Học viên Pháp Luân Công mong đợi một nước Trung Quốc mới
Sau 17 năm, cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần này xem ra đang giảm bớt, và các học viên Pháp Luân Công đang chờ đợi những gì sắp đến tiếp theo
Vào thời điểm của những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc trong năm 1989, ông Vuơng Hữu Quần (Wang Youqun) chỉ mới bắt đầu làm luận án tiến sĩ [với đề tài] về mối bất hòa về mặt lý thuyết giữa Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư của [tổng thống] Josip Tito và Liên Xô [cũ].
Những năm 1980 là một thập kỷ tương đối tự do ở Trung Quốc – Cách mạng Văn hóa đã kết thúc, đất nước [Trung Quốc] đã được xây dựng lại, và người dân Trung Quốc đang suy nghĩ cho bản thân mình về một đất nước mà họ mong muốn sẽ như thế nào [trong tương lai]. Đồng thời rất khó có thể bỏ qua những vấn đề chính trị và xã hội đã gây ra bởi một nhóm người cộng sản cấp cao tham nhũng và cố thủ.
Cũng giống như các sinh viên có lý tưởng tại Quảng trường Thiên An Môn, ông Vương cũng muốn làm một cái gì đó [để chống lại] tham nhũng đang tràn lan ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đã tránh thu hút sự chú ý về mình, và quyết định tấn công vào tham nhũng từ bên trong: bằng cách làm việc trong ủy ban kỷ luật nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Quảng cáo
Cuối cùng, ông Vương đã trở thành cánh tay phải cho người lãnh đạo đầy quyền lực Vi Kiến Hạnh (Wei Jianxing), người đứng đầu cơ quan điều tra nội bộ của ĐCSTQ. Ông Vương đã cùng đi với ông Vi tham dự những cuộc họp tối mật và soạn thảo các bài phát biểu cho ông Vi.
Trong suốt những năm 1990, ông Vương cũng bắt đầu theo tập các môn tu luyện truyền thống của Trung Quốc, được gọi là khí công, mà lúc đó được phổ biến trên khắp đất nước [Trung Quốc]. Trong năm 1995, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã nhanh chóng trở thành môn khí công có ảnh hưởng lớn nhất [ở Trung Quốc]. Mọi người đều bị cuốn hút bởi những lời dạy về đạo đức của Pháp Luân Công và bởi những cải thiện về sức khỏe mà những học viên [Pháp Luân Công] thường trải nghiệm.
Ông Vương khó có thể biết rằng ông và đức tin mới của mình sẽ sớm bị nhắm làm mục tiêu cho cuộc đàn áp, và trở thành kẻ thù mới số 1 của ĐCSTQ.
Trước năm 2010, ông Vương đã bị tước bỏ vị trí với những đặc ân của mình, bị làm nhục trước mặt đồng nghiệp của mình, bị biệt giam và bị thẩm vấn với áp lực cao.
Sự thăng quan và mất chức của ông Vương Hữu Quần đã phản ánh sát sao số phận của [các học viên] Pháp Luân Công ở Trung Quốc: đầu tiên họ được nhà nước [Trung Quốc] ca ngợi, sau đó họ bị phỉ báng và bị tấn công một cách dã man.
[Giờ đây], 24 năm sau khi Pháp Luân Công lần đầu tiên được truyền ra công chúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1992 [hồi thứ nhất], và 17 năm sau khi cuộc đàn áp bắt đầu [hồi thứ hai], câu hỏi mà ông Vương đặt ra bây giờ là: sẽ có hồi thứ ba? – một sự hồi sinh của môn tu luyện ở Trung Quốc và sự minh chứng cho hàng chục triệu người đã kiên trì với đức tin của mình?
Chính trị mang tính cá nhân
Pháp Luân Công là một môn tu luyện truyền thống của Trung Quốc – tu luyện là một thuật ngữ dùng để chỉ việc tự thay đổi bản thân mình thông qua rèn luyện đạo đức và thực hiện các bài tập công pháp đặc biệt. Người theo học Pháp Luân Công cố gắng tuân thủ các nguyên tắc về Chân, Thiện và Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày, và suy ngẫm về những khó khăn xảy đến với họ như là những cơ hội để cải thiện bản thân mình. Pháp Luân Công bao gồm 5 bài tập nhẹ nhàng.
Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã tham gia vào một chiến dịch đàn áp tàn bạo, nhằm loại bỏ môn tu luyện Pháp Luân Công. ĐCSTQ đã gặp khó khăn hơn rất nhiều so với dự kiến. Các chỉ thị đã được đưa ra bởi cựu lãnh đạo tối cao Giang Trạch Dân, người dường như cảm thấy cá nhân bị xúc phạm bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công. “Lẽ nào người cộng sản chúng ta vốn có sẵn lý luận chủ nghĩa Mác, tin tưởng thuyết duy vật, thuyết vô thần, lại không chiến thắng nổi mấy thứ ‘Pháp Luân Công’ hay sao?” Ông Giang đã viết trong một lá thư gửi đến những quan chức hàng đầu của ĐCSTQ.
Điều này đã gây ra một thảm họa nhân quyền và huy động một lực lượng an ninh lớn nhất ở Trung Quốc kể từ thời kỳ Mao Trạch Đông. Với phong cách kinh điển của một phong trào quần chúng theo phong cách Mao, thực tế tất cả mọi người trong xã hội đã bị tràn ngập với tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công, và họ bị đòi hỏi phải tuyên bố lập trường của mình là ủng hộ hay chống lại [Pháp Luân Công]. Học sinh bị buộc phải ký vào một tờ giấy nói rằng môn tu luyện [Pháp Luân Công] là một “dị giáo” trong ngày đầu tiên đến trường. Các học viên [Pháp Luân Công] đã bị cô lập, bị đấu tranh chống lại, bị bỏ tù và bị tra tấn.
Những lãnh đạo cấp cao, các quan chức và cựu quan chức của ĐCSTQ cũng không được để yên. Nhiều người đã có gia đình hoặc người thân theo môn tu luyện, và họ cũng bị coi là kẻ thù chỉ trong chốc lát.
Vì lý do này mà nhiều học viên [Pháp Luân Công] cho rằng chiến dịch chống lại Pháp Luân Công [của ĐCSTQ] giống như là cuộc cách mạng văn hóa thứ hai. Cuộc cách mạng văn hóa thứ nhất được biết đến một cách rộng khắp ở Trung Quốc và ở nước ngoài, nhưng ‘cuộc cách mạng văn hóa’ thứ hai thì không như vậy. [Những học viên Pháp Luân Công là] những mục tiêu của chiến dịch [đàn áp] này vẫn còn ở trong cảnh tối tăm bởi vì họ vẫn bị coi là kẻ thù.
ĐCSTQ tiếp tục đối xử với các học viên [Pháp Luân Công] ở Trung Quốc như là những người hạ đẳng, và thái độ chính thức này đã ngấm vào trong cách mà câu chuyện Pháp Luân Công được nói đến, hay đúng hơn là không được nói đến, như thế nào trong thế giới phương Tây.
Nhiều người tập trung vào các vấn đề của người Trung Quốc vì mục đích mưu sinh, nên họ có rất ít hiểu biết về những câu chuyện và những nỗ lực cố gắng của những người như ông Vương Hữu Quần, và do đó họ thường không nhìn thấy được ý nghĩa của chiến dịch chống lại Pháp Luân Công [của ĐCSTQ], và mức độ mà cộng đồng những người theo Pháp Luân Công vẫn đương là một hiện tượng xã hội và đạo đức nghiêm trọng ở Trung Quốc đương đại.
Ít nhất, ông Vương dường như đã khiến cho tiếng nói của mình được mọi người nghe thấy.
Trong gần một thập kỷ, ông Vương đã viết thư cho những lãnh đạo Đảng cấp cao và những quan chức đã nghỉ hưu, để bảo vệ Pháp Luân Công, tuyên bố sự vô tội của mình và lên án sự thèm khát quyền lực của Giang Trạch Dân. Ông Vương đã viết những bức thư này từ chính căn hộ do nhà nước cung cấp ở Bắc Kinh, nơi ông được phép ở lại trong suốt 9 năm sau khi cuộc đàn áp bắt đầu. Ông Vương cho rằng sự khoan dung đặc biệt này là để bảo vệ cho người bảo trợ của mình, Vi Kiến Hạnh.
Cũng là người đứng đầu bộ máy kỷ luật của Đảng, ông Vi thuộc một ủy ban giám sát hệ thống an ninh. Năm 1998, trong một bữa ăn trưa, cá nhân ông Vương đã trao cho ông Vi một lá thư về những lợi ích của Pháp Luân Công, yêu cầu ông Vi làm một điều gì đó để ngăn chặn áp lực gây phiền phức đang được những người thuộc phe tư tưởng cứng rắn áp dụng đối với [các học viên Pháp Luân Công].
Ông Vương là đảng viên đầu tiên bị khai trừ khỏi ĐCSTQ do có quan hệ với Pháp Luân Công. “Tất cả các chi bộ Đảng ở cấp Trung ương ở Bắc Kinh đã có một cuộc họp, trong đó tên của tôi đã bị nêu ra”. Đây là một phương pháp kinh điển về đấu tranh chính trị trong lịch sử cộng sản [Trung Quốc] mà ở đó những đảng viên bướng bỉnh bị nêu tên và trở thành “những ví dụ tiêu cực”.
Ông Vương đã bị giam cầm khoảng 4 tháng, bị theo dõi 24 giờ mỗi ngày, và là đối tượng của những cuộc thẩm vấn dai dẳng, kéo dài. Năm 2008 – khi ông viết một bức thư gửi cho rất nhiều người – ông đã bị kết tội “sử dụng một tổ chức tôn giáo không chính thống để phá hoại việc thực thi pháp luật” và bị kết án 4 năm tù giam. Trước khi thực sự bị giam cầm tại nhà tù Tần Thành ở Bắc Kinh, ông đã trải qua hơn 532 ngày trong các trại tạm giam.
Tại New York kể từ đầu năm 2015, ông tiếp tục chiến dịch viết thư của mình, gửi đến các quan chức [Trung Quốc] đã nghỉ hưu và đề cập các vấn đề với lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình trong các bài xã luận chi tiết.
Ông Vương cho rằng trường hợp của mình là một bài học điển hình cho yếu tố cá nhân trong nền chính trị Trung Quốc. Việc người bảo trợ của ông đã có thể bảo vệ ông khỏi những gì tồi tệ nhất từ một hành động chính trị xấu xa nhất của Đảng, đã nói lên vai trò quan trọng của những nhân vật cốt cán trong việc quyết định chính sách nào được xây dựng và thực hiện như thế nào [ở Trung Quốc].
“Trung Quốc là một xã hội do một nhóm người cai trị chứ không phải là một xã hội pháp trị.” ông Vương nói.
Trong khi các nhà nghiên cứu phương Tây thông thường đều nhấn mạnh bản chất đã được thể chế hóa của chiến dịch chống lại Pháp Luân Công, và tính liên tục của chính sách này qua ba nhà lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và bây giờ Tập Cận Bình – đối với ông Vương, điều then chốt là phải thấy được được tầm quan trọng của yếu tố cá nhân [trong việc đưa ra chính sách đàn áp Pháp Luân Công].
“Cốt lõi của vấn đề là Giang Trạch Dân. Chỉ có một số ít người khác là có những suy nghĩ xấu về Pháp Luân Công”.
Và đây là những gì ông Vương hy vọng sẽ trở thành một khe hở trong ‘chiếc áo giáp bảo vệ’ ĐCSTQ, và nó cho phép khả năng thay đổi thực sự.
Lãnh đạo mới, chính sách mới
Trên thực tế, có những dấu hiệu cho thấy rằng sự thay đổi như vậy đã xảy ra. Trong khi các nhà quan sát tập trung chú ý vào sự trấn áp đa dạng đã được đẩy mạnh từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, những thay đổi trong hậu trường, trong các lĩnh vực của bộ máy chính trị Trung Quốc động chạm đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đã được kiến tạo.
Những [thay đổi] này đã bắt đầu với việc bắt giữ và truy tố Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh, và Bạc Hy Lai, nhân vật dự kiến có thể thay thế Tập Cận Bình, diễn ra từ năm 2012 đến năm 2015. Việc bắt giữ và bỏ tù một trong những nhân vật này – đặc biệt là Chu Vĩnh Khang – đã được rất nhiều người coi là không thể tưởng tượng được trước khi nó thực sự diễn ra.
Không nghi ngờ gì nữa, ông Chu từng là một trong những nhân vật quyền lực nhất tại Trung Quốc, thậm chí còn hơn cả lãnh đạo cao nhất trong thực tế, khi xét đến việc ông Chu kiểm soát không hạn chế đối với bộ máy an ninh với ngân sách còn hơn cả ngân sách dành cho các lực lượng vũ trang, và quyền lực của ông Chu đã có thể phát triển không kiềm chế trong hơn một thập kỷ.
Cả ông Chu và ông Bạc đã được thăng tiến xuyên thẳng trong hệ thống chính quyền là nhờ người bảo trợ của họ là Giang Trạch Dân, và cả hai đều hăm hở thực hiện những chính sách của Giang Trạch Dân để chống lại Pháp Luân Công trước khi họ được Giang đưa vào chính quyền trung ương như là một phần thưởng.
Ví dụ, lúc làm bí thư tỉnh ủy tại tỉnh Tứ Xuyên, ông Chu thường xuyên phát biểu về sự cần thiết đối với tất cả các cơ quan nhà nước tham gia vào “cuộc chiến chống lại Pháp Luân Công”.
Theo nhà báo Trung Quốc đáng kính Khương Duy Bình, là người mà bài viết về tiểu sử Bạc Hy Lai của ông đã khiến ông bị vào tù, Giang Trạch Dân đã nói với Bạc Hy Lai “Anh phải cho thấy sự bền bỉ của mình trong việc xử lý Pháp Luân Công …. … Nó sẽ là tương lai chính trị của anh”. Ông Khương Duy Bình hiện đang sống lưu vong tại Canada.
Hệ thống trại lao động, một trong những công cụ quan trọng để giam giữ các học viên [Pháp Luân Công], cũng đã bị xóa bỏ vào cuối năm 2013. Hệ thống này đã là một phương tiện thuận tiện nhất cho việc bức hại [các học viên] Pháp Luân Công, và các báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc vào thời điểm đó đã trích dẫn về một sự phản kháng rất lớn trong nội bộ [ĐCSTQ] đối với việc xóa bỏ hệ thống này do có số lượng lớn các tù nhân Pháp Luân Công [bị giam giữ] ở đó. (Thay vào đó, một số phương tiện khác, ít chính thống hơn, đã được sử dụng để giam giữ).
Thậm chí Lý Đông Sinh, người đứng đầu Phòng 610 – lực lượng đặc nhiệm bí mật của ĐCSTQ được thành lập để giám sát và điều phối chiến dịch chống lại Pháp Luân Công – đã bị thanh trừng. Trước khi bị loại bỏ, ông Lý hiếm khi công khai mang chức danh của cơ quan bí mật này; thay vào đó ông Lý được gọi với chức danh Thứ trưởng Bộ công an, là vai trò nhà nước chính thức. Nhưng trong thông cáo thanh trừng ông Lý, chức danh Phòng 610 đã được đề cập đầu tiên.
“Tôi nghĩ rằng có một sự mơ hồ đích thực về ý nghĩa của tất cả những gì [đang diễn ra]” ông Andrew Junker, một nhà xã hội học tại Đại học Chicago, người đang viết một cuốn sách về Pháp Luân Công, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Nhưng, có vẻ như sẽ có khả năng của một sự thay đổi trong chính sách”.
Ông Junker nói thêm rằng những diễn biến này “thực sự là một điều kỳ lạ, và rằng các quyết định có thể có khả năng dẫn đến một thời điểm cải cách xung quanh chính sách đối với Pháp Luân Công ….” “Việc Lý Đông Sinh bị tước bỏ quyền lực có ý nghĩa gì? Đó có phải là một sự ngẫu nhiên không? Có phải đó là cuộc chiến giữa các phe phái hay là nó cũng liên quan đến Pháp Luân Công? Ít nhất, đây là điều còn mơ hồ, và có nhiều cách giải thích”.
Trong một động thái gián tiếp, Chu Vĩnh Khang thậm chí đã bị lên án cho việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của các tử tù.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với Đài truyền hình Phượng Hoàng (ủng hộ Bắc Kinh), Hoàng Khiết Phu, phát ngôn viên của hệ thống cấy ghép nội tạng của của Trung Quốc, đã nhận xét: “Nó đã quá rõ ràng. Mọi người đều biết con hổ lớn. Chu Vĩnh Khang là con hổ lớn; Chu là bí thư [ủy ban chính trị và pháp luật] của chúng ta, ban đầu là một ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị. … Vì vậy đối với câu hỏi nội tạng của tử tù lấy từ đâu, không phải đã quá rõ ràng rồi ư?”
Ông Hoàng bổ sung, khi nói về ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng: “Nó đã trở nên bẩn thỉu. Nó đã trở nên tối tăm và khó chữa. Nó đã trở thành một lãnh vực cực kỳ phức tạp, vô cùng nhạy cảm, cơ bản là một lãnh vực cấm”.
Mọi người đều biết con hổ lớn. Chu Vĩnh Khang là một con hổ lớn … Vì vậy đối với câu hỏi nội tạng của tử tù lấy từ đâu, không phải đã quá rõ ràng rồi ư?– Hoàng Khiết Phu, Nguyên thứ trưởng Bộ y tế Trung Quốc, quan chức hàng đầu về cấy ghép nội tạng
Chắc chắn, nhận xét của ông Hoàng đã không đề cập đến Pháp Luân Công. Nhưng việc tiết lộ rành rành này là rất bất thường, và để mở ra khả năng nếu như bị bắt buộc, ĐCSTQ có thể gắn các tội ác [mổ cướp nội tạng] lên Chu Vĩnh Khang và những kẻ thân cận của ông ta.
Những hứa hẹn công khai về việc chấm dứt sử dụng nội tạng của tù nhân cho việc cấy ghép, và gần đây việc tái cơ cấu trong quản lý các bệnh viện quân đội (được cho là địa điểm chính thực hiện việc thu hoạch nội tạng) là hai dấu hiệu kín đáo khác cho thấy rằng việc xóa sạch [dấu vết] và che đậy [tội ác] mổ cắp nội tạng [của các học viên] Pháp Luân Công, có thể đang được thực hiện.
Việc thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống với qui mô lớn luôn được cáo buộc là tội ác cùng cực nhất, không thể tin được, và có thể đột ngột dẫn đến thay đổi nhất, mà ĐCSTQ đã làm đối với các học viên Pháp Luân Công. Những tiết lộ về một cuộc diệt chủng y học với quy mô lớn có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với tính hợp pháp của ĐCSTQ ở Trung Quốc và trên trường quốc tế.
Trong tâm điểm của sự chú ý
Trong một hoặc hai năm trước, câu chuyện về Pháp Luân Công đã nhận được sự quan tâm và chú ý của quốc tế nhiều nhất so với bất cứ thời gian nào khác kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999. Đáng chú ý nhất, bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng với qui mô lớn đang thực sự xảy ra, đã có những tiến triển lớn nhất đối với sự đón nhận của cộng đồng quốc tế.
Sự công nhận của quốc tế, rằng tội ác này là có thật, đang dần dần tăng lên. Dấu hiệu rõ ràng nhất thể hiện ở số lượng những thừa nhận của công chúng trong năm ngoái, bao gồm việc thông qua một nghị quyết của hạ viện [Hoa Kỳ] và hai giải thưởng quan trọng – Giải Peabody và giải AIB – trao cho bộ phim tài liệu “Thu hoạch Nhân thể”, một bộ phim của đạo diễn Leon Lee, một nhà làm phim ở Vancouver, Canada.
Giải thưởng Peabody về phát thanh truyền hình thường được mô tả là tương đương với giải thưởng Pulitzer (cho lĩnh vực báo chí), đòi hỏi phải có sự ủng hộ nhất trí của một hội đồng giám khảo đáng kính. Họ đã gọi bộ phim này là một “sự phơi bày của một hệ thống khổng lồ về hiến tạng cưỡng bức với lợi nhuận cao”.
“Khi các học viên Pháp Luân Công kể lại những câu chuyện của mình qua các cách thức khác nhau, mọi người đã đến để tìm hiểu về cuộc bức hại, và đã chống lại sự đàn áp một cách ôn hòa”, anh Lee cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Anh Lee chỉ là một ví dụ trong một loạt những “người kể chuyện”, những người đang đưa ra những bằng chứng về tội ác [mà ĐCSTQ] đã thực hiện đối với các học viên Pháp Luân Công, bằng một phương pháp gây được tiếng vang lớn đối với khán giả phương Tây có học thức.
Nhiều người trong số các học viên là những người đã đến các nước phương Tây trên danh nghĩa tị nạn, họ đã bị ‘xã hội hóa’ ở Trung Quốc, và cũng giống như các nhà hoạt động dân chủ của thế hệ trước đó, đôi khi họ sử dụng một phương thức giao tiếp xa lạ với những người trong ‘ngôi nhà mới’ của mình.
Hơn nữa, một phần vì Pháp Luân Công không phải là một môn tu luyện có tổ chức – không có tư cách hội viên, không có tài chính hay cơ quan trung tâm – không có bộ máy quan hệ công chúng chính thức, và dựa vào các nhóm tình nguyện viên để thực hiện công việc vận động hành lang các nghị sỹ quốc hội, chuẩn bị các thông tin cập nhật, tổ chức các sự kiện, hoặc nói chuyện với các phóng viên.
Nhưng sự xuất hiện của cô Anastasia Lâm, một học viên Pháp Luân Công, người đã được trao vương miện Hoa hậu Thế giới Canada vào tháng 5 năm 2015, đã bất ngờ khiến cho thông tin về Pháp Luân Công [được biết đến] trên toàn thế thế giới.
Sau khi cố gắng tham dự cuộc thi hoa hậu được tổ chức tại thành phố Tam Á, Trung Quốc, cô Lâm đã bị từ chối cho nhập cảnh tại sân bay Hồng Kông, sự việc này đã gây ra một cơn bão truyền thông toàn cầu. Trong các cuộc phỏng vấn, những bài phát biểu và những cuộc trình diễn nói chuyện của mình, cô Lâm, người đã sinh ra ở Trung Quốc, nhưng chủ yếu lớn lên ở Canada, đã cho thấy một khuôn mặt tươi mới, độc đáo cho môn tu luyện.
Cô Lâm không phải là một phát ngôn viên của Pháp Luân Công, cũng không phải là một chuyên gia về chủ đề này, nhưng sự mới lạ về trường hợp của cô đã đưa cô đến tâm điểm của sự chú ý, và hình ảnh của cô đã được đưa lên hàng chục các phương tiện truyền thông nổi tiếng [trên Thế giới], bao gồm cả một câu chuyện trên trang nhất của tờ New York Times. Cô được miêu tả là “lôi cuốn, khôn ngoan, và am hiểu truyền thông ……. một cơn ác mộng đối với Bắc Kinh về quan hệ công chúng [PR]”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cô Lâm đã nhận xét rằng trong những cuộc gặp gỡ của cô với các nhà báo và các nhà nghiên cứu, cô đã nhận thấy sự thiếu hiểu biết chung của mọi người về Pháp Luân Công. Ví dụ như, một số người đã không biết rằng Pháp Luân Công thực tế không có cơ cấu tổ chức chính thức hoặc những gì là nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công. “Đó không phải lỗi của họ. Các học viên đã không thực hiện một chiến dịch PR lớn. Không biết rõ cũng không sao – Vậy thì bây giờ chúng ta sẽ biết rõ”.
Nhiều đệ tử [Pháp Luân Đại Pháp] người Trung Quốc đã đến các nước phương Tây với tư cách người tị nạn, và vì thế “họ sử dụng những cách rất Trung Quốc,” cô Lâm nói. “Nó không có hiệu quả ở đây”. Tất nhiên có nhiều người phương Tây tập luyện Pháp Luân Công, “Nhưng họ có việc làm toàn thời gian. Họ không dành thời gian cả ngày cho vấn đề này”.
Tuy nhiên, cô Lâm cho biết cô đã nghe được từ những bạn bè của mình rằng hình ảnh của Pháp Luân Công trong công chúng đã thay đổi, và rằng Pháp Luân Công đã trở nên quen thuộc hơn sau khi xảy ra tình trạng trạng rắc rối về cuộc thi hoa hậu của cô. Sự nổi lên của cô Lâm là một ví dụ nổi bật nhất về Pháp Luân Công trong giới chủ lưu, và tính cách riêng của cô – hăng hái, sôi nổi, ngay thẳng – đã thay đổi các hình mẫu trước đây.
Đàn áp đã có xu hướng giảm bớt
Tất nhiên, rút cục thì những câu hỏi quan trọng về tình thế toàn cầu của Pháp Luân Công sẽ liên quan đến việc các học viên ở Trung Quốc sẽ sinh sống như thế nào và chiến dịch chống lại Pháp Luân Công ở đó đang ở trạng thái như thế nào.
Bức tranh [hiện nay] là lẫn lộn. Trong năm vừa qua, rất nhiều các học viên [Pháp Luân Công] ở Trung Quốc đã nộp đơn kiện hình sự phản đối Giang Trạch Dân, mô tả cuộc đàn áp mà ông Giang khởi xướng đã gây ra sự vắt kiệt tài chính, tra tấn, hay mất mát sinh mạng của các thành viên gia đình như thế nào. Đặc biệt ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, trung tâm của sự đàn áp, phản ứng [của chính quyền Trung Quốc] đối với những đơn kiện pháp lý này đã rất tàn bạo.
Tháng 9 năm ngoái tại tỉnh Liêu Ninh, để trả thù cho việc nộp đơn khiếu nại chống lại Giang Trạch Dân, các sỹ quan công an đã xô đẩy học viên Pháp Luân Công Ngô Đông Huy (Wu Donghui) xuống cầu thang tại nơi làm việc của cô. Sau đó, họ tống tiền từ người cha của cô 15.000 Nhân dân tệ (2.300 USD, tương đương khoảng 25% mức lương trung bình hàng năm của một công nhân đô thị ở Trung Quốc).
Vào tháng 1, cô Trần Tĩnh (Chen Jing) ở Giai Mộc Tư, một thành phố biên giới, tiếp giáp với vùng Siberia [Liên Bang Nga], đã bị bắt giam và bị tra tấn: Cô bị kéo ngược về phía sau, bị trói chân và tay với nhau, và sau đó bị kéo lên trên một sợi dây buộc vào một ống sưởi nóng.
Sự tra tấn không thể chịu đựng nổi này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, để cố ép cô phải đổ tội cho các học viên bạn bè của mình. Một sĩ quan công an sau đó đã bẻ gãy tất cả các ngón tay trên một bàn tay của cô, theo một bản báo cáo trên Minghui.org, một trung tâm thu thập, sàng lọc, duy trì và cung cấp thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Nhưng, những trường hợp này là hoàn toàn trái ngược với những trải nghiệm giống như của bà Thịnh Hiểu Vân (Sheng Xiaoyun), mẹ vợ của người nổi tiếng Ben Hedges, người dẫn chương trình trên YouTube về quan điểm của phương Tây đối với Trung Quốc, được phát sóng trên Đài truyền hình Tân Đường Nhân.
Bà Thịnh, cũng ở miền bắc Trung Quốc, đã không bị đánh đập hay bị tra tấn. Thay vào đó, 10 ngày mà bà trải qua trong tù sau khi nộp đơn kiện hình sự chống lại Giang Trạch Dân có vẻ giống như một công việc [được làm] chiếu lệ: Bà đã được phép thực hiện các bài tập Pháp Luân Công trong khi bị giam giữ, và thậm chí được đọc thuộc lòng các bài giảng của Pháp Luân Công. Khi bà được thả tự do, máy tính bị tịch thu của bà đã thực sự được trả lại cho bà.
“Ngày nay, công an đối xử với các học viên Pháp Luân Công đã tốt hơn trước” bà Thịnh nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Họ biết rằng các học viên là những người tốt, đã bị ‘gắn mác’ sai lầm. Đôi khi họ không cố gắng ngăn cản bạn nếu như bạn nói sự thật về Pháp Luân Công. Cũng có những công an viên biết sự thật”.
[Trong khi đó] những người khác đã có thể nộp đơn kiện pháp lý của mình để phản đối Giang Trạch Dân mà không gặp bất kỳ sự quấy rối nào. Một thập kỷ trước đây, nếu cố làm như vậy sẽ dẫn đến một bản án tử hình.
“Đảng đã không thực sự đưa ra một chính sách rõ ràng từ đầu để ngăn cấm hoạt động này”, ông Hạ Nhất Dương (Xia Yiyang), Giám đốc cấp cao về nghiên cứu và chính sách tại Quỹ Luật Nhân quyền cho biết. Điều này giải thích tại sao lại có rất nhiều cách đối xử khác nhau [của các chính quyền địa phương khác nhau] đối với các nguyên đơn [những người đã nộp đơn kiện hình sự chống lại Giang Trạch Dân].
Cho dù đấy không phải là một sự thay đổi chính sách, khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, các quan chức vốn là những mắt xích trong chuỗi ra mệnh lệnh đàn áp Pháp Luân Công, đã không còn bất khả xâm phạm nữa– Hạ Nhất Dương, Quỹ Luật Nhân quyền
Sự trừng trị đối với các cán bộ tham gia vào cuộc đàn áp, đang nói lên nhiều điều hơn. “Cho dù đấy không phải là một sự thay đổi chính sách, khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, các quan chức vốn là những mắt xích trong chuỗi ra mệnh lệnh đàn áp Pháp Luân Công, đã không còn bất khả xâm phạm nữa”, ông Hạ cho biết.
Trong quá khứ, những cán bộ này đã được phép [đối xử với các học viên Pháp Luân công] rất hung hăng bởi vì ưu tiên [bấy giờ] là đàn áp, chứ không phải [để thực thi] một chính phủ chính trực. “Bây giờ, các nhân vật chính trong chuỗi ra mệnh lệnh không còn được bảo vệ nữa. Đây là một sự thay đổi lớn”.
Tất nhiên, chính sách chính thức chống lại Pháp Luân Công vẫn chưa thay đổi. Và các học viên không hy vọng hay mong đợi một “bình phản”, một thuật ngữ chính trị Trung Quốc, có nghĩa là phục hồi chính trị. (Thuật ngữ được coi là mơ hồ vì cách thức mà nó mặc nhiên cho ĐCSTQ đặc quyền quyết định những nhóm người nào là hợp pháp và những nhóm người nào là bất hợp pháp [trong xã hội Trung Quốc]).
Thay vào đó, các học viên chờ đợi rằng sự minh chứng cho tín ngưỡng của mình sẽ xảy ra khi ĐCSTQ sụp đổ.
Đồng thời họ đang tham gia vào một nỗ lực để giúp người dân Trung Quốc chuẩn bị cho tình huống này, trong khi cũng khuyến khích Tập Cận Bình hãy đẩy nhanh quá trình về phía trước và bảo vệ vị trí của mình trong lịch sử như là một phần của thỏa thuận.
Trung Quốc sau cuộc đàn áp
Từ năm 2005, cộng đồng [các học viên] Pháp Luân Công đã tham gia, một cách ôn hòa, vào một nỗ lực làm suy yếu nguyên tắc chính trong sự cai trị của ĐCSTQ [đó là]: sự ủng hộ cho ĐCSTQ trong tâm trí của người dân Trung Quốc. Đây là phản ứng của [các học viên] Pháp Luân Công khi sự việc đã trở nên rõ ràng, trong khoảng năm 2004, rằng bất kỳ hình thức chung sống nào với chế độ [Trung cộng] đã trở thành không thể.
Biểu hiện cụ thể nhất của phản ứng này là phong trào ‘Thoái Đảng’ (tuidang) ở Trung Quốc. Thoái Đảng là phong trào kêu gọi mọi người Trung Quốc hãy đưa ra một lập trường riêng đối với chế độ [Trung cộng] bằng cách thêm tên của mình vào một danh sách của những người từ bỏ ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó [như đoàn, đội]. Trung tâm Tam thoái, mà cơ sở dữ liệu của nó được lưu trữ trên các máy chủ chạy các phiên bản tiếng Trung của Epoch Times, đã đăng ký được trên 200 triệu tuyên bố tam thoái cho đến nay. Những người tuyên bố Tam thoái không những bao gồm những đảng viên chính thức mà còn bất kỳ người Trung Quốc nào.
“Đây không phải là một phong trào chính trị mà chúng tôi muốn mọi người xuống đường để biểu tình” ông David Tompkins, một phát ngôn viên của tổ chức này cho biết. “Đó là việc mọi người thoát khỏi những năm tháng bị nhồi sọ mà họ đã lớn lên cùng với ĐCSTQ, để giải thoát bản thân mình khỏi ĐCSTQ”
“Thoái đảng là một tầm nhìn về một đất nước Trung Quốc mới mà người Trung Quốc có thể có, và một tương lai mới thực sự, nhưng không có Đảng Cộng sản,” ông Tompkins nói thêm.
Ông Tompkins nói rằng trong năm nay đã có nhiều hơn những trường hợp từ bỏ ĐCSTQ mà sử dụng tên thật của mình chứ không chỉ là dùng bút danh. “Những tiếng nói bất đồng chính kiến đang phát triển mạnh mẽ hơn và mọi người ít sợ hãi hơn đối với sự đàn áp hay trả thù từ chế độ”.
Kể từ khi [các học viên] Pháp Luân Công có lập trường phản đối sự đàn áp dã man [của chính quyền Trung Quốc] đối với mình vào năm 1999, họ đã hành động chỉ theo cách đơn giản là phủ định một số chân lý cơ bản nhất của ĐCSTQ trong việc kiểm soát Trung Quốc.
Như David Palmer, một giáo sư về tôn giáo của Trung Quốc, sống tại Hồng Kông, đã viết “Pháp Luân Công đã đưa ra một hình ảnh của một trật tự khác mạnh mẽ, có khả năng huy động quần chúng và không sợ ĐCSTQ” trong cuốn sách “Cơn sốt khí công” của mình.
Không ai tin vào Đảng. Mọi người chỉ tìm lợi ích riêng cho mình– Vương Hữu Quần
Vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, 3 tháng trước khi cuộc đàn áp chính thức bắt đầu, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tụ tập ở Bắc Kinh gần khu vực Trung Nam Hải của Đảng, để yêu cầu một môi trường pháp lý và an toàn cho việc tu luyện của mình.
Giải thích cho điều này, ông Palmer đã viết: “Cho đến ngày hôm nay, quyền lực chính trị ở Trung Quốc chỉ được thực hiện một phần, thông qua một bộ máy kiểm soát và đàn áp, và nhiều hơn thế, thông qua nhận thức chủ quan và sự lo sợ [của người dân] trước chính quyền Trung Quốc. Việc tăng cường những cảm giác [lo sợ] này [của người dân], thông qua công tác tuyên truyền và phô diễn sức mạnh, vì thế rất quan trọng [đối với ĐCSTQ]. Cuộc biểu tình ở Trung Nam Hải là một mối đe dọa [đối với ĐCSTQ, vì nó] làm tiêu tan sự sợ hãi của người dân, và chuyển giao quyền lực tượng trưng cho Pháp Luân Công”.
Mong muốn được minh chứng cho Pháp Luân Công không phải là mong muốn ủy mị để trở về với vòng tay của Đảng, như ngay cả một số các nhà hoạt động dân chủ cứng rắn nhất của các thế hệ trước đó, đôi khi đã hy vọng. Theo quan điểm của các học viên [Pháp Luân Công], không thể có hòa giải với ĐCSTQ, mà chỉ có một nước Trung Quốc mới mà không có ĐCSTQ.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rất nhiều vấn đề mà một số người mô tả như một cuộc khủng hoảng, và sự chia rẽ chưa từng có trong ĐCSTQ, tiềm năng xảy ra một sự thay đổi quan trọng dường như không thể tránh khỏi – và đó là cái mà cộng đồng [các học viên] Pháp Luân Công đã sẵn sàng đón đợi.
Trong mối tương tác của mình với những cán bộ Đảng cấp cao, ông Vương Hữu Quần cảm nhận được rằng rất nhiều người trong chế độ [Trung Quốc] đã có một ấn tượng sâu sắc về sự kháng cự kiên cường của các học viên [Pháp Luân Công] trong suốt 17 năm qua.
Sự hy sinh của họ cho đức tin của mình là một sự tương phản hoàn toàn với sự tự bảo toàn mạng sống và theo đuổi vật chất của các quan chức Trung Quốc. “Không còn ai tin tưởng vào chủ nghĩa Mác nữa”, ông Vương nói. “Không ai tin vào Đảng. Mọi người chỉ tìm lợi ích riêng cho mình”.
Chỉ nghĩ rằng việc đàn áp môn tu luyện đã không còn thịnh hành về chính trị, hay thậm chí là nó có thể kết thúc, cũng đã làm cho một số người trong bộ máy an ninh phải sợ hãi. Họ muốn biết ‘gió đang thổi theo chiều nào’ và việc thanh trừng hệ thống đàn áp [các học viên] Pháp Luân Công của Tập Cận Bình đã khiến cho tâm trí họ bất an.
“Đây là một hệ thống độc tài toàn trị, với sự kiểm soát và giám sát tập trung. Trong mỗi khu vực, quyền lực của quan chức phụ trách là tuyệt đối. Nhưng ngay sau khi người đứng đầu thay đổi, mọi thứ có thể thay đổi “, ông Vương nói. “Nếu Giang Trạch Dân qua đời, chính sách đàn áp có thể thay đổi hoàn toàn”.