu đào tạo thường trao đổi ca sĩ cho nhau giữa các show truyền hình truyền thanh, vì ít tốn kém và hiệu quả, tạo đến tai nghe mắt nhìn cho khán thính giả một cách thực tế, được chú ý hơn.
Một Phương Hồng Quế có thời gian chiếm lĩnh trọn vẹn trên truyền hình, từ show này đến show khác, được phong tặng ”Tivi Chi Bảo“, giữ trang Vườn Hồng, Họa Mi trên báo Tin Điển, Chuông Mai, Trắng Đen, Đồng Nai, Hòa Bình cùng Phương Hồng Hạnh.
phuongNhưng ai có biết Nguyễn Đức đã bỏ ra bao nhiêu tiền để Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh dược như thế ? Chị em Thanh Thúy, Thanh Mỹ giữ mục Trả lời thư tín trên báo Tiếng Dân, sau này cô em út là Thanh Châu trên báo Trắng Đen v.v…
Tất cả chỉ là cái tên trên báo, vì đã có người làm giúp viết giúp và lãnh tiền giúp, đó là những ngón nghề lăng xê ca sĩ từ các lò “đào tạo ca sĩ”. Đa số các lò nhạc chỉ thích lăng xê “nữ ca sĩ ” hơn nam vì có nhiều lý do, nhưng lý do dễ hiểu nhất đa số… các ông thầy đều có máu dê.
Có một giai thoại, người ta đồn một nhạc sĩ gốc mật vụ đệ tử Trần Kim Tuyến thời Ngô Đình Diệm, rất thích các nữ nghệ sĩ, muốn cô nào từ ca sĩ đến kịch sĩ là nhờ bọn đàn em mời về cơ quan hứa hẹn dành cho họ nhiều ưu đãi trong nghề nghiệp với điều kiện cho ông ta được ”thưởng thức“, sau đó giữ bí mật chuyện giữa ông ta với nàng.
Chuyện bí mật đó là gì ? Trước đó tức trước khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, có lần ông nhạc sĩ mật vụ còn cao hứng đòi lấy một nữ kịch sĩ làm vợ, khiến cô nàng sợ quá vọt trốn ra nước ngoài sống mấy năm mới dám về Sài Gòn hoạt động kịch nghệ trở lại (cũng nhờ ra nước ngoài mà sau này được trọng vọng thành người thân cộng).
Không phải người nữ nghệ sĩ này không khoái ông sĩ quan mật vụ, mà không khoái khi nghe ông bầu show là quái kiệt Trần Văn Trạch của “Đại nhạc hội một cây” nói đến tính bất lực của ông ta. Vậy mà sau này có những con thiêu thân “ca sĩ mầm non” Thanh Lanđang bán phở hủ tíu, chấp nhận cho ông ta được “thưởng thức” để có môi trường trở thành nữ danh ca..
TOÀN CẢNH TÂN NHẠC MIỀN NAM
Bước vào những năm 63 – 70 của thập kỷ trước, phong trào Kich Động Nhac và Nhạc trẻ bắt đầu xâm nhập mạnh, các ca khúc lãng mạn hay lá cải gần như chìm lắng nhường cho nhạc ngoại quốc được Việt hóa, lý do bộ thông tin & tâm lý chiến bấy giờ ra lệnh các nhạc phẩm VN phải có lời mang tính ca tụng người lính hay tính chiến đấu.
Những nhạc phẩm sặc mùi chiến tranh tâm lý chiến như Lính dù lên điểm, Người ở lại Charlie, Đám cưới nhà binh, Hoa biển, Anh không chết đâu em, Câu chuyện chiếc cầu đã gãy, Kỷ vật cho em, Mùa thu chết v.v.. ra đời.
Loại kích động nhạc, nhạc VN tâm lý chiến có Trần Trịnh viết cho Mai Lệ Huyền lúc đó đang còn sống chung (sau Mai Lệ Huyền lấy một đạo diễn trên Đài truyền hình số 9 rồi mới vượt biên), hát cặp với Hùng Cường thuộc loại ăn khách.
Tr Thien thanh
Nhật Trường – Trần Thiện Thanh viết cho chính anh cùng với Thanh Lan. Còn Khánh Ly, Lệ Thu chỉ nỉ non hát những bài của Phạm Duy như Mùa Thu Chết, Kỷ vật cho Em, Giọt mưa trên lá… Các nhạc sĩ khác không có nhạc phẩm mới chỉ cho ca sĩ nhai đi nhai lại các bài hát cũ.
Vì vậy nhạc Pop Rock – Việt hóa ăn khách do không nằm trong lệnh của bộ thông tin & tâm lý chiến. Những ca khúc trữ tình như Hởi người tình La-ra nhạc phim Dr.Zivago, Roméo Juliette, Giàn thiên lý đã xa, Khi xưa ta bé, Lịch sử một chuyện tình… được ra đời. Trước đó xuất hiện cùng những ca sĩ ban nhạc Black Caps, Les Vampires, Rockin Stars, The 46, Fanatiques, Spotlights, và phong trào Viet Hóa như Phượng Hoàng, Mây Trắng (Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Trung Hành, Elvis Phương), CBC (Bích Liên), Crazy Dog (Những đứa con của cặp nghệ sĩ Việt Hùng – Ngọc Nuôi với Ngọc Bích đầu đàn) Ba Con Mèo (có Vi Vân, Julie và Mỹ Hòa), Tú Hà Thúy (Anh Tú, Khánh Hà, Thuy’ Anh) và những ”thủ lãnh” phong trào lúc đó là Nhac Trẻ: Trường Kỳ, Tùng Giang, Đức Huy, Kỳ Phát, Nam Lộc.
truong+kyNên phải nói rằng nền ca nhạc ở Sài Gòn từ những năm 60 đến 75 mới thực sự có nhiều điều để nói, vì trước đó thời TT Ngô Đình Diệm cấm mở khiêu vũ trường, nên sinh hoạt tân nhạc còn trong phạm vi thu hẹp chỉ có Đài phát thanh, Phòng trà và Đại Nhạc Hội. Trong thời gian này có Ban Thăng Long với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng, nhạc hài hước có Trần Văn Trạch, song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hay Thúy Nga với tiếng đàn phong cầm (sau thành vợ Hoàng Thi Thơ), Duy Trác, Bạch Yến, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung, Ánh Tuyết, Cao Thái…
Do thiếu hụt ca sĩ, các tay tổ chức Đai Nhạc Hội thường đưa vào các tiết mục múa của Lưu Bình, Lưu Hồng, Trịnh Toàn, kịch nói chưa phát hiện ra Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Vân Hùng… chỉ có những nghệ sĩ gần đứng tuổi như Phùng Há, Bảy Nam, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Hoàng Mai, Anh Lân, Kim Lan, Kim Cúc, Túy Hoa, Xuân Dung hay cua-rơ Phượng Hoàng Lê Thành Cát (một kịch sĩ nghiệp dư) chiếm lĩnh sân khấu cùng kịch sĩ đất Bắc như Lê Văn, Vũ Huân, Vũ Huyến…
Thời gian 1965 – 1975 giới thưởng thức tân nhạc bắt đầu chia khán giả cho từng loại ca sĩ:
– SVHS thì thích những giọng hát của Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Xuân Sơn, Anh Khoa, Jo Marcel, Sĩ Phú, Paolo Tuan, Elvis Phương bởi khi hát có chọn lọc nhạc phẩm mang tính nghệ thuật cao cấp.
– Đại đa số quần chúng lại thích nghe Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung, Thanh Tuyền, elvisTúy Hồng, Nhật Trường, Thái Châu hát những nhạc phẩm bậc trung nẳm giữa nghệ thuật và thị hiếu.
Còn lại các ca sĩ như Chế Linh, Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Phương Hồng Quế, Sơn Ca, Giang Tử, Trang Thanh Lan, Thanh Hùng, Trang Mỹ Dung, Thiên Trang hát các bài được soạn theo kiểu tiểu thuyết lá cải như Chuyện tình Lan và Điệp, Nhẫn cỏ cho em, Đồi thông hai mộ, Rước tình về với quê hương … được giới bình dân ưa thích (gọi là “nhạc sến”), cho nên giới sản xuất băng nhạc bấy giờ rất kén ca sĩ hát cho nhãn băng nhạc, nếu nhãn băng nhạc nào có những Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Lan v.v… thì sẽ không có những Chế Linh, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Giang Tử, Duy Khánh v.v…
Khán thính giả đã phân chia hạng bậc ca sĩ nhạc phẩm để thưởng thức. Ông bầu Ngọc Chánh liền cho ra nhiều nhãn hiệu băng mong chiếm trọn thị trường, vì làm băng nhạc phải nhạy bén với lớp người thưởng ngoạn do đã phân chia ra từng lớp:
– Shotguns dành cho lớp người có trình độ thưởng thức cao.
– Nhãn băng Thanh Thúy dành cho mọi tầng lớp khán thính giả.
– Nhãn băng Hồn Nước có Chế Linh,Tu Cong Phung Duy Khánh, Trang Mỹ Dung, Phương Hồng Quế v.v…
– Phục vụ thành phần cao niên hoài cổ có băng nhạc Tơ Vàng của Văn Phụng Châu Hà, quy tụ những ca sĩ di cư từ đất Bắc như Duy Trác, Châu Hà, Kim Tước, Thái Thanh, Sĩ Phú qua những nhạc phẩm tiền chiến của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Nghiêm Phú Phi, Phạm Duy, Phạm Đình Chương… vừa có nhạc tiền chiến vừa có nhạc hiện đại của những nhạc sĩ tên tuổi.
– Tầng lớp SVHS có nhãn bang hiệu Shotguns, Khánh Ly, Jo Marcel để nghe nhạc phẩm Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Y Vân, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Ánh 9.
Mai le huyen– Giới bình dân có rất nhiều nhãn hiệu băng như Hoàng Thi Thơ, Họa Mi, Hồn Nước, Chế Linh, Âm Thanh, Trường Sơn, Nguồn Sống qua nhạc phẩm Châu Kỳ, Mạnh Phát, Anh Việt Thu, Đỗ Lễ, Trầm Tử Thiêng, Vinh Sử, Tú Nhi, Hàn Châu, Song Ngọc, Duy Khánh, Thanh Sơn, Y Vũ, Trần Trịnh, Tâm Anh, Đynh Trầm Ca…
– Nhạc trẻ có nhóm Trường Kỳ, Tùng Giang, Kỳ Phát đều có nhãn băng nhạc riêng, riêng kiosque của chị em Thúy Nga (không phải vợ Hoàng Thi Thơ) lúc đó chỉ chuyên sang nhạc đĩa nhac Ngoai Quốc nước ngoài mang nhãn Selection hay Anna / Hon Hoang.
Thế giới ca nhạc Saigon đã phân chia thứ bậc theo sự thưởng ngoạn, ca sĩ cũng được phân chia ngôi thứ rõ ràng, đó là đặc tính của tân nhạc miền Nam ngày trước… tháng 04 /1975.
CẶP TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LY
Từ ngày tôi viết báo và làm báo đến ngày Sài Gòn “đứt phim” nhiều lần tôi viết về Trịnh Công Sơn, dù đến bây giờ giữa tôi và họ Trịnh chưa một lần tiếp xúc, có lẽ vì Trịnh Công Sơn quá cao ngạo thường nghĩ mình là cái “rún” của nền âm nhạc Việt Nam từ trước và sau 1975, đồng thời họ Trịnh còn phân biệt địa phương chỉ thích giao tiếp với người gốc Huế hay gốc Bắc di cư 1954 sau này 1975, còn người làm báo miền Nam (ngày xưa có hai phe báo Nam báo Bắc, có cả 2 nghiệp đoàn ký giả Nam Bắc khác nhau), họ Trịnh tỏ ra không mặn mà để giao tế hay tiếp xúc.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1964-65 phong trào Sinh Viên Học Sinh xuống đường đang bộc phát mạnh từng ngày. Ngày nào SVHS cũng xuống đường đòi xé Hiến chương Vũng Tàu của tướng Nguyễn Khánh, khanh+lyrồi một Quách Thị Trang nữ sinh trường Bồ Đề (Cầu Muối) ngã xuống do lạc đạn tại bồn binh chợ Bến Thành trong một đêm đầy biến động với lựu đạn cay và cả tiếng súng thị oai của cảnh sát bót Lê Văn Ken, và từ đó nổi lên phong trào hát du ca, toàn ca khúc phản chiến.
Cũng từ đó quán cà phê Văn được hình thành trên một bãi đất gò rộng lớn, bãi đất này từ thời Pháp từng được dùng làm khám lớn còn gọi bót Catinar bên hông pháp đình Sài Gòn. Bãi đất được chính quyền Nguyễn Khánh mà mị ve vuốt cấp cho SVHS làm trụ sở Tổng Hội Sinh Viên do Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho đang lãnh đạo phong trào SVHS xuống đường, để đổi lấy sự yên tĩnh cho thủ đô.
Quán cà phê Văn nằm sau trường Đại Học Văn Khoa, lúc đó do nhóm sinh viên đang theo học tại đây dựng lên và đặt thành tên gọi, được đông đảo anh chị em SVHS ủng hộ hàng đêm cả ngàn người đứng ngồi trên bãi cỏ, mở đầu nghe phong trào hát du ca của cặp Trịnh Công Sơn – Khánh Ly qua những Ca khúc Da Vàng.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly mới từ Đà Lạt vào Sài Gòn. Phong cách biểu diễn của Khánh Ly lúc đó rất bụi, chân đất, miệng phì phà điếu thuốc Salem và hát những bài do Trịnh Công Sơn sáng tác và đệm đàn. Bấy giờ người ta đã đặt cho Khánh Ly cái tên “ca sĩ cần sa”, “tiếng hát ma túy” v.v… vì giới SVHS thời đó, nhất là giới nữ chưa thấy một ai dám cầm điếu thuốc hút phì phèo nơi công cộng như thế, xem như một cuộc cách mạng trong giới trẻ.
Trước thời gian này họ Trịnh tuy đã có nhiều sáng tác nhưng chưa được ai biết đến như bài Ướt mi, Lời Buồn Thánh, Xin mặt trời ngủ yên (liên hoàn khúc) thanhchưa hội nhập được vào giới ca sĩ phòng trà. Nên biết rằng, ca sĩ thời đó thường hát các nhạc phẩm của những nhạc sĩ đã thành danh như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Văn Phụng, Lê Dinh, Anh Bằng, Y Vân, Lan Đài… những nhạc phẩm mang tính đại chúng, còn nhạc và tên tuổi của họ Trịnh hãy còn quá xa lạ với mọi người; các ca sĩ không dám hát sợ rằng khán thính giả sẽ tẩy chay khi hát những nhạc phẩm của người không tên tuổi.
Lúc đó Khánh Ly cũng như Trịnh Công Sơn đều chưa có chỗ đứng trong sinh hoạt tân nhạc, khán thính giả chỉ biết đến những ca sĩ như Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Châu Hà, Duy Trác, Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết, Hoài Trung, Hoài Bắc hoặc trẻ trung như Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung v.v…
Khi được giới SVHS chào đón trên bãi đất Văn, bấy giờ Trịnh Công Sơn – Khánh Ly mới được mọi người để ý, bởi lời nhạc và cung cách biểu diễn của cả hai đang cách tân truyền thống cũ; nhưng tiếp đó cặp Vũ Thành An – Thanh Lan rồi Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên tuy đi sau nhưng lại nổi đình nổi đám cũng từ phong trào hát du ca này. Các nhạc sĩ sau soạn nhạc cũng dành cho giới trẻ cho tầng lớp người mới có kiến thức. doanLời nhạc không rên siết bởi tiếng bom đạn mà rất du dương tình tứ đến lãng mạn gieo đến tâm hồn người nghe ngọn gió mới.
Sau đó quán cà phê Văn đâm ra “hắt hủi” cặp Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, vì tính theo tần suất ái mộ, giới SVHS bắt đầu thích nghe “Những bài không tên”, “Bây giờ tháng mấy”, “Áo lụa Hà Đông” hơn “Gia tài của mẹ”, “Ca khúc da vàng” v.v…
Các nhạc sĩ trẻ Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên đã khai phá nguồn gió mới cho quán Văn, ngược với dòng nhạc và phong cách sáng tác nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn chống chiến tranh. Lúc này giới trẻ SVHS cảm thấy dòng nhạc của các nhạc sĩ trên có lời ca rất lãng mạn trữ tình luôn qua tiếng hát của Thanh Lan. Chính vì vậy Thanh Lan có nhiều lợi thế hơn Khánh Ly vì được giới SVHS ủng hộ đông đảo hơn, một phần do Thanh Lan là sinh viên Văn Khoa và cà phê Văn như sân nhà. Sau đó còn có cặp ca nhạc sĩ Lê Uyên và Phương v…v…
Trịnh Công Sơn – Khánh Ly bắt buộc phải chuyển thể theo trào lưu, không hát nhạc phản chiến, cả hai muốn lấy lại tư thế “người của mọi người” nên chuyển đề tài qua tình ca như dòng nhạc của Vũ Thành An, Từ Công Phụng hay Ngô Thụy Miên; và Diễm Xưa lại được Khánh Ly thể hiện xem như ca khúc lãng mạn của Trịnh Công Sơn nhằm đối kháng với “Những bài không tên”, “Bây giờ tháng mấy”, “Áo lụa Hà Đông”, sau Diễm Xưa tiếp tục với Lời Buồn Thánh, Mưa hồng, Biển nhớ, Tình xa, Một ngày như mọi ngày…
Nói như vậy cho thấy Trịnh Công Sơn đi trước về sau qua những bản nhạc tình.
Le UyenCuối cùng tôi gặp Trịnh Công Sơn vào trưa ngày 30/4/75 tại Đài phát thanh Sài Gòn. Trưa hôm ấy có lẽ Trịnh Công Sơn muốn đến kêu gọi giới văn nghệ sĩ (vì vẫn coi mình là cái “rún” của nền âm nhạc miền Nam ?) bình tĩnh và ủng hộ chính quyền quân quản, còn tôi đến để lấy tin làm báo, vì tờ báo tôi được uỷ quyền còn ra đến số báo đề ngày 2/5/75. Và đúng như bài của Trịnh Cung viết về Trịnh Công Sơn, trưa đó họ Trịnh chẳng nói được lời nào sau micro, còn Tôn Thất Lập có nói gì với họ Trịnh không thì tôi “bó tay” do lúc này ở phòng thu người chật như nêm, ai cũng muốn chen vào muốn “có tiếng nói” làm “ông kẹ ba mươi tháng tư” kể cả tên mặt rô ở chợ Cầu Muối cũng có mặt muốn kêu gọi bạn hàng chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối hợp tác với ban quân quản.
Sau ngày 30/4 ai cũng thấy rõ chiến tuyến của họ Trịnh và Khánh Ly. Quả thật Trịnh Công Sơn phản chiến vì thân cộng, còn Khánh Ly lại thuộc thành phần chống cộng. Có người hỏi tại sao Khánh Ly lại ra đi không cùng họ Trịnh ở lại để hưởng phước lộc trong xã hội chủ nghĩa, khi cả hai từng có công trạng gián tiếp xúi giục mọi người phản chiến, thanh niên trốn quân dịch; vì cả hai như cặp bài trùng?
Khi hỏi cũng đã có câu trả lời, vì khi phong trào du ca không còn tồn tại, chỉ còn nhóm “Hát cho đồng bào tôi nghe” của Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập “hát chui” ở đâu đó. Còn Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã tách ra thành hai, bởi cả hai đâu phải đôi “thanh mai trúc mã”, một người bị chứng bất lực còn một người đang Ng Duc Quangtràn trề sinh lực của lứa tuổi thèm yêu.
Trước đó Khánh Ly đã ấy một đại úy biệt kích to con lực lưỡng làm chồng, còn là một bảo kê cho phòng trà khiêu vũ trường của vợ trên đường Nguyễn Huệ (Queen Bee) sau chuyển qua đường Tự Do (Khánh Ly). Do vậy Khánh Ly phải xa họ Trịnh để đến đất nước của Nữ thần tự do, còn nếu ở lại với lý lịch lấy chồng sĩ quan ngụy quân sẽ bị trù dập “ngóc đầu lên không nổi”.
Tuy vậy khi qua Mỹ, Khánh Ly không còn nhớ đến người chồng biệt kích còn đang học tập cải tạo ở quê hương, liền lấy ngay một ký giả từ Sài Gòn cũng vừa di tản để cả hai tiếp tục hô hào chống cộng.
Còn Trịnh Công Sơn, khoảng thời gian mười năm sau ngày Sài Gòn “đứt phim”, họ Trịnh lại bắt đầu nổi tiếng (?), còn tại sao nổi tiếng khi Trịnh Công Sơn chỉ có những bản nhạc “nhạt như nước ốc” sáng tác cổ động cho phong trào thanh niên xung phong hay học đường, việc này mọi người đã biết tôi không nói thêm nữa.
Sự trở lại với nền âm nhạc sau nhiều năm vắng bóng để Xuân Hồng, Trần Long Ẩn… làm mưa làm gió, nên mọi người còn nhớ Trịnh Công Sơn và báo chí lại đưa tên tuổi họ Trịnh lên chín tầng mây. Và mặc dù bị chứng bất lực nhưng cũng có vài con thiêu thân chịu sa ngã để được “dựa hơi”, mong “hơi hám” của họ Trịnh sẽ cho mình chút hư danh, như cô ca sĩ HN vừa loé lên đã tắt lịm, bởi nhạc cũ họ Tr bang hoangTrịnh thì chưa được hát còn nhạc mới lại nhạt nhẻo chỉ dành cho thiếu nhi hay hát vào mỗi lúc hô “khẩu hiệu”mà thôi.
Biết rằng nhạc không còn hồn, không còn sôi nổi cuốn hút người nghe như thời trước 1975, Trịnh Công Sơn mở quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch tức đường Duy Tân cũ, rồi bắt đầu vẽ hươu vẽ nai rồi nhờ mấy tên ký giả cà phê “lăng-xê” nét vẽ không thua gì những Phạm Cung, Trịnh Cung… có người đòi mua cả vài ngàn đô?!. Vậy là hết cuộc đời âm nhạc để rồi chết vì nghiện rượu, mà tác phẩm để lại được mọi người còn nhớ đến toàn nhạc phẩm của những ngày trước 30/4.
Nguyễn Việt