TTO - Công trình kiến trúc cổ
“Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong” ở Huế đang trùng tu sắp xong thì bộc
lộ nhiều điểm bất thường, khiến dư luận lo lắng: trùng tu di tích cổ
hay cải tạo thành công trình mới?
|
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong sau khi trùng tu sắp xong, chụp ngày 11-1-2017 - Ảnh: MINH TỰ |
Sự mơ hồ này đã tồn tại ngay trong tên của dự
án: “Trùng tu và cải tạo Bia Quốc học, công viên Lý Tự Trọng”. “Bia Quốc
Học” chính là “Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong” theo cách gọi nôm na
của dân gian vì nó nằm đối diện trường Quốc học.
Công trình đã biến dạng
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong được xây dựng vào năm 1920, để
tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã tử trận
trong cuộc chiến của nước Pháp chống lại Đức hồi chiến tranh thế giới
lần thứ nhất 1914-1918.
Tạp chí “Những người bạn cố đô Huế” tập 24 năm 1937 đã ghi chép rất
đầy đủ quá trình tổ chức chuẩn bị, thi tuyển, thi công công trình này.
Đồ án được chọn xây dựng của họa sĩ Tôn Thất Sa, giáo sư Trường Bá công Huế, khánh thành 18-9-1920.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông
tin Thừa Thiên - Huế, cho rằng đây là một công trình kiến trúc - nghệ
thuật đặc sắc về sự tiếp biến văn hóa Pháp của người Việt thời kỳ đầu
thế kỷ 20.
Dự án “trùng tu và cải tạo Bia Quốc Học” - một hạng mục của công viên
Lý Tự Trọng, được giao Trung tâm công viên cây xanh Tp Huế làm chủ đầu
tư; đơn vị thiết kế là Công ty tu bổ di tích trung ương - chi nhánh miền
Trung; đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và phát triển Vishnu Huế.
Theo hồ sơ dự án và quan sát trên hiện trường, công trình này đã được
bóc gần như toàn bộ phần vữa tô cùng các hoa văn - họa tiết trang trí
để trát lại một lớp vữa mới, hoa văn trang trí mới và sơn mới toàn bộ
công trình.
Là người theo dõi rất kỹ quá trình tu sửa công trình này, TS Trần
Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại
Huế - cho rằng công trình này sau khi “trùng tu - cải tạo” đã bị biến
dạng.
Màu sắc lòa loẹt, chói mắt, nhưng vấn đề quan trọng là hệ thống hoa
văn trang trí trên công trình đã bị bóc hết phần còn lại. Đó là mô típ
hoa văn mô phỏng từ kiến trúc Huế, là phần rất có giá trị của công
trình, đã bị bong tróc một phần do thời tiết và sự can thiệp của thời kỳ
trước đây.
Khi công trình trùng tu bắt đầu bộc lộ những bất cập, ông Hằng đã gặp
lãnh đạo TP.Huế và nhà tư vấn thiết kế dự án để cảnh báo về nguy cơ
biến dạng di tích, nhưng diễn biến sau đó vẫn không thay đổi.
|
Toàn bộ lớp vữa và hệ trang trí chung quanh công trình đã bị bóc bỏ để làm lại. - Ảnh: MINH TỰ |
Tu bổ nhỏ hay sửa chữa triệt để?
Chiều 11-1, ông Lê Văn Quảng - phó giám đốc phụ trách Phân viện khoa
học công nghệ xây dựng tại miền Trung (thuộc Bộ Xây dựng), đơn vị phụ
trách việc thiết kế dự án, đã trả lời báo chí về những băn khoăn của dư
luân liên quan đến công trình này.
Ông Quảng cho biết “Bia Quốc học” không phải là di tích nên việc
trùng tu phải theo qui định như một công trình xây dựng cơ bản. Tuy vậy,
việc trùng tu vẫn ứng xử như với một di tích, phương án trùng tu được
thực hiện trên cơ sở khảo sát kỹ hiện trạng cũng như yếu tố gốc của công
trình.
Ban đầu, đơn vị này đưa ra phương án tu bổ dặm vá những những chỗ hư
hỏng, mất mát, với chi phí khoảng 800 triệu đồng. Nhưng cách làm này
khiến công trình trở nên chắp vá, hạng mục mới và cũ không ăn khớp nhau,
không bền vững lâu dài, nên đơn vị này đưa ra phương án trùng tu triệt
để.
Các cơ quan chuyên môn như Sở Văn hóa - thể thao, Trung tâm bảo tồn
di tích cố đô Huế đều đồng ý phương án này và chủ tịch UBND TP Huế đã
quyết định chọn.
Ông Quảng nói phải xử lý triệt để vì nền móng, mái, lan can... đã bị
sụt lún, nứt gãy, xuống cấp nặng; phần họa tiết trang trí bị hư hỏng,
bong tróc, mất mát khá nhiều. Với phương án này, vốn đầu tư cho phần
trùng tu tăng lên 1,7 tỷ (trong tổng dự án là 2,9 tỷ).
Ông Quảng nói việc trùng tu này không thể đúng 100% nguyên gốc, nhưng
đã tôn trọng tối đa yếu tố gốc. Toàn bộ hoa văn trang trí, màu sắc của
công trình đều trùng tu theo đúng nguyên gốc, vẫn còn lưu lại trên công
trình.
“Nhiều ý kiến cho rằng màu sắc lòe loẹt là do không hiểu. Màu sắc này
là dựa vào bảng màu ngũ sắc Huế. Do vôi mới quét nên nó tươi như thế,
chỉ một thời gian là màu dịu thôi” - ông Quảng nói.
|
Đài tưởng niệm trở thành không gian phục vụ lễ hội - Ảnh: MINH TỰ |
Trùng tu hay cải tạo?
Ông Quảng cho rằng việc sử dụng từ “cải tạo” ở đây là do người lập dự
án dùng sai từ ngữ. “Không phải cải tạo mà gọi là tôn tạo mới đúng” -
ông Quảng nói.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng xác định rằng khoảng 80% công trình đã được
bóc bỏ toàn bộ phần nề vữa trang trí bên ngoài để làm lại. Ông Quảng
cũng thừa nhận thật chất dự án này là nhằm cải tạo công trình “Bia
Quốchọc” thành một không gian để phục vụ lễ hội, nằm trong chuỗi không
gian ven bờ sông Hương.
Theo quan sát của chúng tôi, trên thực tế, công trình đã trở nên như
một sân khấu lễ hội, không còn dấu tích cũng như công năng của Đài tưởng
niệm chiến sĩ trận vong như ban đầu.
TS Trần Đình Hằng cho rằng Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong là công
trình mang tính thiêng, cần phải được ứng xử với tinh thần nhân văn và
hoà hợp.
“Không thể quan niệm đó là sản phẩm thời thực dân phong kiến, lại
chưa được công nhận là di tích về mặt hành chính, mà ứng xử tùy
tiện!” ông Hằng nói.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, việc chưa công nhận di tích là
sự chậm trễ của cơ quan chức năng. Nhưng dù chưa được công nhận thì giá
trị về kiến trúc - mỹ thuật hiển hiện trên công trình cho thấy nó cần
phải được bảo tồn.
Vì vậy, theo ông Hoa, việc tu bổ công trình này là quá đúng, và chỉ
nên tu bổ những phần bị hư hỏng, có nguy cơ đe dọa đến tính bền vững của
công trình, chứ không nên cải tạo mới công trình như thế, vừa làm biến
dạng di tích, vừa lãng phí tiền của, công sức.
|
Đài tưởng niệm tử sĩ ở Huế trong tạp chí Những người bạn cố đô Huế 1937 - Ảnh: MINH TỰ |
“Theo tôi, cách tốt nhất là trùng tu đúng
nguyên trạng ban đầu. Đó là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong do người
Pháp xây dựng vào năm 1920.
Đừng vì e ngại công trình này của Pháp xây dựng nhằm tưởng niệm lính Pháp mà né tránh hoặc phủ nhận.
Thời gian gần 100 năm đủ để chúng ta nhìn nhận thực chất và trả công trình này về lại giá trị lịch sử của nó!”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa