Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng

Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng

SGGPO  
Tàu sân bay USS Carl Vinson cao ngang với tòa nhà 24 tầng, dài hơn 332m và có thể chở hơn 70 máy bay chiến đấu.
Chiều ngày 5-3, đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG 57) và tàu khu trục USS Wayne E.Meyer (DDG 108) đã cập cảng Tiên Sa tại thành phố Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 9-3.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Hoa Kỳ đến Việt Nam. Chuyến thăm này nằm trong lộ trình thăm một số nước trong khu vực của đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ.
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 1Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) vừa đến Đà Nẵng trưa 5-3 
Được sự ủy quyền của thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, ông Lâm Quang Minh đã chủ trì lễ đón đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ.
Tham dự lễ đón có đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng  thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng; Sở ngoại vụ  thành phố Đà Nẵng và các cơ quan chức năng.
Về phía Hoa Kỳ có Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tuỳ viên Quốc phòng Hoa Kỳ và một số cơ quan của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 2Tàu sân bay USS Carl Vinson cao ngang với toà nhà 24 tầng, dài hơn 332m và có thể chở hơn 70 máy bay chiến đấu
Ngay sau lễ đón, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng và Phó đô đốc Philip G. Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7, Hạm đội Thái Bình dương Hoa Kỳ đã đồng chủ trì họp báo giới thiệu chương trình, nội dung chuyến thăm của đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ tại Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đại diện chỉ huy đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ đến chào xã giao lãnh đạo Đà Nẵng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
“Hôm nay là một ngày lịch sử và chúng tôi rất vinh dự khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu tại đây. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Việt Nam vì sự hỗ trợ hậu cần tuyệt vời giúp chuyến thăm này trở thành hiện thực. Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết”, Chuẩn Đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tàu sân bay tác chiến cho biết. 
Các sĩ quan và thủy thủ đoàn của đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ đã tham gia một số hoạt động cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng như: biểu diễn ca nhạc, giao lưu thể thao. Ngoài ra, các sĩ quan và thủy thủ đoàn này còn thăm và giao lưu tại làng trẻ em SOS, Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
 
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 3Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) có vận tốc hơn 30 hải lý/giờ 
Trong những ngày lưu lại Đà Nẵng, các nhóm sĩ quan, thủy thủ đoàn của đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ còn tham gia các hoạt động trao đổi chuyên môn, kỹ thuật về cung cấp điện, nước, hỗ trợ ứng phó thảm họa, kỹ năng PCCC, y tế, ẩm thực, huấn luyện thủy thủ... ngay trên những tàu này ở một số địa điểm tại thành phố Đà Nẵng.
Chuyến thăm của đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cho biết: “Trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước chúng ta đã đạt được những tầm cao mới và chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Việt Nam đã phản ánh điều đó. Tôi tự tin rằng những hoat động như thế này sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.” 
Sự kiện này cũng góp phần khẳng định năng lực bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của Việt Nam trong việc đón tiếp tàu Hải quân nước ngoài đến thăm; qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ sẽ kết thúc chuyến thăm và rời cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào ngày 9-3.
>> Một số hình ảnh của đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ:
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 4Máy bay chiến đấu trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70)
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 5Cận cảnh một máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70)
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 6Máy bay Navi trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70)
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 7
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 8
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 9
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 10
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 11
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 12
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 13
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 14
USS Carl Vinson (CVN 70) là tàu sân bay lớp Nimitz thứ 3 của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ chính của tàu là triển khai và duy trì các hoạt động tác chiến trên không với 5.000 thủy thủ đoàn tham gia hỗ trợ và thực hiện hoạt động trên biển. 
Tàu Vinson hoạt động với sự hỗ trợ của không đoàn tàu sân bay số 2, tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain (CG 57), 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường là USS Wayne E. Meyer (DDG 108) và USS Michael Murphy (DDG 112).
Nhóm tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson từng được triển khai ở Tây Thái Bình Dương năm 2017. Nhóm tàu này cũng tiến hành huấn luyện và hoạt động định kỳ ở Biển Đông trước khi đến thăm Manila, Philippines từ ngày 16 đến 20-2. 
Tận mắt chiêm ngưỡng tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ảnh 15Tàu sân bay USS Carl Vinson là tàu sân bay lớp Nimitz thứ 3 của Hoa Kỳ

-------------------------
Tàu sân bay USS Carl Vinson do công ty Newport News Shipbuilding and Drydock Co khởi công đóng ngày 11-10-1975, hạ thuỷ ngày 15-3-1980 và đưa vào biên chế ngày 13-3-1982 với tổng chi phí là 3,8 tỉ USD. 
Tàu sân bay USS Carl Vinson có chiều dài 332,8m (1.092 feet), rộng 76,8m (252 feet), chiều cao từ ky tàu đến cột buồm là 74,4m (tương đương tòa nhà 24 tầng). Tàu có trọng tải 95.000 tấn.
Tàu sân bay USS Carl Vinson có 3.000 thủy thủ, 2.000 nhân viên phụ trách không đoàn, trên 3.000 phòng và có thể chở hơn 70 máy bay.
Tàu sân bay USS Carl Vinson có động cơ hạt nhân (2 lò phản ứng), 4 chân vịt (mỗi chiếc rộng 7,62m), 2 bánh lái (8,8m x 6,7m), có 2 mỏ neo (mỗi chiếc nặng 27.215kg), mỗi xích neo tàu dài 330m và nặng 367,5 tấn (mỗi mắt xích nặng 165,5kg), có 4 thang máy nâng máy bay (rộng 360,5m²). Tốc độ của tàu này là hơn 30 hải lý/giờ.
NGUYÊN KHÔI

Huyện Phong Điền QUÁ TRÌNH TỤ CƯ LẬP LÀNG

Dân cư

I. QUÁ TRÌNH TỤ CƯ LẬP LÀNG

Trước năm 1307, địa bàn huyện Phong Điền là nơi cư trú của các cộng đồng dân cư thuộc vương quốc Chăm Pa, trong đó người Chăm Pa là tộc chủ thể. Họ vừa có một nền tín ngưỡng dân gian Chăm Pa phong phú, vừa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Trong huyện ngày nay đã lần lượt phát hiện các phế tích và di tích tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm Pa như di tích miếu Bà ở làng Phước Tích có bệ yoni và linga dạng tròn, di tích miếu Bà ở làng Ưu Điềm, đặc biệt là phế tích tháp Vân Trạch Hòa và phế tích bệ thờ Thế Chí Tây. Tất cả những phế tích và di tích được phát hiện đó chứng tỏ rằng địa bàn huyện Phong Điền trước năm 1307 là một vùng cư trú phồn thịnh của người Chăm.
Từ năm 1307, sau hôn lễ giữa công chúa nhà Trần là Huyền Trân và vua Chăm Pa là Chế Mân, hai châu Ô, Rí vốn là sính lễ dẫn cưới đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, với tên gọi mới là châu Thuận và châu Hóa, việc di dân của người Việt vào vùng đất này đã chính thức khởi đầu. Tuy nhiên, trải qua những biến thiên của lịch sử và sự huỷ hoại của thiên tai, địch họa, đến nay không còn những tư liệu viết về những đợt định cư sớm nhất của người Việt trên địa bàn Phong Điền vào thế kỷ XIV.
1. Bối cảnh lịch sử
Nếu nửa sau thế kỷ XIV, tình hình Hóa châu có nhiều biến động không thuận lợi gì cho việc di dân, thì từ đầu thế kỷ XV, dưới vương triều Hồ tình hình đã thuận lợi hơn. Năm 1402, Hồ Hán Thương đã cho sửa chữa đường thiên lý từ Tây Đô đi châu Hóa, làm cho lộ trình đường bộ vào Huế bớt gian nan. Tháng 7 năm đó, vua lại đem đại quân thân chinh Chiêm Thành, vua Chiêm phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy. Nhà Hồ đã tiếp nhận, đặt thành bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Như vậy biên cương phía Namcủa Đại Việt đã vào tận phía Bắc Quảng Ngãi. Triều đình đã ra lệnh tăng cường di dân vào Thuận - Quảng, các cuộc di dân bằng thuyền ven biển cũng dồn dập hơn.
Bốn năm sau, quân Minh xâm lược, nhà Hồ sụp đổ, đất nước Đại Việt bị quân Minh xâm lược chiếm đóng thống trị. Tình thế chiến tranh diễn ra quyết liệt ở phía Bắc làm cho một số quan quân cũ và dân chúng càng rời quê di dân vào Thuận Hóa. Cuối năm 1407, cuộc khởi nghĩa của Giản Định đế Trần Ngỗi lan vào Huế, quan Tri châu châu Hóa là Đặng Tất đã hưởng ứng, giết quân Minh, rồi dẫn quân binh châu Hóa ra Nghệ An theo vua Giản Định. Năm sau, vua và Đặng Tất kéo quân vào châu Hóa củng cố lực lượng, rồi điều quân Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Thanh Hoa tiến ra đánh quân Minh, thắng lợi lừng lẫy ở trận Bô Cô (Nam Định). Nhưng sau đại thắng này, do mâu thuẫn nội bộ, giết hại công thần, phong trào khởi nghĩa do Giản Định đế lãnh đạo đi vào bế tắc. Quan quân phải phò lập Trần Quý Khoáng làm Trùng Quang đế, nhưng phong trào ngày càng đi xuống để rồi năm 1414, tổng chỉ huy quân Minh là Trương Phụ đã dẫn thủy quân tiến vào đánh châu Hóa. Các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị bị bắt, vua Trùng Quang phải chạy sang Lào, rồi cũng bị bắt, chấm dứt cuộc kháng chiến dưới ngọn cờ quý tộc nhà Trần. Châu Hóa cũng như cả nước, bị quân Minh thống trị một cách tàn bạo.
Cho đến năm 1425, một ngàn nghĩa quân Lam Sơn do Tư đồ Trần Nguyên Hãn và thượng tướng Lê Nỗ chỉ huy đã tiến vào giải phóng cả Tân Bình và Thuận Hóa. Từ đây nhân dân châu Hóa lại tích cực hưởng ứng công cuộc kháng chiến chống Minh cứu nước.
Ngay khi dẹp xong giặc Minh, vua Lê Thái Tổ đã cử các trọng thần vào trấn thủ châu Hóa. Các tướng nổi danh như Lê Khôi, Lê Chuyết đều vào trấn nhậm đất này. Hoà bình đã vãn hồi, việc di dân vào Huế tiếp tục.
2. Quá trình tụ cư
Trong bối cảnh hoà bình, một số làng Việt sớm nhất của Phong Điền đã được thành lập. Qua văn bản “Khám cấp Ma Nê xứ điền” ([1]) của Ty thừa tuyên sứ tán trị xứ Thuận Hóa cấp cho làng Đa Cảm (Mỹ Xuyên) năm 1451 và kết hợp với gia phả họ Lê làng này, có thể ghi nhận rằng: vào đầu thế kỷ XV, làng Đa Cảm đã được một nhóm cư dân thành lập, người khai canh là ông Lê Văn Cá. Đến giữa thế kỷ XV, một người con trai của ông là Lê Cạnh làm xã trưởng cùng một tập thể dân làng thuộc nhiều họ đã xin khai phá thêm xứ ruộng Ma Nê. Việc xác định ranh giới của xứ ruộng này cũng nêu lên được một số làng lân cận đã thành lập trước đó, như làng Đàm Bổng (Ưu Điềm), An Triền (Hòa Viện), Bể Thu (Phú Nông). Từ thực tế của các làng này, có thể xét đoán rằng các làng lân cận như Vĩnh Cố (Vĩnh An), Phò Trạch, Đường Long (Chí Long), Chánh Lộ (Chánh Lộc), Lương Mai đã được hình thành trong giai đoạn tương đương.
Như vậy, dọc theo bờ Nam sông Ô Lâu, một số quần thể di dân từ Thanh Nghệ đã tụ cư lập làng ngay từ đầu thế kỷ XV. Tương ứng như vậy, ở bờ Bắc phá Tam Giang, dọc theo vùng cát và ruộng đồng ven phá, các làng Trung Tuyền (Trung Đồng), Vĩnh Áng (Vĩnh Xương), Hương Triền (Thanh Hương) và Thế Chí cũng được hình thành.
Trong khi đó, ở địa bàn phía Nam huyện, tại bờ Bắc sông Bồ cũng có một số làng được thành lập sớm, tiêu biểu là Hoa Lang (Hiền Lương), An Lỗ, Bồ Điền, Phò Đái (Phò Ninh), Hiền Sĩ, Đông Dã và Cổ Bi.
Như vậy, vùng đất tụ cư ban đầu của cư dân Việt trên địa bàn huyện Phong Điền là những vùng đất phù sa ven hai con sông lớn của huyện: sông Ô Lâu, sông Bồ và cả ven đầm phá Tam Giang, những nơi thuận lợi có thể phục hóa hoặc khai hoang tạo thành đồng ruộng, vườn tược. Tuy nhiên, lúc này vẫn còn những vùng đất lổ đổ chưa khai phá, mãi đến những năm sau chiến thắng Đồ Bàn 1471 dưới triều vua Lê Thánh Tông, công cuộc di dân mới bổ sung. Hầu hết những vị khai canh lập ấp giai đoạn này là quan binh trong quân đội Đại Việt. Sau chiến thắng đã vâng lệnh vua, tìm đất hoang tại Thuận Hoá để thành lập làng xã. Tiêu biểu trong đợt này là làng Cảm Quyết (Phước Tích), Sơn Tùng, Kế Môn, Đông Lâm, Thượng Lộ (Thượng An).
Như vậy, cho đến cuối thế kỷ XV, trên địa bàn huyện Phong Điền đã có 24 làng Việt định cư và xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa. Sau những chiến công đánh thắng quân Mạc ở Ái Tử, quân Trịnh ở Do Linh, Hải Lăng, ông đã tăng cường binh dân khai phá đất hoang hóa thành lập các đơn vị dân cư mới. Trong trường hợp đó, các làng Vân Lô (Vân Trình), Siêu Loại (Siêu Quần), Trạch Phổ, Cao Ban, Cao Xá Thượng, Cao Xá Hạ, Da Viên, Lai Xá, Chính Hòa, Đại Lộc được thành lập. Khoảng cuối thế kỷ XVII, hai phường tứ chính An Thị và khách hộ Phú Xuân cũng được thành hình.
Từ đầu thế kỷ XVIII đã có các hộ gia đình lên khai hoang, lập nương rẫy trên vùng đất trung du phía Tây huyện; đến giữa thế kỷ XVIII, các phường Huỳnh Liên, Tân Lộc đã ra đời, phụ thuộc vào các làng gốc. Với nhịp điệu khai hoang diễn tiến, vào nửa sau thế kỷ XIX các thôn ấp mới đã ra đời như Thượng Nguyên, Xuân Lộc, Sơn Quả, Điền Xuân, Cổ Xuân, Lương Sĩ và Thanh Tân ở vùng đồi núi trung du, và Mỹ Hoà, Hoà Xuân ở ven phá Tam Giang.
Vào đầu thế kỷ XX, việc khai hoang tự phát vẫn tiếp tục, người dân định cư ở vùng trung du càng nhiều, tiến lên xây dựng thành những thôn ấp mới như Khúc Lý, Hưng Thái, Lưu Phước, Hòa Mỹ, Hiền An. Tại vùng cát ven biển cũng có những điểm định cư mới như Hải Nhuận, Tân Hội. bên cạnh đó, cũng có những vùng đất mới khai phá, nhưng vẫn lệ thuộc vào làng cũ như Công Thành, Triều Dương, Vịnh Nẩy, Đông Lái, Tây Lái.
Đặc biệt là sau ngày thống nhất đất nước, hưởng ứng chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở trung du, miền núi, nhân dân các địa bàn hạ bạn ở trong huyện Hương Điền (huyện mới thành lập do sáp nhập 3 huyện cũ: Phong Điền, Hương Điền, Quảng Điền), đã rời làng cũ lên xây dựng những vùng cư trú mới ở phía Tây, dần dần thành lập các thôn mới thuộc xã Phong Xuân như Vinh Ngạn 1, Vinh Ngạn 2, Vinh Phú, Xuân Phú, Xuân Lập, Phong Hòa, Bình An, Lộc Lợi, Tân Lập của xã Phong Xuân và Tân Mỹ, Quảng Phước, Quảng Thọ, Thái Mỹ, Đông Mỹ, Phong Thu ở xã Phong Mỹ.
Về bộ phận cư dân Pa Hy, trước khi vào cư trú tại địa bàn Phong Điền, họ đã từng sinh sống tại châu Thuận Bình ở đầu nguồn sông Thạch Hãn, huyện Hải Lăng liên tục trong nhiều thế kỷ. Những năm giữa thế kỷ XX, do chiến tranh, họ đã đi dần vào Nam cư trú đầu nguồn sông Ô Lâu và sau giải phóng, hưởng ứng chủ trương định canh, định cư, họ đã ổn định việc cư trú tại các thôn bản khe Trăn, Hạ Long, khe Trai.
Như vậy, phải trải qua ngót 600 năm từ khi những làng Việt đầu tiên định cư trên đất Phong Điền cho đến nay, việc phân bố dân cư trên địa bàn huyện, từ triền núi phía Tây giáp ranh huyện A Lưới đến ven biển phía Đông và từ phía Nam sông Ô Lâu đến phía Bắc sông Bồ mới tỏa ra khắp địa bàn.

II. ĐẶC ĐIỂM QUẦN CƯ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ THEO TỪNG THỜI KỲ
Đặc điểm quần cư và phân bố dân cư của huyện Phong Điền phụ thuộc vào đặc điểm tự nhiên lãnh thổ, vào lịch sử phát triển đất nước từ khi hai châu Ô-Lý được sáp nhập vào Đại Việt đầu thế kỷ XIV đến nay. Trong thời gian đó, sự hình thành các địa bàn dân cư trên huyện Phong Điền có thể hình dung theo ba thời kỳ.
1. Thời kỳ trước năm 1558
Đây là thời kỳ đầu có sự thay đổi về thành phần, số lượng dân cư và hình thành phát triển phần lớn các thôn ấp làng xã người Việt trên đất Hoá châu nói chung, huyện Phong Điền nói riêng. Lúc đầu khi hai châu Ô-Lý là bộ phận của nước Đại Việt, người Chăm Pa còn đông đúc, nhưng sau đó họ lùi dần vào phương Nam. Ngược lại, người Việt lúc đầu còn thưa thớt nhưng về sau ngày càng đông do các cuộc di cư của cư dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ Tĩnh vào trên đất Phong Điền. Có nhiều tư liệu cho thấy người Việt đã vào định cư từ sớm. Cho đến nay, những gì đã biết được, chứng tỏ từ nửa đầu thế kỷ XV vào thời Lê Sơ, trên dải đồng bằng ven sông Ô Lâu, sông Bồ đã có mặt dân cư người Việt đến làm ăn sinh sống. Đó là các văn bản Thỉ Thiên tự của ông Bùi Trành ông tổ họ Bùi làng Câu Nhi chép lại từ văn bản gốc có niên đại Thuận Thiên thứ 21 thời vua Lê Thái Tổ (1429), văn bản thứ hai lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Văn ở làng Mỹ Xuyên ghi năm Đại Hoà thứ 9 thời vua Lê Nhân Tông (1451), xác định quyền khai canh và sở hữu ruộng đất của 24 người thuộc 8 dòng họ của làng Mỹ Xuyên (hồi ấy còn gọi làng Đa Cảm) đối với vùng ruộng đồng Ma Nê mà họ đã khẩn hoang để canh tác. Đó là các gia phả của các dòng họ làng Phước Tích, làng Ưu Điềm ghi các ngài thỉ tổ của họ đã có mặt ở đây vào cuối nửa đầu thế kỷ XV. Ở phía Nam huyện có nhiều ý kiến cho rằng làng Cổ Bi là một trong những làng cổ nhất ở đất Hoá châu. Làng Hiền Lương chưa biết chính xác thành lập từ bao giờ nhưng trong Hiền Lương chí lược có ghi “Trước đây dưới thời nhà Mạc (1527-1595) làng này mang tên là làng Hoa Lang thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá” ([2]). Như vậy, trên đất Phong Điền, người Việt từ miền Bắc đã có mặt sớm so với thời gian ra đời của tác phẩm Ô châu cận lục của Dương Văn An trên 100 năm. Vấn đề không gian phân bố dân cư cũng như đặc điểm quần cư bị chi phối bởi các mối quan hệ chung giống như dân cư bất cứ nơi nào trên đất nước ta là quan hệ giữa con người với thiên nhiên và quan hệ cộng đồng làng xã, họ tộc. Quan hệ giữa con người với thiên nhiên đòi hỏi phải chọn nơi có các điều kiện định canh, định cư thuận lợi. Trên lãnh thổ Phong Điền đó là các đồng bằng phù sa ven sông Ô Lâu, sông Bồ, ven phá Tam Giang, nơi có đất đai phì nhiêu, nguồn nước phong phú, điều kiện giao thông đi lại dễ dàng, nhất là đối với cư dân nông nghiệp chuyên sống bằng nghề nông. Vì vậy, các làng xã đầu tiên đều hình thành ven sông, ven đầm phá: Phước Tích, Mỹ Xuyên, Ưu Điềm về đến Thanh Hương, Đại Lược ở phía Bắc và ở phía Nam là làng Hiền Lương ngược lên Cổ Bi, Hiền Sĩ đều nằm ở đồng bằng ven sông.
Về quan hệ cộng đồng làng xã cũng là một nhu cầu không thể thiếu. Dù vùng đất mới không phải vô chủ nhưng xa lạ và gặp nhiều khó khăn, một mình không dễ gì khắc phục. Phải hợp tác, cộng đồng với nhau dưới hình thức từ thấp đến cao và làng xã ra đời. Hơn nữa, làng xã vốn là tổ chức truyền thống ở quê hương cũ. Vì vậy quần cư của dân cư được tổ chức theo kiểu nông thôn làng xã là tổ chức cơ sở của nhà nước trung ương, nhưng cũng để đáp ứng nhu cầu ở địa phương. Tuy nhiên mỗi làng đều bao gồm một số họ, trong đó con cháu sống quây quần bên nhau, có nhà thờ tổ tiên, giữa các thành viên, các thế hệ khác nhau có sự gắn bó máu thịt. Một số vị tổ trở thành những người khai canh khai khẩn, có công dựng làng, mở đất, được làng thờ phụng, tế lễ chu đáo ở các đình làng hàng năm. Về số lượng dân cư khó có thể xác định, nhưng có điều chắc chắn là còn rất thưa thớt. Đến đầu thế kỷ XV cả phủ Thuận Hoá có 79 xã, 1.470 gia đình, 5.663 người. Theo Nguyễn Văn Đăng, dân số Thừa Thiên Huế năm 1555, nghĩa là 3 năm trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn phủ xứ Thuận Hoá là 191 xã, 21.010 hộ và số người ước tính là 84.040 ([3]). Theo sách Ô châu cận lụcvào thời điểm ấy, trên đất Phong Điền đã có 24 làng. Từ đó có thể tính trung bình dân số Phong Điền ước chừng 10.000 người.
Như vậy trên đất Phong Điền hiện nay vào thời kỳ nói trên, quần cư theo kiểu nông thôn làng xã tương tự các làng xã Đại Việt và phân bố dân cư còn rất thưa thớt là nét nổi bật. Tuy nhiên tình hình kinh tế xã hội cũng đã có bước phát triển đáng kể được Dương Văn An đề cập trong tác phẩm Ô châu cận lục (1555).
2. Thời kỳ từ năm 1558 đến năm 1975
Sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, làn sóng di dân vào phía Nam đất nước diễn ra đặc biệt mạnh mẽ. Làng cũ tiếp nhận thêm nguồn lao động mới để khai phá, mở mang lãnh thổ. Bên cạnh các đồng bằng phì nhiêu ven sông, gần các trục giao thông thuận lợi đã được tận dụng, những vùng đất hoang tiềm năng còn dồi dào nhưng chưa có cư dân được đẩy mạnh khai thác, nhiều công trình thuỷ lợi để tưới tiêu, ngăn mặn được xây dựng, hệ thống đường sá được mở mang sửa chữa. Ngoài nông nghiệp, các ngành nghề thủ công truyền thống được tạo điều kiện phát triển. Chợ búa cũng hình thành, đẩy mạnh giao lưu buôn bán.
Trong bối cảnh chung đó của vùng đất Thuận Hoá, tình hình dân cư Phong Điền cũng thay đổi. Không gian phân bố mở rộng lên vùng đồi núi phía Tây dọc các thung lũng, các bãi đất bằng nơi đất đai màu mỡ, gần sông, hói, ao hồ. Hiện tượng phổ biến xảy ra trong quá trình mở rộng địa bàn sinh sống là các làng được thành lập sớm ven sông Ô Lâu, sông Bồ đều có xu hướng khai phá, tạo lập thêm các phường, ấp, làng xã nằm ngoài không gian làng khá xa nhưng vẫn mang tên làng cũ. Làng Hiền Lương từ thế kỷ XVII - XVIII mở thêm các phường trong đó có phường cách xa làng đến 15 cây số lên tận vùng núi thấp Trường Sơn. Các làng Mỹ Xuyên, Ưu Điềm, Phò Trạch, Vĩnh An, Hoà Viện, Phước Tích, Vân Trình đều có các thôn, phường ấp cách xa làng gốc từ 5 đến 10 cây số hoặc xa hơn. Ví dụ Phò Trạch làng - Phò Trạch phường, làng Ưu Điềm - làng Ưu Thượng. Phế tích Chăm Pa trên ngọn đồi ven bờ sông Ô Lâu mang địa danh Vân Trạch Hoà vì năm trên đất Vân Trình, Phò Trạch và Hoà Viện trong lúc 3 làng gốc đều nằm ven bờ Ô Lâu rất xa làng mới. Một số xóm phường cũng được hình thành trong thời kỳ này trên vùng cát nội đồng như xóm Phú An, Đức Tích của Phong Hoà, phường Triều Dương của Phong Hiền. Trong lúc đó, tại các làng xã cũ diện tích cũng được mở rộng dần đồng thời với sự định hình những thôn xóm mới. Quần cư nông thôn làng xã vẫn là kiểu quần cư chủ yếu. Nhưng làng đã được phát triển về mọi mặt từ khi Phú Xuân là thủ phủ của đất Đàng Trong và nhất là từ thế kỷ XIX trở thành kinh đô của cả nước. Kinh tế được mở mang. Bên cạnh nghề nông vẫn là nghề chủ yếu, nhiều ngành nghề đã có từ trước tiếp tục phát triển như gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, rèn Hiền Lương, đệm bàng Phò Trạch, kim hoàn Kế Môn, nhiều ngành nghề mới ra đời. Nhiều chợ đầu mối trở thành nơi buôn bán đông đúc như như chợ Phò Ninh, chợ Phò Trạch, chợ Ưu Điềm. Nhiều cửa hàng nối nhau trên một trục đường với mọi sinh hoạt kiểu thị dân. Như vậy có thêm kiểu quần cư đô thị giữa các vùng nông thôn rộng lớn. Chức năng quản lý của chính quyền làng xã được phát huy, tuân thủ nghiêm ngặt mọi phép nước, lệ làng. Sự học hành, thi cử để vươn lên giai tầng, đẳng cấp trên trong xã hội được khuyến khích. Các làng đều có các thầy đồ, nho sinh theo học. Sinh hoạt văn hoá trong các làng mang hơi hướng của văn hoá cung đình khá rõ nét. Tế đình, hội làng với các nghi thức cầu kỳ, tôn nghiêm, trọng thể. Từ lễ nghi đến tiệc tùng, đình đám, đảm bảo tôn ti trật tự rõ ràng, phản ánh ảnh hưởng rõ rệt tư tưởng phong kiến đương thời.
Nói tóm lại, trong thời kỳ này, địa bàn định cư, định canh được mở rộng, nhiều phường xã, thôn ấp xuất hiện. Bên cạnh kiểu quần cư nông thôn làng xã, đã hình thành kiểu quần cư đô thị tuy chưa rõ nét. Làng xã đã có sự thay đổi về chất, trở thành tổ chức cơ sở vững mạnh của triều đình nhà Nguyễn.