Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động

Người hâm mộ trải bạt ngồi gần ba giờ nghe Lệ Quyên, Bằng Kiều v.v...
hát trong đêm tưởng niệm 18 năm Trịnh Công Sơn qua đời.

Tối 30/3, đêm nhạc Gọi tên bốn mùa diễn ra tại sân vận động Hoa Lư, quận 1, TP HCM. Chương trình tiếp nối chuỗi liveshow ngoài trời được gia đình Trịnh Công Sơn tổ chức định kỳ hàng năm - vốn bị ngưng vào năm 2017 và 2018 vì thiếu kinh phí, nhân lực. Đêm nhạc mở đầu cho loạt hoạt động tưởng niệm 18 năm cố nhạc sĩ qua đời (1/4/2001), là liveshow nhạc Trịnh lớn nhất trong năm.
Bằng Kiều - một trong những ca sĩ góp mặt trong đêm nhạc.
Bằng Kiều - một trong những ca sĩ góp mặt trong đêm nhạc.
19h30 đêm nhạc mới bắt đầu song từ 17h, khán giả từ khắp các quận, huyện đổ dồn về địa điểm tổ chức. Càng sát giờ biểu diễn, lượng khán giả càng tăng. Từng dòng xe máy nối đuôi nhau khiến khu vực gửi xe bị tắc nghẽn. Ban tổ chức cho biết 20.000 lượng vé phát miễn phí đã "cháy" từ vài ngày trước. Tại cổng ra vào, những tấm vé được phe đầu nậu rao bán với giá từ 50.000 - 100.000 đồng mỗi chiếc.
Khán giả quây quần bên nhau ở sân vận động thưởng thức nhạc Trịnh.
Khán giả quây quần bên nhau ở sân vận động thưởng thức nhạc Trịnh.
Sài Gòn đang vào mùa nóng, không khí cuối giờ chiều chưa bớt oi ả. Trên sân vận động, khán giả bắt đầu tập trung thành những nhóm nhỏ. Những câu lạc bộ nhạc Trịnh khuấy động không khí bằng các ca khúc quen thuộc như Nối vòng tay lớn, Hãy yêu nhau đi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui... Khán giả bắt nhịp, vỗ tay theo những tiết mục văn nghệ với trống thùng và guitar mộc. Nhiều kệ CD, băng cassette nhạc Trịnh của các giọng ca Khánh Ly, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc... cũng níu chân khách tham quan.
Ban tổ chức chỉ bố trí một lượng ghế nhỏ cho khách mời. Khán giả chọn cách trải thảm và ngồi bệt để tận hưởng âm nhạc. Không ai bảo ai, họ đều cố gắng ngồi sát nhau, chừa chỗ cho người tới sau. Khán giả thuộc nhiều độ tuổi, song đa số là trung niên - những người một thời tuổi trẻ đã ăn, ngủ, sống cùng nhạc Trịnh. Hàng năm, họ đến các đêm nhạc, như một cuộc hành hương tìm về những giá trị nguyên bản của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sau nhiều năm ông rời xa "cõi tạm".
Khán giả bật đèn flash từ điện thoại khắp sân vận động để hưởng ứng ca sĩ.
Khán giả bật đèn flash từ điện thoại khắp sân vận động để hưởng ứng ca sĩ.
Lấy tay phe phẩy tờ quảng cáo cho bớt nóng, chị Hoàng Yến (quận Bình Tân) kể chị cùng con gái bắt taxi đến với chương trình từ chiều. Nhiều ngày trước, chị phải nhờ con gái đến Nhà văn hóa Thanh niên xin vé. Chị tự nhận là fan của chuỗi chương trình từ năm 2012, lúc sự kiện còn diễn ra ở quận 7. Hai năm gần đây, đêm nhạc bị ngừng, chị vẫn đến dự các buổi diễn quy mô nhỏ ở đường sách Nguyễn Văn Bình. "Dù vậy, tôi vẫn không thấy 'đã' bằng việc nghe nhạc Trịnh ở không gian lớn. Nhạc Trịnh phù hợp ở mọi không gian, từ phòng trà đến nhà hát, nhưng phải ở sân vận động mới thấy được tính cộng đồng của người hâm mộ Trịnh và sức lan tỏa từ nhạc sĩ tài hoa này", chị Yến tâm sự.
Đêm nhạc kéo dài gần ba giờ với khoảng 25 ca khúc, quy tụ hầu hết ca sĩ từng gắn bó với các chương trình do gia đình Trịnh Công Sơn tổ chức. Phần đầu là sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ. Lân Nhã là một trong những ca sĩ mở màn với lối hát đĩnh đạc, tự sự qua các ca khúc Hoa vàng mấy độ, Đêm thấy ta là thác đổ. An Trần - con gái 15 tuổi của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn - lấy nhiều tiếng vỗ tay khi thổi saxophone bản Còn tuổi nào cho em. Đồng Lan làm mới nhạc Trịnh bằng jazz khi trình diễn song ngữ Việt - Pháp bài Này em có nhớ, Thành phố mùa xuân. Đức Tuấn khuấy động chương trình với liên khúc Xin cho tôi - Ta đã thấy gì đêm nay. Hưởng ứng chương trình Giờ Trái đất, anh nhờ ban tổ chức giảm ánh sáng và "xin" khán giả chiếu đèn flash từ điện thoại để tạo hiệu ứng thị giác.

Video Player is loading.


Hiện tại 4:17
/
Thời lượng 4:37
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%

Âm lượng 50%
Lân Nhã hát 'Hoa vàng mấy độ' (Trịnh Công Sơn sáng tác).

Các tiết mục đến từ những nghệ sĩ "đinh" được sắp xếp ở nửa cuối chương trình. Tay kèn Trần Mạnh Tuấn chơi lại nhạc phẩm Em đi bỏ mặc con đường. Nghệ sĩ saxophone được gia đình Trịnh Công Sơn xem như người em trong nhà, đồng thời là giám đốc âm nhạc chương trình năm nay. Quang Dũng - trong bộ áo dài của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, em gái cố nhạc sĩ - khoe giọng trầm qua hai nhạc phẩm Chiều một mình qua phố, Ru đời đi nhé. Tự nhận là giọng ca mới trong địa hạt nhạc Trịnh, Lệ Quyên trình bày Ru em từng ngón xuân nồng, Sóng về đâu... với những quãng ngân giọng, bỏ nhỏ. Bằng Kiều níu chân khán giả đến 22h với liên khúc Mưa hồng - Chiếc lá thu phai.

Video Player is loading.


Hiện tại 0:24
/
Thời lượng 2:17
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%

Âm lượng 94%
Lệ Quyên hát 'Ru em từng ngón xuân nồng' của nhạc sĩ họ Trịnh.

Giữa các tiết mục, những đoạn ghi âm giọng Trịnh Công Sơn vang lên như một điểm nhấn. Khi bản thu Em đi bỏ mặc con đường của cố nhạc sĩ được phát, không khí đêm nhạc trầm lại. Một khán giả tấm tắc: "Trong hàng trăm ca sĩ hát Trịnh, người hát hay nhất không ai khác ngoài chính nhạc sĩ".
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, xúc động khi thấy đêm nhạc kết thúc mà khán giả vẫn còn đầy ắp. Nhiều năm thực hiện chuỗi chương trình tưởng niệm anh trai, chị và người nhà không ít lần gặp khó khăn về tài chính. Tuy vậy, họ hạn chế kêu gọi tài trợ vì không muốn đêm nhạc bị thương mại hóa. "Sau 18 năm, ngày càng nhiều nhạc phẩm của anh được phổ biến, cho thấy di sản âm nhạc đồ sộ mà anh để lại. Sinh thời, Trịnh Công Sơn dồn tâm huyết để ca ngợi tình yêu, hòa bình. Chúng tôi hy vọng những sáng tác ấy trở thành biểu tượng về khát khao hòa bình từ một công dân Việt", chị chia sẻ.
Quang Dũng biểu diễn với áo dài do em gái nhạc sĩ thiết kế.
Quang Dũng biểu diễn với áo dài do em gái nhạc sĩ thiết kế.
Sắp tới, hai đêm Nhớ Trịnh Công Sơn 2019 diễn ra tối 2-3/4 tại Nhà hát TP HCM, có sự tham gia của danh ca Nhật Bản Tokiko Kato, Hồng Nhung, Lệ Quyên, Quang Dũng, Đức Tuấn... Như mọi năm, một đêm nhạc Trịnh tại đường sách Nguyễn Văn Bình cũng diễn ra vào ngày 1/4. Gia đình mở cửa nhà riêng của nhạc sĩ ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1) cho khán giả đến thắp hương tưởng niệm, bố trí xe đưa khán giả viếng mộ nhạc sĩ tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức. Gia đình nhạc sĩ đang hợp tác với một hãng phim sản xuất bộ phim xoay quanh mối tình dang dở của ông với cô gái Nhật - Michiko Yoshii, dự kiến ra mắt ngày 1/4/2021 (tròn 20 năm ông mất).
Mai Nhật
Ảnh: Hữu Khoa
https://vnexpress.net/giai-tri/20-000-khan-gia-sai-gon-ngoi-bet-nghe-nhac-trinh-o-san-van-dong-3902456.html

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương: từ “Ly rượu mừng” đến “Nửa hồn thương đau”

 0
Cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương – và cũng là ca sĩ Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long – có thể được tóm gọn trong hai ca khúc để đời: “Ly rượu mừng” và “Nửa hồn thương đau”. Trong số hơn 50 bài hát ông sáng tác, xin chọn hai bài điển hình này vì nhiều lý do.
Phạm Đình Chương viết nhạc cho đời theo hai tâm trạng của mình: từ hoan lạc đến buồn tủi, hay nói rộng ra là từ lạc quan đến bi quan. Trong suốt cuộc đời “chìm nổi” của mình, người nhạc sĩ luôn sống trong 2 thái cực và đó cũng là lý do người hát cũng như người nghe nhận ra ngay cuộc đời của ông: vui ít, buồn nhiều. Thế cho nên, “Ly rượu mừng” và “Nửa hồn thương đau” được chọn cho hai tâm trạng đó.
Phạm Đình Chương xuất thân từ một gia đình văn nghệ nổi tiếng tại Hà Nội. Cha ông, Phạm Đình Phụng, lấy người vợ đầu và có hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung trong ban hợp ca Thăng Long.
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Sơn Tây, trong một gia đình mang huyết thống nghệ sĩ và có cuộc đời gắn bó cùng âm nhạc. Phạm Đình Chương đã đến với âm nhạc từ những nỗ lực tự học hỏi tìm hiểu bằng chính tâm hồn nhạy cảm của mình.
Hầu như những sáng tác của ông trong giai đoạn đầu đều chất chứa những đặc tính: phiêu lãng nhưng chân thật, lãng mạn nhưng hiện thực và nhất là nét đằm thắm, trữ tình đầy tình yêu quê hương, con người và đất nước. Ông đã từng tham gia ban văn nghệ quân đội Liên Khu 4 trong những ngày đầu tiên kháng chiến chống Pháp theo tiếng gọi của non sông.
Ban Thăng Long: Hoài Trung, Thái Thanh, Hoài Bắc
Sau một thời gian, gia đình Phạm Đình Chương quay trở về Hà Nội. Tại đây, năm 1949, gia đình họ Phạm thành lập Ban hợp ca Thăng Long với ba giọng ca chính là Hoài Bắc, Hoài Trung và Thái Thanh.
Khi di cư vào Nam, ban Thăng Long được tăng cường thêm các anh em, dâu rể một nhà và được xem là ban hợp ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn, gắn liền với phòng trà “Đêm Màu Hồng”, trình bày những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Duy.
Ban Thăng Long phiên bản đầy đủ: Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh
Một trong những sáng tác của Phạm Đình Chương đã đi sâu vào lòng người miền Nam mỗi độ xuân về là ca khúc “Ly rượu mừng”. Tuy nhiên, kể từ 1975 bài hát này không nằm trong danh mục các nhạc phẩm cũ được trình diễn trước công chúng.
Phải chờ sau 41 năm sau bản nhạc tưởng chừng như “vô tội vạ” mới được “cởi trói”. Báo Thanh Niên giải thích lý do: mãi đến năm 2016 “Ly rượu mừng” mới được cởi trói là vì người lính được ca tụng trong đó là “người lính chống Pháp” trong cuộc kháng chiến. Thế cho nên, đêm 31/12/2016 bài hát được chính thức xuất hiện trước công chúng trong Chương trình “Giai điệu Tự hào” trên Truyền hình Quốc gia.


Bản nhạc được sáng tác với âm điệu tươi vui như một lời chúc Tết tốt đẹp theo truyền thống dân tộc. Lời chúc đó gửi tới mọi thành phần xã hội: từ “anh nông phu”, “người công nhân”, “đôi uyên ương”, “người nghệ sĩ” cho đến các thương gia và binh sĩ. Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã được lòng khán thính giả và là tác phẩm được nghe và hát nhiều nhất trong mỗi dịp xuân về tại Miền Nam.
Theo Wikipedia, “Ly Rượu Mừng” được Phạm Đình Chương sáng tác vào năm 1952 cùng với hai bản “Đợi chờ” và “Hò leo núi”. Cũng theo nguồn này, nhạc sĩ “dinh tê” về Hà Nội năm 1951 và thành lập ban hợp ca Thăng Long trong đó có ca sĩ Hoài Bắc. Người ta không khỏi thắc mắc tại sao nhạc sĩ Phạm Đình Chương tại sao lại lấy tên Hoài Bắc trong khi vẫn ở miền Bắc?
Tại miền Nam, tờ nhạc “Ly Rượu Mừng” được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành lần thứ nhất năm 1956 và ghi rõ “Ấn quyền 1956 của Tinh Hoa”. Có lẽ đây là bằng chứng chính xác nhất vì nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã từ trần ngày 22/8/1991 tại California. Quả là “Ly rượu mừng” và người nhạc sĩ sáng tác ra nó vẫn còn nhiều bí ẩn.
Có thể nói, cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đượm nhiều uẩn khúc và nhiều bi kịch. Năm 1953 ông lập gia đình với ca sĩ và sau này là diễn viên nổi tiếng, Khánh Ngọc. Những người thuộc lứa đầu bạc chắc không thể nào quên ca sĩ Khánh Ngọc của thập niên 50 trong bản nhạc Pháp “Cerisier Roses et Pommiers Blances” với lời Việt “Vườn xuân ong bướm, ngất ngây ngất ngây lòng ta…” .
Vào năm 1955, một đoàn làm phim Mỹ-Phi đến Sài Gòn để tìm diễn viên cho bộ phim “Ánh sáng miền Nam” và Khánh Ngọc đã được chọn đóng vai chính. Cuộc đời tình ái của đôi trai tài-gái sắc Phạm Đình Chương-Khánh Ngọc tràn trề hạnh phúc… cho đến khi xảy ra chuyện động trời trong đại gia đình nhạc sĩ.
Bi kịch có liên quan đến nhiều thành viên: Nhạc sĩ Phạm Duy là chồng của Thái Hằng, Thái Hằng là chị của Phạm đình Chương và cũng là chị của Thái Thanh. Khánh Ngọc là vợ của Phạm Đình Chương, Phạm Duy trong vai trò anh rể lại “tằng tịu” với Khánh Ngọc, em dâu của mình.
Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh dư luận. Với tình yêu nồng thắm buổi ban đầu, ông không thể nào tin vào sự ngoại ti`nh đã được đồn thổi. Điều thương tâm nhất là ông vẫn yêu thương, tin tưởng vợ và bỏ ra ngoài tai những điều không tốt lành của giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn.
Cho đến một buổi tối “định mệnh”, Phạm Đình Chương cùng với những người bạn thân “bắt tại trận” cuộc tình vụng trộm của đôi tình nhân tại quán chè ở Nhà Bè – Gia Định. Sáng hôm sau, một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng được tung ra trên tờ nhật báo “Sài Gòn Mới” của bà Bút Trà. Vụ “ăn chè Nhà Bè” khiến cả Sài Gòn đều biết.
Cho dù Phạm Duy cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng các bài điều tra, phóng sự nhưng “hoạ vô đơn chí”, trong cuộc đời này, cái gì càng giấu giếm bao nhiêu, càng được “bùng nổ” và thêu dệt bấy nhiêu.
Nỗi đau dày xé tâm can và sự tan nát của một đại gia đình nghệ sĩ đã “đánh gục’ nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi ông phát hiện chuyện vượt ra ngoài luân lý. Đã có lúc Phạm Đình Chương nghĩ quẫn, nhưng tiếng khóc của đứa con trai đưa ông về hiện tại. Ông gạt nước mắt đau thương, nộp đơn ly dị lên toà án. Vụ việc kết thúc và Phạm Đình Chương được quyền nuôi đứa con trai lúc bấy giờ khoảng 5 tuổi.
Biến cố đó là một động lực cho sáng tác “Nửa hồn thương đau” với những ca từ như nức nở:
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…
“Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu?
Em ở đâu?
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.
Đôi khi anh muốn tin.
Đôi khi anh muốn tin.
Ôi những người, ôi những người.
Khóc lẻ loi một mình…”

“Nửa hồn thương đau” chính thức ra đời năm 1970 để chấm dứt một thời kỳ sáng tác u uẩn và quạnh quẽ của một người chồng vẫn một lòng thương yêu người vợ đã phản bội mình. Bản nhạc như rút ruột lòng người và bản nhạc cũng đánh dấu một giai đoạn sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc phận.
Khi ra nước ngoài, Phạm Đình Chương vẫn sáng tác một số ca khúc mang tính cách hoài niệm: “Bên trời phiêu lãng”, “Cho một thành phố mất tên”, “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”… Và trong khi “Ta ở trời tây” Phạm Đình Chương có lời nhắn nhủ: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”.

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Hiện tượng ca sĩ Thúy Hằng và Cô Lái Đò Bến Hạ

 0
Vào thập niên 1980-1990, có một nỗi băn khoăn, lo ngại trong làng nhạc Việt ở hải ngoại là sự thiếu vắng các gương mặt trẻ, là những tiếng hát và tài năng cần thiết cho sự sinh động, mới mẻ của nhạc hải ngoại ở xứ người.
Vào lúc đó thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt ở hải ngoại hầu như không biết gì về quê hương nguồn gốc, không rành tiếng Việt, do hoàn cảnh thực tế, môi trường sống khó khăn làm cho cha mẹ Việt không có nhiều thời gian cho việc truyền lại những kiến thức về văn hóa nguồn gốc cho con cái. Khi mà tiếng Việt của thế hệ trẻ hải ngoại còn nghèo nàn, không thông thạo thì khó lòng mà tìm ra được những giọng hát trẻ của cộng đồng Việt hải ngoại, vì họ không thể diễn tả được những tình cảm, tâm tư sâu sắc, thâm trầm trong các tác phẩm âm nhạc luôn đòi hỏi sự diễn đạt cảm xúc mạnh mẽ như là dòng nhạc miền Nam Việt Nam.
Chính vì thế mà các nhà sản xuất băng nhạc ở hải ngoại lúc đó đã phải trông chờ vào những tài năng trẻ từ ở trong nước sang định cư ở hải ngoại để thỏa mãn nhu cầu cần có những khuôn mặt mới, luồng sinh khí tươi trẻ cho sinh hoạt trình diễn âm nhạc ở quê người. Làn sóng các ca sĩ nổi tiếng từ trong nước sang hải ngoại lập nghiệp ở thập niên 1980-1990 điển hình nhất là Thế Sơn, Nguyễn Hưng, sau này là Như Quỳnh, Mạnh Đình, Thủy Tiên, Ngọc Ánh… là những ca sĩ “trẻ” đã nổi tiếng trước từ trong nước.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là không có sự xuất hiện nào của thế hệ ca sĩ gốc Việt được sinh ra tại hải ngoại, hấp thụ nền văn hóa xứ người nhưng vẫn mang trong mình dòng máu và nền văn hóa Việt, đó là ca sĩ Thúy Hằng, một hiện tượng ở hải ngoại vào giữa thập niên 1990, nổi tiếng khi mới 14 tuổi.
Thúy Hằng sinh năm 1981, có cha là người Việt tên là Vũ Đức Tuấn, mẹ là người Mỹ. Năm 1987, cha mẹ cô ly dị, để lại một bầy 6 người con nhỏ ở chung với cha bà bà nội. Theo bà Vũ Thị Giữ, là bà nội của Thúy Hằng, kể rằng sau năm 75, khi bà mang các con sang Mỹ, bà không bao giờ ngờ rằng chỉ ít năm sau bà có một người con dâu ngoại quốc và có đứa cháu nội đầu tiên là bé gái lai Mỹ, trông vẻ bề ngoài thì Mỹ nhiều hơn Việt, từ màu da đến ngôn ngữ, đó chính là ca sĩ Thúy Hằng.
Từ lúc được sinh ra cho đến khi lên 6, Thúy Hằng gần gũi với mẹ và sống hoàn toàn trong môi trường Mỹ. Sau này khi cô được ở với bà nội, bà Vũ Thị Giữ gặp rất nhiều khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng, nhưng vì thương cháu nên bà đã vượt qua. Bà kể lại:
“Tôi đâu ngờ cuối cùng Chúa đã cho lại tôi đứa cháu không những đúng là cháu tôi, nói tiếng Việt, ngoan ngoãn, hiếu thảo, mà cháu còn làm cho gia đình chúng tôi hãnh diện. Tôi nhớ lần đầu tiên khi cháu tham dự cuộc thi hát do Cộng đồng Công Giáo New Marrero tổ chức ở New Orleans nhân hội chợ Tết năm 1993, khi nghe cháu hát bài Lòng Mẹ, chúng tôi là người khóc trước nhất. Phần tôi thương cháu, phần tôi trộm nghĩ nếu mẹ cháu ở đâu đó nghe được hoặc hiểu được con bé nó nói cái gì, hát cái gì, thì không biết cô ta sẽ nghĩ sao về sự bỏ bầy con đành đoạn mà đi như vậy”.
Có thể là Thúy Hằng cảm nhận được tấm lòng tận tụy và yêu thương của bà nội, nên chỉ một thời gian ngắn, đang từ một đứa trẻ không biết nói tiếng Việt, Thúy Hằng đã không chỉ thủ thỉ với bà mà còn có thể diễn tả được những tình cảm sâu sắc trong các bài hát tiếng Việt.
Cụ bà Vũ Thị Giữ kể thêm, chính bà là người cặm cụi tự tay cắt, may, khâu từng mũi chỉ của chiếc áo dài màu tím để cho cháu bà xuất hiện trong video Hollywood Night số 15 với bài Mười Năm Áo Tím.
“Khi cháu nó mặc thử chiếc áo dài màu tím này trước mặt tôi, tôi thấy nó rớm nước mắt, tôi phải quay đi chỗ khác” – Bà xúc động nhớ lại.
Thúy Hằng có chất giọng thiên phú mà theo những người trong nghề cho biết là chỉ những ai mang hai dòng máu mới sở hữu được. Đó là sự khỏe mạnh, mức vạm vỡ trong tiếng hát để thích hợp với những nhạc phẩm ngoại quốc, và sự mềm mại, ngọt ngào để thích hợp với những nhạc phẩm tình cảm, dịu dàng của Việt Nam.
Năm 1995, khi mới 14 tuổi, Thúy Hằng được trung tâm Mây Productions mời thu hình cho cuốn Video Hollywood Night số 14, ngay lập tức cô gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Rất nhiều thư yêu cầu đã được gửi đến cho Mây Productions nên Thúy Hằng lại xuất hiện trong Hollywood Night số 15 với nhạc phẩm Mười Năm Áo Tím, cũng là tên gọi chủ đề cho cuốn Video số 15 của Hollywood Night.

Thúy Hằng thực hiện được 7 CD ở trung tâm Mây Productions, trong đó cô được biết đến nhiều nhất qua bài hát Cô Lái Đò Bến Hạ với chất giọng trong trẻo đầy cảm xúc. Tuy nhiên, đáng tiếc là chỉ một thời gian sau, Thúy Hằng dừng đi hát khi ở tuổi còn rất trẻ để tiếp tục con đường học hành, sau đó trở thành một nha sĩ và lập gia đình.
Vào khoảng năm 2008, có một đoạn video trên youtube quay lại hình ảnh một người tên Thúy Hằng bị bạo bệnh qua đời, sẵn dịp lâu rồi không thấy Thúy Hằng xuất hiện ca hát, người ta đã đồn ầm ĩ chuyện ca sĩ Thúy Hằng qua đời. Thậm chí trên một tờ báo khá nổi tiếng ở trong nước còn loan tin là “ca sĩ hải ngoại Thúy Hằng ra đi sau cơn bạo bệnh”. Tờ báo này còn khẳng định là “tang lê~ Thúy Hằng được cử hành theo nghi lễ Phật giáo”. Sau đó, ông Trần Thăng, cựu giám đốc trung tâm Mây Productions đã lên tiếng đính chính về “tin vịt” này và cho biết Thúy Hằng vẫn khỏe mạnh, ít xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ, chỉ thỉnh thoảng lưu diễn trong cộng đồng.
Trang báo trong nước tung tin đồn thất thiệt về ca sĩ Thúy Hằng
Hình ảnh hiện nay của “nha sĩ Thúy Hằng” cùng với chồng
Vợ chồng ca sĩ Thúy Hằng
Thúy Hằng là trường hợp hiếm hoi, hoặc có thể xem là duy nhất trong các ca sĩ hải ngoại, là ca sĩ mang hai dòng máu Việt – Mỹ, nổi tiếng từ rất sớm, nhưng cũng giã từ hào quang sân khấu rất sớm khi mới ngoài 20 tuổi.
Đông Kha
(tham khảo tin tức từ nhà báo Khuê Văn hải ngoại)