Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Cải cách thể chế ở VN: Dấu ấn 2016

Cải cách thể chế ở VN: Dấu ấn 2016

  • 3 tháng 1 2017
     
Image copyright HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Đại hội Đảng Cộng sản khóa 12 diễn ra vào đầu năm 2016, sau đó là Quốc hội khóa 14 ở Việt Nam là hai sự kiện mở đầu cho các hoạt động của nhà nước của các lãnh đạo theo nhiệm kỳ 5 năm 2016-2021.
Ngoài thảm họa môi trường biển miền Trung do Fomosa gây ra là một bài học sâu sắc cho quản lý đất nước, trong năm 2016 có một số hoạt động, liên quan đến cải cách thể chế, của Đảng và Chính phủ tạo dấu ấn để hướng về những thay đổi trong năm 2017.

Dấu ấn từ Chính phủ

Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến và làm việc với tỉnh Quảng Ninh.
Tại đây, ông kỳ vọng tỉnh này sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước, và cho biết Chính phủ đã biểu quyết thống nhất chủ trương xây dựng mô hình ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Ông mong muốn "Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn cần giải quyết tốt nhất ba điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực" và có thể là "phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam".
Ông Nguyễn Xuân Phúc là vị thủ tướng Việt Nam có 'mật độ' đến các tỉnh làm việc dày đặc nhất trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Vượt khỏi hoạt động nắm bắt tình hình các địa phương, những phát biểu thẳng thắn cũng như phong cách điều hành mà Thủ tướng đang thể hiện liệu có được ghi nhận là sự nỗ lực của một chính phủ kiến tạo, liêm chính và vì dân phục vụ?
Ông cũng là vị lãnh đạo có nhiều 'chỉ đạo' nhất có địa chỉ cụ thể, cùng với Tổ công tác của Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về thực thi các nhiệm vụ được giao, mong muốn rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm…
Image copyright Anna Isakova\TASS via Getty Images
Image caption Ông Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá là thủ tướng có mật độ đến cách tỉnh dày đặc nhất trong năm đầu nhiệm kỳ Thủ tướng
Điểm nhấn hoạt động trong điều hành kinh tế của Chính phủ, trong đó mang dấu ấn rõ nét của Thủ tướng, là tập trung vào phát triển doanh nghiệp, từ phong trào khởi nghiệp, đối thoại với các doanh nghiệp, xóa 'nợ' văn bản pháp luật và tạo môi trường thể chế... Nỗ lực này đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, và kết quả là hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới…
Kết quả này đồng nghĩa với nguồn lực vốn và con người được huy động tăng lên, tuy nhiên cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Các nhà kinh tế dự đoán sau 'độ trễ' của các chính sách liệu miếng bánh chính sách công có to lên khi có thêm áp lực đối với việc phân phối các nguồn lực quốc gia.
Một 'dấu ấn' khác cũng khá đậm nét là trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo để xử lý hậu quả của các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng nề, kéo dài, trong đó có 12 dự án với số vốn đầu tư tới hàng chục nghìn tỷ đồng, bị thua lỗ nặng nề (4 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), 5 củaTập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 2 dự án có "bóng dáng" Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đều thuộc Bộ Công thương.
Thủ tướng, một mặt, khẳng định quan điểm không lấy tiền thuế của dân để cứu các doanh nghiệp thua lỗ này.
Mặt khác thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Việc hai doanh nghiệp Sabeco và Habeco (Rượu bia, nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội), từng 'tai tiếng' về 'lợi ích nhóm', đã lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016, chấm dứt tranh luận về 'người con gái đẹp đem ra chợ bán' thì sẽ mất giá.
Bộ Công thương được Chính phủ tập trung chỉ đạo trong cải cách bộ máy, thủ tục hành chính, giảm biên chế, rà soát cán bộ lãnh đạo và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước do Bộ quản lý
Image copyright HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Image caption Các công ty giải khát Habeco và Sabeco đã được đưa lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016
Các báo nhà nước đã 'vào cuộc' mạnh mẽ phản ảnh tình trạng này, tiếp nối cho 'chiến dịch' chống tham nhũng khi đã được 'bật đèn xanh'.
Còn rất nhiều khó khăn để Chính phủ có một chương trình tổng thể về cải cách thể chể.
Mới đây, ngày 21/12, trong báo cáo của Chính phủ trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052 ngày 24/10/2015, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận 10 tồn tại, vướng mắc chủ yếu có trách nhiệm Chính phủ.
Hầu hết nguyên nhân của các tồn tại đều liên quan đến thể chế, như cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện; hiệu quả đầu tư thấp; thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều bất cập; xuất hiện các điểm "cổ chai" về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...; gây cản trở cho quá trình phát triển; quản lý của Nhà nước và quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hạn chế; tính đồng bộ và phối hợp về hội nhập giữa lĩnh vực, các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp chưa tốt; khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế chưa cao, công tác tham mưu, tư vấn chính sách còn nhiều hạn chế….

Dấu ấn từ Đảng Cộng sản

Cải cách thể chế kinh tế không thể tách rời với cải cách thể chế chính trị.
Trong khi Chính phủ tập trung chủ yếu vào điều hành kinh tế và thể chế kinh tế thì Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi ổn định các vị trí lãnh đạo các cấp, đã phát động chống tham nhũngchỉnh đốn đảng.
Bắt đầu bằng vụ cán bộ cấp tỉnh, trước đó là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, Trịnh Xuân Thanh, tiếp sau là một số lãnh đạo cao cấp có liên quan, trong đó có cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bị các mức độ kỷ luật về Đảng…
Các vụ việc này đang diễn biến phức tạp khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn và đang truy nã quốc tế.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội, cho đến nay, chưa sửa, bổ sung các văn bản pháp luật để kỷ luật các lãnh đạo nêu trên về mặt chính quyền, sau khi có kỷ luật của Đảng.
Đây là 'lỗ hổng' thể chế, khi các cơ quan quyền lực không thể phối hợp nhịp nhàng.
Một số nhược điểm khác của thể chế đã bộc lộ, được báo chí, công luận phân tích nhiều, là hiện tượng 'trên bảo dưới không nghe', là 'quy trình', trong đó có việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, con ông cháu cha, và không rõ các ranh giới các hiện tượng, chuẩn mực, như làm thất thoát và tham nhũng, lợi ích và lợi ích nhóm… gắn với mức kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính hay hình sự…
Mới đây, ngày 23/12/2016 Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa công bố Nghị quyết số 33/2016/QH 14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV có nội dung: "Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội…"
Image copyright VIETNAM NEWS AGENCY/AFP/Getty Images
Image caption Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới bệnh viện thăm một trong các nạn nhân vụ nổ súng tại Yên Bái
Dư luận cho rằng cần phải có những hình thức kỷ luật tiếp theo về mặt chính quyền.
Những động thái liên quan đến thể chế chính trị luôn gắn liền với quyền lực, sau nó là lợi ích nhóm, không tránh khỏi 'rút dây động rừng'.
Rõ ràng muốn tiếp tục chống tham nhũng, lợi ích nhóm và lấp lỗ hổng 'trên bảo dưới không nghe', thì cách làm nhanh nhất là cần phải củng cố quyền lực bằng con đường tổ chức.
Các nhà quan sát liên tưởng tới việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau sự cố Trịnh Xuân Thanh đã tham gia Đảng ủy Bộ Công an, và gần đây có những cuộc làm việc quan trọng với Quân ủy Trung ương và Tổng cục Tình báo Quân đội (TC2), nhấn mạnh sự trung thành của quân đội với Đảng Cộng sản.
Dấu ấn mạnh nhất trong thể chế chính trị là vào ngày 30-10 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Nghị quyết 4 nhấn mạnh rằng tình trạng suy thoái là nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Một minh chứng, được báo chí mô tả là sự cố kinh hoàng, chưa từng có trong Đảng, đó là vụ án 'Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái dùng súng bắn Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy rồi tự sát ngay trước khi khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh sáng 18/8/2016'.
Để lấy lại niềm tin trong Đảng và trong nhân dân trong quá trình thực hiện Nghị quyết này cần chỉ ra được 'số đảng viên có chức vụ' nêu trong Nghị quyết 4 với các hình thức kỷ luật tương xứng.
Chỉnh đốn Đảng là cấp bách và lâu dài, tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn cần được đặt ra: Đảng Cộng sản Việt Nam cần đổi mới như thế nào để lãnh đạo được nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp khó lường.
Có công trình nghiên cứu chỉ ra rằng lý luận của Các Mác mang tính phê phán cao, một trong những nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác là lý thuyết thặng dư, mặc dù, cho đến nay cũng chưa có lý thuyết nào bác bỏ lý thuyết thặng dư mà mang tính khoa học cao, tuy nhiên việc suy luận cần xóa bỏ tư hữu, tức là xóa bỏ cơ sở của bóc lột sức lao động, sẽ không thuyết phục khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ đã sụp đổ.
Để tránh giáo điều nên chăng bổ sung chủ nghĩa Mác là vai trò của thể chế trong phát triển, trong đó có yếu tố con người và quyền lực, mà Các Mác đã không có cơ hội nghiên cứu tiếp sau tác phẩm 'Tư bản' nổi tiếng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích chính sách công của Việt Nam đang làm việc tại Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Không có nhận xét nào: