Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN

ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN
Tập 1 : TIỀN BIÊN
Biên soạn : QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN
Người dịch : ĐỖ MỘNG KHƯƠNG
Người hiệu đính : HOA BẰNG
TRUYỆN CÁC NGƯỜI ẨN DẬT
Nguyễn Đăng Đàn
Lại có tên là Tường, tự là Thuần Nhất, biệt hiệu là Bất Nhị, người huyện Hương Trà phủ Thừa Thiên. Từ bé đã thông minh, đọc sách trông qua là thuộc lòng. Đến tuổi "Vũ Thược" (97) nghiên cứu kinh sử, dốc chí hiếu cổ, không thích tục sáo khoa cử. Tính điềm tĩnh khiêm tốn, ưa làm điều thiện, vui với đạo lý không thích vinh hoa danh lợi. Nhà lá tường đất, cũng vui sống như thường. Có tiếng giỏi lý học, lại thuộc thuật thao, kiềm (98).

Đời Thế Tông Hoàng Đế (1738-1764), Đăng Đàn lấy tư cách là dân áo vải, đến cửa khuyết, dâng quốc sách bằng quốc âm. Đại ý nói: người làm vua nên đặt việc cầu hiền, nghe lời can trên hết. Lời nói phần nhiều đúng đắn, thiết thực. Chúa khen, cho mời vào, muốn bổ làm quan, Đăng Đàn từ chối, không nhận.

Đăng Đàn lui về, làm nhà ở núi Thanh Thủy, dạy học. Môn sinh có đến vài trăm người, phần nhiều thành đạt. Tuổi 70 ông vẫn bền chí, không mỏi mệt, đức hạnh cao tốt, được người đời tôn trọng. Đến lúc chết, người ta gọi ông là Siêu quần(99) tiên sinh.

Cháu nội là Tĩnh diệp hầu Nguyễn Đăng Trường làm quan đời Duệ Tông Hoàng Đế (1765-1777), tử tiết, có truyện riêng.

(99) Siêu quần: Cao hơn cả mọi người.
-----------------------------------
Hoàng Quang

Người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, tài giỏi, có nhân cách và kiến thức. Từ bé đã chăm học, lớn lên thấm nhuần thông suốt nghĩa lý kinh sử, lại hay văn chương, đặc biệt là trội về văn quốc âm. "Giặc" Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ biết danh tiếng ông, trao cho quan chức nhưng ông không làm. Quang thấy chính sự của "giặc" phiền nhiễu hà khắc, lòng người nhớ cũ, bèn làm khúc hát "Hoài nam" mở đầu kể sự khai thác gian nan của các thánh, nhân đức, ơn huệ thấm nhuần khắp nơi; cuối bài thì truy tội quyền thần, nghiến răng căm giận ngụy tặc, lời rất bi tráng, người ta truyền nhau ca hát.

Thái trưởng công chúa Ngọc Tuyên chép được bài ca ấy cho người đem đến kinh đô Gia Định để dâng. Thế Tổ Cao Hoàng Đế sai truyền bá ở trong quân. Người nghe có kẻ rơi nước mắt.

Năm Tân Dậu (1801) mùa hạ, lấy lại được Phú Xuân, bấy giờ Quang đã chết, vua bèn vời con là Hoán đến yết kiến cho làm Hàn lâm viện; Hoán dần làm đến Hữu Tham tri bộ Lại. Cháu là Quýnh và Đạo. Quýnh làm đến Bố chính Gia Định, Đạo làm đến Hữu Thị lang bộ Binh.

https://docs.google.com/document/d/1vGbGjtodWF6V-uBa0PCBWMBdBloXTfm856EhQx8pOGs/edit#

Không có nhận xét nào: