Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Cuộc gặp mặt đầu tiên của cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma

Cuộc gặp mặt đầu tiên của cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma

10/01/2017 - 13:45 PM
Những người lính tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988 và thân nhân những người đã ngã xuống trong hai trận chiến ấy vừa có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên tại di tích lịch sử đặc biệt Dinh Độc Lập, Sài Gòn, ngày 9.1.2017. Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa tổ chức sự kiện này nhân kỉ niệm 3 năm ngày Chương trình khởi xướng và đi vào hoạt động.
Cuộc gặp mặt còn có sự tham dự của cô giáo Vân Chi và cháu Bảo Nam, vợ và con của liệt sỹ đại úyTrần Văn Duẩn, đồn Biên phòng A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai, người hy sinh rạng sáng 17.2.2011, trong một cuộc chống trả nỗ lực xâm nhập Biên giới trái phép từ Trung Quốc.    
 Hoàng Sa Gạc Ma
Cựu binh Lữ Công Bảy Giám lộ trên HQ-4 trong hải chiến Hoàng Sa 1974 và cựu binh Lê Hữu Thảo, tiểu đội trưởng phòng tham mưu Lữ 146 trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 tại buổi lễ gặp mặt.Ảnh: Lê Quỳnh
Tại buổi gặp mặt, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, đại diện Nhịp cầu Hoàng Sa chia sẻ: Mục tiêu của Chương trình không dừng lại ở những hoạt động tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống hành động xâm lược của Trung Quốc, đặc biệt là tại hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988, mà còn là một nỗ lực hòa giải.       
Hoàng Sa là một địa danh nhắc nhở mỗi khi người Việt kề vai sát cánh bên nhau sẽ nhận rõ ai mới thực sự là kẻ thù chung, ai mới là kẻ có dã tâm xâm lược. Vì thế, Hoàng Sa còn là một NHỊP CẦU cần "bắc" để nối những tấm lòng và để người Việt hòa giải cùng người Việt.
Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa các cựu binh Việt Nam Cộng Hòa - những người đã tham gia trận hải chiến bảo vệ bất thành Hoàng Sa ngày 19.1.1974 và thân nhân các tử sỹ Hoàng Sa - với các cựu binh Quân Đội Nhân dân Việt Nam, những người tham gia bảo vệ bất thành Gạc Ma ngày 14.3.1988 và thân nhân các gia đình liệt sỹ Gạc Ma là một minh chứng rõ nét cho điều đó.    
 Hoàng Sa Gạc Ma
Các cựu binh Hoàng Sa và Gạc Ma kể lại trận các trận đánh lịch sử mà họ là nhân chứng.Ảnh: Quý Hòa
Chia sẻ tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Những đóng góp của Nhịp cầu Hoàng Sa thật nhỏ bé nhưng rất đáng tự hào vì đã vượt qua được những rào cản trong trí óc, tâm tưởng; dù chỉ làm chuyển dịch được "một xăng-ti-mét" hàng rào ngăn cách tiến trình hòa giải cũng rất có ý nghĩa.
Ông Quốc nói, lịch sử Việt Nam từng có những thời kì Nam Bắc phân tranh, nhưng suốt 300 năm đó là 300 năm phương Bắc không thể đụng chạm đến Việt Nam. Trong lịch sử có thể có những xung đột về mặt chính trị, lợi ích nhưng cũng lịch sử đã cho thấy không người Việt Nam nào không nghĩ đến gốc gác Việt Nam và trách nhiệm chung của mình với Tổ quốc.
“Những gì đã diễn ra trong thập kỉ vừa qua cho thấy tất cả những khắc nghiệt của nó, nhưng cũng đồng thời cho thấy rằng trải qua tất cả những biến cố ấy, chúng ta có đủ sức vóc trải nghiệm để trưởng thành. Bài học mà chúng ta học được trong câu chuyện đang diễn ra ngày hôm nay rất giản dị. Những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên chiến trường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc đã chứng minh rằng sức mạnh lớn nhất để họ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược chính là ý chí. Những chương trình nhằm nỗ lực hòa giải dân tộc như Nhịp cầu Hoàng Sa cần được nhân rộng trong xã hội.”, ông Quốc nói.
Vắng mặt do sức khỏe không tốt, Thiếu tướng Chuẩn đô đốc Hải quân Nhân dân Việt Nam Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc gửi lời đến cuộc gặp mặt: “Tôi tin rằng cuộc gặp mặt này là một biểu tượng tốt đẹp cho sự hòa hợp, hòa giải, nó nói lên mong muốn và nỗ lực của chúng ta là đoàn kết nhất trí để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo.”        
Hoàng Sa Gạc Ma
Cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma viếng bà quả phụ hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí ngày 8.1.2017.Ảnh: Quý Hòa
Trước đó, ngày 8.1, đoàn các cựu binh và thân nhân đã tới viếng bà quả phụ hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí, nhũ danh là Ngô Thị Kim Thanh vừa qua đời ngày 7.1. Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí, Hạm phó Hộ tống hạm Nhựt Tảo, đã tử trận tại Hoàng Sa ngày 19.1.1974. Nhịp cầu Hoàng Sa đã góp phần để mẹ con bà Thanh được ổn định cuộc sống trong ngôi nhà mới khang trang trong năm 2016.
Các cựu binh tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, Gạc Ma năm 1988 và thân nhân những người đã ngã xuống trong hai trận chiến này cũng đã có hai ngày trước đó tham quan Sài Gòn và Chợ Lớn, Dinh Độc Lập, giao lưu, thăm hỏi thân tình...
Hoàng Sa Gạc Ma
Đoàn cựu binh Hoàng Sa - Gạc Ma Tham quan Dinh Độc Lập ngày 9.1.2017. Ảnh: Quý Hòa
Nhịp Cầu Hoàng Sa là chương trình do nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu và các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức cùng khởi xướng từ tháng 1.2014 với sự tham gia tích cực của nhiều người trong và ngoài nước: kỹ sư Nguyễn Đức Huy, Đỗ Thanh Triều, doanh nhân Lê Hải, doanh nhân Đặng Cao Thắng, Tạ Hinh, Trần Thu Nga,...; các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nghệ sĩ: Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Trọng Khôi, Phương Bình, ca sĩ Ánh Tuyết, diễn viên điện ảnh Hồng Ánh... 
Ngay trong hai tuần đầu tiên sau khi công bố và chính thức vận động, số tiền gửi về ủng hộ chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã lên đến 900 triệu đồng. Đến nay, sau 3 năm, chương trình đã nhận được hơn 1.200 lượt đóng góp của người Việt Nam ở mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới với số tiền lên đến gần 7 tỷ đồng, trong đó gần 6 tỷ đồng đã được chi ra cho các hoạt động tri ân.
Trong 3 năm qua, Nhịp cầu Hoàng Sa đã mua, xây và tài trợ "dựng lại" 10 căn nhà với khoản đầu tư từ 400 triệu đồng  mỗi căn; mở sổ tiết kiệm; trao học bổng dài hạn cho con em, hỗ trợ tiền chữa trị bệnh, mua sắm các phương tiện làm ăn sinh sống mà đối tượng thụ hưởng là các gia đình của những người lính đã tham gia, đã ngã xuống ở chiến trường Hoàng Sa, Gạc Ma.
Hoàng Sa Gạc Ma
Nhịp cầu Hoàng Sa tặng quà tết Đinh Dậu 2017 cho các cựu binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma. Ảnh: Quý Hòa  
Các trận hải chiến Hoàng Sa và Gạc Ma được đề cập như thế nào trong tài liệu phổ biến chính thức của Việt Nam ?
Năm 1974, lợi dụng lúc quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam vào năm 1973, CHND Trung Hoa đã huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của CHND Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-ve năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.
Hoàng Sa Gạc Ma
Vợ những người lính đã hi sinh trong các trận hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma trong ngày gặp mặt lần đầu tiên ngày 9.1.2017. Ảnh: Quý Hòa
Tại Trường Sa, năm 1988, CHND Trung Hoa huy động lực lượng vũ trang đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển.
Năm 1995, CHND Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam quần đảo Trường Sa.
Hiện nay Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng 76 bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, tổng số đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 7 vị trí. 
(Trích tài liệu "100 câu hỏi đáp về Biển Đảo Việt Nam" do Ban Tuyên Giáo Trung ương phối hợp với các chuyên gia soạn thảo, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông 2013).
Lê Quỳnh

Không có nhận xét nào: