Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Người nam sinh Sài Gòn tóc bạc kể mãi chuyện xuống đường...

TTO - Đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống sinh viên học sinh, một cuộc giao lưu xúc động vừa diễn ra tại Đường sách TP.HCM sáng 9-1, với nhân vật là ông Lê Hồng Tư - chàng nam sinh Sài Gòn bước ra từ tiểu thuyết Áo Trắng của Nguyễn Văn Bổng.

Người nam sinh Sài Gòn tóc bạc kể mãi chuyện xuống đường... - Ảnh 1.
Ông Lê Hồng Tư (giữa) đang kể lại câu chuyện của một thời sinh viên và lứa đôi trong khói lửa chiến tranh - Ảnh: L.ĐIỀN
Tiểu thuyết Áo Trắng được xây dựng từ hình mẫu hai nhân vật chính là Phượng và Hoàng - một bộ phận của phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn từ những năm 1960. Nhân duyên để quyển tiểu thuyết này ra đời bắt đầu từ năm 1969, khi cô Nguyễn Thị Châu từ Sài Gòn ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ và dự Liên hoan Thanh niên thế giới. 
Câu chuyện của Châu được nhà văn Nguyễn Văn Bổng chú ý, hai bên làm việc với nhau từ năm 1969 đến 1970, và Nguyễn Văn Bổng chấp bút viết tiều thuyết Áo Trắng trong hai năm 1970 - 1971. Theo đó, nhân vật Phượng chính là Nguyễn Thị Châu và Hoàng là Lê Hồng Tư.
Áo Trắng xuất bản lần đầu tại miền bắc năm 1972, từng thu hút bạn đọc bấy giờ bởi không gian truyện miêu tả chi tiết về cuộc sống của Sài Gòn, về những câu chuyện xúc động của giới học sinh sinh viên, đặc biệt là những tình tiết tổ chức các tuyến hoạt động nội thành với những tấm gương sáng bằng xương bằng thịt phải chịu bao đau thương tù đày giam cầm tra tấn và có trường hợp vượt thoát được, trở thành điển hình như Nguyễn Thị Châu.
Không chỉ có đấu tranh và chịu đựng gian khổ, câu chuyện của Hoàng và Phượng trong Áo Trắng còn lấp lánh một tình yêu đầy xúc động, phải nói là trong thời chiến, tình yêu trai gái cũng trắc trở theo từng bước chuyển động của "phong trào"...
Những câu chuyện từ "nhân vật của tiểu thuyết"
Buổi giao lưu đúng ngày truyền thống sinh viên học sinh đồng thời ra mắt bản in mới quyển Áo Trắng chính là ý muốn của cả hai nhân vật: chú Lê Hồng Tư và cô Nguyễn Thị Châu. Và dù giờ cuối cô Nguyễn Thị Châu vắng mặt do lý do bất khả kháng, những câu chuyện từ ông Lê Hồng Tư vẫn gây chú ý với rất đông bạn trẻ đến Đường sách sáng nay.
Điều gì khiến cho một cụ già tuổi 86 tóc bạc da mồi, vẫn nhớ như in những sự kiện lịch sử của đất nước, của miền Nam, của đồng đội trong giới sinh viên Sài Gòn? Phải chăng đó chính là một phần cuộc đời ông, một phần tuổi trẻ ông và chính là lý tưởng cả đời ông theo đuổi.
Ông Lê Hồng Tư nhắc lại bối cảnh đất nước chia đôi sau năm 1954, và hoàn cảnh đô thị Sài Gòn lúc bấy giờ đã có những chuyển biến như thế nào khiến cho phong trào thanh niên sinh viên học sinh ra đời.
Có những chuyện nếu không được một người trong cuộc nắm rõ những dữ liệu thời cuộc thuật lại như vậy, các thế hệ về sau rất khó hình dung tại sao lại có chuyện này chuyện kia, tại sao người miền Nam lại tin vào Mặt trân dân tộc Giải phóng chẳng hạn.
Ông Tư kể vào khoảng sau năm 1961, ông lên Tây Ninh dự một lớp học của phía cách mạng, lúc bấy giờ được nghe ông Võ Văn Kiệt đưa ra nhận định là sẽ có đảo chánh ở Sài Gòn, và quả nhiên đến 1963 có đảo chánh thiệt. Chính điều này làm người dân tin là những người cách mạng ở Mặt trận sáng suốt và nói đúng.
Có thể nói, những câu chuyện từ "nhân vật của tiểu thuyết" kể ra chính là một bổ khuyết thú vị cho quyển tiểu thuyết được nhà văn Nguyễn Văn Bổng dày công xây dựng. 
Đọc truyện, biết được những chuyển động ngầm trong giới sinh viên học sinh, biết được các mưu mẹo đấu tranh của những người vẫn trong độ tuổi học trò mà sớm đứng ra lo việc nước... thì khi nghe thuật chuyện từ hình mẫu nhân vật ngoài đời thực, người ta sẽ biết được phía bên trong của những chiến công, biết được ý tưởng táo bạo đánh Mỹ ngày trên đường phố Sài Gòn khởi phát từ sinh viên học sinh như thế nào...
Và một tình yêu đi qua bao trắc trở
Đặc biệt là câu chuyện tình xúc động của chú Tư và cô Châu mà tiểu thuyết Áo Trắng không thể nào chuyển tải hết được. 
Đó là những tình huống chung nhau lý tưởng, chung đường hoạt động hình thành tình cảm lứa đôi. Đặc biệt là câu chuyện chú Tư kể lần tỏ tình thứ nhất bị cô Châu từ chối do còn việc cách mạng và việc nhà nặng quá, chú bảo "tôi nghe đau quặn trong lòng". 
Vậy mà chú vẫn chân thành, kiên trì theo dõi tin tức của người mình yêu qua bao nhiêu trắc trở nhiều lúc tưởng một đi không trở lại. Có lần bị đứt đường dây liên lạc, tổ chức yêu cầu chính chú Tư đi tìm và móc nối lại cô Châu. 
"Việc chung đã xong, đến việc riêng, tôi lấy can đảm bày tỏ với cô một lần nữa, cô vẫn chưa chịu. Tôi mới nói rằng: ‘Chừng nào tôi còn hơi thở trên trái đất này thì tôi vẫn muốn thành hôn với Châu’. Câu này trong tiểu thuyết không có đâu". Tiếng vỗ tay vang lên khi mọi người nghe những lời tâm sự ấy.
Người nam sinh Sài Gòn tóc bạc kể mãi chuyện xuống đường... - Ảnh 2.
Ông Lê Hồng Tư (giữa) bồi hồi kể lại câu chuyện tình của mình - Ảnh: L.ĐIỀN
Nhưng rồi câu chuyện ngoài đời cũng có hậu: chú Tư hoạt động nội thành chỉ 6 năm nhưng  bị đi tù Côn Đảo đến 13 năm. Sau ngày 30-4-1975, chú mới được về với tự do. Lúc này, cô Châu đã báo cáo tổ chức - chú Tư chính là vị hôn phu của cô. Và tháng 8-1975, hai người làm đám cưới. "Tụi tôi chỉ mời 250 người nhưng bạn bè người quen đến hơn 600 người, cũng may là tiệc trà nên tất cả đều vui mà không tốn kém". Khán giả ngồi nghe lại ồ lên lần nữa.
Nhưng điểm có hậu đáng kể trong cuộc đời của đôi "uyên ương cách mạng" này có lẽ chính là quan niệm sống, được chú Tư chia sẻ: "Tôi có một người con trai, vẫn khuyên nó nên làm việc và tiêu xài trong khả năng mình làm ra. Phần tôi lâu nay làm hết các việc nhà từ đi chợ nấu ăn giặt quần áo, do vợ tôi yếu chân đi lại khó khăn... Chỉ có dọn vệ sinh là thuê người làm theo giờ. Nói chung là cuộc sống lạc quan hạnh phúc, làm được gì để  giúp ai thì làm, năm nay tôi đã 86 tuổi và hi vọng còn sống 5 năm nữa". Mọi người lại xuýt xoa.

ao_trang
Có một câu chuyện xúc động về cô Nguyễn Thị Châu lúc bị giam trong xà lim P42 năm 1961, cô đã dùng chiếc kẹp tóc khắc lên tường bài thơ: "Áo trắng em chưa vướng bụi đời/ Chưa từng mơ ước chuyện xa xôi/ Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/ Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi".
Tiểu thuyết Áo Trắng khi xuất bản đã được bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm. Đến năm 1987, giáo sư Bae Yang Soo người Hàn Quốc đã dịch tiểu thuyết này ra tiếng Hàn, và được xem là sách gối đầu giường của sinh viên Hàn Quốc trong nhiều thế hệ. Trong 20 năm (1987 - 2007), tiểu thuyết Áo Trắng đã được tái bản 35 lần tại Hàn Quốc.