Ông Vũ Quốc Hùng: "Kẻ đem cả vali đôla đến Ủy ban Kiểm tra biếu xén vô liêm sỉ đến trắng trợn"
Phải quyết liệt để ngăn hành vi vi phạm
Theo đó, tại cuộc họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kể lại việc từng có người đem cả vali đầy đôla đến UBKT định biếu, xén, lấp liếm hối lộ.
"Tôi nói đồng chí cán bộ kiểm tra mở ra xem là cái gì? Mở vali ra thấy tiền, đô la, tôi nói khoá lại, lập biên bản…" – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhớ lại.
Vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII nhìn nhận, đấu tranh chống tham nhũng phức tạp, khó khăn, nếu không có dũng khí, tình cảm chân chính, bản lĩnh thì dễ mắc lắm.
"Tôi xin khẳng định phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Vừa qua mới là hạn chế nó, ngăn ngừa một bước. Còn tiền, còn chức, còn quyền, nếu người ta không tu dưỡng, rèn luyện thì còn xảy ra tham nhũng" – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ.
Trao đổi với Dân Việt xung quanh câu chuyện có đối tượng phạm tội định dùng tiền để "chạy" sai phạm, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận, qua sự việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra, có thể thấy không thể tưởng tượng được các đối tượng lại làm trò bỉ ổi, bẩn thỉu đến như thế.
Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng thông tin, vào thời điểm ông làm việc ông chưa từng chứng kiến những cảnh trắng trợn đến thế.
Nói sâu về vấn đề các loại tội phạm sẵn sàng dùng vật chất, đem cả vali tiền đôla tới để mua chuộc nhà chức trách, ông Vũ Quốc Hùng nhận định là do vấn đề chọn cán bộ. Cần nhìn nhận việc chọn cán bộ thế nào mà để họ sai phạm, rồi lại dùng tiền để "bịt" sai phạm.
"Rồi cái vụ Vũ Nhôm, Út trọc, cũng là một công ty sân sau của cơ quan nào đó. Họ có thể phải đi đút lót để được nhận các công trình. Giờ thì bao nhiêu người chịu tội về những hành vi liên quan trong các vụ án mà họ bị xét xử" – ông Vũ Quốc Hùng dẫn chứng.
Nói một cách khá gay gắt, vị chuyên gia cho rằng, từ xưa đã có câu nói "nén bạc đâm toạc tờ giấy", bây giờ làm thế nào để dẹp, để không có chạy chức chạy quyền, không có cán bộ có hành vi vi phạm để làm những người tử tế, trong sáng, không bao giờ để đồng tiền nó mua chuộc được là một điều phải quyết liệt. Việc lựa chọn nhân sự phải hợp lý, tinh nhuệ, đủ đức, đủ tài.
Kẻ dùng tiền để "chạy án",
"chạy tội" là kẻ vô liêm sỉ
"Cán bộ cũng là con người, cũng có cảm giác, thấy ăn ngon thì thèm, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng nói rồi, phải có lương tâm, trách nhiệm, có liêm sỉ. Phải biết danh dự là như thế nào, còn đối với những loại tội phạm có ý định dùng tiền để "chạy án", "chạy sai phạm" thì gọi là vô liêm sỉ rồi, nói làm gì nữa" – Ông Vũ Quốc Hùng nhận định.
Mặt khác, vẫn bàn về công tác cán bộ, theo ông Vũ Quốc Hùng, tại sao để người vô liêm sỉ vào chức chỗ nọ, chỗ kia, công tác cán bộ phải nắm rõ việc này.
"Những người đứng đầu, một trong những nhiệm vụ là chọn được cán bộ tử tế, còn nếu người đứng đầu là kẻ tham nhũng thì lại chọn quân cũng như thế" - ông Hùng nêu quan điểm.
Mặt khác, theo ông Hùng, các đối tượng đã có hành vi định hối lộ ai đó, hối lộ chức vụ nào đó, chúng sẽ nghiên cứu. Ví dụ, sẽ xem ông cán bộ này thích ăn thứ gì, thích ăn ra sao, khi biếu quà cáp thì người cán bộ lại thấy xúc động khi biết được thói quen của mình. Như thế, nếu là tình đồng chí là tốt, nhưng nghiên cứu tâm lý, nghiên cứu đặc điểm để mà mua chuộc cán bộ thì cần phải xử lý nghiêm.
Hiện nay, viện dẫn các cơ sở văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước đều thể hiện rõ ở những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ hay tiêu cực.
Các quy định trong Đảng có hết rồi, biện pháp xử lý thì đã có luật pháp quy định đầy đủ hết, chỉ còn xem có thực thi pháp luật quyết liệt không thôi" – ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ thêm.