Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?


Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?

05/04/2016 16:58 GMT+7
TTO -  Thời "Đệ nhất cộng hòa" (1955-1963) Ngô Đình Diệm, Sài Gòn nằm trong công cuộc "tái thiết thủ đô" của VNCH. Nhưng từ giữa thập niên 1960, Sài Gòn đã không còn theo ý muốn của nhà quy hoạch.
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Khu Thủ Thiêm được quy hoạch từ thời Ngô Đình Diệm (1955-1963) nhưng không thực hiện được - Ảnh tư liệu
Nếu thời thuộc Pháp, Sài Gòn tập trung phát triển giao thông đường bộ, đường thủy về hướng  Chợ Lớn, miền Tây thì chính quyền Sài Gòn tập trung về hướng đông.
Hai cú đấm mạnh về hướng đông
Bên cạnh việc tu bổ kênh rạch, đường sá phía tây khu Sài Gòn - Chợ Lớn, ngày 27-3-1957,  Bộ Công chánh và giao thông VNCH khởi công xây dựng xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (dân gọi là xa lộ Biên Hòa, hiện là xa lộ Hà Nội) nhằm "Cải thiện một cách dứt khoát vấn đề bế tắc lối ra khỏi vùng Sài Gòn" (Tổng kết 5 năm 1954 - 1959 của Chánh phủ VNCH).
Toàn bộ chi phí do Mỹ viện trợ và nhà thầu Mỹ RMK-BRJ phụ trách việc xây dựng này (hiện vẫn còn ngã tư RMK). 
Đến 28-4-1961 xa lộ Biên Hòa (dài 31km, rộng 14m - tải trọng xe 32 tấn) hoàn thành, tạo chuyển biến khá mạnh trong liên kết khu vực và kinh tế vùng.
Xây dựng và hoàn thành cùng lúc với xa lộ Biên Hòa là cầu Sài Gòn, đường Phan Thanh Giản rất rộng (nay là Điện Biên Phủ). Trong đó, cầu Sài Gòn cũng do nhà thầu Mỹ RMK-BRJ thực hiện với công nghệ làm đường mới nhất của Mỹ và kinh phí từ viện trợ kinh tế của USOM.
Xa lộ Biên Hòa - cầu Sài Gòn - đường Phan Thanh Giản đẩy Sài Gòn về hướng đông để mở mang vùng công nghiệp dọc tuyến đường qua vùng Thủ Đức, Biên Hòa gọi là khu công nghiệp kỹ nghệ Biên Hòa với nhiều ngành nghề: hóa học, mỹ phẩm, cơ khí và luyện kim, vật liệu xây dựng (Nhà máy ximăng Hà Tiên ở Thủ Đức, Vikimco (kim khí), Vinaton (tôn) và hàng tiêu dùng (Nhà máy giấy Cogido-An Hảo, Nhà máy dệt Vinatexco, Vimytex, Công ty sữa Foremost, Nhà máy đường Biên Hòa…
Làng đại học Thủ Đức (hiện là ĐHQG TP.HCM) cũng được xây dựng ngay sau đó do KTS Ngô Viết Thụ (KTS thiết kế Dinh Độc Lập - hội trường Thống Nhất hiện nay) thiết kế và xây dựng đầu thập niên 1960.
Ngôi "làng" này không chỉ để giãn sinh viên ra ngoại thành mà theo dự tính của các nhà quy hoạch còn là nguồn cung ứng lao động có chất lượng cho các nhà máy phía đông Sài Gòn cũng như Khu công nghiệp Biên Hòa phục vụ cho sự phát triển của Sài Gòn.
Tương tự là một số khu dân cư dọc tuyến xa lộ Biên Hòa cũng được hình thành với nhiều ưu đãi (phân lô bán nền với giá gần như cho không) cung ứng nguồn lao động chất lượng trung bình cho các nhà máy nơi đây (như khu dân cư - trại chiếu Minh Đức chẳng hạn, sát Khu du lịch văn hóa Suối Tiên hiện nay).
Khu Thủ Thiêm (Q.2 hiện nay) cũng đã bắt đầu được lên quy hoạch với động tác hành chính cụ thể: tháng 12-1966 An Khánh và Thủ Thiêm (vốn thuộc xã An Khánh, Q. Thủ Đức, Gia Định) trở thành hai phường của quận 1, rồi chỉ một tháng sau tách thành một quận mới, quận 9.
Do chiến cuộc mở rộng, chính quyền Sài Gòn bỏ dở quy hoạch này...
Quy hoạch, chỉnh trang nội ô, ngoại ô Sài Gòn 
Nhà quản lý, quy hoạch đô thị Sài Gòn trước năm 1975 hầu như không đụng tới đường sá, kiến trúc người Pháp để lại chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố.
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) năm 1961 - Ảnh: LIFE
Thay vào đó là xây dựng các khu nhà, cư xá, khu chung cư ở các quận trung tâm, ven đô còn quỹ đất lớn như Q.3, 10, 11, Tân Bình... như cư xá Đô Thành (Q.3), cư xá Tự Do, cư xá Sĩ Quan (Tân Bình), chung cư Minh Mạng, chung cư Khánh Hội... 
Nhiều ngàn căn nhà ở khu phụ cận Sài Gòn như Thị Nghè (Bình Thạnh), Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ, Q.3), Chánh Hưng (Q.8), Kiến Thiết (Q.3), Hòa Hưng (Q.10), Dân Sinh (Q.1), Phú Thọ (Q.11)... giá từ 15.000-350.000 đồng được xây dựng để "thỏa mãn nhu cầu của mọi tầng lớp dân chúng" (Tổng kết 5 năm 1954 - 1959 của Chánh phủ VNCH). 
Cuối thập niên 1950, hối đoái 1 USD bằng 35 đồng VNCH lúc đó; lương giáo viên lúc đó khoảng 3.000-4.000 đồng/tháng. 
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Ngã tư Lý Thường kiệt - Tô Hiến Thành giữa những năm 1960 còn khá trống trải, tạo điều kiện xây dựng nhiều căn nhà xã hội - Ảnh tư liệu
Việc xây dựng này khá mạnh, chẳng hạn từ 7-7-1958 đến 7-7-1959, gần 1.000 căn được xây dựng và bán; diện tích khoảng 4x20m (hiện còn khá nhiều trên đường Lê Văn Sỹ, Chánh Hưng, Cách Mạng Tháng Tám...).
Những căn nhà này bán rất rẻ, do một phần lấy từ viện trợ Mỹ nhằm "rút bớt dân số quá đông đúc tại kinh thành" (tức khu trung tâm thành phố - Tổng kết 5 năm 1954 - 1959 của Chánh phủ VNCH) ra vùng ven, qua các cây cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Nguyễn Văn Trỗi lúc ấy còn khá hoang vắng...
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Một thiết kế khu dân cư đầu thập niên 1960 ở Sài Gòn: các ngôi nhà nửa biệt thự, nửa nhà phố một trệt, một lầu nằm quanh một giếng trời của khu rộng khoảng 300-500m2. Ảnh chụp trên đường trên đường Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM) hiện vẫn còn khá nguyên vẹn (riêng vạt cỏ của giếng trời đã bị lát ximăng). Toàn khu có đường thông ra ngoài ở ba phía (đường bên dưới ảnh thông ra một con hẻm 10m để ra đường Phạm Văn Hai, Lê Văn Sỹ - Ảnh: M.C. 
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Hai trong số các khu dân cư trước 1975 trên bản đồ vệ tinh hiện nay - Ảnh: TRỊ THIÊN
Riêng khu trung tâm thành phố, một số công trình lớn được xây dựng, tạo điểm nhấn khu vực cũng như dấu ấn một kiểu kiến trúc khác hoàn toàn với kiến trúc Pháp, phối hợp nhuần nhuyễn nét hiện đại với tính dân tộc; phù hợp với thời tiết nóng ẩm Sài Gòn: dinh Độc Lập, Thư viện Quốc Gia, chùa Vĩnh Nghiêm...
Từ giữa thập niên 1960, Sài Gòn đã không còn theo ý muốn của nhà quy hoạch
Hàng loạt cuộc đảo chính sau nền "Đệ nhất cộng hòa" (1955-1963), hơn 500.000 lính đồng minh tràn vô miền Nam năm 1965... với những hệ lụy của nó, có thể nói từ giữa thập niên 1960, những mục tiêu ban đầu của quy hoạch Sài Gòn đã không còn kiểm soát được.
Trong khi liên kết vùng về hướng đông (Sài Gòn - Biên Hòa) khá tốt thì việc liên kết nội - ngoại ô Sài Gòn thoạt đầu có một ít thành quả (phần trên) thì ít nhất từ thời "Đệ nhị cộng hòa" Nguyễn Văn Thiệu (1967-1975), hầu như do người dân... tự quy hoạch.
Kết quả hàng vạn ngôi nhà xung quanh Sài Gòn, bên ngoài các cây cầu Thị Nghè (Bình Thạnh), Khánh Hội (Q.4), cầu chữ Y (Q.8)... xuất hiện tự phát với vô số hẻm hóc. 
Thực trạng này khiến ý tưởng quy hoạch "Sài Gòn hình chùm nho, mỗi quận mới là một trái nho liên kết với chùm" bị phá sản hoàn toàn khi nhiều khu vực quận 4, 8, 10, 11... mới thành lập trở thành "khu cứ điểm" chặn đường ra vô khu nội ô, thậm chí có nơi đã thành "khu ổ chuột".
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Một khu vực "ranh đô thị Sài Gòn" (bảng trắng góc phải hình ghi rõ) khoảng cuối thập niên 1960 khá ngổn ngang - Ảnh tư liệu
Rồi hàng vạn nhà lấn chiếm toàn bộ hai con rạch huyết mạch của Sài Gòn: Thị Nghè và Bến Nghé - Tàu Hủ, để lại một hậu quả lâu dài trong quy hoạch đô thị.
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Hàng ngàn nhà lấn chiếm rạch Bến Nghé trước 1975 - Ảnh: LIFE
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Một khu nhà trên rạch Thị Nghè  trước 1975 - Ảnh tư liệu
Và phong trào "thương phế binh (VNCH) cắm dùi" các khu đất trống ở nhiều nơi, đặc biệt những công trình phục vụ chiến tranh xấu xí, ngổn ngang của quân đội đồng minh cũng như VNCH ngay trung tâm thành phố từ giữa thập niên 1960 đến 1975 đã khiến ai tới Sài Gòn không thể tin nó đã từng có "một thời hoa lệ"... 
Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?
Một khu nhà dành cho binh lính đồng minh trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) năm 1970 - Ảnh tư liệu
* Công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF năm 2012: năm 1960, thu nhập bình quân đầu người (GDP đầu người) của Nam VN là 223 USD; xếp hàng thứ 4 khu vực Viễn Đông; dưới Singapore  (395 USD), Malaysia (239 USD), Philippines (257 USD); trên Hàn Quốc (155 USD), Thái Lan (101 USD), Trung Quốc (92 USD), Ấn Độ (84 USD).
Tuy nhiên, GDP đầu người của miền Nam sau đó rớt nặng nề, thậm chí năm 1974 sau khi Mỹ rút quân, cắt giảm viện trợ, GDP đầu người chỉ còn... 54 USD, thấp nhất Viễn Đông.
* Trước đó, năm 1938 là năm thịnh vượng nhất của Nam Kỳ (Cochinchin - thuộc địa Pháp), GDP đầu người tính theo sức mua của Nam Kỳ gấp 69% năm 1960, năm thịnh vượng nhất của VNCH, thứ nhì châu Á (sau Nhật).
Maylaysia (bao gồm cả Singapore lúc đó chưa độc lập), Philippines... theo sát vị trí này.
CHUNG HAI

Trung Quốc thuê ngư dân ra Trường Sa 27 ngàn USD 1 tàu, không cần đánh cá

Trung Quốc thuê ngư dân ra Trường Sa 27 ngàn USD 1 tàu, không cần đánh cá

  
(GDVN) - Chính phủ đã trả 180 ngàn nhân dân tệ (khoảng 27 ngàn USD) cho mỗi chủ tàu để họ đi đến quần đảo Trường Sa. Chúng tôi phải ở đó 2 tuần..
The Straits Times ngày 5/4 đưa tin, làng chài Đàm Môn ven biển phía Nam đảo Hải Nam đã trở thành tuyến đầu của việc Trung Quốc sử dụng ngư dân nước này vào mục đích "bảo vệ (cái gọi là) vùng biển truyền thống tổ tiên".
Đặt chân đến Đàm Môn, người ta có thể thấy những tấm pa-nô, áp phích khổ lớn in hình ông Tập Cận Bình về thăm làng chài này năm 2013 khi vừa nhậm chức. Đồng thời những phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng được in thành khẩu hiệu khẳng định cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình thăm làng chài Đàm Môn ngày 8/4/2013, ngay sau khi nhậm chức không lâu. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chuyến thăm diễn ra ngày 8/4/2013 với mục đích chính trị giữa lúc gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền - hàng hải trên Biển Đông. Bắc Kinh rất coi trọng làng chài Đàm Môn và lấy các hoạt động đánh bắt cá (bất hợp pháp) của làng chài này để chứng minh cho yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) của họ trên Biển Đông.
Làng chài này còn trở thành điểm du lịch bởi Tập Cận Bình đã từng đến đây. Chính quyền trung ương Trung Quốc cuối tháng 11 năm ngoái đã quyết định rót 1 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 0,15 USD) để xây dựng "bảo tàng Biển Đông" ở Đàm Môn, dự kiến sẽ mở cửa năm 2017.
Ngư dân Trung Quốc Lin Guanyong cho hay, việc đánh bắt của ông ở Biển Đông rất nguy hiểm, không chỉ là thời tiết. Lin Guanyong đã từng bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ năm 2011 cùng với 20 ngư dân khác vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.
Tàu cá vi phạm được đưa vào bờ xử lý và họ phải nộp phạt 2500 USD và được thả sau 2 tuần. Lin Guanyong thừa nhận tà cá của mình đã vượt biên vào vùng biển láng giềng, nhưng nói rằng ngư dân các nước khác cũng nhảy sang "vùng biển Trung Quốc".
Trong khi ngư dân Trung Quốc hiện diện ở nhiều tỉnh ven biển như Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây thì Đàm Môn lại là làng chài "quan trọng nhất về chính trị", vì được Trung Quốc sử dụng làm vũ khí chứng minh "yêu sách chủ quyền" đối với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Zhang Hongzhou, một học giả từ trường Nghiên cứu Quốc tế Rajratnam, Singapore nói với The Straits Times: "Hoạt động đánh bắt cá và hồ sơ của họ là một trong những bằng chứng chính mà Trung Quốc đưa ra chứng minh cho yêu sách "chủ quyền lịch sử" nước này tuyên bố ở BIển Đông".
Một số ngư dân Đàm Môn đang tích cực tham gia hoạt động tranh chấp lãnh thổ, hàng hải với láng giềng, bao gồm sự kiện giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
Trong nhiều năm qua, ngư dân Đàm Môn được chính phủ cung cấp nguồn tài chính để duy trì sự hiện diện (bất hợp pháp) của họ ở những tiền đồn Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa. Lin Guanyong gia nhập hoạt động này năm 2012.
"Chính phủ đã trả 180 ngàn nhân dân tệ (khoảng 27 ngàn USD) cho mỗi chủ tàu để họ đi đến quần đảo Trường Sa. Chúng tôi phải ở đó 2 tuần. Họ không quan tâm chúng tôi có đánh bắt hay không. Họ chỉ muốn chúng tôi ở đó", Lin Guanyong nói với The Straits Times.
Lin Guangyong tâm sự: "Tôi rất ít học, đó là lý do tại sao tôi đi đánh cá. Tôi sẽ làm việc này thêm 10 hoặc 20 năm, nhưng tôi hy vọng con cháu tôi không phải theo nghề cha".


Đường ống sông Đà, “nỏ thần” đừng vô ý lần thứ 2

Đường ống sông Đà, “nỏ thần” đừng vô ý lần thứ 2

authorNguyễn Quang Thân Thứ Ba, ngày 05/04/2016 06:30 AM (GMT+7)

(Dân Việt) Tôi bái phục cái lá gan của họ khi dám đối mặt với lịch sử và coi khinh sự tồn vong, sức khỏe, an toàn của hàng triệu người dân thủ đô, bây giờ và hàng trăm năm về sau.

   
Cái duyên nợ này không phải bây giờ mới có. Cũng chẳng phải bây giờ mới tỏ mặt nhau. Với Trung Quốc, duyên nợ hai ngàn năm có lẻ, không ai lạ gì nhau. Là láng giềng, cũng từng là quốc thuộc ngàn năm. Là hữu nghị lúc này lúc khác nhưng cũng đã có 13 cuộc chiến tranh mà kẻ bành trướng có mưu đồ thôn tính đều chịu thất bại trước một dân tộc anh hùng.
 Gần đây, trong cuộc hội nhập kinh tế, hai nước lại có quan hệ làm ăn, buôn bán phát triển chưa từng có trong lịch sử. Dấu ấn là sự lép vế của người láng giềng nghèo: mỗi năm nhập siêu từ ông bạn khổng lồ hàng chục tỷ đô la, nói như dân miền Nam, đưa vàng đi đổ sông Ngô, đau thấy mồ mà không biết nói sao!
Đó là chưa kể những công trình được đấu thầu đúng quy trình hẳn hoi nhưng kẻ thắng thầu (nghe nói họ thắng đến 90% các gói thầu lớn trên đất nước) có truyền thống nói một đàng, ký một đàng mà làm một nẻo, dây dưa, cù nhầy và nhiều sơ suất kỹ thuật. Chuyện một ông Bộ trưởng của ta phải chỉ mặt nhà thầu vì để xẩy ra tai nạn tuyến đường sắt trên cao giữa thủ đô, chỉ là một trong nhiều vụ “dây dưa”, giọt nước tràn ly mà thôi.
Nói cho công bằng, không phải chúng ta đang làm ăn với một kẻ xa lạ, cha vơ chú váo nào. Mà với một đối tác có chiều dài lịch sử ngàn năm, từ nỏ thần Cổ Loa đến đường sắt trên cao, nếm đủ mùi cay đắng. Nói chưa hiểu nhau là khó chấp nhận. Thời hội nhập, mọi đối tác bất kể từ quốc gia nào đều phải tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế, minh bạch, sòng phẳng, coi trọng quyền lợi của nhau thì cả hai bên hay nhiều bên đều dễ làm ăn. Thân hay sơ không còn là vấn đề. Thế kỷ XXI không còn đất cho “mẹo Khổng Minh” hay “mánh Chu Du” trong làm ăn.
Dự án Sông Đà 2 chỉ là một đường ống nước chưa đến nửa tỷ đô la, kỹ thuật lại đơn giản và xưa như trái đất. Về quy mô, giá trị, kỹ thuật không có gì đáng nói. Nhưng tại sao, khi vừa lộ thông tin nhà thầu Trung Quốc thắng cuộc lại gây nên một cơn bão trên dư luận đến thế?
Câu trả lời luôn và ngay: dư luận sôi lên, muốn soi thật sâu thật kỹ là do hai phía đối tác đều có vấn đề: cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu!
Cái Tổng công ty Vinaconex này đã tự chứng minh khả năng, trình độ, cả lương tâm của mình không phải “quá tam ba bận” mà là 17 lần vỡ đường ống nước mà họ là chủ đầu tư, gây không biết bao nhiêu khổ sở, khó khăn cho dân thủ đô và làm sứt mẻ không ít niềm tin vào chính họ và cấp trên của họ.
Cái khó hiểu là lại họ chứ không phải ai khác, lần nữa được “tín nhiệm” làm chủ đầu tư đường ống nước số 2, lớn hơn, quan trọng hơn vì nó cung cấp nước cho ba triệu rưỡi tức gần một nửa dân số Hà Nội! Dân hoàn toàn có quyền lăn tăn: liệu những người đã có “17 tiền sự” này cầm tiền nhà nước (tức tiền thuế của dân) đi xây đường ống có đủ khả năng, trình độ và lương tâm trong sáng? Chính họ đã một lần chứng minh rồi sao?
 duong ong song da, “no than” dung vo y lan thu 2 hinh anh 1
Đường ống nước sông Đà do Vinaconex thi công đã gặp sự cố đến 17 lần.
Liệu những người này, sẽ có “vô ý” chọn phải nhà thầu và thứ vật liệu gây tai họa như họ đã làm trước đây? Mà thủ đô ta cũng dễ tính thật. Một anh nhân viên lỡ tham ô hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả vài triệu bạc có thể bị xử, bị coi là có tiền án và bị cấm làm việc gì liên quan đến tiền vài ba năm là ít. Vậy mà một công ty bị vỡ 17 lần ống nước lại được giao làm tiếp ngay và luôn dự án tương tự, quan trọng gấp nhiều lần! Đó không phải là một câu hỏi mà dân khó bỏ qua sao?
Rồi nữa, nhà thầu. Đây là một nhà thầu Trung Quốc, có thể họ chưa làm nhiều công trình ở nước ta nhưng “nhà thầu Trung Quốc” đã thành một thành ngữ hàm ngôn: giá rẻ bất ngờ lúc đầu và sẵn sàng đội giá nhiều lần về sau, dây dưa thời gian thi công, nhồi nhét tìm việc cho lao động phổ thông Trung Quốc tràn sang với nhiều lý do tự đặt ra, quy trình công nghệ luôn có vấn đề, lạc hậu mà boxit Tây Nguyên, nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm là một minh chứng khó cãi.
Một kiểu nhà thầu chưa được chứng minh bằng việc làm thực tế như thế trên đất nước, chỉ căn cứ vào hồ sơ đấu thầu trên giấy, lại hội tủ đủ tín nhiệm để giao cho họ một công trình quan trọng như vậy được sao? Vả lại, trên báo Dân Việt, một nhà đầu tư bị loại trong dự án này (liên doanh Ấn Việt) đã cho biết họ “sốc” với cách mở gói thầu, loại và chọn nhà thầu thắng cuộc đang có những vấn đề chưa rõ ràng.
Đầu tiên là cách loại nhà thầu. "Chúng tôi rất thất vọng với cách chủ đầu tư đã loại nhà thầu. Điều này ít nhiều tạo ra môi trường thiếu cạnh tranh. Tôi cũng không thấy sự minh bạch, rõ ràng trong suốt quá trình đấu thầu. Tôi có cảm giác các nhà thầu khác đã bị loại bỏ hoặc phải tự bỏ cuộc để duy nhất một công ty thắng thầu"- nhà đầu tư Ấn giấu tên nói với báo Dân Việt.
Sau khi có quyết định chọn đơn vị thắng thầu, ông này còn nói thẳng “Tôi (quá bất ngờ) không hiểu chuyện gì đang diễn ra!”. Chúng ta chưa thể kết luận có sự minh bạch hay không của gói thầu này, thực ra việc này cũng như mọi sự kém minh bạch khác sẽ rất khó phanh phui, tìm phải trái. Nhưng ý kiến không thoải mái của nhà kinh doanh thua thầu nói trên rất đáng cho nhiều cơ quan có trách nhiệm vào cuộc và dư luận báo chí theo dõi.
Nhưng vấn đề chính yếu nhât không phải nằm trong những điểm nói trên. Một công trình dẫn nước đơn giản ư? Thưa không! Đó là công trình có tuổi thọ hàng trăm năm quyết định nước ăn uống hàng ngày cho ba triệu rưỡi và hàng chục thế hệ con cháu người Hà Nội tương lai. Vinaconex như đã quên mình là ai, tài cán mình như thế nào sau 17 vụ đường ống nước, quả quyết rằng họ sẽ kiểm tra ống gang dẻo xem có chì, có chất phóng xạ hay không rồi mới cho dùng.
Liệu sự kiểm tra có khả thi không nếu ai đó có những mưu ma chước quỷ?
Và thế là, hàng trăm năm, hàng triệu dân Hà Nội và con cháu nhiều đời của họ phải dùng nước từ một đường ống nước do những người “bạn” mà họ mà họ hiểu rất rõ tâm địa, thường chỉ “kính nhi viễn chi” trong lịch sử ngàn năm? Vậy là, đây không chỉ là một đường ống dẫn nước nữa rồi! Cũng không phải là một dự án thuần túy dân sinh hay kinh tế nữa rồi. Nó lớn hơn, quan trọng hơn và bao trùm hơn với thời gian và lịch sử. Nó đòi hỏi sự xem xét gói thầu theo nhiều góc độ quan trọng hơn cái “giá rẻ” made in China mà chúng ta và cả thế giới đã biết rõ từ lâu.
Tôi không biết ai là người sẽ có quyết định cuối cùng về dự án thật sự nhạy cảm này. Nhưng tôi bái phục cái lá gan của họ khi họ dám đối mặt với lịch sử và coi khinh sự tồn vong, sức khỏe, an toàn của hàng triệu người dân thủ đô, bây giờ và hàng trăm năm về sau. Nỏ thần đã một lần “vô ý” trao tay giặc (thơ Tố Hữu), xin đừng “vô ý” lần thứ hai!