Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Vị Hầu tước Phụng chính nhà Tây Sơn và quần thể lộc vừng cổ thụ ở thôn Siêu Quần, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế

Vị Hầu tước Phụng chính nhà Tây Sơn và quần thể lộc vừng cổ thụ ở thôn Siêu Quần, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế

Trên 230 năm qua, theo lời vận động của Quan Hầu tước Trần Văn Kỷ, người dân Siêu Quần xã Phong Bình huyện Phong Điền Thừa Thiên Huế đã trồng tập đoàn cây lộc vừng để bảo vệ làng. Đến nay vẫn còn gần 200 cây xanh tốt
Nguyễn Đình Hòe, VACNE



Thôn Vân Trình và thôn  Siêu Quần bên bờ sông Ô Lâu,
đầu nguồn phá Tam Giang, ảnh vệ tinh Google Earth 2011
1.Trần Văn Kỷ, còn có tên là Trần Chánh Kỷ (*) là một công thần dưới triều Tây Sơn; và là bậc danh sĩ ở Đàng Trong. Ông người làng Vân Trình (tục gọi là làng Rào), tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa (nay là hai thôn Vân Trình và Siêu Quần, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, anh chị em đông; từ thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh và chăm chỉ học hành.
Năm Đinh Dậu (1777), Trần Văn Kỷ đỗ đầu khoa thi Hương ở Phú Xuân. 9 năm sau, 1786, ông được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ phong chức Trung Thư Phụng Chính, tước Kỷ Thiện hầu, chuyên lo việc dự thảo chính lệnh. Trần Văn Kỷ đã có những đóng góp to lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước triều Tây Sơn, quân sư trong chiến dịch đánh đuổi quân Thanh, hàn gắn mối quan hệ để góp phần chấm dứt cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, cũng là người cùng đô đốc Trần Quang Diệu bài bố và thực hiện kế sách trừ họa quyền thần Bùi Đắc Tuyên.
Ngoài công lao phò giúp vương triều Tây Sơn, Trần Văn Kỷ còn tổ chức cho dân đào kênh mương thủy lợi, mở đường, xây cầu và phát động phong trào trồng cây; mãi cho đến nay dân 2 làng Vân Trình - Siêu Quần và ở nhiều khác trong huyện Phong Điền vẫn còn truyền tụng. Hậu duệ của Trần Văn Kỷ ngày nay vẫn sinh sống tại hai thôn Vân Trình và Siêu Quần (*).
2. Tập đoàn cây lộc vừng của thôn Siêu Quần.
Hai thôn Vân Trình và Siêu Quần tọa lạc trên bờ phải sông Ô Lâu, đầu nguồn phá Tam Giang. Đây là vùng đất thấp, đất ít nước nhiều. Nhìn đâu cũng thấy mặt nước mênh mông. Vào thời Tây Sơn, phá Tam Giang còn chưa cạn như ngày nay, có lẽ Vân Trình và Siêu Quần giống như hai chiếc lá mỏng manh trên mênh mông biển nước. Ngay như hiện nay vào mùa mưa, chỉ dăm ngày mưa là nước ngập mênh mông. Là vùng đất thấp ven sông lại sát ngay biển, bão lụt có lẽ là những đe dọa thường niên đối với Vân Trình và Siêu Quần. Có lẽ vì thế mà vùng đầu nguồn phá Tam Giang đến nay vẫn lả vùng đất rộng người thưa. Trong bối cảnh đó, một vùng dân cư đông đúc trù phú như hai thôn Vân Trình Siêu Quần hẳn là một sự lạ. Được như vậy là nhờ có tập đoàn cây lộc vừng mà người địa phương vẫn gọi là cây mưng giúp Vân Trình và Siêu Quần tránh được sóng to gió cả. Đó là nhờ công lao của Quan Hầu Trần Văn Kỷ.
Lộc vừng, còn gọi là lộc mưng (Barringtonia acutangula), một loài thuộc chi Lộc vừng, là loài cây bản địa của các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippin và Queensland. Tại Đông Nam Á, loài này phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Ở Việt Nam, lộc vừng mọc khắp nơi, kể cả Côn Đảo. Cây lộc vừng có thân và gốc đẹp, hoa thường màu đỏ, hương thơm, được dùng làm cây cảnh. Lộc vừng được ghép vào bộ tứ cây cảnh quý: sanh, sung, tùng, lộc (**). Lá lộc vừng non còn là món rau ăn sống, ngon nhất là đi kèm món cá, mà cá lại là món sẵn có ở vùng phá Tam Giang
Hai ông Trần Thanh Hóa, trưởng thôn và Nguyễn Ngọc Bình, phó bí thư chi bộ kiêm trường công an thôn Siêu Quần cho biết theo như ghi chép trong hương ước của thôn, chính Quan Hầu Trần Văn Kỷ đã vận động dân Vân Trình và Siêu Quần khi mới lập làng trồng lộc vừng, mỗi người trồng 1 cây, làm vành đai bảo vệ thôn. Ông gọi vành đai lộc vừng là “cái áo của làng”. Gần đây lộc vừng cổ thụ của thôn Vân Trình đã bị bán đi làm cây cảnh gần hết, nhưng thôn Siêu Quần trái lại vẫn một lòng bảo vệ tập đoàn cổ thụ quý báu này, mặc dù đôi khi cây vẫn bị đào trộm. Hiện nay trung bình 1 cây lộc vừng cỡ như cây ở Siêu Quần có giá từ 20 đến 60 triệu đồng.
Hàng cổ thụ lộc vừng bao quanh thôn Siêu Quần
Hiện nay Siêu Quần còn khoảng 200 cổ thụ lộc vừng trên 200 tuổi, trong đó có khoảng 50 cây hoành tráng nhất có đường kính trên 1m, có cây 3-4 người ôm không kín gốc và đặc biệt hoa nở quanh năm tỏa hương thơm khắp làng. Lộc vừng ở đây ưa sinh cảnh đất bán ngập, cây già có khi bị mục lõi nhưng cây con lại tự mọc lên thay. Lũ năm 1999 dâng cao càn quét vùng phá Tam Giang. Riêng làng Siêu Quần không thiệt hại vì được rừng lộc vừng bao bọc. Rõ ràng việc chọn lộc vừng làm cây phòng hộ chủ đạo cho vùng nửa đất nửa nước, lắm bão nhiều lụt như đầu nguồn phá Tam Giang là sự lựa chọn rất chính xác trên quan điểm sinh thái học hiện đại. Trên 200 năm trước không rõ Quan Hầu Trần Văn Kỷ đã nghiên cứu như thế nào mà đã có quyết định sáng suốt và đi trước thời đại đến như vậy.
  
Lộc vừng cổ thụ ở thôn Siêu Quần giữa mùa đông vẫn đơm hoa
Trên 2 thế kỷ qua, hàng cổ thụ lộc vừng trở thành niềm tự hào của người dân Siêu Quần, trở thành một bộ phận lịch sử hào hùng của làng. Hai ông Hóa và Bình cho biết lãnh đạo và nhân dân thôn Siêu Quần đang làm hồ sơ đề nghị VACNE công nhận tập đoàn cổ thụ lộc vừng của thôn là cụm cây di sản Việt Nam.
Không chỉ có lộc vừng, thôn Siêu Quần còn có nhiều cổ thụ khác. Đây là cây duối trên 200 năm tuổi ở đình làng Siêu Quần.
Chú thích
 http://www.vacne.org.vn/vi-hau-tuoc-phung-chinh-nha-tay-son-va-quan-the-loc-vung-co-thu-o-thon-sieu-quan-phong-dien-thua-thien-hue/27569.html