Giáo viên bị mất việc ở Đăk Lăk tố cáo phải chi tiền xin việc
Các giáo viên bảo đã "chạy" hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để được nhận vào dạy, còn lãnh đạo huyện nói "chưa phát hiện tiêu cực".
Sáng 12/3, hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tập trung về UBND huyện Krông Păk (Đăk Lăk) xin gặp lãnh đạo đề đạt ý kiến. Sau nhiều giờ chờ đợi, họ chỉ nhận được thông báo ngắn gọn về việc tạm ngừng chấm dứt hợp đồng mà không được đối thoại. "Lãnh đạo huyện bảo chúng tôi cứ về an tâm công tác. Nhưng đứng trước tình cảnh thế này ai mà an tâm được", một giáo viên bức xúc.
Các giáo viên tập trung tại UBND huyện Krông Păk sáng 12/3. Ảnh: Quốc Thịnh.
|
Chi tiền 'chạy' hợp đồng
Nhiều giáo viên bị UBND huyện Krông Păk chấm dứt cho biết đã phải chạy hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để được nhận vào dạy. "Đầu năm 2016, tôi được người quen giới thiệu với lãnh đạo trường tiểu học để xin cho con gái vào dạy. Người này nói phải chung 120 triệu đồng. Sau ba lần đưa tôi đã chung đủ", ông Nguyễn Văn Ninh cho biết.
Đến tháng 7/2017, con gái ông không được nhận vào biên chế như lời hứa của lãnh đạo trường, nên đã nghỉ và yêu cầu được trả lại tiền. "Người này hứa trả nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Tôi đã làm đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp", ông Ninh nói.
Tương tự, nam giáo viên khác cho biết để được trường tiểu học nhận vào năm 2015, hai vợ chồng phải bỏ ra hơn 120 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, họ nhận được quyết định ký lại hợp đồng với mức lương trên một triệu đồng một tháng.
"Do mức lương thấp nên hai vợ chồng làm đơn xin nghỉ không lương hơn một năm nay, rồi làm đủ thứ nghề để sống. Giờ tôi mong cơ quan chức năng giải quyết hợp tình để hai vợ chồng có công việc ổn định", thầy giáo mong mỏi.
Lãnh đạo huyện nói chưa phát hiện tiêu cực
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Păk, cho biết chưa phát hiện tiêu cực trong việc ký hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên.
"Đến nay huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn tố cáo tiêu cực trong vụ việc này. Nếu phát hiện có tiêu cực chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm", bà Trinh khẳng định.
Theo Phó chủ tịch, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương đã có thông báo về việc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên. "Huyện sẽ rà soát lại toàn bộ hợp đồng, tính toán xét tuyển từ nay đến năm 2021 để thay thế vào vị trí những giáo viên nghỉ hưu. Ngoài ra, huyện vẫn tính toán nhiều phương án khác nhằm tạo thuận lợi nhất cho giáo viên", bà Trinh nói.
Trước đó, huyện thông báo chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên trong số 578 giáo viên đang dạy hợp đồng. 370 giáo viên còn lại sẽ được thi tuyển để lấy 83 chỉ tiêu.
Theo cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến 2016, UBND huyện Krông Păk đã liên tục ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu với gần 600 giáo viên trung học cơ sở, tiểu học và mầm non.
Sai phạm trong quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại huyện, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011-2015, hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đăk Lăk) đã bị kỷ luật. Riêng ông Y Suôn Byă - Chủ tịch huyện Krông Păk, Tỉnh ủy đang kiểm tra, làm rõ các sai phạm.
Quốc Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét