Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Việt Hoàng - Nguyễn Tấn Dũng thua Nguyễn Phú Trọng vì …thân Trung Quốc?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Sáu, ngày 22 tháng 1 năm 2016 | 22.1.16

nguyentandung_nguyenphutrong

 Đại hội 12 của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã chính thức khai mạc hôm nay 21/1/2016 và sẽ kết thúc vào ngày 27/1/2016. Người dân đang rất quan tâm đến việc bầu bán nhân sự chủ chốt của đảng nhất là với vị trí chủ chốt của “bộ tứ”. Sự đấu đá và tranh giành quyền lực diễn ra gay cấn chưa từng có trong lịch sử 70 năm cầm quyền của ĐCSVN khiến cho người dân rất phấn khích. Dẫu biết là người dân không có quyền tham gia vào cuộc thư hùng này nhưng không ai cấm được người dân bình luận.

Người viết xin minh định một điều là không ủng hộ bất cứ ai trong số đó và chỉ ủng hộ một thể chế chính trị đa nguyên, dân chủ, bầu cử tự do giữa các tổ chức chính trị để người dân tham gia lựa chọn người lãnh đạo một cách công khai và minh bạch. Qua bài viết này, người viết chủ quan đưa ra một số dự đoán và phân tích về tình hình chính trị Việt Nam để rộng đường dư luận, nó có thể đúng có thể không đúng, tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người và kết quả sẽ có sau một tuần nữa.

I. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã thua cuộc?

Theo tin tức được lộ ra từ hai hội nghị 13 và 14 thì ông Nguyễn Tấn Dũng đã không được đề cử tiếp tục ở lại trong khóa tới. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm tổng bí thư thêm 1 hoặc 2 năm nữa và ông tướng công an Trần Đại Quang sẽ là chủ tịch nước và bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là chủ tịch quốc hội. Trong đó dư luận chú ý đến hai trường hợp đặc biệt là ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng. Cho dù vẫn còn ý kiến cho rằng ông Dũng có thể lật ngược thế cờ vào phút chót như trong hội nghị 6 nhưng người viết cho rằng kết quả này sẽ không thay đổi.

ĐCSVN cầm quyền độc nhất tại Việt Nam 70 năm và cho dù trong nội bộ họ có những lúc “cơm không lành canh không ngọt” dẫn đến những cái chết khả nghi như hai trường hợp mới nhất là ông Nguyễn Bá Thanh và Phạm Quí Ngọ. Thế nhưng dù sóng gió đến đâu thì sự “đoàn kết, thống nhất” trong đảng vẫn luôn là số Một. Sự thỏa hiệp để bảo vệ quyền lợi độc quyền lãnh đạo của đảng là tối thượng. Bất cứ kẻ nào và với bất cứ một trọng trách nào trong đảng đều phải tuân thủ điều này nếu không muốn loại khỏi cuộc chơi và nhận những hình phạt khủng khiếp nhất.

Hai hội nghị 13 và 14 đã quyết định rằng ông Dũng phải về vườn với sự đồng ý của đa số 175 ủy viên trung ương đảng. Đó mới là điều quan trọng. Đại hội 12 chỉ để quay phim, chụp ảnh và trình diễn là chính. Một ngàn năm trăm (1500) vị đại biểu không có nhiều quyền lực đang họp có muốn khác đi cũng không làm được gì.

Vì sao ông Dũng lại thua cuộc? Rõ ràng đây là một cú sốc đối với ông Dũng và với nhiều người. Trước đại hội vài tháng thì khả năng ông Dũng thắng cuộc là 80-90%. Nhiều nhà bình luận và quan sát quốc tế cũng cho là như vậy. Theo người viết thì có hai lý do chính:

1. Vì ông Dũng có ý định làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước rồi làm …tổng thống?

Không biết điều này có phải là do ông Dũng và bộ sậu của ông nghĩ ra hay không? Cũng có thể đây chỉ là những “ước mơ viển vông” của một bộ phận trí thức nhân sĩ Việt Nam, vì bất lực trước thời cuộc và bế tắc trong suy nghĩ nên họ đành trông chờ vào một phép màu nào đó. Luồng dư luận này cho rằng ông Dũng nếu lên làm tổng bí thư thì có thể kiêm luôn cả chức chủ tịch nước và rồi ông ta sẽ giải tán đảng CSVN và chuyển đổi thể chế theo kiểu Putin của nước Nga…

Những người đặt niềm tin vào ông Dũng vì cho rằng ông thân Mỹ và chống Trung Quốc qua những câu phát biểu phản đối Trung Quốc. Chuyện ông Dũng “thân Mỹ, chống Tàu” hoàn toàn không có bằng chứng gì mà chỉ đơn giản là cảm tính. Nhưng chính luồng dư luận này đã “giết chết” ông Dũng.

Như người viết đã trình bày trong bài “Vì sao Việt Nam không có Aung San Suu Kyi lẫn Thein Sein?”, hệ thống ĐCSVN được xây dựng và đặt trên một đường ray cố định, bất cứ kẻ nào có ý định bẻ lái sang hướng khác hoặc thay đổi lịch trình “tiến lên xã hội chủ nghĩa” đều bị trừng phạt ngay lập tức. Hay có thể giải thích một cách nôm na và dễ hiểu như blogger VietTuSaiGon rằng ĐCSVN giống như một đám nhậu đang sở hữu độc quyền một mâm thịt chó, thằng to có phần to, thằng nhỏ có phần nhỏ và quan trọng nhất là không được thằng nào hất mâm thịt chó đi.

Việc ông Dũng có ý định một mình sỡ hữu “mâm thịt chó” là điều không thể chấp nhận được đối với những kẻ có máu mặt còn lại trong đảng, vì vậy ông Dũng phải ra đi. Việc ông Dũng “thoát nạn” trong hội nghị 6 thực ra không có gì lạ vì khi đó, nếu có kỷ luật ông Dũng thì cũng chỉ là “nhắc nhở” hoặc “cảnh cáo” là cùng.

Một lý do nữa khiến ĐCSVN quyết tâm loại ông Dũng vì chính tấm gương của ông Tập Cận Bình. Họ sợ là khi ông Dũng thâu tóm được thiên hạ thì sẽ “đả hổ, diệt ruồi” như Tập Cận Bình đang làm bên Trung Quốc. Ngay cả Chu Vĩnh Khang, một ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc vẫn bị thanh trừng vì “tội tham nhũng”.

2. Vì ông Dũng thân Trung Quốc?

Trái ngược với nhiều người, bản thân người viết cũng như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cho rằng ông Dũng là người làm được nhiều việc có lợi cho Trung Quốc nhất. Blogger Lê Anh Hùng cũng đồng ý như vậy, ví dụ qua bài viết “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “chống Trung Quốc” quyết liệt như thế nào?”. Trong suốt lịch sử Việt Nam chưa có bao giờ Trung Quốc được thuận lợi đến thế trong việc xâm nhập sâu và toàn diện vào Việt Nam từ kinh tế, chính trị đến văn hóa. Việt Nam gần như đã phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trong mọi lĩnh vực từ chủ quyền lãnh thổ đến an ninh quốc gia. Ông Dũng là người đứng đầu chính phủ nên phải là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Ông Dũng cũng chính là “hung thần” đối với phong trào dân chủ Việt Nam thời gian qua. Các bản án kinh khủng đối với những người hoạt động ôn hòa đều được tuyên án dưới thời ông Dũng trị vì, đơn cử bản án 16 năm tù với ông Trần Huỳnh Duy Thức, 12 năm với ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh… Cũng chính ông Dũng là người nhắc đi nhắc lại câu “kiên quyết không để hình thành và nhen nhóm các tổ chức chính trị đối lập…”.

Việc ông Tập Cận Bình có chuyến thăm vội vã trước đại hội 12 và đích thân mời một mình ông Dũng thăm Trung Quốc như là một sự ủng hộ ra mặt dành cho ông Dũng. Tiếc thay, chính điều này càng khiến ban lãnh đạo ĐCSVN quyết tâm loại bỏ ông Dũng. Dù rằng ĐCSVN luôn nhất quán dựa vào Trung Quốc để tồn tại nhưng một số thành phần trong lãnh đạo đảng đã nhận ra rằng Việt Nam ngày càng lún sâu vào con đường phụ thuộc Trung Quốc. Tinh thần dân tộc và tấm gương của Tân Cương hay Tây Tạng làm cho họ lo lắng, nhất là khi Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ tham vọng bá quyền trên biển Đông.

II. Vì sao ông Nguyễn Phú Trọng được chọn?

Việt Nam vẫn chọn đối sách đu dây trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc nhưng vẫn nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn. Tuy nhiên Trung Quốc không còn là chỗ dựa vững chắc cho Việt Nam nữa. Lý do đúng như bài viết cách đây 9 tháng của ông Nguyễn Gia Kiểng: “Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang”. Chuyến đi vội vã và gấp gáp của ông Nguyễn Sinh Hùng đến Bắc Kinh sau hội nghị 13 đã được sáng rõ. Ông Hùng gặp Tập Cận Bình để báo cáo và thanh minh, thanh nga việc ĐCSVN đã không chọn ông Nguyễn Tấn Dũng làm tổng bí thư như ý Trung Quốc. Lý do mà ông Hùng đưa ra có thể là việc “ông Dũng thân Mỹ”, bằng chứng là các đơn từ có đầy đủ địa chỉ và tên tuổi của người tố cáo, trong đó nhấn mạnh đến việc ông Dũng thông gia với một gia đình là “sĩ quan tình báo Việt Nam Cộng Hòa” cũ. Ông Hùng cũng sẽ hứa hẹn duy trì “đại cục” hữu hảo với Trung Quốc… Tập Cận Bình dù không muốn cũng phải đồng ý vì không thể làm gì được.

Việc ông Trọng được giữ lại thêm nửa nhiệm kỳ nữa cũng có thể không phải là ý muốn của riêng ông Trọng mà là quyết định tập thể của bộ chính trị. “Tính kế thừa” là nguyên tắc sống còn của đảng để không gây ra bất cứ sự xáo trộn hay thay đổi nào. Quy chế ứng cử và bầu cử được thông qua trong ngày đầu tiên họp trù bị đã qui định rất rõ là những người không được ban chấp hành khóa 11 đề cử thì không được nhận ứng cử và đề cử của đại hội 12 (chỉ thị 244). Ông Trọng dù già và “lú” nhưng ông phải ngồi lại làm trọng tài cho “mâm thịt chó” để tránh cảnh tranh giành nhau của thế hệ tiếp theo.

Vì sao lại là ông Trọng mà không phải là một khuôn mặt nào khác? Lý do chỉ có một, chẳng có ai là sáng giá trong bộ chính trị, cả cũ lẫn mới. Đây là nhận định của giáo sư Carl Thayer. Chính sự sàng lọc quái gở của qui trình bầu chọn lãnh đạo trong đảng đã loại bỏ tất cả những ai có năng lực và thực tài. Đừng quên câu nói mới đây của ông Trọng là “không để người có tham vọng lọt vào trung ương…”.

Việc dư luận cho rằng ông Trọng “thân Trung Quốc” hơn Mỹ cũng chỉ là đánh giá bề nổi, vì thực ra ông nào cũng thế thôi. Ông Trọng bị coi là thân Trung Quốc vì rằng ông là tổng bí thư đảng mà đảng CSVN thì luôn muốn giữ đảng bằng mọi giá và xem việc kết giao với Trung Quốc như là một biện pháp để bảo vệ đảng khỏi các “thế lực thù địch”. Nếu thực sự ông Trọng “thân Trung Quốc” thì không thể có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ hồi tháng 7/2015.

III. Việt Nam sẽ ra sao sau đại hội 12?

Chúng ta có thể thấy rất rõ một điều là ĐCSVN hoàn toàn bế tắc. Muốn dựa vào Trung Quốc để tồn tại cũng không được nữa vì Trung Quốc đang gặp khủng hoảng nội bộ rất lớn. Trung Quốc có muốn giúp Việt Nam cũng không thể. Muốn quay sang Hoa Kỳ và các nước dân chủ cũng không được vì khác biệt quá lớn về thể chế chính trị.

Chỉ riêng việc không thể tìm được người thay thế cho ông Trọng vào vị trí tổng bí thư khóa 12 cũng làm cho hình ảnh của Việt Nam và ĐCSVN trở nên méo mó và xấu xí đi rất nhiều trong con mắt bạn bè quốc tế. Với họ thì một gương mặt già nua và bảo thủ không hứa hẹn được điều gì tốt lành. Dù rằng ông Trọng và ĐCSVN đã hứa phê chuẩn hiệp ước TPP.

Đại hội 12 sẽ kết thúc trong sự “thành công rực rỡ”, sân khấu hạ màn, ai về nhà nấy. Người dân Việt Nam sẽ nhanh chóng quên đi sự kiện này để rồi tiếp tục làm khán giả cho các sự kiện tiếp theo, cũng kịch tính và gay cấn không kém. ĐCSVN luôn biết cách tạo ra các sự kiện để người dân theo dõi và tha hồ bàn tán, miễn sao quên đi và đừng bao giờ hỏi vì sao ĐCSVN lại cho mình cái quyền lãnh đạo đất nước vô thời hạn như vậy?

Cuộc sống của người dân Việt Nam ngày càng tồi tệ đi và sẽ gặp nhiều cú sốc sau đại hội. Sự ra đi của ông Dũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều hũ mắm sẽ vỡ tung và người dân sẽ lãnh đủ.

Mọi sự tốt đẹp chỉ có thể bắt đầu thay đổi và có hy vọng khi người dân Việt Nam nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng ý thức được một điều quan trọng là phải ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ đối lập để làm đối trọng và cạnh tranh với ĐCSVN. Không có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng phái chính trị thì mãi mãi Việt Nam sẽ không có bất cứ một sự thay đổi nào.

Việt Hoàng

(Thông Luận)

Không có nhận xét nào: