Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Nước mắt và các vết thương….

Nước mắt và các vết thương…

Nước mắt và các vết thương….

(Mực để mình viết nên những dòng chữ dưới đây là nước mắt chảy ra tự nhiên như từ những dòng suối nhỏ).

BS. Nguyễn Quý Ninh – ĐH Y Khoa Huế khóa 1968-1976

***

Những năm sau 75. Chiến tranh chấm dứt, tiếng súng tạm yên, nhưng một cuộc chiến khác lại bùng lên, đau đớn hơn, ngấm ngầm hơn, phẳng lặng hơn, đó là cuộc chiến trong lòng người cùng một nước…iữa những người “chiến thắng” và những người “thất cơ lỡ vận”… Một thanh niên mới lớn như tôi ít khi được va chạm với súng đạn nhưng trong cái giai đoạn giao thời ấy lại trở thành bác sĩ để bị dằn vặt và va chạm với nỗi đau trong cuộc chiến ngấm ngầm của 2 giòng người kể trên…

Làn sóng di dân ồ ạt từ các tỉnh và thành phố lên các vùng cao, vùng rừng núi trong cái chủ trương và phong trào gọi là đi “Kinh Tế Mới” đưa những người “thất bại – thất nghiệp” và gia đình của họ đi phá núi phá rừng để khai khẩn đất hoang trong đó có nhiều người dân xứ Huế lên Đăk Lăk và sau này lập thành 3 xã giống như ở chính quê hương họ đó là Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang…

Những vùng đất này nguyên là những vùng rừng núi nguyên thủy với nhiều thú dữ, cây rừng và sông suối…. là vùng mà muỗi rừng Anophele hoạt động mạnh gây nên dịch bệnh sốt rét chết người thảm khốc hàng loạt, cách nơi tôi đang công tác chừng 15 -30 km, nhưng đường đi rất khó, chỉ là đường rừng mới mở hoặc phải qua suối, qua đồi…., phương tiện đi lại phần đông của dân là đi bộ hay gồng gánh nhau bằng võng khi có người đau ốm….

Dân đi kinh tế mới ở đây đa phần là dân thành phố, không phải là nông dân chính hiệu cho nên trong những năm đầu mới vào họ không quen công việc nhà nông cộng với dịch bệnh hoành hoành, họ bị lâm vào tình cảnh đói rách khổ sở và chết chóc

Xen lẫn hay trên đường từ họ ra nơi tôi ở có những buôn làng hay xã của người dân tộc ở, dân ở những nơi này tương đối ổn định cuộc sống và có đất trồng lúa và hoa màu đã khai thác lâu dài.

Có một chiều, trên một cánh đồng lúa chín vàng những người đồng bào dân tộc vừa gặt xong khoảng một nửa diện tích thì có một toán người Kinh đi kinh tế mới đi theo sau để mót những hạt lúa còn sót lại rơi vãi. Nhưng trong ý những người đang gặt họ chưa cho mót và họ nghĩ là những kia ăn cắp của họ, vì thế họ đuổi đánh toán người kia, đa phần chạy được thoát, duy có một thanh niên bị vấp phải một gốc cây té ngã, những người dân tộc chạy đến vung xà gạc lên (một công cụ làm nông của người dân tộc khá sắc bén và có cán khá dài) và chém thẳng vào cổ anh này, cũng may là do phản xạ tự vệ tự nhiên nên anh quay đầu lại nhìn  để tránh thì cái xà gạc này chém thẳng vào một bên mặt làm rách và lóc luôn một mảng da và phần mềm lớn kéo dài từ phía trên xương gò má bên trái vòng theo hình Parabol mở xuống sát bờ mũi và sát mang tai bên cạnh vành tai bên trái cho đến tận phần da dưới hàm bên trên cổ. Miếng da và các mô dưới da này to bằng lòng bàn tay và treo lủng lẳng xuống dưới cổ và máu ra đầm đìa đầy mặt và cổ ngực. Những người kia tưởng là anh thanh niên này đã chết nên bỏ đi…., số người đi mót lúa quay lại và đưa anh này đi cấp cứu tại trạm y tế xã. Trạm y tế xã đã cho băng tạm và viết giấy giới thiệu chuyển ra cho bệnh viện mà tôi đang công tác vào một đêm tối trời. Khi đoàn người gồng gánh bệnh nhân này bằng võng đi bộ cách nơi có tôi hơn 20 km đường rừng và đường đất. Khi đoàn võng này đi qua một xã trên đường thì bị các du kích người dân tộc chặn lại và lấy giấy giới thiệu giao cho chủ tịch xã, chủ tịch xã phê vào giấy giới thiệu: “đề nghị bệnh viện không chữa cho ông này vì ông đã trộm lúa của dân” và ký tên đóng dấu của UBND xã.

Nhọc nhằn đoàn võng cũng ra đến bệnh viện. bệnh viện trưởng nhận giấy và có dấu phê của Xã đã bảo tôi: “BS xem không nên chữa cho bn này, người ta đã yêu cầu như thế rồi”. Tôi không xem những lời dặn dò của ông ấy là quan trọng. Tôi mở vết thương của bn ra xem và nghe những người đi theo kể lại, bn gần như đã ngất đi vì quá đau đớn và mất máu nhiều. Khuôn mặt của bn đã biến dạng như trong một phim có vai ma quỷ, ai nhát gan mà thấy chắc phải ngất xỉu ngay. Nghe hoàn cảnh bi đát đói khổ của bn phải đi mót lúa kiếm sống lại bị người ta chém như thế! Thật thấy thương dân mình, họ đâu có đến nổi phải bị đối xử cay nghiệt như thế? Thương cho bn, thương những người bạn và bà con nhọc nhằn gồng gánh bn ra, thương cho quê hương Huế nghèo của tôi…, xúc động làm nước mắt tôi rơi không biết từ khi nào, rơi xuống thấm ướt cả vết thương của bn mà tôi đang lo hàn gắn đây! Cô y tá cười bảo: “bác sĩ mà cũng khóc à ! Em tưởng bác sĩ khi nào cũng cứng rắn & lạnh lắm chứ!”

Tôi đã vận dụng tất cả kỹ năng và sự tinh tế của tôi kết hợp với các loại thiết bị nhất là các loại kim chỉ rất nhỏ và mỏng manh (may là thời đó còn sót lại các loại chỉ nhỏ của bệnh xá quân dân y chế độ trước để lại như catgut chromic , silk 5.O -8 O… có gắn kim liền chỉ… nên tôi đã dành gần 2 tiếng đồng hồ để tái tạo lại khuôn mặt cho bn gần như hoàn hảo. …

Phải chăng nước mắt của tôi hoà quyện với máu của người bệnh để cho tôi một cảm giác rằng vết thương lòng của tôi và của bn là một để tôi đủ tỉnh táo mà lo cho người ấy cũng như lo cho niềm đau của riêng tôi?

…Sáng hôm sau, do áp lực là “không được cứu chữa cho bn này” nên tôi phải chuyển bn lên tuyển trên. BV Tỉnh lại chuyển bn vào Bệnh Viện Chợ Rẫy TP HCM mà không can thiệp gì thêm… Bệnh này đi vào quên lãng…

… Hơn một năm sau, một buổi chiều, sau khi mới loay hoay xong với một bệnh nhân. Tôi thấy có một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự, dong dỏng cao, da trắng, khá bảnh trai….iến lại gần tôi và nói: “bác sĩ ơi ! Bác sĩ có nhớ em không?”. Tôi nhìn kỹ người ấy ngờ ngợ và lắc đầu! Người ấy liền bảo: “Dạ, em là người hôm xưa bác sĩ đã cứu. Em bị vết thương lớn ở mặt và tối đó BS đã khâu lại cho em. Em được chuyển vào BV Chợ Rẫy, được gặp giáo sư bác sĩ Trần Ngọc Ninh, GS Ninh đã khen ai mà khâu vết thương cho em đẹp thế, và hầu như không để lại vết sẹo nào thấy rõ… Chỉ có cái ống dẫn nước bọt  ống Stenon) là bị đứt ngang, thì GS Ninh cũng đã cố gắng khâu lại nhưng không thành công vì trong nước bọt có chất tiêu hủy đạm nên bây giờ em phải có một miếng gạc nhỏ dán dưới hàm để cho nước bọt thấm vào đó… Em chỉ đến đây chỉ với mục đích gặp lại bác sĩ để cảm ơn BS đã cứu mạng em… Em bây giờ đã bỏ vùng kinh tế mới để đi nơi khác sinh sống rồi”.

…Thật sự, tôi không nhớ nổi, không tưởng tượng được người thanh niên mặt đầy máu, biến dạng kinh khủng như đóng vai quỷ ám trong truyện cổ tích lại có thể trở lại thành một con người hoàn toàn khác như thế, đẹp trai như thế, lịch sự như thế…

…nước mắt của tôi thật không phí chút nào…ước mắt của yêu thương có thể chữa lành được mọi vết thương kể cả những vết thương lòng?…Thật kỳ diệu…

BS. Nguyễn Quý Ninh

Lệ chan với máu viết thành câu!

Trời xanh nghiệt ngã gieo chi sầu …

Tay trắng hồn đau tim nức nở..

Liệu tình… hàn được vết thương khâu?

NQN

***

Bác Sĩ Nguyễn Quý Ninh tốt nghiệp y khoa tại đại học Huế năm 1976 (khoá 1968 – 1976). Tiếp tục học và tốt nghiệp Đại học Y Dược Sài Gòn năm 1990 (khoá 1986 – 1990).

Anh là cựu học sinh trường Hàm Nghi – Huế, sau khi ra trường bác sĩ đã làm việc tại Bệnh viện đa khoa Buôn Hồ- ĐắcLắk cho đến 2010 thì về hưu. Hiện sống cùng gia đình tại Đắc Lắk. Anh cũng là Admin của YKH (y khoa Huế), đồng thời là thành viên của nhiều trang mạng cộng đồng.

***

Chiều ni Huế đổ mưa phùn như mùa Đông. Trời buồn và ngồi đọc bài viết của anh, em đã không cầm được nước mắt  Thương biết mấy những phận đời, phận người. Thương những người ra đi trong nước mắt buồn tủi cơ cực. Thương anh từ một sinh viên y khoa nơi thành phố đi đến một nơi xa xôi heo hút thiếu thốn trăm bề. Nhưng trong cái may có cái rủi và trong cái rủi lại có cái may. Bà con ở vùng KTM nơi đó đã may mắn có anh. Và anh đã may mắn được làm người cứu rỗi cho những con người khốn khổ đó. Cầu Trời Phật phò hộ cho anh và cho họ .

DạLê Đoàn

Thế giới này không thuộc về những người có quyền , không thuộc về những người có tiền mà thuộc về những người có tâm ( trích )

Quỳnh Lan

SG đang mưa , vẫn ấm lòng khi đọc xong. Một thời khốn khó như hiện về, câu hỏi – Tại sao phải làm như vậy? Hơn bốn mươi năm vẫn chưa giải được!

Biết rằng khách sáo nhưng vẫn phải thốt lên – Cám ơn BS

Nguyễn Thanh Hiền

Đọc chảy nước mắt mà thương, như thương chính mình! vì em cũng từng đi KTM đói khổ, bệnh tật. Tấm lòng của BS Quý Ninh Nguyễn từ tâm, dễ gì gặp người như BS. Rất Kính trọng!

Trang Tran

Câu chuyện quá xúc động và đau lòng mà tôi cũng đã từng trải như Bs Ninh ở vùng cao trên ấy. Buồn theo ký ức ngày đó.

Cám ơn và chia sẽ cùng Bs Ninh nỗi buồn đất nước.

Canh Doxuan

Em nghĩ rằng trong quãng đời còn lại anh sẽ còn nhận được nhiều món quà vô giá nữa bởi vì anh là một người thầy thuốc sống đúng nghĩa với chữ TÂM.

Phạm Minh Cầm

Không có tình thương thì không bao giờ thành một thày thuốc đúng nghĩa.

Dung Le Ngoc

…!!!

Nước mắt ấm nồng nhân ái

Tình thương hun đúc từ tâm

Không xem “lời phê” làm trọng

Thiện chân nứt vỏ vươn mầm

Khang Thi

Cảm ơn anh, một câu chuyện cảm động, rất thật giữa đời thường.

Khang Thi

😭😭câu chuyện này cảm động quá bác ơi đọc mà rơi nước mắt, cái xã hội thời xưa đúng là khó khăn quá đi, với lại cháu cũng khâm phục bác luôn, hi vọng thời đại bây giờ cũng có nhiều bác sĩ tốt như bác😭😭

Nguyên Huynh

Ở Việt Nam cũng có grands coeurs như Victor Hugo, thật cảm mến những tấm lòng cao cả!

Đọc lại vẫn cảm động, xin gởi đến Anh đoá hồng tươi thắm như một nụ cười vì phải chăng hạnh phúc của thầy thuốc là nụ cười của bệnh nhân khi xuất viện?.

Hien Lai

(Hoa hồng bên dưới do Hien Lai gửi tặng)

Bài viết rất thực tế, giàu cảm xúc. Đọc xong bài viết của BS Hà cũng rơi nước mắt. Nếu như ngày ấy không có anh thì anh thanh niên ấy sẽ ra sao anh nhỉ? Anh là một bác sĩ giàu lòng nhân ái.

Thanh Hà

“Những câu chuyên nhỏ”,  đã an ủi cho một đất nước Việt Nam nhiều bất hạnh! Hãy vui, nên vui bs Quý Ninh Nguyễn ạ.. . Chúc anh và gđ an vui!

Huynh Ho Thai

Nguồn FB.  Quý Ninh Nguyễn

Trang Huế Online-HUẾ CỐ ĐÔ

GÁI SỊA

GÁI SỊA

Bùi Kim Chi (VH-LVC)

***

Trời đất! Làng Sịa – quê ngoại của tôi, nơi mạ tôi sinh ra và lớn lên. Mạ tôi, một thiếu nữ Sịa dịu dàng, đằm thắm, con nhà gia giáo, lễ nghĩa. Để rồi sau này khi từ giã thời con gái mạ trở thành một phụ nữ hiền thục, đoan trang, đảm đang; rất chịu khó cùng chồng con vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời làm vợ, làm mẹ. Mạ ơi! con thương nhớ mạ, người con gái Sịa của làng Khuông Phò, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế với: “Những câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào”…

Chuyện mạ kể không phải là chuyện cổ tích mà là chuyện “cổ” của mạ ở Sịa. Sịa là thị trấn của huyện Quảng Điền, nằm ở phía Bắc Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. “Nhất Huế, Nhì Sịa”. Thuở nhỏ tôi đã được nghe câu nói này từ những người lớn tuổi trong gia đình. Thật thế, Sịa là một vùng quê trù phú với bao giá trị văn hóa lâu đời mà nay vẫn còn được lưu lại ở làng Khuông Phò và một số làng khác như Thủ Lễ, An Gia, Thạch Bình thuộc huyện Quảng Điền. Đó là những di sản viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm như các sắc chiếu, gia phả, bằng cấp… Giá trị vô cùng.

Mạ tôi là con gái họ Phan, Khuông Phò. Đẹp người, đẹp nết, dáng nhỏ nhắn. Mắt đen, sâu. Mũi dọc dừa. Da trắng, răng đen nên có duyên. Mạ hiền lành, có chữ nghĩa, con nhà nề nếp nên có nhiều trai Sịa để ý. “Họ để ý mạ rứa thôi, chơ mạ không có chi hết”. Vậy là đi học, đi chợ rồi về nhà. Mạ kể, ông cố tôi người quắc thước, làm quan Chỉ Huy Sứ dưới triều nhà Nguyễn. Ông ngoại tôi hiền, đạo đức và rất nghiêm, là thầy giáo dạy học tại trường Khuông Phò. Năm 1936, ông ngoại về hưu và mở lớp dạy học tại làng. Ông chú, em trai của ông ngoại tôi làm quan dưới triều Duy Tân, rồi Khải Định giữ chức Lãnh Binh. Có lẽ do gốc gác gia đình như thế nên mạ tôi được giáo dục kỹ lưỡng và trở thành gái Sịa ngoan hiền đúng nghĩa. Ôi, nàng Phan Thị… của tôi.

Mạ kể. Làng Sịa của mạ có gốc gác quan quân và vua chúa. Ngày trước, vua Lê Thái Tông vào Nam dẹp giặc Chiêm Thành ở Thuận Hóa và Quảng Nam khi trở về Bắc, khu vực Sịa vua giao phó cho một số quan quân tình nguyện ở lại khai canh. Thế là có Khuông Phò, Thủ Lễ, Tráng Lực. Từ ba làng chính này, sau này Sịa phát triển thêm một số làng khác. Khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam đã thay các ngài khai canh. Đời hậu Lê dựng nghiệp, vua Lê Thánh Tông lấy một bà họ Nguyễn làng Tráng Lực. Nghe ông bà kể lại, bà này xinh đẹp, cốt cách quý phái, dáng dấp thanh tao, sinh được một thái tử khôi ngô, tuấn tú… Vì rứa theo mạ, dân làng Sịa mới có truyền thống văn hóa, sống có khuôn phép, lễ nghĩa, đạo đức. Cuộc sống của dân làng sung túc, buôn bán phồn thịnh. Rồi mạ ngậm ngùi kể tiếp. Năm Ất Dậu, 1945 nạn đói xảy ra khắp nơi. Trước tình hình này, ông Bộ Tuyên trong làng đã đến gõ cửa các nhà có lúa, gạo mở lòng cứu đói. Còn thầy trợ Tiếu, hiệu trưởng trường Khuông Phò cho học trò đi dán bích chương, giăng biểu ngữ khắp nơi trong làng kêu gọi cứu đói. Những gia đình khá giả trong làng đều hăng hái tham gia. Nhiều cuộc phát chẩn diễn ra. Các vùng phụ cận Sịa kéo đến xin ăn rất đông. Tội nghiệp. Có người nghe tin chưa kịp đặt chân đến Sịa đã gục chết giữa đường. Ngày đó, dân làng đã kêu gọi nhau tự nguyện đóng góp lúa gạo, góp công nấu cơm, nấu cháo phân phát cho người đói. Mạ nhớ, công lao của bác Lý Vu, ông Khán Phê, ông Cửu Tuệ (ông nội của Bình), ông Tự, dượng Kha (chồng O Luyến), mệ Diệm, O Thảo… Còn nhiều người tốt bụng lắm mà mạ không nhớ hết. Bà con Sịa biết thương yêu, đùm bọc nhau vì rứa mà Sịa tuy có đói nhưng không có ai chết vì đói cả. Đây là điều mà ngày nớ mạ rất hãnh diện về làng của mình. Mắt mạ bỗng sáng lên, mạ kể. Vườn nhà ngoại đẹp lắm, rộng, cây cối sum suê, nhiều nhất là cau. Chung quanh vườn có tre bao bọc ôm ấp ngôi nhà cổ kính ba gian. Những đêm hè trăng xuống vườn rải đầy hoa. Trong gió đêm, trăng xôn xao nhảy múa khắp vườn. Sân nhà ngoại có giếng nước. Nước mát và rất trong. Người trong xóm đều uống nước giếng nhà ngoại. Hằng năm, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch, mạ theo bà ngoại đi chợ sắm lễ vật để cúng thần Giếng. Lễ vật có cau trầu, rượu, hương, đèn, hoa, quả, bánh và bộ đồ giấy (áo, mão). “Cúng Giếng làm chi rứa mạ?” “Giếng cho mình nước dùng để sinh sống nên hàng năm mình phải có lễ vật để tạ ơn”. Mạ chỉ nói thế. Bên giếng nước, dưới trăng mạ hay lén bà ngoại để “soi gương”. Lung linh, mờ mờ, ảo ảo mà đẹp. Mạ nói. Mạ hay gội đầu ban đêm. Mát mẻ, nhất là vào những đêm hè. Hình ảnh thiếu nữ gội đầu dưới trăng xuyên qua những hàng cau lấp lánh trong màn đêm có lẽ đẹp và thơ mộng lắm. Tôi chỉ nghĩ thế chứ không dám nói với mạ. Tóc mạ đen, dày, mượt và dài phủ qua lưng thoang thoảng mùi hương bồ kết pha chanh. Thuở con gái, mạ có cô bạn thân. Mạ thương và quí bạn, thường hay tâm sự chuyện con gái vì dì này hiền lành, chân chất như mạ. Mạ dặn, sau này có dịp về Sịa nhớ ghé thăm và mua tặng dì xấp vải may áo dài màu khói hương – đó là lúc mạ tôi vào tuổi bát tuần. Nhớ lời mạ, tôi về Sịa tìm thăm nhưng dì đã giã từ cõi tạm. Dì là trần Thị Vân, em gái út của bác Lý Vu. Gia đình bác Lý khá nổi tiếng ở Sịa. Bác có mấy cô con gái hiền lành, dễ thương – gái Sịa mà. Tôi vẫn tự tin như thế. Chị Sào, chị Nhạn, chị Thước. Tôi biết các chị. Một thời cũng có nhiều trai Sịa thương thầm nhớ trộm. Thời con gái của mạ êm đềm, buồn vui theo tuổi dậy thì bên trong vòm tre yên ắng với tâm sự đầy vơi… Để rồi…

Thời “Thiếu nữ lớn tuổi”.

Thời gian như gió thoảng. Mạ kể. Một ngày mùa thu. Cậu tôi dẫn về một người – không phải Sịa. “Người nớ” không đẹp nhưng gia đình nề nếp, môn đăng hộ đối. Ông bà ngoại tôi đồng ý. Thế là sau đó, mạ tôi trở thành “thiếu nữ lớn tuổi”. Trai Sịa ngẩn ngơ… Có chồng mạ vẫn trẻ, vẫn đẹp mặn mà. Ngoan hiền. Đảm đang. Một lòng một dạ lo cho chồng con chu đáo. Mạ vừa làm mẹ, vừa làm cha những năm ba tôi vắng nhà làm tri huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Thời của mạ, Sịa có nhiều con gái đẹp lại nết na, giỏi việc gia đình nên con gái Sịa “đắc giá”. Nhiều trai làng bên cạnh ngắm nghé. Nhớ mạ. Tôi cười. Mạ tôi khéo lắm. Mạ làm nem, làm tré, mạ làm chả tôm, chả heo, chả bò, chả thủ được hết. Bánh mứt ngày Tết thì nhiều vô kể, mỗi loại một ít nhưng rất nhiều loại bánh. Bánh thuẩn, bánh kẹp hình trái tim, bánh in bột nếp, bột đậu xanh, bánh khảo, bánh bột nếp khô nhân thơm, cà chua, đậu phụng, bánh măng, bánh mận… Mứt thì có mứt quật, mứt me, mứt gừng, khế, thơm, cà chua… Tôi nghĩ, có lẽ bà ngoại tôi cũng giỏi việc nội trợ nên đã dạy cho mạ tôi trở thành một phụ nữ giỏi giang trong gia đình nhỏ của mình với chồng và bày đứa con. Bà ngoại tôi người Phú Yên về làm dâu Sịa. Sống với truyền thống, phong tục của Sịa lại thêm gia đình chồng nề nếp, gia phong nên bà ngoại tôi cũng là một nàng dâu Sịa đảm đang được nhiều người trong làng quý mến. Sau này, nhà ngoại tôi lại đón một cô cháu dâu nữa cũng không phải Sịa. Chị người làng Phước Tích. Gương sáng của bà ngoại tôi, của mạ tôi đã giúp cho cháu nội dâu trở thành một phụ nữ rất giỏi, đảm đang biết lo lắng, vun đắp cho nhà chồng. Chị đẹp. Đẹp lắm. Gái đẹp của làng Phước Tích và là hoa khôi của trường Đồng Khánh – chị Trần Thị Ngọc Anh, một giáo sư trung học. Một đời chăm lo chồng con chu đáo. Mạ kể. Mạ làm dâu bà nội tôi ở làng Triều Sơn Trung, được bà nội thương quý vì giỏi nội trợ, gia đình nề nếp, đạo đức. Bà nội vẫn hay khoe với mọi người trong làng “Con gái Sịa đó”. Khi nghe mạ kể, tôi cũng rưng rưng xúc động và hãnh diện vì mình là con của mạ, cháu ngoại của làng Sịa. Nhớ hồi nhỏ, khi biết tôi quê ngoại ở Sịa các bạn thường hay ghẹo “Sịa há? Ui cha! Sịa! Láo thiên láo địa láo từ bên Sịa láo qua… Đồng Khánh”. Tôi trả đủa liền “Ê, nhất Huế nhì Sịa đó à nghe. Làng của ấy có được nhì không?”.

Thuở nhỏ tôi vẫn thường được mạ dẫn về Sịa thăm ông ngoại. Tôi chưa một lần được gặp mặt bà ngoại. Khi tôi ra đời thì bà tôi đã không còn. Tội nghiệp mạ tôi. Đi làm dâu xa mà không còn mẹ để “tâm sự chuyện nhà chồng” những lúc gặp khó khăn. Tuổi thơ của tôi với nhà ngoại ở Sịa là một khu vườn xưa rất rộng có nhiều cây trái: Ổi, mít, nhản, mảng cầu, mía, tần bì, khoai, sắn… Mùa nào cây nấy. Ăn thỏa thích. Rồi những đêm mưa lụt. Mưa như trút nước. Mưa phủ nhà vườn. Mưa dầm dề. Nước ngập khắp nơi. Sấm đất ì ầm suốt đêm. Sáng dậy, nước đầy sân để cho lũ nhỏ chúng tôi vỗ tay reo mừng mà người lớn trong nhà thì “rầu thúi ruột”. Nhớ những lần theo mạ đi chợ Sịa. Chợ sầm uất. Rất nhiều mặt hàng dành cho con nít có, người lớn có. Buôn bán nhộn nhịp. Những con búp bê “nhắm mắt, mở mắt” Huế có mà Sịa cũng có. Mạ nói, hàng nào ở Huế có thì Sịa có. Có lẽ vì thế mà người xưa nói “Nhất Huế, Nhì Sịa” dành để tặng riêng cho Sịa???…

Thời gian lặng lẽ trôi, tôi lớn cùng tuổi đời mênh mông. Còn mạ, nếu còn ở cõi tạm mạ đã trên 100 tuổi. Nhưng tên làng Sịa của mạ, của tôi, của mọi người thì vẫn còn đó. Sịa vẫn được những người con yêu, cháu yêu của nhiều thế hệ nhắc nhở, trân quý vì “Con gái Sịa đẹp, hiền thục, đảm đang và khi lấy chồng thì trở thành một người vợ, người mẹ chăm lo chồng con chu đáo tuyệt vời”. Sịa vẫn còn đó với nét văn hóa truyền thống lâu đời ít có làng quê nào sánh bằng. “Nhất Huế, Nhì Sịa” mà.

Ôi! Chuyện mạ kể theo thời gian đã lặng lẽ dìu nhau đi vào quá khứ – một quá khứ êm đềm, dịu ngọt làm cho tôi phải bật khóc khi nghĩ lại và nhớ về

Bùi Kim Chi

Có thể là ảnh chụp cận cảnh 1 người, đang đứng và ngoài trời