AI NGỒI GHẾ TỔNG BÍ THƯ ?
Ngày 13-1-2016, báo Người Việt tại Nam Cali tung tin :
“Một nguồn tin khả tín của báo Người Việt cho hay, … .Kết quả bỏ phiếu kín đề cử cho 4 chức danh chóp bu hay gọi nôm na là “tứ trụ” bao gồm: Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư: 137/175 phiếu, Trần Đại Quang – Chủ tịch Nước: 157/175 phiếu, Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng: 153/175 phiếu và Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc Hội: 161/175 phiếu”.
Tin này làm chấn động dư luận Người Việt trên đất Mỹ, người ta tin rằng “nguồn tin khả tín” của báo NV xuất phát từ ông Nguyễn Tấn Dũng bởi vì người ta liên tưởng tới tấm hình ông Nguyễn Tấn Dũng ngồi họp mật với ông Đỗ Ngọc Yến, chủ báo Người Việt, vào năm 1998. ( Bức hình này được con gái ông ĐNY và chủ nhiệm báo Người Việt Phan Huy Đạt xác nhận là có thật ).
Hậu quả của bài báo này này là dư luận trong và ngoài nước tin chắc phe cấp tiến của ông NTD đã bị phe bảo thủ của ông NPT lật đổ. Hầu hết đều tiếc cho NTD, họ cho rằng chưa chắc NTD tốt lành gì, nhưng dầu sao cũng tốt hơn Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang.
Ngay ngày hôm sau, 14-1-2016, RFA vội nhờ ông (bà?) Kami xác nhận lại rằng tin của báo Người Việt là “tin đồn đoán thiếu cơ sở”. Tuy nhiên bài viết của Kami lại lấy tựa là “Cuộc đua chưa hết, song ông Nguyễn Tấn Dũng khó có thể trở thành Tổng bí thư” khiến cho những người nào chuyên đọc báo mạng bằng cách lướt qua tựa đề hoặc đọc “nhảy cóc” ( Đọc một đoạn bỏ một đoạn ) tin chắc rằng NTD sẽ rớt đài.
Đảng CSVN đính chính
Ngày 16-1-2016, ông Vũ Ngọc Hoàng – ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương- trả lời phỏng vấn cho Báo Tuổi Trẻ :
“…với hội nghị lần này (Hội nghị 14 khóa XI), tôi thấy đây là một hội nghị đúng như Tổng Bí thư nói là “thành công rất tốt đẹp”, các ý kiến trao đổi rất thẳng thắn, chân thành, dân chủ, trách nhiệm và cuối cùng đã thống nhất cao”.
“…Trung ương đã thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” giới thiệu tái cử khóa XII. Trước hết Trung ương bỏ phiếu quyết định chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”, hai trường hợp “đặc biệt” hay ba trường hợp “đặc biệt”. Cuối cùng Trung ương quyết định chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”.
Nghĩa là mới đầu có đề xuất sẽ miễn tuổi cho vài Ủy viên bộ chính trị, người ta bỏ phiếu kín là nên miễn tuổi cho 1 người, 2 người, hay 3 người. Nhưng sau khi bỏ phiếu Hội nghị 14 TW chỉ chấp nhận miễn tuổi cho 1 người trong số 10 Ủy viên BCT của khóa 11 đã quá tuổi hạn định cho nhiệm kỳ khóa 12. ( Tuổi hạn định là 65 tuổi ).
“… Tại hội nghị, lúc đầu thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng bỏ phiếu kín thì số phiếu rất tập trung”.
“… bỏ phiếu kín về phương án một trường hợp “đặc biệt” uỷ viên Bộ Chính trị khoá XI được giới thiệu tái cử khóa XII, Trung ương đã thống nhất cao theo đề xuất của Bộ Chính trị”.
Nghĩa là quyết định “chỉ miễn tuổi cho 1 người” là do Bộ chính trị đề xuất ( Hay ra lệnh thì đúng hơn ); còn Hội nghị chỉ bỏ phiếu thuận đề xuất đó. Số phiếu thuận không biết là bao nhiêu nhưng nói là thống nhất cao thì có lẽ là 90 hay 95%.
Vậy thì ai là người duy nhất trong số 12 người quá hạn tuổi 65 được miễn tuổi ?
Nhìn lại danh sách 16 Ủy viên khóa 11 thì có 6 người đủ tuổi ở lại khóa 12, đó là các ông Huynh, Nhân, Phúc, Quang, và 2 bà Ngân, Phóng. Còn lại trong số 10 người kia thì sẽ có 1 người được đặc cách miễn tuổi.
Nhưng miễn tuổi cho chức vụ nào thì không thấy ông Vũ Ngọc Hoàng nói tới. Tuy nhiên bên lề cuộc họp báo ngày 18-1-2016 ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng CSVN, cho biết : “Tổng bí thư phải là nhà lãnh đạo xứng tầm, không có giới hạn tuổi cho chức danh này”.
Như vậy cái người duy nhất được miễn tuổi sẽ là người giữ chức Tổng bí thư sau này. Vấn đề được gút lại là người TBT khóa 12 sẽ là 1 trong 10 người trên 65 tuổi. Lọc lại trong 10 người đó thì chỉ còn ông Dũng, ông Trọng và ông Sang là “xứng tầm”.
Thế nào là xứng tầm ?
Cũng theo ông Vũ Ngọc Hoàng thì 2 tiêu chuẩn để chọn Tổng bí thư là :
“Một là chọn người không tham nhũng, không có ‘lợi ích nhóm’ tiêu cực”.
Sợ người ta hiểu lầm ông NTD thuộc loại “tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực” cho nên ông VNH giải thích thêm cho rõ hơn : “Ở đây chúng ta phê phán lợi ích nhóm hiểu theo nghĩa tiêu cực, nó là một dạng tham nhũng có tổ chức, đặt lợi ích cá nhân, cục bộ bất hợp pháp trên lợi ích chung của quốc gia, dân tộc”.
*[ Dĩ nhiên NTD không thuộc vào loại tham nhũng có tổ chức, coi lợi ích “bất hợp pháp” lớn hơn lợi ích dân tộc. Mà nếu có đi nữa thì bố ai mà trưng ra được bằng chứng chứng minh NTD tham nhũng đến độ đặt lợi ích cá nhân lên trên. Trong khi NTD xuất thân là Trung tướng Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh của Bộ Công an. Chỉ có ông ta và tay chân của ông ta ( Bộ trưởng Công an và các ông tướng công an ) mới biết ai tham nhũng bao nhiêu, tạo mãi ở đâu và cất giấu ở ngân hàng ngoại quốc nào ].
“Hai là phải đổi mới, không bảo thủ”
Sợ người ta hiểu lầm, ông VNH giải thích thêm cho rõ : “tôi dùng đến từ là đổi mới căn bản. Trong dự thảo Văn kiện đã nói là đổi mới đồng bộ, toàn diện. …
“…. Tình hình hiện nay phải đổi mới căn bản thì mới giải quyết căn bản được tình hình. Tôi hiểu giá trị của việc phải ổn định để phát triển, nhưng đổi mới căn bản không có nghĩa là không ổn định, không có nghĩa là làm mất ổn định, mà đổi mới căn bản mới có một sự ổn định căn bản, lâu dài, thực chất, chắc chắn”.
*[ Vậy thì ông Sang, ông Trọng rớt đài bởi vì hai ông này không hội đủ tiêu chuẩn “đổi mới đồng bộ, toàn diện”. Riêng ông Trọng còn bị mắc vào tiêu chuẩn “bảo thủ” ]
Rốt lại chỉ còn NTD là người hội đủ điều kiện cho chức tân TBT. Tuy nhiên theo ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh văn phòng Trung ương ĐCSVN thì còn phải qua 2 cuộc bỏ phiếu kín nữa thì chức tân Tổng bí mới được công nhận :
Cuộc bỏ phiếu kín thứ nhất diễn ra vào chiều ngày 27-1. Toàn thể 200 tân Ủy viên Trung ương ĐCSVN khóa 12 sẽ bỏ phiếu kín chấp thuận nhân vật TBT mà 175 Ủy viên khóa 11 đã quyết trong Hội nghị TW 14. Và cuộc bỏ phiếu thứ hai là vào sáng ngày 28-1-2016, toàn thể Đại hội sẽ bỏ phiếu chấp thuận quyết định của tân Ban chấp hành TW.ĐCSVN vào chiều ngày 27.
Dĩ nhiên hai cuộc bỏ phiếu kín cuối cùng chỉ là thủ tục tấn phong Tân TBT đã được HNTW 14 quyết vào ngày 13-1-2016.
Hậu quả của sự nhiễu loạn tin đồn.
Mặc dầu tin đồn của báo Người Việt đã được RFA ( Kami ) đính chính là tin thất thiệt nhưng cũng không thể nào đánh bạt tin NTD bị thất thế. Vì vậy người ta phải nhờ “Người Đưa Tin” ( Một bút danh khác của Kami ? ) tung lên trang mạng Dân Luận bài viết “Sự thật về HNTW 14 : Nguyễn Phú Trọng thua phiếu Nguyễn Tấn Dũng trong việc đề cử TBT” :
“Sau cuộc cãi lộn, mạt sát trì triết lẫn nhau diễn ra và cuối cùng một số đại biểu đã đứng dậy và dàn hòa các bên để vãn hồi trật tự tại nghị trường…. Kết quả là HNTW đã bỏ phiếu cho ứng viên Nguyễn Tấn Dũng đối với vị trí TBT với số phiếu 160/173 (chỉ đứng sau số phiếu bầu của ứng viên Nguyễn Thị Kim Ngân 161/173 cho vị trí Chủ tịch Quốc Hội).
Lá bùa của Người Đưa Tin không trấn áp nỗi lá bùa của báo Người Việt nhưng dầu sao cũng đủ tác dụng để người ta bán tín bán nghi cả báo Người Việt lẫn Dân Luận. Và rồi người ta tạm ngưng bàn bạc để ngồi chờ kết quả vào sáng ngày 28-1-2016.
BÙI ANH TRINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét