Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Chủ tịch Quốc hội: “Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình”



Thứ ba - 18/10/2016 13:13

TCNNO - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, sáng nay (18/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Trình bày sự cần thiết phải ban hành luật này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phá sản, các Luật về thuế,...
Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. 
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các Luật này bởi Luật Đầu tư có quy mô và mức độ cải cách lớn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành với những cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ giữa Luật này và các luật có liên quan…
Theo đánh giá, những hạn chế trong các quy định và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã và đang cản trở nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 vào năm 2016 và ASEAN 3 vào năm 2020. Điều đó đặt yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số luật nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu thay đổi, phát triển nhanh chóng của hoạt động kinh tế, xã hội.
Theo tờ trình, do Dự án Luật này có quy mô, phạm vi sửa đổi, bổ sung rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và được thực hiện trong thời gian rất gấp, để bảo đảm tính khả thi và chất lượng của Dự án Luật và trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với Ủy ban kinh tế Quốc hội tiến hành rà soát toàn bộ nội dung của Dự thảo Luật và đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh theo hướng chỉ giữ lại những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng.
Theo đó, dự thảo Luật này sửa đổi, bổ sung 3 nhóm quy định quan trọng, có tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, gồm: (i) ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; (ii) thủ tục hành chính đang gây cản trở hoạt động đầu tư, xây dựng; (iii) một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 8/10/2016, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến đều thống nhất với mục tiêu, quan điểm về việc cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, việc Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong đó nội dung sửa đổi liên quan đến 12 Luật hiện hành là quá nhiều, nội dung sửa đổi của từng luật cũng khá lớn (tổng cộng liên quan đến 89 điều trong các luật hiện hành), trong đó có nhiều luật mới có hiệu lực thi hành.
Việc sửa đổi số lượng lớn các điều nhưng chưa làm rõ được tính cấp thiết của các nội dung sửa đổi; tính thống nhất trong nội tại các luật hiện hành sau khi sửa đổi; tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật hiện hành được sửa đổi với nhau và với toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh tế; các luật được đưa vào sửa đổi có một số luật vừa có hiệu lực từ năm 2015 như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường... chưa có nhiều thời gian kiểm nghiệm thực tiễn và chưa có đánh giá tác động của các luật này đến môi trường đầu tư kinh doanh. Một số nội dung dự kiến sửa đổi gây mâu thuẫn, không thống nhất, đồng bộ trong nội tại của luật hiện hành và trong cả hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đa số các đại biểu đều đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải sửa luật hay không? 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật đã chuẩn bị khá công phu, song ông vẫn không khỏi băn khoăn khi hồ sơ không có ý kiến phản hồi của các đối tượng đã lấy ý kiến và đặt vấn đề: họ có đồng tình với dự thảo luật và đề xuất các vấn đề để đảm bảo hiệu quả của dự án luật này?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội băn khoăn vì tính cấp thiết đảm bảo phải ban hành luật "cởi trói" cho doanh nghiệp mà lại vi phạm Luật ban hành các văn bản pháp luật.
“Lý do để sửa không mới và có dấu hiệu lợi ích nhóm. Đồng ý tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ trình tự, phải thể hiện được tính cấp thiết”, bà Hải nói.
Cùng băn khoăn như ông Uông Chu Lưu, Tổng thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải sửa luật không? Sau khi sửa xong đợt này thì kỳ sau có sửa tiếp hay không? Nếu cứ sửa như thế này thì rất gay go.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ ra dự luật này nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự thất vọng khi đọc dự thảo luật. “Đọc dự thảo luật Chính phủ trình tôi rất thất vọng”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiến tặng mô không vì mục đích lợi nhuận, về điều này Bộ Luật dân sự đã quy định rõ, không sửa trong luật này cũng không ảnh hưởng gì. Cái gì không vì mục đích lợi nhuận đã quy định rõ trong Bộ Luật dân sự rồi.
“Ba điều sửa trong luật, tôi đọc thấy không điều nào là cần thiết, chủ yếu chỉ là thủ tục hành chính, như chứng chỉ kiểm toán viên, doanh nghiệp nào cần kiểm toán viên... trừ quy định về ngoại hối liên quan tới đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, có phải không sửa thì nhà cháy, chết người không? Chưa tới mức nhà cháy chết người! Nếu đưa ra thế này thì Quốc hội cười mất!”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay những điều kiến nghị sửa trong Luật Xây dựng cũng vậy, là thủ tục hành chính, chỉ cần cải cách thủ tục hành chính là được, đâu nhất thiết phải sửa luật.
“Cuối cùng không có điều khoản nào là thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Anh Chí Dũng (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - PV) phải xem lại thế nào chứ không thể đưa ra trình Quốc hội dự thảo luật như vậy được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau khi các thành viên Thường vụ Quốc hội thảo luận, kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, qua nghe ý kiến phát biểu của UBTVQH, quan điểm xuyên suốt của UBTVQH là luôn ủng hộ Chính phủ để cùng nhau chung lưng đấu cật giải quyết vấn đề của đất nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, dự án này nếu căn cứ vào Luật ban hành quy phạm pháp luật thì thấy rằng hồ sơ, thủ tục, quy trình, chất lượng chưa đảm bảo.
“Những vấn đề đề nghị sửa chưa thật cấp bách, có nhiều nội dung nếu làm tốt các luật đầu tư, xây dựng… thì có thể giải quyết tốt vấn đề Chính phủ nêu ra ngày hôm nay cho nên còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Ngay Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, với dự án luật này, nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ gây cản trở cho doanh nghiệp cho nên đề nghị Chính phủ về hoàn thiện lại và chưa trình ra kỳ họp thứ 2 của Quốc khóa XIV.
Theo Cẩm Tú/Th ( Infonet )

Không có nhận xét nào: